Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tục thờ Bà Thuỷ


Hầu như ở khắp vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long (nhất là ở các vùng ngập mặn) dân địa phương thường dựng miếu thờ Bà Thủy ở các ngã ba, ngã tư hay vàm sông. Tục thờ Bà Thủy cũng như việc thờ cúng các nữ thần khác như: thờ cúng Bà Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Cửu Thiên Huyền Nữ...

Theo những người dân xứ tôi (Ngọc Hiển) truyền miệng thì tục thờ Bà Thủy bắt nguồn từ tục lệ thờ Mẫu - thờ các bà mẹ tinh thần thiêng liêng của cộng đồng dân cư. Tục này là một sinh hoạt tín ngưỡng có lẽ du nhập từ Trung Quốc, pha trộn với ảnh hưởng thờ Nữ Thần của người Chăm (đồng bào Chăm thờ nữ thần Pô-na-ga).

Tuy nhiên, do điều kiện sống, những biến động, đổi thay của tình hình kinh tế - xã hội nên nguyên mẫu ban đầu có đổi thay đôi chút cho phù hợp với nét sinh hoạt, tập tục của từng nơi.
Nhưng phải khẳng định một điều, đây là loại hình tín ngưỡng mang đậm tính chất "dân dã" ở các vùng sông nước. Vị nữ thần của những người từ xưa mưu sinh từ các nghề ở vùng sông nước được gọi chung danh hiệu là... Bà Thủy.

Ở những nơi cuộc sống gắn liền với biển thì bên cạnh việc thờ cúng Cá Ông (Nam Hải Đại tướng quân), ngư dân còn thờ Bà Thủy. Ở vùng sông nước Nam Bộ, trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, bên cạnh việc thờ Rái Cá (Lang Lại Đại tướng quân) người dân địa phương cũng thờ Bà Thủy.
 
  Miếu Bà Thủy được người dân vùng sông nước Cà Mau thờ cúng rất nhiều nơi.   Ảnh: TRẦM NGHĨ
Bà Thủy thường được thờ ở các ngã ba, ngã tư sông và các vàm sông với lòng kính trọng, tín ngưỡng là Bà Thủy sẽ độ trì cho dân làng, dân làm nghề chài lưới ra khơi vào lộng bình yên, làm ăn phát đạt. Người dân ở vùng sông nước tin tưởng Bà Thủy là vị nữ thần độ trì cho tất cả dân làng quanh vùng chứ không cho riêng ai nên miếu thờ Bà Thủy thường là của chung cộng đồng dân cư của một xóm làng.
Nói chung tục thờ thần nữ đã có ở nước ta từ lâu (nó có liên quan đến tiến trình phát triển của lịch sử loài người, đó là chế độ mẫu hệ), thể hiện tâm lý đề cao vai trò của người mẹ trong gia đình xã hội người Việt. Bà Thủy là 1 trong 70 vị nữ thần thuộc tín ngưỡng dân gian, góp phần về tinh thần đem lại cuộc sống bình yên, làm ăn thuận lợi, gia đình hạnh phúc cho cư dân miền sông nước bên cạnh các vị thần phù hộ cộng đồng khác (Thành Hoàng Bổn Cảnh thường lập thờ ở đình làng, Thổ Thần thờ ở miếu, Thần Tài thờ trong nhà, ông Tà thờ ở gốc cây cổ thụ)...
Theo câu "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá" đối với các vùng mà đời sống dân chúng phụ thuộc nhiều vào biển, sông nước thì ngoài việc thờ thần nam (Hà Bá) còn có vị thần nữ (Bà Thủy). Ở đâu có nước thì ở đó có thần nước cai quản. Bà Thủy là một vị nữ thần, thiên thần (chứ không phải nhân thần), phúc thần (chứ không phải tà thần).

Có những nơi nhân dân tổ chức lo cúng hằng năm. Ở nơi thờ phụng Bà Thủy thường trùm khăn trắng. Quan niệm bà là người sáng tạo ra sông suối mà trước hết là nguồn nước uống cho con người. Nước để làm ruộng và bắt cá, tôm cho ngư dân miền sông nước, miền biển.
Tóm lại, Bà Thủy không là "nhân thần" mà là vị thần tinh thần theo tín ngưỡng dân gian của người dân miền sông nước./.
Gia Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét