Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Bánh đập bà Sáu


Quán chỉ có 4 cái bàn nhỏ, khách phải tự vừa ăn vừa trông chừng xe. Vậy mà bất kể trời Sài Gòn mưa hay nắng, quán bánh đập bà Sáu trên đường Ca Văn Thỉnh, quận Tân Bình lúc nào cũng đông khách… Thỉnh thoảng, khách xin thêm chén mắm thì nghe bà càm ràm: “ Ăn chi cố rứa mi”. Cái kiểu nói đó của bà già Quảng này thực ra là đang “mắng yêu” mà thôi!

Bánh tráng giòn béo, bánh ướt nóng hổi, mềm mướt đập lại với nhau rồi chấm vào thứ mắm cái từ Quảng Nam chuyển vào tạo nên vị đặc trưng. Có lẽ nhờ điều đó mà quán bánh đập của bà Nguyễn Thị Sáu (60 tuổi - quê gốc Điện Thọ - Điện Bàn) đông khách từ sáng đến chiều.
 
Vốn là dân buôn ở chợ Phong Thử, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, hơn 14 năm trước, bà Sáu phải rời quê để vào sinh sống tại Sài Gòn. Giữa Sài Gòn hoa lệ nhưng cũng lắm mảnh đời bất hạnh, bà Sáu cũng như bao người Quảng xa quê khác phải bon chen đủ nghề kiếm sống. Bán vé số, lượm ve chai, bán bánh mì… vẫn không đủ sống, bà cùng 2 người em nghĩ đến chuyện bán thứ gì nó lạ lạ quen quen để người ta ăn. Vậy là quán bánh xèo, bánh đập bà Sáu ra đời. 

Quán bánh của bà Sáu. Ảnh: M.KIỆT 
Nằm cách mì Quảng Sâm 3 căn nhà, những ngày đầu, quán bà vắng tanh như “chùa bà Đanh”, còn quán Sâm thì đầy ứ khách. “Lúc đó tui không buồn, tui nghĩ là đến lúc nào đó người ta sẽ biết đến quán mình thôi. Làm ăn nhỏ lẻ, bán món đặc sản Quảng Nam thì phải biết kiên nhẫn. Người miền Nam có thích ăn mắm cái đâu? Mình phải làm sao cho nó đặc biệt thì khách mới biết”. Khách là người Quảng, rồi những người làm bạn với người Quảng, được dẫn tới quán bà ăn riết rồi mê cái món bánh đập giòn giòn lúc nào không hay.
 
Chị Trần Thị Thụy Phương, nhân viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bộc bạch: “Mấy món Quảng tôi rành hết. Bánh đập thì cũng đi Hội An ăn rồi, ở Sài Gòn này thi thoảng cũng ăn ở những nhà hàng món này, nhưng ăn ở quán bà Sáu thì là ngon nhứt. Cái chén mắm cái của bà pha chế là ngon tuyệt. Rồi vừa ăn, vừa nghe mấy bàn xung quanh nói tiếng Quảng cũng vui tai lắm! Tôi rất thích những quán ăn, món ăn giữ được hồn cốt văn hóa địa phương như thế này”.
 
Không chỉ bán bánh đập, bà Sáu còn đổ bánh bèo để bán. Bánh bèo của bà cũng rặt… Quảng. Nghĩa là không phải chén bánh bèo nhỏ nhỏ, mỏng mỏng đang bán ở Sài Gòn này. Bánh của bà Sáu to và dày trùng trục mà mềm mượt lạ kỳ, nhưn bánh bèo cũng không phải tôm khô, hành xối mỡ.
 
Nhưn bánh bèo của bà là thịt heo ba chỉ, tôm đất giã nát um lên nấu sệch sệch với bột, thêm mấy hột đậu phụng...“Tui nấu nhưn toàn bằng dầu phụng ép quê mình đó. Mắc chút nhưng đem khử với nén thì thơm vô cùng. Ăn rứa mới ngon, mới nhớ đời chớ!”- bà nói. Cứ vậy, nhứt quyết bà Sáu theo cái công thức của mẹ mình ngày xưa bày mà nấu.
 
Người ăn lúc đầu thì thấy lạ, có người còn chê bánh bèo gì đâu mà to quá, thô quá! Nhưng ăn xong rồi thì lần sau tự động ghé, rồi còn rủ rê thêm nhiều người nữa tới quán, để thi thoảng xin bà thêm chén mắm, để nghe bà mắng yêu: “Ăn chi cố rứa mi?”.
 
Khách đến quán  lần đầu thường rất ngại cái kiểu im im của bà Sáu. Ăn cũng chỉ dám nhai nhóp nhép, nói thỏ thẻ vì cái vẻ lầm lũi của bà. Đến khi nghe bà nói: “Ăn bánh tráng đập thì phải ăn mạnh lên, nhai rau ráu nghe hắn mới sướng cái lỗ tai chớ. Ăn như tụi bây cứ như tiểu thư con nhà giàu. Nói chuyện cũng tự do mà nói chứ có ai la tụi bây đâu mà cứ nhín nhín”. Đó là cái tính cách Quảng vẫn giữ nguyên trong con người bà.
 
Anh Nguyễn Văn Đông - một doanh nhân người Quảng ở Sài Gòn, kể: “Lần đầu tôi chở con đến đây ăn. Bà thấy tôi đi bằng xe con tới là phất tay bảo: hết bánh rồi, không bán nữa. Sau tôi thèm quá, chạy xe máy tới ăn thì bà bảo: Thấy tụi bây vô đây làm ăn giàu có tau mừng lắm, nhưng chở con cái đi ăn cái quán như ri thì cần gì phải đi xe con. Cái đường hẻm thì nhỏ xíu mi để cái xe là hết đường đi của bà con, nên tau không thích bán. Nghĩ cũng kỳ cho cách nghĩ của bà, nhưng tui lại thích tới nghe bà mắng vài câu để cho đỡ nhớ mẹ ngoài quê!”.
 
Theo Minh Kiệt (Quảng Ngãi Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét