Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

VIỆN Y DƯỢC HỌC DÂN TỘC TP.HCM TRỊ BỆNH TRĨ BẰNG TIÊM THUỐC


Xin giới thiệu với các bạn bài này. Theo thống kê thì có khá nhiều người bị bệnh trĩ ở đủ mọi lứa tuổi. Tuy bệnh này không quá nguy hiểm nhưng gây không ít khó khăn, đau đớn cho người bệnh. Và người bệnh cũng rất ngại đi chữa bệnh vì… mắc cỡ.
Bệnh trĩ nếu chữa càng sớm thì càng dễ. Nếu chỉ mới đi cầu chùi giấy thấy vết máu và hơi đau rát thì khi đi chữa có thể chỉ cần uống thuốc thôi. Thuốc đông y cũng rất rẻ, dễ uống. Nếu bị lâu năm và ra máu nhiều, búi trĩ sa ra ngoài, sưng tấy… thì quá trình chữa trị phải thường mất cả tháng, có thể ngoại trú nếu ở gần, còn ở xa phải nội trú. Như vậy sẽ gây khó khăn về thời gian cho người bệnh, và sẽ đau đớn hơn khi chữa trị…
Tóm lại, lời khuyên cho bạn là, nếu bạn đi tiêu khó, đau, có máu… thì nên đến Viện Y Dược học Dân tộc ở 273 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM chữa trị. Không tốn kém nhiều, khoảng 1-2 triệu đồng cho 1 tháng chữa trị. Nơi tuyệt đối an toàn và hầu như trĩ không tái phát nếu bạn biết ăn uống giữ cho không bị bón.
Sau đây mời bạn đọc bài dưới:
Bị đày ra Côn Đảo vào năm 1960, một người tù mang về đất liền một bài thuốc rất cổ truyền của Tây y gồm phenol và glycerin, đặt tên là PG-60 để điều trị các búi trĩ và bài thuốc này đã tồn tại suốt cả đời ông như một định mệnh. Ông là lương y Lê Văn Chính, phó chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ, phương pháp đơn giản là bằng các thủ thuật bôi, xông, tiêm, thắt, đốt, ngâm, nhét. Vận dụng một phương pháp đơn giản có hiệu quả cao để giải quyết một loại bệnh không đơn giản cho đại chúng nhân dân, đa số là người nghèo, là việc làm đáng khích lệ và phát huy. Tiêm dung dịch PG-60 là phương pháp điều trị trĩ suốt 30 năm qua đã định hình một sở trường của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Bài viết này giới thiệu một số bước tiến hành điều trị trĩ nội và những thành quả đã đạt được.
Chuẩn bị và đánh giá bệnh trạng
Sau khi khám tổng quát như nhìn sắc diện, dáng dấp, cử chỉ, các triệu chứng, tiền sử và những gì có liên quan về bệnh trĩ, thầy thuốc đặt ra các yêu cầu:
- Bệnh nhân nằm nghiêng bên phải phía dưới, mặt và tai áp sát mặt bàn (có thể kê một cái gối).
- Kéo nâng nếp mông bên trái để tách hở hai mông ra. Nhắc bệnh nhân phải thư giãn, thở đều, không được lên gân (gồng người) và không được rặn. Như thế là ta đã có một bệnh nhân nằm sẵn sàng trên bàn khám với tư thế ổn định.
- Dùng thuốc sát trùng lau sạch trong ngoài hậu môn rồi mới banh vạch bằng những ngón tay mềm mại và vững chắc, với cái nhìn tinh tế kèm theo những câu hỏi và lời gợi chuyện thích hợp từng người để bệnh nhân trả lời vui vẻ.
- Chỉ cần banh vạch đúng cách thì các búi trĩ sẽ bộc lộ ra và ta giữ nguyên sự bộc lộ đó để tiêm thuốc vào ngay. Không nhìn thấy rõ các búi trĩ không được tiêm.
Tiêm thuốc
Dung dịch PG – 60 5% (của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM) pha thêm với nước cất (1 PG – 60 + 2 nước cất) thành nồng độ loãng hơn, rút sẵn vào ống tiêm đậy nắp lại. Khi tiêm mở nắp đậy kim ra, gia giảm. Tay trái giữ chặt khối trĩ bộc lộ, tay phải cầm ống tiêm.
Tiêm thẳng vào điểm nhô cao nhất của búi trĩ, bơm thuốc thật chậm vừa thăm dò phản xạ và giữ cho dung dịch nằm gọn trong khối trĩ. Tuyệt đối không được bơm thuốc lan ra cơ vòng ngoài, trĩ ngoại.
Dung lượng, nồng độ tùy thuộc vào mức độ bệnh lý, thể tích và thể dạng của từng ca bệnh, từ 1 – 5 ml cho mỗi lần tiêm. Càng sa giãn nhão thuốc càng loãng, nồng độ thấp (1PG – 60 + 3 nước cất).
Tiêm xong, kẹp bông gòn thấm dung dịch sát trùng lau sạch hậu môn, dùng bông gòn nhúng dầu mù u đốt nóng nhét kín khối trĩ vào trong hậu môn, lấy bông đắp ngoài rồi băng ép lại bằng băng dính. Thế là ta đã thực hiện xong một “xen” chẩn trị bệnh trĩ bằng tiêm PG – 60.
Cho thuốc dùng trong và thuốc bôi thêm khi về nhà. Căn dặn những việc cần làm để bệnh nhân tự săn sóc lấy như: đi tiêu xong phải lau rửa sạch sẽ, bôi thuốc và nhét khối trĩ vào trong. Nếu có đau thì uống thuốc và ngâm nước nóng. Nhắc nhở bệnh nhân phải trở lại đúng giấy hẹn. Mỗi tuần từ 1 – 2 “xen” cho đến khi khỏi bệnh.
Đánh giá khỏi bệnh: Không còn múi lồi, hết ra máu hẳn, không còn tiết dịch nhờn, ống hậu môn trơn láng, chức năng đóng và mở của hậu môn được bình thường.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, trừ những công việc quá nặng nhọc, còn bị sưng đau và quá nhược sức.
Thành quả
Qua 60 năm theo đuổi nghề y và hơn 45 năm vận dụng, nghiên cứu và thực hiện phương pháp điều trị bệnh trĩ bằng tiêm dung dịch PG -60 có cải tiến và sáng tạo, lương y Lê Văn Chánh cùng nhiều anh chị em yêu nghề đã quyết tâm vượt lên hoàn cảnh phát huy nó để phục vụ cho người bệnh thêm hiệu quả. Cho đến nay, đã có tổng số 35.957 bệnh nhân được điều trị (nội trú: 14.640 người; ngoại trú: 21.317 người; tổng số lượt khám ngoại trú: 306.508 lượt người).
Khoa ngoại Viện Y dược học dân tộc được thành lập tiền thân là tổ khám trĩ ngoại trú theo phương pháp thừa kế của lương y Lê Văn Chánh.
Trong 30 năm, Viện Y dược học dân tộc thực hiện công tác thừa kế phát huy và phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong đó có nhiều chuyên khoa, công trình, mà thành công và phát triển lâu dài nhất phải kể đến phương pháp điều trị bệnh trĩ thuộc chuyên khoa hậu môn trực tràng của khoa ngoại
(Theo Khoa Học Phổ Thông)
Bệnh trĩ: Thuốc gia truyền e trị không khỏi

(VietNamNet)-Gần đây, đã có nhiều bệnh nhân trĩ phải đi cấp cứu do dùng thuốc gia truyền. Theo các nhà chuyên môn, đây không phải là bệnh nan y.
Thắt trĩ bằng cách… buộc dây thun:
Ngày 8/1, bà NTH, 43 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu phải đi cấp cứu tại BV An Sinh (TP.HCM) do dùng thuốc gia truyền trị trĩ. (Ảnh: H.Cát)
N.T.K.P, 42 tuổi, ở Hoà Thành, Tây Ninh làm nghề buôn bán. K.P. bị trĩ có hơn 10 năm nay, nhưng không gây đau đớn, nên không cần chữa trị. Thỉnh thoảng, căn bệnh này làm chị hơi khó chịu một chút thôi.
Cho đến giữa tháng 12/2006, chị K.P nghe lời người quen mách bảo, nên đã tìm đến một ông lang vườn cũng tại Tây Ninh. Tại đây, ông lang vườn quyết định dùng một sợi dây thun thông thường để thắt ngoài búi trĩ của chị K.P.
Thắt trĩ vào buổi sáng, thì ngay trong đêm đó, chị K.P đau đến đi không được, phải bò bằng bốn chân. Ngay sáng hôm sau, người nhà phải đưa chị K.P xuống Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM.
Sau khi cắt những vòng thun cột quanh búi trĩ, các bác sĩ của Viện phát hiện búi trĩ của bệnh nhân đã bị hoại tử, sưng tấy. Sau đó, các bác sĩ đã mất 2 tuần để trị lành trĩ và các biến chứng trên cho chị K.P.
Chị K.P vừa xuất viện, em gái của chị, N.T.N.M, 37 tuổi, cũng nhập viện vì biến chứng do điều trị trĩ bằng thuốc gia truyền.
Chị N.M cũng bị trĩ 7 năm nay. Qua lời chỉ dẫn và truyền miệng, chị N.M tìm đến một bà lang tên Q. để trị bệnh trĩ. Bà lang này đã tiêm vòng quanh chân búi trĩ dư ra ngoài.
“Tiêm xong, ban đầu không cảm thấy đau. Mấy ngày sau, quanh chỗ tiêm bắt đầu tiết nước vàng, búi trĩ bốc mùi và rụng. Tuy nhiên, vết thương mãi không lành,” Chị N.M kể.
Đến khi xuống khám tại Viện Y Dược học Cổ truyền, các bác sĩ phát hiện tuy là vết thương nhỏ, nhưng nếu không phẫu thuật chỉnh sửa, vết thương khi lành lại sẽ tạo thành một lỗ rò. Đây là một bệnh lý rò hậu môn mà dân gian quen gọi là bệnh mạch lươn.
Theo Lương y Lê Văn Chánh, Phó chủ tịch Hội Hậu môn Trực tràng Việt Nam, nói nôm na, bệnh trĩ là bệnh ở hậu môn có nhô lên những cục lồi và có chảy máu.
Còn nói theo y học, bệnh trĩ không lây, không do vi trùng nào gây nên mà do các tĩnh mạch vùng trên hậu môn bị phì đại tạo nên.
Y văn của Hiệp hội Hậu môn Trực tràng Mỹ, thống kê trong tổng số dân có ít nhất là 33% người mắc các bệnh lý hậu môn – trực tràng. Trong đó, bệnh trĩ chiếm tỷ lệ 4/5.
Ở các nước Âu Mỹ, tuổi bắt đầu mắc bệnh trĩ là 20, còn ở Việt Nam thì sớm hơn, 15 tuổi.
Riêng tại Viện Y Dược học Cổ truyền TP.HCM, BS Nguyễn Thị Phi, Trưởng khoa Ngoại, cho biết trong 762 người đến khám và điều trị tại khoa, có đến 622 trường hợp mắc bệnh trĩ.
Nguyên nhân chính sinh ra bệnh trĩ là do di truyền, nghề nghiệp và tuổi tác.
Những người có công việc phải ngồi hay đứng quá lâu có thể mắc bệnh trĩ. Có nhiều yếu tố thuận lợi để xuất hiện bệnh trĩ: Các bệnh về đường ruột, rối loạn tiêu hoá (táo bón, tiêu chảy); phụ nữ trong thời kỳ thai nghén – sinh nở; ăn quá nhiều chất cay nóng (tỏi, tiêu, ớt…); dùng quá nhiều chất kích thích (rượu, bia, cà phê); hút nhiều thuốc lá….
Ngoài ra, bệnh còn do nhiều tác nhân khác như bệnh về tuần hoàn tĩnh mạch, bệnh về gan, dùng thuốc tẩy xổ mạnh, nhấc vật nặng, nhiễm độc.
Tóm lại, theo Lương y Lê Văn Chánh, bất cứ nhân tố nào khiến cho đường máu lưu thông từ hậu môn quay ngược trở lại bị trở ngại đều có thể gây ra bệnh trĩ.
Những triệu chứng của bệnh trĩ là đi tiêu ra máu theo phân hay nhỏ giọt; đi tiêu thấy đau, rát, ngứa, tiết dịch.
Nếu thấy hậu môn đau nhức, cộng theo tình trạng khó đi khó ngồi, lúc đó là lúc búi trĩ đã bị viêm tắc tụ máu, người bệnh phải đi khám chuyên khoa để tránh những biến chứng như: nhiễm trùng, áp xe, rò hậu môn…
Điều trị bệnh trĩ là giải quyết dứt điểm chỗ đau; có 2 phương pháp điều trị bệnh trĩ.
Một là phương pháp có kỹ thuật cao do nhà phẫu thuật thực hiện với phương tiện và kỹ thuật hiện đại. Hai là các phương pháp đơn giản bằng những thủ thuật bôi, xông, tiêm, thắt, đốt, ngâm, nhét.
Những năm gần đây, tại Việt Nam đã áp dụng phẫu thuật Longo để trị trĩ. Đây là một phẫu thuật mới với nhiều ưu điểm so với các phương pháp phẫu thuật trước đây.
Phẫu thuật Longo có thể trị được trĩ độ III, độ IV, đặc biệt là trĩ vòng.
Nguyên tắc của phương pháp Longo là cắt triệt mạch các búi trĩ, cắt bỏ phần niêm sa phía trên đường lược nơi có ít cảm giác đau. Đồng thời, khâu niêm mạc kéo lên tạo hình lại hậu môn phía ngoài. Sau khi điều trị, ống hậu môn được tái tạo lại như bình thường. Phẫu thuật Longo không để lại vết cắt niêm hay vết khâu da hoặc làm tổn hại hệ thống cơ vòng.
Tuy nhiên, chi phí cho một ca phẫu thuật Longo còn khá đắt, có thể lên đến hơn 300 USD.
Ngoài phẫu thuật, cũng có thể dùng thuốc tiêm nhưng người bệnh nên đến các cơ sở y tế chính quy để được điều trị đúng cách. Tại Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM, trong nhiều năm qua đã sử dụng thuốc tiêm PG-60 điều trị trĩ mang lại kết quả tốt cho nhiều bệnh nhân.
PG-60 là một loại thuốc tiêm do Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM điều chế. Thành phần chính của thuốc gồm Phenol và Glycerine. Chữa trĩ bằng phương pháp này, bệnh nhân được tiêm thuốc kết hợp với châm cứu.
Đối với trĩ có xuất huyết nhẹ, PG-60 có tác dụng cầm máu rất tốt, chèn ép chỗ xuất huyết lại. Kết hợp giữa PG-60 và châm cứu có thể rút ngắn được thời gian điều trị từ 39 ngày còn lại 15 ngày ở trĩ độ III.
Tuy nhiên, loại thuốc tiêm này chỉ có thể áp dụng để điều trị trĩ nội, chứ không được tiêm vào trĩ ngoại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét