Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Đền thờ Cao Lỗ Vương và lễ hội vùng Đại Than


Ngôi đền thờ Cao Lỗ Vương cổ kính linh thiêng nằm trên bãi bồi, bao quanh là sông nước mêng mang, cây cối xanh tốt, thuộc thôn Đại Trung (tên nôm làng Lớ), xã Cao Đức, huyện Gia Bình, là nơi ghi dấu, tưởng niệm, tôn vinh bậc danh nhân quân sự buổi bình minh lịch sử dân tộc ta có công giúp An Dương Vương chế tạo “nỏ thần” đánh giặc bảo vệ đất nước.
Căn cứ vào thần phả, sắc phong, văn bia, văn chuông các di tích thờ Cao Lỗ Vương của xã Cao Đức cho biết: Cao Lỗ Vương quê ở Đại Than, huyện Gia Bình. Xưa Đại Than là vùng đất bãi bồi rất lớn nơi cửa sông Đuống đổ vào sông Lục Đầu, gồm một vệt các làng Việt cổ như: Đại Than, Tiểu Than, Văn Than, Bình Than, Phù Than.
Sử sách cho biết, ngay từ thời Trần vùng cửa sông này đã có tên là Đại Than là nơi diễn ra Hội nghị của vương hầu quý tộc nhà Trần đưa ra quyết sách quan trọng đánh lui quân xâm lược Nguyên-Mông khét tiếng hung bạo. Đến thời Lê, do dân cư phát triển tách mà thành các xã như: Đại Than xã gồm 3 thôn (Đại Trung, Đông Trung, Bình Than), Tiểu Than xã, Phù Than xã, Kênh Phố xã và Mỹ Lộc xã (riêng Mỹ Lộc cho tới thời vua Đồng Khánh mới tách ra từ xã Phù Than).
Có tới 8 làng (xã) thờ Cao Lỗ Vương đó là các thôn: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Kênh Phố, Phù Than và Mỹ Lộc. Nhưng chính đền thờ Cao Lỗ ở thôn Đại Trung (tên nôm làng Lớ) mà theo thần phả là ngôi miếu nhỏ hướng ra sông Lục Đầu, phía trước có một vực thiêng, các thuyền bè qua đây đã vào đền mật cầu đều được linh ứng. Các đình còn lại là nơi thờ vọng và mỗi khi hội hè thì rước kiệu thần về chính đền tế lễ, sau rước về đình làng mình để tế lễ và mở hội.
Theo cuốn thần tích của đền thờ Cao Lỗ Vương thuộc thôn Đại Trung có niên đại Tự Đức 32 (1879) thì lai lịch công trạng của người được thờ có thể tóm tắt như sau: Cao Lỗ Vương sinh tại xã Đại Than, ngay từ nhỏ đã là người thông minh, hiếu học. Khi trưởng thành văn võ hơn người, thường theo An Dương Vương đi đánh giặc. Ông được An Dương Vương giao việc chế tạo nỏ thần. Nhờ có nỏ thần mà An Dương Vương đánh lui được mọi quân xâm lược. Về sau An Dương Vương nghe theo bọn gian thần nịnh hót dèm pha mà xử ông tội chết. Thượng đế thương ông là người vô tội, đã sai mãnh hổ mang xác ông về quê, dân làng thấy vậy liền an táng tại nơi đất đẹp tục gọi là “Mồ Than” và dựng đền thờ ông ở bản xã.
Đến thời Cao Biền khi đi qua đây, đêm nằm mộng thấy có một nhân thần tự xưng là Cao Lỗ Vương, kể rằng có công giúp An Dương Vương đánh giặc và chế nỏ thần bị gian thần dèm pha mà xử tội chết, thượng đế thương là người trung nghĩa vô tội bèn cho cai quản một dải sông. Cao Biền tỉnh dậy bàn với thuộc hạ rồi đến đền bái tạ. Các đời vua đều có sắc phong cho người được thờ. Cùng với gia phả đền còn bảo lưu được 22 đạo sắc phong cho biết rõ về người được thờ; sắc cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng 4 (1796), sắc muộn nhất có niên đại Khải Định 9 (1924).
Theo tục truyền, hàng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch), nhân dân 8 làng thôn vùng Đại Than là: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Phù Than, Kênh Phố và Mỹ Lộc cùng thờ Cao Lỗ Vương tổ chức lễ hội. Ngay từ sáng mồng 9, đền Cao Lỗ Vương đã được mở cửa để đại diện các làng đến làm lễ mộc dục (lau chùi ngai thờ thay phẩm phục mới cho tượng thần).
Truyền rằng, xưa để phân biệt anh em giữa các làng thờ Cao Lỗ Vương, tại đền có một miệng hang rất rộng, phía dưới nước chảy ra sông Lục Đầu, người ta lấy 7 quả bưởi viết tên 7 làng (vì khi ấy Mỹ Lộc chưa tách khỏi Phù Than), rồi đổ xuống cửa hang, quả nào trôi ra trước thì làng đó anh và ra sau là em. Kết quả là quả bưởi ghi tên làng Tiểu Than ra trước, tiếp theo là các làng: Bình Than, Kênh Phố, Đại Trung, Văn Than, Đông Trung, Phù Than. Sau lễ mộc dục ở đền, các làng rước lễ vật ra lăng mộ Cao Lỗ Vương tại thôn Tiểu Than làm lễ xin phép được mở hội.
Sáng mồng 10, các làng đồng loạt tổ chức rước kiệu, long đình từ làng mình đến đền, theo thứ tự anh em lần lượt vào đền tế lễ Cao Lỗ Vương, rồi xin rước bài vị của ngài về làng mình để tế lễ mở hội. Đám rước kiệu thánh của tám làng rợp trời với cờ quạt, tàn, lọng, kiệu, siêu đao, bát bửu và tưng bừng náo nhiệt với âm thanh trống chiêng, đàn, sáo, nhị, cùng hàng ngàn người tham dự. Trong những ngày lễ hội của các làng thờ Cao Lỗ Vương, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò hèm huý diễn lại sự tích của Thần như: Thôn Đại Trung có trò “múa mo múa mộc” tượng trưng cho Cao Lỗ Vương khi đánh giặc. Thôn Tiểu Than có trò “múa bông đánh bệt” diễn lại sự tích Cao Lỗ Vương bị chết oan được mãnh hổ mang xác ông về quê hương để nhân dân biết mà chôn cất; riêng tục “võ vật” thì thôn nào cũng có, bởi vùng Đại Than xưa là đất thượng võ; đồng thời còn có rất nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian vui tươi lành mạnh mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc.
Đền thờ Cao Lỗ Vương và lễ hội “vùng Than” của 8 làng thôn thuộc xã Cao Đức tôn vinh một danh nhân quân sự buổi bình minh lịch sử, đây là lễ hội vùng rất lớn mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân hướng về cội nguồn, biết ơn người có công với dân với nước, phát huy những thuần phong mỹ tục và là dịp tốt để giáo dục truyền thống “dựng nước và giữ nước” của dân tộc ta đối với các thế hệ.
Đỗ Thị Thuỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét