Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tục lệ rước lợn khao quân độc đáo ở La Phù




lon
Vào ngày 13, 14 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm, ở xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) diễn ra lễ tế giỗ thu hút được nhiều khách thập phương tham dự. Đặc biệt nơi đây có tục lễ rước lợn hết sức độc đáo và hấp dẫn. Nuôi lợn ăn cơm… đứng
Theo các cụ già ở La Phù kể lại, tục rước lợn nơi đây bắt nguồn từ việc khao quân của Đức thánh Tam Lang Đại Vương, một lạc tướng thời Hùng Vương, có công đánh giặc Thục. Tục truyền, mỗi khi Đức thánh tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân.

Sau này, vị tướng tài ba đã “hóa” vào ngày 14 tháng Giêng ở làng La Phù. Do đó, người dân lấy ngày 13, rạng ngày 14 tháng Giêng là ngày dân làng tổ chức khao quân và cũng là ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương.
Ông Nguyễn Văn Sùng, một người cao tuổi ở đình La Phù kể rằng, để được trở thành “cai đám” (người cung cấp lợn cho buổi rước), người dân phải đăng ký từ năm trước.  Sau đó, các cụ già có uy tín trong xóm đó họp nhau lại bàn bạc, chọn ra người ưu tú nhất để giao… “ông lợn” phục vụ cho lễ hội năm sau.
Người La Phù tin, nếu có một “ông lợn” to, đẹp để tế thánh, được chăm bẵm công phu và không bệnh tật thì cả xóm sẽ được hưởng lộc. Do đó, việc lựa chọn người chăm sóc lợn rất khắt khe. Cai đám buộc phải là người có đức, tài, con cái phải có đủ 2 vế (có cả con gái và con trai)…
Là một người từng được làm cai đám, anh Nguyễn Quang Sơn, 49 tuổi (xóm Minh Khai II) kể, khi nhận trọng trách, cả một năm trời gia đình anh không dám lơ là việc chăm bẵm “ông lợn.” “Các cụ có câu, nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng nhưng lúc tôi nuôi ‘ông’, chả dám… nằm chút nào,” anh vui vẻ nói.


Những "ông lợn" của người La Phù được trang trí rất đẹp với lớp mỡ
lá dát mỏng trên mình.
Vì công việc chăm sóc này hết sức quan trọng nên người nuôi lợn để tế lễ cũng phải tách bạch riêng “ông lợn” với đàn lợn nhà mình đang nuôi. Chế độ ăn uống của “ông” cũng đặc biệt: Mùa hè phải tắm rửa sạch sẽ, thức ăn không được trộn cám công nghiệp. Thi thoảng, phải “bồi dưỡng” bằng bột sắn, đường… Đôi khi, “ông lợn” còn được “chén” cả cháo nấu bằng gạo thơm, gạo nếp cái hoa vàng.
Nếu “ông lợn” nhỡ có bị “hắt hơi, sổ mũi,” lập tức cai đám phải gọi các cụ già lại nhà bàn bạc, nhờ bác sĩ thú y chữa trị. Nếu chẳng may “ông lợn” bị chết, cai đám phải lập tức tìm một “ông” khác để thay thế và sẽ không có cơ hội làm cai đám nữa.
Người ta cho rằng, xóm đó rất có thể trong năm sẽ gặp những điều không thuận lợi khi cả xóm không chăm được “ông.” Bởi thế, các cụ cao niên thường xuyên đi chăm “ông” theo kiểu thanh tra đột xuất. Nếu phát hiện cai đám không chu đáo với “ông,” các cụ sẽ họp phạt và có thể còn tước quyền cai đám.
Người ta hay trêu đùa nhau rằng, rước lợn ở La Phù theo hình thức “cổ phần” cũng bởi chi phí nuôi “ông lợn” là sự góp sức của cả một xóm chứ không phải của một nhà. Sau một năm, “ông lợn” ít nhất phải có trọng lượng 120kg mới được xem là đạt yêu cầu.

Rước “ông” đi… mổ thịt
Sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, cai đám cho lợn ăn no. Sau đó làm mấy mâm cỗ để mời các cụ trong xóm cùng những người đến thịt lợn. Rồi người ta trải chiếu từ cổng chuồng để rước “ông lợn” ra ngoài.
Những người thịt lợn tuyệt đối không được phép dùng roi quất hoặc dùng dây trói buộc “ông lợn” mà phải dùng tay để giữ.
Sau khi thịt “ông lợn,” người ta đặt lợn trên một chiếc khung bằng tuýp nước (trước kia bằng tre) đã được uốn cong để chống mình lợn lên cao. Tiếp theo, họ tạo dáng cho lợn như lúc còn sống, đặt lên chõng cao khoảng 1,2m. Chiều rộng, dài của chõng tùy trọng lượng của lợn để làm.
Sau khi “ông” đã yên vị trên chõng, người ta bắt đầu trang trí cho ông bằng những bông hoa từ giấy màu cắt ra, tết hoa tươi thành vòng… Lạ mắt nhất phải kể đến “chiêu” bóc lớp mỡ lá của chính “ông” để phủ lên da “ông,” tạo thành một lớp hoa văn trang trí rất đẹp mắt và đặc sắc.
Khoảng 18 giờ, khi ánh đèn điện được thắp lên và những chiếc đèn lồng, đèn nháy trang trí khắp đường làng, ngõ xóm đồng loạt sáng là lúc các xóm nhộn nhịp rước kiệu lợn ra đình.
Theo lệ, xóm gần rước trước, xa rước sau. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: đi đầu là hai lá cờ đại, rồi sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Tiếp theo sẽ là “bàn độc” với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến quả xôi. Cuối cùng, kiệu của “ông lợn” được đẩy (hoặc khênh) bởi những thanh niên khỏe mạnh nhất.
Đám rước ngày nay diễn ra rất nhộn nhịp. Các xóm đều có đội văn nghệ riêng của mình để biểu diễn. Xóm thì múa lân, xóm múa sinh tiền… xóm dùng nhạc bát âm và có xóm thuê hẳn kèn tây, trống đồng thổi vang một góc trời.
Khi đến đình làng, bàn độc của các xóm được xếp dọc hai bên sân đình ngoài và sân đình trong, lễ lợn được khiêng vào đại đình và hậu cung để các cụ làm lễ.
Theo tục lệ ở La Phù, ngày 14 tháng Giêng là ngày giỗ của Thành Hoàng, người dân sẽ không tổ chức ca hát và những trò chơi. Do đó, lễ rước tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng, sau đó là lễ tế diễn ra từ 23 giờ ngày 13 đến 2 giờ sáng ngày 14.
Sáng 14, trước sự đông đủ của bà con ở sân đình, các cụ sẽ công bố điểm thi xem lợn của xóm nào đẹp và có quà tặng (thường là vài bao thuốc, gói chè). Sau đó, từng xóm lại khiêng lợn về và xẻ thịt, chia phần cho từng hộ trong xóm của mình.
Đặc biệt, toàn bộ trọng lượng, giá thành của “ông lợn” sẽ được người dân đóng góp tiền mua. Nhà chủ chỉ tốn kém trong việc làm cơm thết đãi người đến mổ lợn và trang trí cho lợn mà thôi.
Theo lời các cụ cao niên, ngày nay những nghi lễ trong lễ hội rước lợn ở La Phù vẫn giữ nguyên bản sắc. Chỉ khác là khi cuộc sống đã sung túc hơn thì quy mô tổ chức cũng lớn hơn mà thôi.
Và tôi tin, những ai đến với Lễ hội rước lợn ở La Phù, sẽ mãn nhãn với những “ông lợn” được trang trí rất đẹp mắt và không gian văn hóa lễ hội độc đáo của một vùng quê Bắc bộ.
Theo Vietnam +

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét