Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Gánh cỗ cúng họ ngày đầu năm


(Dân trí) - Tại một số địa phương thuộc huyện Yên Thành (Nghệ An), người dân vẫn duy trì phong tục làm cỗ cúng họ vào ngày đầu tiên của năm mới. Đây cũng là dịp để con cháu tụ hội, tưởng nhớ tổ tiên.

Thôn nữ gánh cỗ đi cúng họ ngày đầu năm
Thôn nữ gánh cỗ đi cúng họ ngày đầu năm
Buổi sáng đầu tiên của năm mới, mọi thành viên trong gia đình bà Cao Thị Hiên (xã Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An) đều dậy từ rất sớm. Mọi người đều muốn góp tay vào việc bày biện mâm cỗ cúng tổ tiên. Hai cô em dâu về quê ăn Tết cũng đến góp tay cùng bác cả bởi lẽ bà Hiên là đại diện của chi làm mâm cỗ cúng tổ tiên. “Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, tất cả đều là thành quả lao động sản xuất của gia đình trong năm qua dâng lên tưởng nhớ tổ tiên, mong các cụ tiếp tục phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn hơn trong năm mới”, bà Hiên cho biết.
Mâm cỗ bày biện xong được sắp vào thúng, lồng đôi quang gánh vào rồi quẩy lên vai đưa tới nhà thờ họ. “Hồi trước, chưa có xe máy như bây giờ nên mâm cỗ đều được cho vào cái thúng to rồi gánh bộ đi. Xa hay gần thì cũng phải gánh. Giờ nhà nào gần nhà thờ họ thì gánh bộ thôi, còn không thì gánh… bằng xe máy cho nhanh mà lại khỏe”, bà Hiên cho biết thêm.
Gánh cỗ bằng xe máy
Gánh cỗ bằng xe máy
Theo quan niệm của người dân nơi đây, việc sửa soạn mâm cỗ, đưa tới nhà thờ là bổn phận của cánh phụ nữ trong nhà. Bởi vậy, dù quãng đường gần hay xa thì nhiệm vụ của các mẹ, các chị, các em gái là chất mâm cỗ trên vai. Bởi vậy, hầu hết con gái nơi đây đều biết gánh hàng. “Bây giờ người ta nghĩ khác đi rồi, đàn ông đi xe máy vững hơn, đặt gánh cỗ trên vai ngồi phía sau cũng vững hơn nên có thể gánh đỡ cho vợ hoặc con gái chứ ngày xưa thì không có chuyện đàn ông gánh cỗ đi nhà thờ đâu. Nhiệm vụ của họ là quét dọn, hương khói và tổ chức lễ cúng thôi”, ông Nguyễn Văn Trọng (xã Bắc Thành) cho biết.
Dưới làn mưa bụi của ngày đầu năm, từng đoàn người, đoàn xe gồng gánh mâm cỗ tới nhà thờ họ mình. Sau khi mâm cỗ được đưa tới nhà thờ họ, tất cả mọi thành viên trong già đình đều có mặt đông đủ. Lúc này, nhiệm vụ của người đàn ông trong nhà là bày biện mâm cỗ lên bàn thờ, người đàn ông cao tuổi nhất nhà, thường là ông nội hoặc bố sẽ là người làm lễ cúng tổ tiên. 
Cúng họ ngày đầu năm với niềm thành kính, biết ơn tổ tiên và cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc
Cúng họ ngày đầu năm với niềm thành kính, biết ơn tổ tiên và cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc
“Thường thì mỗi chi thì đảm trách một bữa cúng tại nhà thờ họ trong dịp Tết Nguyên đán cho đến hết ngày mùng 4 Tết. Họ nào có nhiều chi, nhánh thì có thể kết hợp 2-3 chi tiến hành một lễ cúng”, ông Đặng Trọng Tu (xã Trung Thành) lý giải.
Sau khi người đàn ông lớn tuổi nhất chi hoàn thành lễ cúng, mọi người trong gia đình sẽ quây quần đợi hết tuần hương để làm lễ hạ mâm thọ lộc. Đây là thời gian để những bậc cao niên trong dòng họ, trong chi kể cho con cháu nghe về công trạng khai phá đất đai, dựng làng, giữ nước của ông cha mình.
Trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống, việc cúng họ đầu năm đã được tinh giản theo hướng gọn nhẹ hơn nhưng ý nghĩa của nó thì vẫn vậy. Đó là cách để con cháu bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình để từ đó phấn đấu tốt hơn trong công việc, học hành…
Vĩnh Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét