Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Chùa Diệu Đế nối quá khứ và hiện tại


Diệu Đế là một ngôi quốc tự nên các đời vua nhà Nguyễn đều sắc cử các vị thiền sư uyên thâm Phật pháp làm tăng cang và trụ trì chùa. 
 - Nhắc đến chùa Diệu Đế, ai cũng biết đây là một trong ba ngôi Quốc tự dưới triều Nguyễn còn lại trên mảnh đất Huế. Sự biến thiên của lịch sử đã lấy đi ít nhiều vẻ hoành tráng của ngôi tự này nhưng vị trí và vai trò của ngôi cổ Tự vẫn không hề thay đổi.
 
Cổng tam quan chùa Diệu Đế xây dựng theo lối kiến trúc hai mái đặc trưng của Huế
Cổng tam quan chùa Diệu Đế xây dựng theo lối kiến trúc hai mái đặc trưng của Huế
 
Xây chùa để thức tỉnh những tâm hồn 
 
Năm 1844, vua Thiệu Trị đã cho xây dựng một ngôi chùa trên nền đất cũ nơi mình được sinh ra. Ông mong muốn “Vua quan ngày ngày chiêm ngưỡng, càng tăng thêm màu sắc tươi thắm của chốn phồn hoa; xe qua thuyền ghé tấp nập, chen nhau như gấm dệt; mục đích vẫn thức tỉnh những tâm hồn hiếu lợi mê hoặc, vẫn lấy điều thiện làm căn bản”
 
Ngôi chùa này được ông đặt tên là Diệu Đế vì: “... đó là nơi hun đúc và thể hiện nét văn hoá vô cùng tuyệt diệu, tận nguồn cội thâm uyên đều được hiển bày qua chân như mật đế, cũng vì vậy cho nên gọi là chùa Diệu Đế”. 
 
Ban đầu, Diệu Đế là một ngôi tự đồ sộ với nhiều công trình lấy sông đào Đông Ba làm minh đường. Chùa được bao bọc bởi la thành có sáu cửa, chính diện là tam quan xây dựng theo lối kiến trúc hai mái đặc trưng của Huế, phía trên có cơi lầu thờ đức Vi Đà Thiên Tôn quay mặt về chính điện. 
 
Dần vào trong là lầu chuông, lầu bia hình lục giác 2 tầng mái, lợp ngói ống âm dương có chuông và tấm bia đá chú tạo vào tháng sáu năm Thiệu Trị thứ sáu (1846) đến nay vẫn còn. Qua khỏi thành ngăn là gác Đạo Nguyên gồm một toà nhà ba gian, hai tầng ở chính giữa. 
 
Ở tầng trên và chính giữa là bàn thờ Phật Thích Ca, ở bên trái và bên phải là hai bàn thờ A Nan và Ca Diếp. Ở tầng trệt là bàn thờ của các vị Kim Cang. Phía sau gác là nhà Hộ pháp, hai bên có lầu chuông trống. 
 
Chính điện chùa hiện nay có 4 cột đúc giả gỗ sơn vẽ hình rồng trong mây.
Chính điện chùa hiện nay có 4 cột đúc giả gỗ sơn vẽ hình rồng trong mây.
 
Trung tâm chùa là điện Đại Giác đồ sộ, nguy nga ba gian hai chái. Gian giữa, án trên thiết tượng Phật Tam Thế, án dưới thờ thần vị của vua được sơn son thếp vàng và chạm lưỡng long triều nguyệt. 
 
Hai gian tả hữu thờ Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát. Trên hai bên vách là những pho tượng của các vị A la hán. Hai bên chính điện là Trí Tuệ Tinh xá và Cát Tường từ thất. Sau chính điện lại có nhà tăng, mỗi nhà ba gian. 
 
Thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh
 
Tháng 7 năm 1885, kinh thành thất thủ, một số cơ sở của triều đình và phủ Thừa Thiên bị quân Pháp chiếm đóng nên Nam Triều đã lấy Trí Tuệ tinh xá làm trụ sở của phủ đường Thừa Thiên, lấy Cát Tường từ thất làm sở đúc tiền, một nhà tăng làm Khâm Thiên giám và một nhà tăng khác làm nhà lao Thừa Phủ. 
 
Hoạ tiết rồng trong tác phẩm Cửu long ẩn vân ở trần điện
Hoạ tiết rồng trong tác phẩm Cửu long ẩn vân ở trần điện
 
Vì vậy tại Đại Giác điện đã có đến 53 án thờ gồm nhiều pho tượng của chùa Giác Hoàng, của Đạo Nguyên Các, của Trí Huệ tinh xá và của Cát Tường từ thất đem vào tôn trí. 
 
Năm 1887, phần lớn các dãy nhà trong chùa Diệu Đế bị triệt hạ, chỉ còn lại Đại Giác điện, Đạo Nguyên các, chung lâu, cổ lâu, chung đình và tam quan lâu được giữ lại. Năm 1889, Hoà thượng Tâm Truyền trụ trì chùa được vua Thành Thái ban 3000 quan tiền để trùng tu nhưng không thể phục hồi được qui mô như trước.
 
Cơn bão năm 1904, đã làm sụp đổ một số ngôi nhà, điện thờ vì vậy đến năm 1910 gác Đạo Nguyên bị triệt hạ do hư hỏng nặng cùng chung lâu và cổ lâu.
 
Năm 1953, Hòa thượng Diệu Hoằng với sự hỗ trợ của bà Từ Cung và Phật tử trong hoàng tộc cũ, đã trùng tu chùa Diệu Đế với qui mô thu gọn như hiện nay. Chính điện có 4 cột đúc giả gỗ sơn vẽ hình long ẩn vân, trần đúc vẽ rồng 5 móng bay lượn trong mây, nét vẽ điêu luyện, tinh xảo. 
 
Tiền đường kéo dài, ở hai đầu là hai phòng nhỏ vẫn giữ tên Trí Tuệ tinh xá và Cát Tường từ thất. Phía trước có hai Lôi gia hướng mặt ra tam quan, tôn trí Bát Bộ Kim Cang vốn được thờ ở Đạo Nguyên các cùng 18 vị La Hán ở Đại Giác điện cũ. Mấy năm sau hai bên khuôn viên chùa xây dựng hai dãy nhà dài làm trường tiểu học Bồ Đề và trường mẫu giáo Lâm Tì Ni.
 
Bên ngoài sân chùa Diệu Đế khiến cho khách thập phương cảm thấy yên bình
Bên ngoài sân chùa Diệu Đế khiến cho khách thập phương cảm thấy yên bình
 
Cầu nối của quá khứ và hiện tại
 
Diệu Đế là một ngôi quốc tự nên từ thuở thành lập chùa các vua nhà Nguyễn đã sắc cử các vị thiền sư uyên thâm Phật pháp làm tăng cang và trụ trì chùa. Vua Thiệu Trị đã sắc cử hoà thượng Diệu Giác, nguyên trụ trì chùa Báo Quốc sung chức tăng cang chùa Diệu Đế khi chùa vừa được lập. 
 
Năm 1856, vua Tự Đức cử thêm Hoà thượng Hải Toàn Linh Cơ làm trụ trì. Đến nay, các vị hoà thượng làm tăng cang và trụ trì chùa có thể kể như Hoà thượng Diệu Giác, Hoà thượng Thanh Ninh Tâm Truyền, Hoà thượng Tâm Tịnh, Hoà thượng Huệ Pháp, Hoà thượng Thanh Đức Tâm Khoan... Sau khi nhà Nguyễn sụp đổ có Hoà thượng Diệu Hoằng, Hoà thượng Đôn Hậu, Hoà thượng Giới Hương,...
 
Sự hoành tráng của một ngôi quốc tự đã đi qua nhưng không gian và cảnh vật cũng như sự linh thiêng của Diệu Đế vẫn còn đó. Hình tướng bát bộ kim cang ở hai Lôi gia có thể làm cho những ai “yếu vía” cảm thấy sợ. 
 
Hình tướng Bát bộ kim cang ở hai Lôi gia có thể làm cho những ai “yếu vía” cảm thấy sợ
Hình tướng Bát bộ kim cang ở hai Lôi gia có thể làm cho những ai “yếu vía” cảm thấy sợ
 
Sự kỳ bí của bộ tượng 18 vị La Hán thờ không đúng chỗ cũng là một ẩn số bên cạnh là nét vẽ điêu luyện của bức hoạ Cửu long ẩn vân mà nhiều người nhầm tưởng là nét vẽ của Nghệ nhân Phan Văn Tánh với tác phẩm cùng tên ở cung Thiên Định lăng Khải Định cùng những pháp khí, khí tự có giá trị khác được chùa lưu giữ đã làm tốn bao giấy mực cũng như công sức của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hoá.
 
Ngày nay, khi tổ đình Từ Đàm đã là trung tâm của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế thì vị trí và vai trò của chùa Diệu Đế như chiếc cầu nối của quá khứ và hiện tại mà những người con Phật không bao giờ có thể quên. 
 
Bài sử dụng một số tư liệu của các tác phẩm Giới Hương (Phỏng dịch) (1994); Văn bia chùa Huế; Nguyễn Đình Hoè (1997); “Chùa Diệu Đế”, BAVH, Tập III (1916), Nxb Thuận Hoá; Huế, tr.400-405. (Đặng Như Tùng dịch)

Vinh Dự - Hoài Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét