Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Khám phá hang Luồn, Hòa Bình


Đến với huyện Lạc Thủy, ngoài các điểm du lịch quen thuộc như chùa Tiên, xã Phú Lão, Nhà máy in tiền, xã Cố Nghĩa..., du khách không thể bỏ qua thắng cảnh đặc sắc là quần thể hang Động (hang Luồn) nằm trên địa bàn thị trấn Chi Nê, xã Yên Bồng, xã Đồng Tâm.
Từ năm 1995, đoàn cán bộ nghiên cứu của phân viện Thám sát hang động ITALY đã đến khảo sát và đánh giá hang Luồn là một trong những hang đẹp và quyến rũ của tỉnh Hoà Bình. Năm 2011, hang Luồn đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 53 ngày 28-12-2001 của Bộ VH-TT.

Cửa vào hang Luồn

Dẫn đường cho chúng tôi tìm hiểu, khám phá hang Luồn là ông  Hoàng Minh Chính, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Nê. Qua những bãi ngô đông xanh mướt mắt, điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là đền Rem. ông Chính giới thiệu: Muốn đi thăm hang Luồn phải qua đền Rem thắp hương cho các vị  thần, thành hoàng đã lập lên thôn, xóm ngày nay. Năm 1924, đền Rem vinh dự có được 2 sắc vua Khải Định ban. Theo lời bà Lưu Thị Nụ, người trông coi đền Rem 20 năm, đền được đưa vào quản lý, bảo vệ phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con địa phương và du khách. Hiện nay, đền Rem đang đề nghị là di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo lời ông Chính, nếu theo đường thủy thì từ di tích Nhà máy in tiền xuôi dòng sông Bôi hiền hòa chảy quanh chân núi Mả Hang có thể dẫn du khách đến cửa hang Luồn. Cửa hang phía đông và sườn núi phía nam nhìn ra sông Bôi thuộc xã Đồng Tâm, phía chân núi phía bắc có hồ Đầm Khánh rộng mênh mông, quanh năm sen tỏa hương thơm ngát. Sông Bôi xanh mướt mềm mại chảy quanh hang Luồn tới hồ Đầm Khánh, du khách có thể tự mình chèo thuyền nan tham quan thám hiểm lòng hang.

Đường vào hang Luồn với các nhũ đá rủ xuống như bức màn che

Thăm hang Luồn trên sông Bôi là tiện và thơ mộng nhất. Những dãy núi đá hùng vĩ, làng mạc in bóng hòa cùng những tia nắng đông làm dòng sống sóng sánh, mơ màng. Trên dòng sông hiền hòa, chúng tôi có thể nhìn bao quát khung cảnh bình yên của Lạc Thủy. Cửa hang Luồn đã hiện trước mắt với dòng nước sông Bôi trong xanh chảy qua. Tạo hoá đã sắp đặt thật hữu tình núi bên sông, bên núi làm cho bao sự gồ ghề, thô thực của núi như được dịu đi, trở nên tinh tế bởi sự dịu dàng của dòng sông. Sông và núi như hoà quyện vào nhau như hai nửa không thể thiếu rời. Chỉ nghe câu gọi đò ơi vang vọng bến sông đã thấy thấp thoáng 3 chiếc thuyền nan từ bên kia sông rẽ nước sang đón du khách. Lưỡng lự đôi chút, chúng tôi chọn ông lão chèo đò có nước da màu nâu khỏe mạnh. Hỏi ra mới biết cả 3 chiếc thuyền đều là của gia đình vừa là phương tiện di chuyển trên sông, vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Thật may mắn cho hành trình khám phá hang Luồn của chúng tôi lần này được ông Nhung - người sinh ra, lớn lên và mưu sinh cũng ở khúc sông này. Trên chiếc thuyền nan nhỏ, câu chuyện của ông Nhung như dẫn du khách về thời niên thiếu của mình cách đây đã tới vài chục năm. Từ năm 8 tuổi, ông đã theo cha vào hang Luồn để đánh bắt cá. Tôm, cá, trai, hến trên dòng nước sông Bôi qua hang Luồn đã nuôi sống gia đình ông qua nhiều thế hệ. Hang Luồn đối với ông thân thiết đến nỗi mặc dù hang có chiều dài trên 1,2 km, không có một ánh đèn nhưng bơi thuyền ở từng khúc rẽ, từng hộc đá ngầm đã quen thuộc qua từng mái chèo. Hang Luồn có cửa hang hình bán nguyệt, lòng hang rộng từ 8-12 m, vòm hang cao từ 3-10 m. Vào sâu bên trong, có cảm tưởng như đang đi vào một cánh rừng có nhũ đá óng ánh sắc màu, càng vào sâu bên trong, không khí càng trở nên mát mẻ. Lòng hang cũng là các bầy dơi chọn làm nơi trú ngụ. Chúng lủng lẳng treo mình trên vách đá, trên trần, bay lượn trong hang tạo nên hình ảnh thật sống động. Đến mỗi chỗ có khối nhũ đá đẹp, ông Nhung lại rọi đèn cho chúng tôi thưởng ngoạn rồi ông lại đặt cho chúng những cái tên phù hợp theo trí tưởng tượng của con người. Càng vào bên trong, trên vòm trần, những dải nhũ buông xuống những bức màn đá tầng tầng lớp lớp như những dải lụa mềm mại đung đưa theo gió, khối lại như bức màn che khuất một bàn thờ trong đền linh thiêng tĩnh mịch. Chỗ có khối đá trắng đứng như hình của quan thế âm bồ tát. Có vùng nhũ đá tạo nên một tổ hợp tượng đá chia làm hai lớp: lớp trên là tiên vũ nữ đang múa trong hội bàn đào, lớp dưới là quan lại triều đình đá đang đăm đắm ngắm xem. Chỗ lại có khối đá to sừng sững như hình con voi phục khổng lồ...Càng vào trong hang, không khí càng mát mẻ dễ chịu, nước từ các khối nhũ đá rỏ xuống, chỗ thì tí tách, thánh thót như mưa phùn mùa xuân, chỗ thì rào rạt như mưa rào đầu hạ. Tất cả hoà thành bản nhạc giao hưởng dài bất tận...

Cảnh đẹp trong hang

Đúng là hang Luồn theo đúng tên gọi vì hang chạy luồn qua quả núi và có hai cửa thông nhau. Trên chiếc thuyền nan nhỏ, chúng tôi đã thưởng ngoạn toàn bộ lòng núi, lòng sông một cách thi vị nhất. Tiếp lời ông lão lái đò, ông Chính kể: Trước kia, khi tỉnh có chủ trương đầu tư quần thể hang Động thành khu du lịch hang được đặt tên là Trinh Nữ. Sau này, thấy không phù hợp lại đổi thành hang Luồn đúng với tính chất, đặc điểm của hang. Sau khi khám phá lòng hang, chúng tôi tiếp tục lên bờ sang phần cửa hang phía chân núi phía bắc có hồ Đầm Khánh. Theo ông Chính, hiện nay, huyện đang có chủ trương xin tỉnh cải tạo hồ Đầm Khánh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huyện thu hút các nhà đầu tư du lịch. Với vị trí nằm ở gần trung tâm thị trấn Chi Nê, cách quần thể di tích xã Phú Lão nơi có di tích khảo cổ, Nhà máy in tiền xã Cố Nghĩa và cách động Hương Tích ở chùa Hương, thành phố Hà Nội khoảng 3 giờ đi bộ (leo qua các quèn) nên trong tương lai, chúng ta có thể mở thêm tuyến du lịch mới: chùa Hương - hang Luồn - quần thể di tích xã Phú Lão.
Theo baohoabinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét