Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tục tế Tơ Hồng


Ông Vi Cố đời nhà Đường (618 - 907 SCN) kể rằng: thời còn trẻ đi cầu hôn, giữa đường gặp một cụ già ngồi tựa gốc cây đang nhờ ánh trăng để giở túi ra xem, sắm năm. Hỏi thì ông lão bảo: Túi này đựng toàn những sợi chỉ tơ hồng của giời ban cho, để đi buộc chân những cô dâu, chú rể vào với nhau một trăm năm! Từ đó mới có phong tục tế lễ tơ hồng để cầu xin trời cho mình bách niên giai lão. Ông tơ bà nguyệt, hay nguyệt lão cũng đều chỉ vào cụ già dưới trăng đêm ấy.
Cách nay bốn đời, ông trưởng tộc họ ở thôn kia sinh được mụn con trai nối dõi, lại bị thọt một chân, hóa tập tễnh. Khi khôn lớn gia đình bàn chuyện dạm vợ chả đám nào bằng lòng. Ở gần khó vậy nên phải cậy một bà mối khéo ăn khéo nói đánh tiếng đám nào rõ xa. Sau tìm được tận Lưu Xá, phía nam huyện ứng Hòa (Hà Đông cũ). “Món này” tươm, vóc dáng khỏe mạng, tóc mun dài, răng đen tựa hạt na, mắt lá răm, ngồi trong nhà dệt vải nên da trắng như trứng gà bóc. Muốn “trôi” phải mượn người em con chú ruột cao to, ngay ngắn đi xem mặt thay chú rể!
Trước lễ chạm ngõ, làm mâm rượu mời bên nhà gái ra thăm nhà cửa. Cũng tường xây cây mít, vườn trên ao dưới. Tầng ngoài tre pheo dầy đặc, bên trong cau, na, bưởi, nhãn đan xen…. Ông bố vợ và bà em gái xem ý hỷ hả lắm. Con mình ngã phải võng rồi đây (khốn khổ) có biết đâu đó toàn là của họ, bởi đây vốn là từ đường của một chi đầu tộc mà chú rể tương lai chỉ là người ăn trưởng. Lần sau từ Cầu Giẽ, nhà trai vào làm lễ vấn danh đôi tuổi, (vì lấy vợ so tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông) quan viên họ nhà trai ngồi bấm ngón tay chọn ngày cho phải phép, chứ xem ra cũng chỉ phiên  phiến, lấy được đám này là phúc bảy mươi đời rồi.
Giữa thế kỉ 20 trở về trước, đàn bà ra đường không dám nhìn đàn ông. Nếu chồng làng vợ nước có miếng trầu, miếng cau rồi, mà gặp nhau ở ngoài đường phụ nữ cũ rẽ ngay vào ngõ khác, thẹn chết, huống hồ lần này cô dâu thiên hạ lần đầu tiến bước chân tới cổng nhà chồng, trống ngực đánh thình thịch, chân tay run lẩy bẩy. Nếu không có hai cô phù dâu xốc nách, cũng hơi khăn vuông kéo xuống túm hụt chắc gì đã đi được. Đấy là chưa kể đến tiếng pháo nổ rầm ran, lạch tạch đùng, mùi thuốc pháo cùng hương nhang thơm từ tay ông cụ cầm hương đi đầu, tỏa ra ngào ngạt. tiếng lợn kêu eng éc cho cỗ lại mặt ngày mai, với tiếng trẻ con chạy huỳnh huỵch xem mặt cô dâu khiến đám cưới hết sức náo nhiệt.
Nhà chú rể ba gian, hai chái, căng cái rạp kín sân toàn cót. Tre để cả cây gốc cắm vào những cối đá thủng, vững vàng thành không xê dịch, nhà trên chính giữa là hai bộ nghế ngựa kê liền nhau. Đôi bên các bô lão áo the khăn đóng, theo vai về ngồi túc trực. Cao hơn là bàn thời ông vải, giữa bầy cỗ ngai và đồ tế tự, nằm trên xà ngang sát nóc treo bức hoành phi, hai cột cái gỗ xoan nhẵn thín, buông dài đôi câu đối đều sơn son, thếp bạc phủ hoàng kim.
Đầu hè thiết lập một nhang án làm bàn thờ tế tơ hồng, gồm ở giữa mâm ngũ quả, bát hương hai bên ống nhang, lọ hoa và hai cây nến, đầu án gian này có mâm xôi gấc, đầu kia có mâm thủ lợn, ông đầu trò thạo việc nhất họ, xúng xính trong áo trắng dài, ngoài áo the dệt gắm, năm khuy tròn: nhân nghĩa lễ tri tín. Đầu đội khăn xếp chữ nhân, vẻ trịnh trọng tới trước hương án, vòng tay lên ngang mi. Dặng hắng, suỵt soạt rồi mới lầm rầm khấn khứa, nhưng đến chỗ có ý thắt buộc, ông lại nói rõ to cốt mọi người nghe thủng:
Trình trên các cụ, thưa đông đủ quan viên hai họ: “nhờ duyên trời đưa lại được phúc ấm tổ tiên ban cho đôi trẻ lại thuận tình, họ nhà trai đã nạp đủ lễ nghi, hôn thú được lập thành bốn thầy hộ lại, lý trưởng của hai làng đều cộc mộc, cô dâu đã là con cái trong họ, sống giử thụi thác gửi xương tại nhà này. Giờ hoàng đạo đã đến trước bàn thờ lĩnh đường mạn phép đôi bên cha mẹ cho phù rể phù dâu đón tân lang và tân giai nhân ra làm lễ tơ hồng để tạ ơn trời đất.
Đùn đẩy chán hai cô phù dâu mới xốc được nách nàng, khăn vuông lại kéo cái mỏ quạ xuống tùm họp hơn, cô khúm núm, rón rén ra trước đẳng lễ. Trong nhà ngoài sân người lớn trẻ con lại nhốn nháo hẳn lên để nhìn rõ cô dâu. Còn người làng như nín thở xem cái chân teo của chú rể có bị lộ tẩy không? Lũ trẻ con đu ngang cây cau để nhìn cũng chịu. Hai cô phù dâu còn thỉnh thoảng chấm chấm nước mắt cho cô dâu, bằng mỗi người một khăn mùi xoa mỏng tang, thêu cành hồng con bướm.
Mãi lúc tràng pháo đài nổ râm ran, người ôm đầu, người bịt tai, nhốn nháo thì hai lực điền mới dịu, chú rể vịn vai, lê lê cái chân (chắc đau). Quần trắng ống sớ buông dài, ngỡ như không thấy bàn chân đâu? Văn tế tơ hồng cũng đủ mào đầu: Hoàng triều, niên hiệu, ngày tháng năm cát nhật, tuế thứ lễ phẩm, chi nghi tân lang và tân giai nhân húy mỗ, quê ngự làm tổng, huyện, phủ. Kể đến lòng sớ, do một ông thạo việc làm đầu trò, phù dâu bắt tay cô dâu theo ông đông xướng:
- Nhất bái thiên địa (dâu rể cùng ngửa mặt lên trời vái
-v Nhị bái cao đường ( đôi trẻ lại nhìn vào cỗ ngai vái)
- Tam bái phụ mẫu (chú rể nhin về phía thân phụ, còn cô dâu theo tay bà mối chỉ chỉ vái)
- Phu thê giao bái (phù dâu, phù rể đun đẩy hai người áp vào với nhau, trong lúc vạn phần líu ríu, chắc cô dâu chẳng còn bụng dạ nào để ý đến cái chân tèo của chú rể).
Lễ tất chỉ chờ có thế, cánh phù dâu ấn dúi ấn dụi cô dâu vào trong buồng, tối om om ngồi run như cầy sấy.
Mấy lần con dâu vịn có cỗ chạp, xin về quê không được mãi đến cuối năm chị chửa ở cữ bà mẹ mới ra chông nom con gái. Để ý ít thấy chàng rể đi lại bao giờ đặt cháu ngủ ra nhà ngoài đã thấy con rể ngồi chồm hỗm ở đầu trường kỷ từ lúc nào. Hỏi thì con gái tức tưởi mếu máo: Nhà con lúc bé nổi cái hạch qua bao ông lang cũng không khỏi, sau có chú khách bán thuốc ê đã chữa được nhưng thang cho mạnh quá, nên một bên chân bị teo đi. Phúc là còn sinh con đấy.
Nhưng đêm nghe con gái ru cháu ngoại mà ruột bà đứt ra từng khúc:
 “ À ơi, cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con trắm, con trê
Quàng cổ lôi về, nấu nướng cho cái ngủ ăn.
Cái ngủ ăn một lớn năm
Để cho mẹ khỏi âm thầm xót thương.
Trách từ ông lão cầm hương
Đến bà giải chiếu, dọn giường cô dâu.
Trách người mối lái gieo cầu
Lường thưng, tráo đấu ruột rầu như dưa.
Cái ngủ mày ngủ hay chưa
Để cho mẹ lại đò đưa, ru hời?”
        Ông bố vợ vẫn nửa tin nửa ngờ, mãi năm sau mẹ con nó về ăn giỗ. Ông mới thì thầm với vợ rằng: “khéo con gái mình ngồi phải cọc bà nó ạ” Tôi ngờ ngợ từ hôm ra ăn lại mặt thằng rể này không giống như thằng vào hôm hai đưa xem mặt nhau, đâu bà nó ạ. Chợt thằng cháu ngoại phốp pháp như bó bông ngủ trong buồng thức giấc, khóc thét lên. Bà lão mới đập vào vai chồng khe khẽ:
Rõ dớ dẩn! Con mọc răng, còn nói năng gì nữa.
Xét cho cùng việc đánh tráo cô dâu hoặc đổi trác chú rể, ngày xưa xảy ra như cơm bữa. Mà nỗi khổ cực ấy bao giờ cũng đè nặng xuống vai người đàn bà. May thay, tấn trò đời đó chỉ đến sau Cách mạng Tháng 8- 1945 mới gột sạch được…
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét