Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Hàng Buồm – Phố người Hoa sầm uất kinh thành Thăng Long xưa


Hàng Buồm, điểm trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long xưa, cũng là con phố mang đậm dấu ấn người Hoa, luôn tấp nập nhộn nhịp các hoạt động kinh doanh.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử với nhiều thăng trầm biến cố, Hàng Buồm, con phố mang đậm dấu ấn người Hoa, vẫn luôn là nơi buôn bán tấp nập sầm uất nhất giữa kinh thành Thăng Long.
Hàng Buồm xưa ở cửa sông Tô Lịch và sông Hồng, nằm trên dãy phố ngang cắt trục đường phố thương mại – trục xương sống của khu phố cổ, kéo từ Bờ Hồ tới Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường qua chợ Đồng Xuân, Hàng Giấy tới dốc Hàng Than gặp đê sông Hồng ngày nay.
Hàng Buồm xưa tập trung đông đúc người Hoa sinh sống,các hoạt động kinh doanh và buôn bán diễn ra tấp nập. Ảnh tư liệu

Từ cuối thế kỷ XIX, phố Hàng Buồm là nơi tập trung buôn bán, sinh sống của người Hoa từ Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Người Hoa xưa cư ngụ đầu tiên từ phố Hàng Ngang tràn sang các phố Hàng Bồ, Lãn Ông rồi đến Hàng Buồm.
Ngày nay, hoạt động kinh doanh trên phố vẫn nhộn nhịp như ngày nào. Ảnh tư liệu (trên); Khiếu Minh

Đến nay, cộng đồng người Hoa không ở đây nữa nhưng nét sầm uất vẫn được giữ lại với những cửa hàng, quán ăn uống nối sang cả các ngõ phố từ Hàng Giày cho tới Tạ Hiện, Mã Mây...
Hàng Buồn xưa san sát mái ngói liền kề. Ảnh tư liệu

Hình ảnh Hàng Buồn xưa và nay. Ảnh tư liệu

Hàng Buồm cũng là một đường phố mà kiến trúc ít thay đổi nhất qua thời gian cho dù cũng đã có một vài ngôi nhà được xây cất lại.
Phố xưa chủ yếu là người Hoa sinh sống. Ảnh tư liệu

Phố Hàng Buồm phố có chiều dài khoảng 300m. Xưa là đất phường Hà Khẩu nằm cạnh cửa sông Tô Lịch (còn gọi là Giang Khẩu), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng.
Thời Pháp thuộc, phố có tên tiếng Pháp là “Rue des Voiles”, dịch ra tiếng Việt là phố Hàng Buồm. Sau 1954, phố chính thức được gọi tên là phố Hàng Buồm.
Phố thời kỳ ấy chuyên bán các loại buồm được may bằng vải hay đan bằng cói dùng cho thuyền bè. Nguyên liệu được các thuyền chở vào tận sát phố, rồi chở sản phẩm tới các khu vực khác tiêu thụ .
Sau người Hoa từ Hàng Ngang tràn sang chiếm lĩnh phố thì các mặt hàng này dần biến mất. Với vị trí thuận lợi trên bến dưới thuyền tiện cho việc trao đổi hàng hóa với các địa phương nên phố mau chóng trở thành nơi buôn bán và cư trú chính của người Hoa Quảng Đông.
Hội quán Quảng Đông xưa và nay…

Tấm bia đá ghi lại dấu ấn cụ Tôn Trung Sơn đã từng đặt chân tới phố Hàng Buồm

Cũng từ đó, Hội quán Quảng Đông được xây dựng ngay trên phố mà nay là là địa điểm của ngôi trường mẫu giáo Tuổi Thơ. Nằm khuất sau cổng trường là tấm bia đá in song ngữ Hoa – Việt ghi lại dấu ấn quan trọng “Cụ Tôn Trung Sơn , người lãnh đạo cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc năm 1904 đã từng tới đây”.
Số nhà 26 đã từng là 1 trong 2 trạm quân y của Liên khu 1 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là những ngày đầu t oàn quốc kháng chiến, Hàng Buồm nằm ở trung tâm Liên khu I. Do Ủy ban Kháng chiến Liên khu cho phép các cửa hàng buôn bán của Hoa Kiều được tự do mở cửa nên phố này là nơi duy nhất ở Hà Nội có các hoạt động dịch vụ nhộn nhịp với những hoạt động dịch vụ không khác gì thời bình. Một trong hai trạm quân y của Liên khu I cũng được đặt ở đây, số nhà 26.
Phố bây giờ chủ yếu kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, rượu, bia nước ngọt… Ảnh: Khiếu Minh

Một cửa hàng bán nộm ngon có tiếng trên phố Hàng Buồm bây giờ. Ảnh: Khiếu Minh

Ngày nay trên phố có nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, hạt dưa hạt bí, và cả các món ăn sẵn nổi tiếng như thịt quay, bún, nộm.... Cùng với đó là các loại rượu bia, nước giải khát. Những dịp Tết và Trung thu, nơi đây rất tấp nập.
Cộng đồng người Hoa không ở đây nữa nhưng nét sầm uất vẫn được giữ lại với những cửa hàng, quán ăn uống nối sang cả các ngõ phố từ Hàng Giày cho tới Tạ Hiện, Mã Mây...
Đền Bạch Mã 1 trong “Thăng Long tứ trấn” trên phố Hàng Buồm. Ảnh: Khiếu Minh

Hàng Buồm cũng là con phố sở hữu cho mình rất nhiều những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của đất Hà thành như Ngôi đền Bạch Mã, 1 trong trấn thành Thăng Long, nay nằm ở số nhà 76.
Phía bên trong đền Bạch Mã. Ảnh: Khiếu Minh

Ngôi đền thờ thần Long Đỗ là công trình kiến trúc khá đồ sộ, quy hoạch theo chiều sâu, kéo dài từ hè phố Hàng Buồm đến phố Ngõ Gạch, xây dựng theo hướng Đông Nam.
Lưỡng long chầu nguyệt trên mái đền Bạch Mã. Ảnh: Khiếu Minh

Sử sách còn ghi lại câu chuyện nhuộn màu huyền thoại về sự tích đền Bạch Mã. Đó là thời vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, bắt tay ngay vào việc xây thành lũy. Nhưng xây đến đâu thành đều bị sụp. Một đêm nọ nhà vua được thần Long Đỗ - vị thần núi Nùng, báo mộng cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững.
Thần Bạch Mã trong đền

Thần vừa dứt lời, một con ngựa trắng từ trong đền đi ra chạy tới hướng Tây, rẽ qua hướng Đông một vòng rồi lại biến mất vào trong đền. Vua Lý cho đắp thành theo dấu chân bạch mã quả nhiên, thành Thăng Long xây đến đâu vững trãi tới đó.
Nét điêu khắc trạm trổ trước cột đền Bạch Mã. Ảnh: Khiếu Minh

Cảm kích sự phò trợ của thần Long Đỗ, vua Lý Thái Tổ ban sắc phong thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương. Lại cho tạc tượng ngựa trắng thờ trong đền. Bạch Mã cũng được coi là vị thần đặc biệt quan trọng trong thần điện của Quốc đô Thăng Long, là một trong “Thăng Long tứ trấn”.
Thêm 1 di tích vô cùng quan trọng nữa tại phố Hàng Buồm là ngôi đền Quan Đế nằm ở số nhà 28, nay được trưng dụng làm Trung tâm thông tin phố cổ.
Đền Quan Đế tại số nhà 28 Hàng Buồn. Ảnh: Khiếu Minh


Phía bên trong đền Quan Đế. Ảnh: Khiếu Minh


Đình Dương Tử xưa nằm tại số nhà 8 trên phố Hàng Buồn. Ảnh: Khiếu Minh

Trên phố Hàng Buồm còn có ngôi đình Tử Dương nằm ở nhà số 8, do đân làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra Thăng Long hành nghề lập nên.

Hàng Buồn bây giờ vẫn thế, vẫn nhộn nhịp người bán kẻ mua, vẫn người qua kẻ lại…ồn ào. Ảnh: Khiếu Minh

Hàng Buồm là con phố giữ được vẻ sầm uất lâu bền nhất qua chiều dài thử thách lịch sử và là điểm thu hút du khách tham quan trong khu phố cổ giữa lòng Hà Nội.
Theo VOV 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét