Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Về Lệ Mật xem múa rắn

Nhớ ngày hai ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây”

TTO - Múa rồng, múa lân thì chắc ai cũng biết, nhưng cứ 23-3 âm lịch hàng năm, về làng Lệ Mật (xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), du khách sẽ còn được chiêm ngưỡng màn “múa rắn” độc đáo, từng được người Hà Nội xưa ca tụng.
Từ sáng sớm 13 đoàn rước lẽ đại diện cho 13 trại (như Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà) đã kéo về đình làng Lệ Mật
Hội làng Lệ Mật là dịp để con cháu trong làng (dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh thành Thăng Long xưa (dân kinh quán) gặp gỡ nhau tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và những người khai hoang. Không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, múa rắn còn là một trò hội trình nghề: nghề bắt rắn ở Lệ Mật. Hội được tổ chức từ năm 1982 và duy trì đến nay.
Trước ngày hội, dân làng Lệ Mật có tục đánh cá chép ở giếng thờ, lấy con đầu tiên làm gỏi dâng thần. Vào ngày hội chính (23-3 âm lịch),  trong đình, ngoài làng đều được trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt phấp phới, khói hương nghi ngút. Đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa sẽ đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội.
Sau phần lễ, dân làng sẽ tổ chức thi rắn to, rắn lạ, tham gia những đám rước hoặc tụ tập quanh người già nghe kể về bí quyết bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc, chữa rắn độc cắn... Dĩ nhiên, du khách tham dự lễ hội còn được thưởng thức các món đặc sản chế biến từ thịt rắn.
Nhưng đặc sắc nhất vẫn là màn múa rắn. Từ sáng sớm, các nghệ nhân trong làng đã tập trung rước một hình nộm có hình dáng một con rắn khổng lồ (tượng trưng cho loài thủy quái). Những thanh niên khỏe mạnh nhất trong làng được lựa chọn vào đội múa rắn và đóng vai chàng trai họ Hoàng. Một thiếu nữ xinh đẹp được tuyển chọn để đóng vai công chúa..
Vào giờ cử hành - thời điểm được coi là Đức Thánh Hoàng giáng hạ, đem điều lành và hạnh phúc đến cho dân làng, mọi người sẽ đổ đến quanh sân đình, háo hức xem sự tích "chàng trai họ Hoàng đánh thủy quái, cứu công chúa''.



TIẾN THÀNH
Theo sử sách chép lại, sự ra đời của điệu “múa rắn” gắn liền với truyền thuyết chinh phục loài thủy quái của chàng trai họ Hoàng, người làng Lệ Mật. Chuyện kể rằng vào đời Lý Thái Tông (1028 - 1054) có một công chúa thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Một ngày nọ, không may công chúa bị chết đuối, tìm mãi không thấy xác. Vua ra lệnh nếu ai vớt được thi hài công chúa thì sẽ phong chức tước và thưởng công lớn.
Rất nhiều tướng sĩ triều đình cùng thanh niên trai tráng các làng cùng tham gia nhưng không ai tìm được. Duy có chàng thanh niên họ Hoàng ở Lệ Mật, thông minh, can đảm, thạo nghề sông nước lại giỏi bắt rắn, đã kiên nhẫn kiếm tìm và dũng cảm chiến đấu với thủy quái giữa vùng nước xoáy, cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. 
Vua giữ lời hứa, phong chàng làm quan lớn trong cung và ban thưởng nhiều vàng bạc gấm vóc. Nhưng chàng từ chối, chỉ xin vua cho đưa dân làng Lệ Mật và các làng lân cận sang khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long.
Được vua ưng thuận, khuyến khích, chàng dẫn dân chúng Lệ Mật vượt dòng Nhị Hà (sông Hồng) sang khai hoang miền đất mé tây Thăng Long. Dần dần, vùng đất ấy trở nên trù phú, được coi là khu nông nghiệp truyền thống của kinh đô, mở rộng thành 13 trại ấp mà sử sách vẫn gọi là “Thập Tam Trại” (nay thuộc địa bàn quận Tây Hồ - Hà Nội).
Sau khi chàng mất, dân làng Lệ Mật đã lập đình thờ, suy tôn chàng là Đức thánh hoàng, trở thành phúc thần bảo hộ, chống lại bọn ác thần, đem lại yên bình, thịnh vượng cho làng xã và ban phúc đức cho mọi người. Đến nay theo gương chàng, dân chúng Lệ Mật ngoài việc trồng trọt, chăn nuôi, chế thuốc còn giữ vững, phát triển mạnh nghề bắt rắn, nuôi rắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét