Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Kỳ lạ tục chọn người hùng bằng tài... săn chuột

Chuột không chỉ là món ăn độc đáo, mà săn chuột rừng còn là phong tục để người dân ở các thôn, bản thuộc huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) chọn ra người hùng cho lãnh địa của mình.
Bí kíp... săn chuột
Khi mặt trời khuất sau núi là lúc các chàng trai ở xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn nô nức vào rừng săn chuột. Mỗi chuyến đi, trung bình mỗi thợ săn mang theo khoảng 50 cái bẫy, tương đương với đó là một số mồi nhất định. Được biết, ban ngày họ chuẩn bị mồi và làm những công việc lặt vặt trong gia đình, đêm đến mới là những thử thách của cuộc sống mưu sinh.
Anh Cụt Văn Tà là một người khá nổi tiếng về những lần đi rừng săn chuột và đã 1 lần giành chiến thắng năm 2010. Vừa ngồi sắp xếp, kiểm tra lại bẫy, anh Tà cho biết: "Khi xưa săn chuột chủ yếu bằng thủ công với những cái bẫy tự chế, còn ngày nay trai bản đi săn bằng bẫy sắt mua ngoài thị trấn, hoặc những nơi buôn bán sầm uất. Giá mỗi cái bẫy rẻ thôi, loại to 5.000 đồng /cái, nhỏ 3.000 đồng /cái".
Theo anh Tà, cách thức săn chuột là chiều tối hôm trước đi đặt bẫy thì sáng hôm sau đi thăm bẫy. Ở Bảo Nam, săn chuột đã trở thành truyền thống và nhà nào cũng có ít nhất vài chục cái bẫy. Trai bản cũng thường thi nhau xem ai săn được nhiều chuột rừng. Người nào bắt được nhiều thì được anh em trong bản làng nể trọng lắm nên hầu như thanh niên nào cũng háo hức vào rừng.
Kỳ lạ tục chọn người hùng bằng tài... săn chuột
Trẻ con Châu Lộc cũng hứng thú săn chuột để bán. 

Tôi hỏi về bí quyết săn chuột rừng, anh Tà vui vẻ cho biết: "Thực ra cũng không có gì khó lắm đâu. Mình giành được chiến thắng là do chăm chỉ và may mắn hơn những anh em còn lại thôi. Còn những kỹ nghệ săn chuột rừng thì dường như bất kỳ một tay thợ săn nào trước khi vào nghề cũng phải biết. Đó là cần phải nắm bắt được quy luật hoạt động của chuột bằng cách xác định được đường đi của chúng. Thứ hai là phải biết quan sát xem ở những gốc cây, chỗ nào có đất đùn lên tức là chỗ đó có chuột, phải đặt bẫy vào những chỗ đó để đón lõng nó".
"Mùa thu hoạch lúa và mùa có quả dẻ là thời điểm chuột hoạt động nhiều nhất và cũng là cơ hội cho dân thợ săn tha hồ săn bắt. Chuột săn được ở thời điểm này to béo hơn, ngon hơn và bán được giá nhất. Nhưng để kết quả đi săn được hiệu quả, người săn chuột cần hiểu quy luật của chuột là chúng thường mon men tới những nương lúa, nương ngô, khoai hay gốc cây dẻ để tìm thức ăn. Từ đó những người  đi săn đặt bẫy sao cho chuột dễ bị mắc vào”, anh cho biết.
Cao thủ săn chuột thành người hùng thôn bản
Săn chuột rừng là một nghề truyền thống đã tồn tại từ bao đời nay của đồng bào Khơ Mú ở Bảo Nam. Từ thời cha ông, những món ăn được chế biến từ thịt chuột được đồng bào đặc biệt ưa thích và xem là món khoái khẩu. Trong các dịp lễ, tết, thịt chuột rừng là thực phẩm rất được người dân nơi đây quan tâm và là một món ngon không thể thiếu trong mâm cơm.
Nổi tiếng nhất trong số những món ăn chế biến từ chuột là món ủ rủ chuột. Ông Cụt Hải Phương, một già làng ở bản Nam Tiến 1 cho biết công thức chế biến món này: "Cái tên rất dân tộc nhưng món ăn này muốn làm ngon thì phải tuân thủ những quy trình khá khắt khe. Theo đó ủ rủ chuột được làm từ thịt chuột, hoa chuối rừng, hành tỏi, lá xô thơm. Tất cả được bỏ vào nồi nấu đến khi khô hết nước là được. Món này thường được bà con ăn với xôi. Ngoài ra, thịt chuột còn được dùng làm một số món khác như nấu canh với rau cải”.
Kỳ lạ tục chọn người hùng bằng tài... săn chuộtMột thợ săn chuột ở Bảo Nam trĩu vai trở về
Ông Phương cũng từng là một cao thủ săn chuột rừng. Từ khi còn rất trẻ, ông đã theo cha và những người anh em của mình vào rừng đặt bẫy. "Hồi đó, làm gì có bẫy sắt bán sẵn như bây giờ. Muốn săn chuột phải làm bẫy bằng đá, công phu lắm!. 
Chúng tôi đào một cái hố, đặt mồi vào đó. Phía trên một hòn đá chống bằng thanh củi nhỏ đã chờ sẵn. Khi chuột sa vào ăn mồi trong hố, làm thanh củi bị sập tức thì, hòn đá cũng sập xuống đậy hố lại", ông Phương kể. Thời đỉnh cao phong độ có nhiều đêm ông Phương có thể săn được cả trăm con chuột rừng và trở nên nổi tiếng trong vùng.
Còn anh Cụt Văn Tà tiết lộ một chi tiết khác cũng rất đặc biệt liên quan đến việc săn chuột. Đó là vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khơ Mú, nhà nào săn được nhiều chuột và chế biến u rủ chuột ngon là tự hào lắm vì được bản làng khen ngợi. Người nào săn được nhiều chuột rừng nhất bản sẽ mời anh em trong bản đến nhà uống rượu cần, ăn thịt chuột, đó là một vinh dự lớn mà không phải ai cũng có được.
Thợ săn giành chiến thắng của năm sẽ được anh em chúc tụng, khen ngợi không tiếc lời không chỉ vì tài nghệ săn chuột mà còn vì giúp nương lúa của bản khỏi bị tàn phá. Và ở khía cạnh nào đó, người giữ chức quán quân về săn chuột cũng đồng thời là người hùng của thôn bản, được tất cả các thành phần ca tụng.
Cùng với thời gian, dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi song đồng bào Khơ Mú ở Bảo Nam vẫn lưu giữ được tập quán độc đáo và khá lạ lẫm này. Đến nay, nó vẫn được xem là nét truyền thống rất đáng tự hào của người dân nơi đây.    
Thợ săn bội thu nhờ trăng lặn
Nếu như săn chuột rừng ở Bảo Nam là nét đẹp mang tính xã hội thì một nơi khác ở Nghệ An nó lại mang ý nghĩa của những quan niệm dân gian. Theo đó, ở xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, cái nghiệp săn chuột rừng đã có từ khi khai sinh lập địa. Tuy không phải là nghề kiếm cơm ăn, áo mặc hàng ngày nhưng vào mỗi độ Trăng lặn thì cánh thợ săn trong làng lại chuẩn bị đèn pin, súng vào rừng. Người dân cho biết, từ kinh nghiệm của cha ông, họ tin rằng, chuột không hoạt động vào những ngày trăng tỏ, nên mùa trăng lặn, dân làng nô nức ra đồng hoặc lên các vùng rẻo cao để bắt chuột.
Chuột bắt được chủ yếu để bán nhưng cũng như ở Bảo Nam, người dân địa phương tin rằng, diệt chuột còn giúp cho mùa màng trở nên bội thu hơn. Tuy vậy, gần đây với rất nhiều nhà hàng mọc lên kinh doanh những món đặc sản liên quan đến chuột, nên người dân nơi đây càng nô nức đi diệt chuột và khiến cho mọi thứ bị đảo lộn và mất dần đi nét văn hóa theo quan niệm xưa.

Lê Giáp - Kim Anh - ĐS&PL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét