Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Lễ hội chùa Dạm


Hàng năm, cứ chuẩn bị đến ngày 8 tháng 9 (Âm lịch), người dân sống quanh núi Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) lại khẩn trương thu hoạch vụ lúa mùa, sắp xếp công việc, dọn dẹp cửa nhà để mở hội đón khách.
Không tưng bừng, dồn dập và đông nghẹt người như những lễ hội đầu Xuân ở miền Quan họ, lễ hội chùa Dạm diễn ra vào mùa Thu nên mang vẻ trầm tĩnh, bình yên hơn. Men theo sườn núi trẩy hội chùa Dạm, du khách như thoát khỏi thế giới trần tục, hòa nhập vào cõi Phật linh thiêng trong một phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hội đủ núi non, suối sông, ao hồ với đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh…
Chùa Dạm (tên chữ Đại Lãm Tự) nằm ở lưng chừng núi Dạm còn được người dân trong vùng gọi là chùa Bà Tấm hay chùa Cao. Nguyên xưa, kiến trúc chùa Dạm được bà Nguyên Phi Ỷ Lan chọn địa điểm rồi cho khởi công xây dựng vào năm 1086 và hoàn thành vào năm 1094, dưới thời vua Lý Thánh Tông. Ngôi chùa có quy mô lớn với nhiều hạng mục công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ. Đây là nơi các vua Lý thường xuyên đến nghỉ ngơi, du ngoạn và trở thành một trung tâm tín ngưỡng được xếp vào hàng đại danh lam kiêm hành cung.
 
Chân tháp đá chùa Dạm.
 
Cũng như nhiều ngôi chùa khác trong vùng, chùa Dạm là công trình tín ngưỡng văn hóa thờ Phật, có vị trí quan trọng trong hệ thống di tích thời Lý. Có kết cấu “tiền Phật, hậu Thánh” nên cùng với việc thờ cúng và duy trì các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng của nhà Phật, chùa Dạm còn là nơi thờ Nguyên Phi Ỷ Lan - người có công lớn với dân, với nước đã trực tiếp cho xây dựng ngôi chùa này.
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, chùa Dạm còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như truyền thuyết, giai thoại, thơ ca, hò vè, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội. Trong đó nổi bật là tín ngưỡng và lễ hội chùa Dạm. Ngày chính hội, các làng quanh chùa Dạm mở hội với nghi lễ rước kiệu Thành Hoàng làng lên chùa Dạm yết kiến Thánh Mẫu. Đám rước kiệu Thánh của các làng có đầy đủ cờ, kiệu, tàn, lọng, siêu đao, bát bửu, trống, chiêng…  Khi kiệu các làng lên đến chùa, trong chùa quan viên tế lễ Thánh Mẫu và mâm tế bao giờ cũng phải có bánh chưng, bánh dày mỗi loại 10 chiếc; ngoài sân chùa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Biểu diễn tuồng, chèo và các trò chơi dân gian: Đu cây, đấu vật, đi cà kheo, cờ người, cờ tướng, thi dệt vải, thi nấu cơm thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự.
 
Kiến trúc với những hoạ tiết hoa văn độc đáo của cột đá chùa Dạm.
Bà Hoàng Thị Sửu, thành viên Ban Quản lý di tích chùa Dạm cho biết: Lễ hội chùa Dạm năm nay chỉ mang tính chất hội lệ, cũng tổ chức tiếp đón khách thập phương nhưng không mở hội rước kiệu như năm ngoái. Để chuẩn bị cho các nghi thức tế lễ trong ngày chính hội, ngay từ đầu tháng 9, chúng tôi đã phân công nhiệm vụ đến từng thành viên lo sửa soạn lễ vật, hương hoa, dọn dẹp vệ sinh trong chùa, ngoài bãi hội và chuẩn bị mọi điều kiện tiếp đón du khách về lễ Phật, trẩy hội một cách thân tình, chu đáo.
Lễ hội chùa Dạm chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân. Vì thế, lễ hội chùa Dạm hàng năm vẫn thu hút đông đảo tăng ni phật tử cũng như các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền đất nước về lễ phật, trẩy hội và thăm quan, tìm hiểu những giá trị văn hóa lịch sử cổ xưa ở một ngôi chùa tiêu biểu của thời Lý.
Bài, ảnh: T.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét