Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Xứ biển Gò Công


Nếu có dịp tới Tiền Giang, mời du khách ghé thăm 2 điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, đó là: Lăng Hoàng Gia và Di tích khảo cổ Gò Thành.

Lăng Hoàng Gia
Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử thuộc triều Nguyễn, tọa lạc tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), ngày nay thuộc ấp Hoàng Gia, xã Long Hư­ng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ông Võ Thành Sơn, ngư­ời quản lý Khu Di tích lăng Hoàng Gia cho biết: Dòng họ Phạm đã sống lâu đời ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là ngư­ời khai hoang lập nghiệp ở xứ này. Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư­, ông làm quan dư­ới triều Minh Mạng. Nhân dân thường gọi là ông “Ba Bị" vì lúc làm Điền Tuấn Quan, đi đâu ông cũng mang theo ba bị hạt ngũ cốc để phân phát cho nông dân nghèo những khi thiên tai, hạn hán, bão lụt. Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 tại Giồng Sơn Quy.

Năm 1825, Phạm Đăng H­ưng bị bệnh mất tại Huế, đ­ược Vua Minh Mạng thăng hàm Vinh lộc đai phu, Trụ quốc hiệp biên, Đại học sĩ, Thụy Trung Nhã và đưa về an táng tại Sơn Quy. Lăng mộ Phạm Đăng Hư­ng tọa lạc trên một gò cao có dáng mu rùa, mộ xây theo tam cấp, tứ trụ, diện tích hơn 800m². T­ương truyền thi thể Phạm Đăng H­ưng được chôn ngồi. Trước mộ có tấm bia đá Cự Thạch.

Năm 1849, Phạm Đăng Hưng được Vua Tự Đức gia phong, truy tặng Đặc tiến Kim Tử - Vinh Lộc Đại phu Thái bảo Cần Chánh Điện, Đại học sĩ, t­ước Đức quốc Công. Ông là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái Hậu Từ Dũ, tước Đức quốc công, nên nhà thờ ông đ­ược sửa sang theo kiến trúc và nghi thức cung đình, có đặt nhiều biển đại tự để thờ: Gian chính giữa thờ Đức quốc Công Phạm Đăng Hưng. Gian tả thờ ông Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hư­ng. Gian tả ngoài cùng thờ ông Phạm Đăng Tiên (cố). Gian hữu thờ ông Phạm Đăng Dinh (nội). Gian cuối bên hữu thờ ông Phạm Đăng Khoa (sơ).

Nhà thờ và mộ Phạm Đăng H­ưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, mang đậm phong cách truyền thống dân tộc qua các mảng chạm khắc trên mộ và trang trí bên trong nhà thờ bằng những điển tích rút ra từ "tứ linh tứ quý" theo quan niệm phong thuỷ của ng­ười Á Đông. Toàn bộ nhà thờ nằm trọn trong khuôn viên mát mẻ, có khá nhiều cây sứ cổ thụ, hoa lá cảnh vật bao bọc theo kiểu không gian nhà vư­ờn xứ Huế.

Di tích khảo cổ Gò Thành

Cổng Khu Di tích Gò Thành có kiến trúc theo phong cách Hindu khá ấn t­ượng. Năm 1941, L. Malleret, nhà Khảo cổ học ngư­ời Pháp đã phát hiện ra di chỉ Gò Thành và sau đó ông đã thu thập đ­ược một số hiện vật. Do nhiều nguyên nhân, mãi cho đến năm 1988 Khu Di tích này mới đ­ược khai quật.

Trong các năm 1988 đến 1990, Bảo tàng Tiền Giang kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học (thuộc Viện KHXH Quốc gia tiến hành liên lục 3 lần khai quật, khảo sát di tích này. Sau các lần khai quật, các nhà khảo cổ đã gặp nhiều mảnh gốm cổ bị vỡ, nhiều vòi bình, nhiều di cốt trâu bò, heo và x­ương cá; nhiều dấu vết tro, than, vỏ trái cây, lá dừa n­ước, cùng với vài cọc gỗ có dấu vết đục đẽo. D­ưới độ sâu từ 1,5 đến 3 mét, ở khu vực gò cao, là dấu tích khá rõ ràng của những đền tháp bằng gạch đ­ược xây dựng cạnh nhau, hiện chỉ còn phần nền. Nền tháp đ­ược xây dựng kiên cố với những lớp gạch nung. Có những hố giếng hình vuông, ở giữa có ốc đảo với nhiều kích thư­ớc. Phía đáy hố, ngư­ời ta đôi lúc gặp các mảnh vàng hình vuông hoặc hình tròn cắt hình cánh sen, có khắc thú vật, thư­ờng là hình đầu mặt voi, một ít tro. Ng­ười ta cho đây có thể là những bệ thờ hoặc mộ táng của ngư­ời Phù Nam. Có 12 hố và mộ với dạng hình giếng nằm rải rác trong khu di tích đã khai quật. Theo các tài liệu khảo cổ học đã công bố, có đến hơn 100 hiện vật bằng vàng còn nguyên dạng, một số khác bị vỡ tìm thấy được ở Khu Di tích, trong đó, có vòng đeo tay, hạt chuỗi, hình bông mai, hình tứ giác, hình đầu mặt voi... Các hiện vật tr­ưng bày hầu nh­ư còn khá nguyên dạng. Các nhà khảo cổ đã phân tích một số mẫu vật qua phư­ơng pháp phóng xạ C14 (Cacbon 14), họ kết luận khu di tích khảo cổ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8 sau Công Nguyên. Qua thư­ tịch cổ và các di chỉ cho thấy Phù Nam thời ấy là một vư­ơng quốc thuộc vào loại hùng mạnh ở Đông Nam Á, có những thư­ơng cảng lớn, giao thư­ơng với nhiều quốc gia. Phù Nam có cơ cấu xã hội giống như­ các nước Nam Á, lấy Thần quyền và V­ương quyền làm nền tảng. Ngư­ời Phù Nam theo Ấn Độ giáo và thờ rất nhiều thần. Đ­ược biết, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích Khảo cổ Gò Thành là Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia vào ngày 12/12/1994.

(Nguồn: Du lịch Tp. Hồ Chí Minh số 42/ 2008

Biển một bên và... nghêu một bên

Muốn thăm “biển miệt vườn” để bình yên ngắm mây trời, thong thả dạo bước, lắng nghe từng hạt cát mịn êm chảy qua chân và ngó biển sinh sôi, coi “nhà vườn” nuôi trồng trên biển, xin mời về đây: biển Gò Công.


Du khách thích thú chạy chân trần trên bãi cát đen.
Nếu định đến tắm biển Tân Thành (thuộc huyện Gò Công Đông- Tiền Giang), bạn hẳn sẽ thất vọng, vì bãi biển… đen thui. Nhưng đây thật sự là một trong những bãi biển cát đen đẹp nhất Việt Nam. Khi bạn đặt chân xuống cát, sẽ cảm nhận được lớp cát mềm mịn êm nhung, và cứ vậy… đi hoài ra phía biển giăng giăng sóng bạc.
Bãi biển Gò Công không thoai thoải mà phẳng như mặt ao, kéo dài ra hàng cây số. Bạn cứ việc tung tăng đi trên cát, vọc cát, vọc nước và ngơ ngẩn ngó những chòi canh nghêu chênh vênh giữa biển trời.
Đứng chờ hồi lâu mới làm quen được với anh Nguyễn Thanh Danh đang bận rộn nói chuyện điện thoại về giá nghêu, giờ giao nghêu… Anh vui vẻ cho biết: Cũng được lắm. Nghêu năm nay không bị bệnh hoạn như năm trước, hiện giá nghêu từ 30.000- 34.000 đ/kg loại 30- 40 con/kg.
Nếu tính trung bình nuôi đạt 15– 20 tấn/ha, thì người nuôi có thể lời tới vài trăm triệu đồng/ha. Nhắc lại “chuyện xưa”, anh Danh nói, hồi trước giờ tự nhiên đã có con nghêu sinh sống ở biển Tân Thành này rồi. Nghêu Gò Công nổi tiếng ngọt, mềm lại thơm. Nhưng hồi đó giá nghêu cũng bấp bênh, chỉ vài ba ngàn đồng một ký, là món ăn “con nhà nghèo” nấu canh giá hẹ.
Chỉ từ khi nghêu được bước vào thị trường xuất khẩu thì giá nghêu mới tăng vùn vụt, lên tới vài chục ngàn đồng một ký như bây giờ và người khá giả mới dám ăn nghêu. Cũng từ đó, dân miệt biển Gò Công mới nghĩ đến chuyện nuôi nghêu- để trở thành một trong những nơi có nghề nuôi nghêu sớm nhất.
Vùng ven biển miền Tây ít sóng gió, đáy cát pha bùn, nhiều thức ăn, nên từ Tiền Giang qua Bến Tre đến Sóc Trăng, Cà Mau… đều là nơi nghêu ưa trú ngụ. Một trong những vùng nuôi nghêu lớn nhất và có sản lượng cao nhất phải kể đến biển Gò Công Đông của Tiền Giang.
Ở đây, nhiều người dân coi “con nghêu là đầu cơ nghiệp”, nổi tiếng với “kiện tướng nuôi nghêu” Trần Văn Chỉ với sân nghêu hàng vài hecta, hay “vua nghêu giống” Trần Văn Vinh thành công trong sinh sản nhân tạo nghêu, cung cấp cả tỷ con nghêu giống mỗi năm.
Theo số liệu chúng tôi có được, huyện Gò Công Đông hiện có trên 2.000ha biển nuôi nghêu, trong đó, có 350ha là bãi sinh nghêu giống tự nhiên tập trung tại xã Tân Thành, ven vàm Cửa Tiểu. Hàng năm cung ứng trên 20.000 tấn nghêu cho thị trường.
Theo anh Danh, nuôi nghêu cực kỳ đơn giản. Chỉ cần mua nghêu giống về thả xuống bãi biển vào khoảng tháng 4 rồi thu hoạch vào cuối năm sau. Nghêu “nhướng” nhỏ xíu xiu, tới cả ngàn con/kg, nuôi năm rưỡi, đạt thương phẩm 30- 40 con/kg.

Biển Tân Thành có nguồn thức ăn trời cho, người nuôi nghêu chẳng tốn đồng thức ăn nào (lẽ ra phải gọi là người giữ nghêu mới đúng), chi phí tốn kém nhất là mua nghêu giống, giăng lưới, cất chòi, thuê người giữ nghêu… Cứ vậy mà trời biển nuôi dùm.

Những con ốc nhỏ bám đầy trên các cọc gỗ và đầy bãi biển Gò Công.
Nói vậy, chứ hiện nay nghề nuôi nghêu cũng lắm khó khăn. Chú Lê Văn Tấn- cũng là người dân tại đây cho biết: giá giống tăng cao, nghêu bệnh chết nhiều, vài năm gần đây, cứ khoảng tháng Chạp đến tháng 3 năm sau, nghêu thường chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân, có hộ trắng tay.

Người nuôi thì cho là do ô nhiễm nguồn nước. Biển Gò Công Đông thật sự là biển của làm ăn. Với gần 12.000km2 mặt biển, đây là ngư trường giàu tôm cá, thuận lợi nuôi trồng thủy- hải sản có giá trị cao như nghêu, sò huyết, tôm sú, tôm thẻ,…
Chú Tấn cho biết, hàng ngày chú tranh thủ thả vài trăm mét lưới đánh cá ven bờ, cứ một hai ngày là được vài ba con cá chét hoặc cá chẽm cỡ 3- 4 kg/con. Hiện giá cá chét tươi tại đây từ 150.000- 200.000 đ/kg, còn khô cá chét không dưới 500.000 đ/kg. Cá chẽm rẻ hơn nhưng cũng từ 80.000- 120.000 đ/kg.
Hai mẹ con chị Nhan đang đi thong thả trên bãi biển, tay cắp chiếc rổ nhỏ, trông cứ tưởng như đi chơi, nhưng thật ra là đang đi bắt con móng tay. “Đồ nghề” của mẹ con chị rất đơn giản, chỉ là một que tăm tre dài chừng 20cm, thêm một bịt vôi ăn trầu nhỏ xíu.
Vừa đi vừa giậm giậm chân, thấy chút bọt khí nổi lên là biết hang của móng tay, chấm khẽ chút vôi, chỉ vài giây sau, móng tay từ trong cát trồi lên. Chị Nhan nói ngày nào cũng đi bắt từ sáng khi nước ròng cho tới trưa nước lớn ngập bãi, cũng được 1- 2kg. Móng tay ăn ngon, thịt mềm, ngọt, nhưng giá khá mềm, chỉ 50.000 đ/kg.

Chú Tấn: Bãi nuôi nghêu kéo dài tới xa tuốt ngoài kia hàng cây số.
Biển Gò Công còn có món ăn đặc biệt đãi khách phương xa là con sam. Nếu từng nghe chuyện cổ tích về đôi vợ chồng sam gắn bó không rời, thì bạn rất dễ… thất vọng, vì hình dáng con sam rất xấu.
Thân có mai to đầy gai góc, màu xanh xám xịt và chiếc đuôi dài nhọn hoắt. Sam mùa này được cho là đầy trứng béo bùi, giá chỉ 10.000 đ/con. Nhưng nghe đâu con sam cũng có chất cực độc như cá nóc nếu làm không khéo, nên chuyện mua bán sam để ăn cũng cần được xem xét kỹ ở các điểm du lịch.
Từ Mỹ Tho, trên Quốc lộ 1, rẽ vào Quốc lộ 50 chừng 50km là tới Gò Công và đi thêm hơn chục cây số nữa để tới biển Tân Thành. Không chỉ có “biển một bên và… nghêu một bên” làm mềm lòng du khách, Gò Công còn là vùng đất của rất nhiều di tích lịch sử.
Đây là vùng đất đã sinh ra 2 bậc mẫu nghi thiên hạ là Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. Đồng thời đây cũng là quê hương của các anh hùng dân tộc Trương Định, Võ Tánh. Chúng tôi hẹn sẽ cùng bạn trở lại Gò Công với các di tích lịch sử của chốn này.

Theo PHƯƠNG NAM (Vĩnh Long Online)
Dấu xưa trên “xứ Gò”

Đến Gò Công (Tiền Giang) – quê hương của những "Bà hoàng" lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam như: Thái Hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng hậu, du khách không chỉ say lòng với cảnh sông nước hữu tình mà còn được chiêm ngưỡng những công trình rêu phong trăm tuổi. Đó cũng là dịp cảm nhận vẻ đẹp của vùng đất cổ xưa bậc nhất xứ "Nam kỳ lục tỉnh".
Xứ Gò Công xưa, nay được chia ra thành 3 địa danh hành chính gồm: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây. Dù vậy, người dân địa phương và du khách phương xa vẫn quen gọi "xứ Gò" để nói về vùng đất này.
Ngay trong lòng thị xã Gò Công tấp nập, hàng chục ngôi nhà cổ trăm tuổi vẫn tồn tại với kiến trúc rất đẹp. Trong đó, nổi danh hơn cả là nhà cổ Đốc phủ Hải mà ai một lần đến với Gò Công cũng không thể bỏ lỡ. Nhà thu hút bởi kiến trúc rô-man đặc trưng của Pháp nhưng cách bày trí nội thất lại mang đậm dấu ấn Nam bộ. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1890 theo dạng chữ "Đinh", lợp ngói âm dương, gồm ba phần: nhà chính, hai nhà vuông và lẫm lúa. Bước vào trong, du khách không khỏi choáng ngợp bởi những nét chạm trổ trên hệ thống hoành phi, bao lam, liễn đối, xiên trính với đủ đề tài, thể loại của kiến trúc nhà Nam bộ cuối thế kỷ 19 như: tứ linh, tứ quý, bát bửu, các tích truyện xưa như: Nhị thập tứ hiếu, Văn Vương cầu hiền... hoặc các nhạc cụ cổ truyền… khảm xà cừ óng ánh. Ngôi nhà vẫn còn giữ được khá nhiều thứ quý giá, như: bộ đi-văng bằng đá cẩm thạch, đồ sứ, bàn ghế bằng danh mộc, két sắt đựng tiền hơn trăm tuổi... Đặc biệt, du khách có thể thử "ngả lưng" trên chiếc giường Thất Bảo bằng đá cẩm thạch dày gần 1 tấc, nguyên khối lấp lánh nhiều màu sắc như ánh đèn màu do phản quang với ánh nắng từ cửa sổ xiên vào để cảm nhận sự mát lạnh, sảng khoái. Nhà Đốc phủ Hải là một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu nhất ở châu thổ Cửu Long, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994.

Nhà cổ Đốc phủ Hải là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi đến Gò Công. Ảnh: DUY KHÔI
Cách Nhà cổ Đốc phủ Hải không xa là Di tích Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Lăng mộ Trương Định có kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ với hai phần: mộ bằng đá ong kết dính bởi hồ dước và đền thờ có kiến trúc đình miếu phương Nam gồm hệ thống áng thờ và hoành phi, liễn đối được chạm trổ sơn son thếp vàng. Ngày tuẫn tiết của cụ Trương (20-8 dương lịch hàng năm) được nhân dân Gò Công tổ chức rất long trọng, thu hút hàng chục ngàn lượt bà con về thắp hương tưởng nhớ công đức của vị anh hùng xứ Quảng chọn Gò Công làm quê hương.
Rời thị xã Gò Công, đi theo quốc lộ 50, đến địa phận ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, du khách sẽ thích thú khám phá làng nghề đóng tủ thờ ra đời hơn trăm năm và đến nay vẫn làm ăn thịnh vượng với hàng trăm cơ sở. Tương truyền, làng Ông Non được đặt theo tên của ông tổ nghề. Dân gian có câu "Nhất tủ thờ Gò Công, nhì sa-lông Sông Bé" để chỉ vẻ đẹp và chất lượng của tủ thờ nơi đây. Những chiếc tủ thờ truyền thống được chế tác chắc chắn, vững chãi bằng danh mộc như: gõ đen, gõ đỏ, cẩm lai... có giá từ vài chục triệu đến bạc tỉ đồng nhưng vẫn rất đắc hàng. Nét độc đáo của chiếc tủ thờ Gò Công là khóa mối nối đều bằng mộng gỗ chứ không dùng đinh.
Nếu còn thời gian, du khách có thể tìm thêm dấu xưa xứ Gò: di tích Đền thờ Võ Tánh (thị xã Gò Công), nghe bài vọng cổ "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" và câu chuyện tình đẹp như cổ tích của đôi tình nhân này. Một sự thật ít người biết là Võ Đông Sơ chính là con trai của Hoài Quốc Công Võ Tánh. Hay đến với Lầu Bà Tám Huê, Lầu Bà Chín Đào và Lầu Bà Năm (huyện Gò Công Tây) – những ngôi nhà lầu đầu tiên có tuổi đời ngót thế kỷ để chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Du khách cũng có thể "xả hơi" ở biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông), cách làng tủ thờ chừng chục cây số. Không có những bãi cát trắng, cát vàng nhưng "biển miệt vườn" Tân Thành có sự cuốn hút riêng bởi cát mềm mịn như nhung, và khách theo chân ngư dân cào nghêu, sò giống trên những lối mòn để cảm nhận vẻ đẹp của biển.
Rời xứ Gò trong tiếng gió rít rao của biển cả, trong mùi thơm ngào ngạt của mắm tôm chà Gò Công, vị ngọt đặc trưng của nghêu Tân Thành, nhiều du khách bịn rịn, chưa muốn rời xa.
Huỳnh Mai


Phượt kiểu... nghỉ dưỡng về Gò Công

Có sông, có biển, có đồng ruộng và những món ngon rẻ để thưởng thức… Đó là những điều bạn sẽ được trải nghiệm ở Gò Công – Tiền Giang
Không giống như những chuyến phượt đi xa, để tới Gò Công bạn có thể di chuyển bằng xe máy, thậm chí là xe buýt. Từ Sài Gòn theo quốc lộ 50 hướng qua Cần Đước – Long An, tới Phà Mỹ Lợi với đoạn đường chỉ khoảng 40km. Phà Mỹ Lợi chạy khoảng 15 phút sẽ qua tới bờ bên kia, đã thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.
Đoạn đường vừa xuống phà bạn sẽ bắt gặp các chòi bán trái cây chủ yếu là táo và sơ ri. Tại khu vực này người dân trồng khá nhiều hai loại trái cây đó nên giá cả sẽ rẻ hơn ở Sài Gòn. Bạn chạy xe máy thêm khoảng 15km là tới trung tâm Thị Xã Gò Công.
Để đi vào không mất công mất việc, chúng tôi bắt đầu chuyến đi từ 2h chiều thứ 7, khoảng 15h30, đã xuống tới Gò Công. Sau khi nhận phòng khách sạn để bỏ bớt đồ đạc lại, 16h chúng tôi xuất phát theo tỉnh lộ 862 đi Biển Tân Thành cách Gò Công khoảng 15km. Trên đường đi Tân Thành bạn sẽ được dịp thưởng thức hình ảnh đồng quê với những cánh đồng lúa xanh miên man, và những hàng Cây So Đũa hai bên đường.
Cảnh ruộng lúa hai bên đường.
Hàng cây so đũa.
Làng quê.
Ở Biển Tân Thành có một chiếc cầu dài dẫn ra ngoài biển, ngày thường đi được miễn phí, nhưng nếu vào dịp lễ tết, bạn sẽ phải mua vé tham quan. Ở chiếc cầu này đơn giản là đi xa ra phía biển và ngắm nhìn thiên nhiên. Nếu đi trùng những ngày nước rút, bạn có thể đi xuống bãi biển bên dưới với trò chơi yêu thích là cào nghêu.
Gò Công là vùng đất nuôi nghêu nổi tiếng. Ở Tân Thành có các quán ăn sát bờ biển để bạn vừa tận hưởng gió biển vừa ăn hải sản ngon ngọt. Giá cả cũng khá rẻ, ngày lễ Tết có tăng lên chút xíu nhưng không đáng kể.
Biển Tân Thành.
Các quán hải sản ven biển.
Vừa ăn hải sản vừa ngắm biển.
Các loại ốc.
Nghêu hấp xả đặc sản Gò Công.
Sau khi chén một bụng no nê nghêu hấp xả, tôm sắc nướng, sò huyết cháy tỏi… Chúng tôi lại lên xe quay về Gò Công, đón hoàng hôn trên những ruộng lúa xanh mướt.
Hoàng hôn.
Buổi tối ở Gò Công, bạn có thể tiếp tục khám phá ẩm thực. Ngay chợ Gò Công có bán rất nhiều loại trái cây tươi ngon. Để có bữa tối ấm bụng, bạn có thể đến quán hủ tiếu gà ở đường Đồng Khởi. Bạn chạy qua chợ, rẽ phải qua cầu, khoảng 20m bên tay trái, quán ngay bên cạnh tiệm cầm đồ Kim Nhựt.  Hủ tiếu tại đây sợi dai, thịt gà ta chất đầy tô, giá dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/bát tùy thuộc khách gọi nhiều hay ít gà cho tô hủ tiếu. Lưu ý là quán chỉ mở buổi tối.
Hủ tiếu gà.
Ngoài ra, sau khi đã ăn hủ tiếu, bạn thể quay lại câu cầu mình vừa đi qua để mua me chín chua chua ngọt ngọt ngon tuyệt. Đây là loại me trồng ở Gò công, không phải me Thái nhập khẩu, giá khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Buổi tối ở Gò Công không có nhiều trò chơi nên bạn có thể tiếp tục hành trình của mình với một chuyến "du ngoạn"... ngay bờ Ao Trường Đua chém gió với các món gà, chim cút nướng phục vụ ven ao.
Ao Trường Đua.
Sáng sớm ở Gò Công không khí rất tốt khiến bạn cảm thấy rất dễ chịu, thư giãn. Để có bữa sáng ngon lành, đủ chất bạn có thể ghé quán Bún Măng Vịt trên đường Thủ Khoa Huân, giá cả cũng hợp lý.
Bún măng vịt.
Quán Bún măng vịt.
Ăn sáng xong bạn có 2 lựa chọn, hoặc vô trung tâm uống cà phê tán gẫu, hoặc mang máy ảnh thong dong chụp hình nhà cổ, nhà thờ. Trung tâm thị xã Gò Công có một điều làm du khách rất thích đó là tuy là khung cảnh phố xá thanh bình, còn lưu giữ được rất nhiều những ngôi nhà xưa cổ mái ngói, với những hàng cau cao vút. 
Những hàng cau.
Ngôi nhà xưa bỏ hoang trên đường Nguyễn Trãi.
Ngôi nhà xưa gần 100 tuổi số 76 Trần Hưng Đạo.
Ngoài ra có một số địa danh có thể tham quan: Nhà Văn Hóa Gò Công, Đình Trung Gò Công, Mộ Trương Định, Lăng Hoàng Gia…
Đình Trung Gò Công.
Nhà thờ Thánh Tâm.
Gần hết buổi sáng, chúng tôi quay về trả phòng khách sạn và chuẩn bị lên đường về. Sài gòn đón chào vào lúc 16h chiều, vậy là bạn đã có một chuyến đi ngắn thú vị.
(evasong...gmail.com)
Độc giả Mi Hương
Theo Tri Thức

Gò Công - Khoảnh khắc yên bình nơi làng quê xanh mượt

“Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng...”, nhưng đây không phải là những sắc màu của Trần Tiến, mà là những sắc màu của lúa trên con đường chúng tôi đi.

Gò của những con công
Gò Công là “gò của những con công”, theo một lý giải của người địa phương, do xưa kia nơi đây là vùng đất gò có nhiều công sinh sống. Quốc lộ 50 những ngày giữa tháng 9/2014 là một con đường đẹp, ít xe cộ, xuyên qua những cánh đồng lúa chín, xen kẽ những thửa ruộng đã gặt và mảng màu xanh ngắt của mạ mới lên. 
Có lẽ do ảnh hưởng của cơn bão nên bầu trời cứ xám xịt cho tới khi chúng tôi tới phà Mỹ Lợi thì mặt trời mới bắt đầu ló dạng. Một trong những con phà cổ nhất vùng sông nước phía Nam từng một thời tấp nập, giờ hiện ra trong đìu hiu, xa vắng. Vài ba sạp hàng bày bánh kẹo, sản vật.
Gò Công - Khoảnh khắc yên bình nơi làng quê xanh mượt
Dạo trên đường làng là một trải nghiệm khám phá thú vị - Ảnh: Trần Thùy Linh.
Tấm bảng “cấm bán hàng” treo khiêm tốn trên tường lấp ló sau những chồng hàng, phải chú ý mới thấy. Thứ duy nhất còn thấy quen thuộc là vài lò làm lạp xưởng tươi, thứ lạp xưởng nức tiếng một thời mà không ai qua đây lại không mua về làm quà cho người thân. 
Cũng như bao con phà khác ở miền Tây, rồi con phà này cũng sẽ thành cổ tích khi mà nơi xa xa kia cây cầu Mỹ Lợi sắp được hoàn thành. Mừng quá cho sự đổi thay của quê hương, nhưng cũng chạnh lòng khi chợt nhớ tới những chuyến đi qua biết bao con phà trên những dòng sông.
Rất nhiều điều thú vị trên những chuyến phà ngang ấy: những thân phận, những cuộc đời, dòng sông mải miết trôi và con phà trăm năm tuổi. Tới một lúc nào đó không còn con phà nữa, người đã đi xa, dòng sông bỗng trở thành ký ức và bạn mang một nỗi nhớ khôn nguôi.
Gò Công - Khoảnh khắc yên bình nơi làng quê xanh mượt
Một cơ sở làm chổi truyền thống ở địa phương - Ảnh: Trần Thùy Linh
Qua phà, con đường như hẹp lại nhưng cũng tươi xanh hơn nhiều nhờ hàng so đũa, có những gốc vài năm tuổi, có gốc chục năm tuổi. Những vườn chuối trĩu buồng đang nở những bông hoa đỏ khổng lồ và đặc biệt là rất nhiều hoa hàng rào ở những ngôi nhà ven lộ như bông trang, vàng anh, bông dừa... đua nhau khoe sắc.
Gò Công là một thị xã nhỏ vô cùng duyên dáng với một hồ nước ngay trung tâm. Hình như ngoài Mỹ Tho ra, ít có thị xã hay thị trấn nào ở miền Tây có hồ nước xinh xắn như vậy. 
Trải nghiệm làng quê
Chặng đường tiếp theo bằng xe đạp là điểm nhấn chính của chương trình. Con đường làng nhỏ xíu trải đá dăm chạy dọc theo bờ kênh xanh mướt và những cánh đồng ngát hương lúa.
Với người thành phố, đây có lẽ là một trong những trải nghiệm lý thú nhất của chuyến đi. Những ruộng rau, ruộng khoai, bông cải trắng, cải thìa, những luống hành, giàn đậu, dưa leo, mướp, bí đang mùa trổ bông vàng rực rỡ làm nên một khung cảnh yên bình hiếm đâu có được. 
Gò Công - Khoảnh khắc yên bình nơi làng quê xanh mượt
... và khoảnh khắc yên bình - Ảnh: Trần Thùy Linh
Điều đặc biệt làm con đường đạp xe ở Gò Công Đông trở nên thú vị chính là sự pha trộn giữa phong cảnh của vùng ngập mặn sát biển với những loài cây đặc trưng như đước, bần, mắm, trà... và phong cảnh sông nước miền Tây với những vườn cây trĩu quả, đồng lúa, hoa màu, đặc biệt là những vườn so đũa, hoa dùng nấu canh chua, lá làm thức ăn cho dê.
Một hành trình thật khác với những tour đi xe đạp thường thấy dưới bóng dừa miền Tây. 
Chúng tôi ghé thăm một cơ sở xay xát lúa thủ công sát bên chợ Tân Điền. Dù ngày nay đã có nhiều máy móc nông nghiệp hiện đại, nhưng những cơ sở truyền thống như vậy cũng không quá hiếm trong vùng này.
Hệ thống máy cao tới 4-5m, hoàn toàn bằng gỗ với ống dẫn và phễu bằng thiếc, đã hơn hai, ba chục năm tuổi vẫn hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả, tạo nên một ấn tượng thật khác biệt. Rời nhà máy xát lúa, con đường đưa chúng tôi tới một trong những cửa biển của Gò Công.
Nếu bạn thích ngắm cảnh biển, có thể tới cửa biển Tân Thành, một bãi biển cát đen rất hoang sơ, tràn ngập hoa muống biển tím ngát và những rẫy dưa hấu xanh mướt trồng trên cát bãi bồi nên cho vị ngọt thanh hiếm thấy. 
Gò Công - Khoảnh khắc yên bình nơi làng quê xanh mượt
Nơi đây đẹp tuyệt như bức tranh hữu tình.
Nằm khuất sau cánh rừng ngập mặn tại một cửa sông thuộc ấp Tân Đông là một làng chài nhỏ vốn không phải là điểm du lịch. Ngay khi chúng tôi tới, thuyền chài vừa cập bến. Thủy hải sản tươi rói, ốc hương, ốc gai, ốc móng tay, ốc công chúa, nghêu, mực, cá, cua và tôm mũ ni... hứa hẹn một bữa trưa thịnh soạn đầy ắp hương vị biển.
Tới làng làm chổi thuộc thị trấn Vĩnh Bình, một lần nữa khung cảnh lại biến đổi đến không ngờ. Những mái nhà ngói cổ thấp thoáng sau những vườn chuối vườn dừa. Không khí mát dịu của cơn mưa làm mọi vật như tươi mới hơn, lung linh hơn.
Hai bên lộ người ta phơi đầy vỏ dừa khiến con đường và cả con kênh như được khoác một màu áo mới. Ở đây nhà nhà đều làm chổi. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi chỉ thấy nơi đây những nụ cười và sự cởi mở rất đỗi hồn hậu với khách ghé thăm.
Có lẽ Gò Công chưa đủ hấp dẫn với nhiều người, nhưng chắc chắn rằng một chuyến du lịch trải nghiệm bằng xe đạp về với “gò của những con công” ấy sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới mẻ và đầy bất ngờ về một vùng đất không chỉ giàu tính lịch sử, truyền thống mà còn rất bình yên và hữu tình.
Một điểm dừng thú vị
Chúng tôi dừng chân tại một ngôi chùa nhỏ thuộc phái Tịnh độ cư sĩ Phật hội trên đường 862, thị xã Tân Hòa. Với phương châm  “Tu - học - hiện - hành - cứu nhân độ thế” bằng y dược cổ truyền, cơ sở tu hành này trở thành điểm chăm sóc sức khỏe cộng đồng khá hữu hiệu đối với những bệnh thông thường cho cộng đồng.  
Bước qua khỏi cổng tam quan là vườn thuốc và sân phơi. Vườn thuốc không lớn nhưng có rất nhiều loại cây thuốc như: rau bợ, dây gấm, huyết rồng, trung quân, chân vịt, râu mèo, đặc biệt nhiều loại rau gia vị thông dụng như  tía tô, kinh giới, húng quế, khổ qua…
Gò Công - Khoảnh khắc yên bình nơi làng quê xanh mượt
Thuốc nam được phơi trong sân chùa - Ảnh: Trần Thùy Linh
Theo các vị tu hành nơi đây, khoảng 3.000 loại thuốc nam được trồng tại nhiều địa điểm được mang về chùa chế biến. Phần lớn diện tích chùa được sử dụng làm kho chứa các vị thuốc sau khi được sao hoặc phơi khô. 
Những người bạn nước ngoài vô cùng thích thú khi được bắt mạch và chẩn đoán về sức khỏe. Thuốc được bốc ngay sau đó, hoàn toàn miễn phí. Chợt liên tưởng đến những cơ sở tương tự khi đi du lịch Trung Quốc.
Rõ là chúng ta không thể rập khuôn theo kiểu cách đã bị thương mại hóa quá đà ở Trung Quốc, tuy nhiên nếu ngành du lịch nước nhà biết khéo léo hợp tác, những địa điểm như thế này sẽ trở nên một trải nghiệm lý thú cho du khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét