Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Lễ Hội Đền Sòng Sơn Linh Từ




Kính Mừng Đại Tiệc Đức Quốc Mẫu Vua Bà Đệ Nhị Địa Tiên
Ngọc Quỳnh Hoa Công
Chúa Tối Tú Tối Linh Sòng Sơn Linh Từ

 “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”
 Khách du lịch theo Quốc lộ số 1 từ Hà Nội vào miền Trung, không khỏi ngạc nhiên trước phong cảnh đổi thay khi càng đến gần địa giới xứ Trung kỳ. Đang ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi mà chân trời và mặt biển hòa với nhau làm một, thì đột nhiên nối tiếp một vùng gò nhấp nhô, sừng sững những núi đá vôi như một vịnh Hạ Long trên cạn. Chính  nơi sơn cảnh hữu tình vừa hùng vĩ, vừa u tịch dễ khiến lòng người trầm tư mặc tưởng, nên người Việt Namđã kiến lập nhiều “Thánh đường” ở đây để thờ nữ thần Vân Hương, mà người ta còn gọi là Liễu Hạnh Công chúa, hoặc thông thường  thì gọi là: Thánh Mẫu.
    Một trong những đền đầu tiên ở ngay biên giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, đó là đền Rồng. Đến thứ hai là đền Sòng, cách đền Rồng khoảng 3km ở ngay phụ cận đường quốc lộ. Đền thứ 3 là đền Chín Giếng, cách đền Sòng khoảng 1 km về phía đông. Và cuối cùng - đền  thứ tư - đền Phố Cát, cách đó 15 km về hướng tây Thanh Hóa.
Chính ở đền Sòng trong một lần  trùng tu vào tháng 4 - 1939 khi thợ đào đất để xây dựng bức bình phong trước cửa chính, họ đã tìm thấy một cái tráp bằng đồng hình chữ nhật. Mở cái tráp ấy ra, họ rất ngạc nhiên khi thấy trong đó, một cuốn sách có nhiều tờ bằng đồng  ghi niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đời Lê Thần Tông và chép lại lịch sử gia đình nữ thần Vân Hương.
Đền Sòng Sơn còn gọi là đền Sùng Trân được xây dựng vào khoảng năm Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông ( 1740 – 1786 ) trên đất Cổ Đam thuộc huyện Hà Trung (nay là phường Bắc Sơn - thị xã Bỉm Sơn) nổi tiếng với câu ca truyền tụng : “ Đền Sòng thiêng nhất Xứ Thanh”. Năm 1993 đền được Bộ văn Hoá Thông Tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia 

Sau lời khai mạc lễ hội là phần Tế lễ và diễn xướng tri ân công đức của thánh Mẫu Liễu Hạnh, ca ngợi vai trò phẩm hạnh của người mẹ Việt Nam.
Lễ hội Sòng Sơn là một hình thức sinh hoạt có tính cộng đồng và có sức lan toả rộng lớn, trong phần hội, nhiều hoạt động văn hoá như Giải cờ tướng, cho chữ Thánh hiền được tổ chức tạo thêm sắc thái sinh hoạt văn hoá của Lễ hội.
Đèn Sòng mặt hướng về phía Tây Bắc, trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong đó là Hồ cá Thần, tương truyền rằng hàng năm cứ đến cự Tháng giêng, Hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ, nhưng khi hết Lễ hội Đền Sòng ( từ ngày 1 đến ngày 26 tháng 2 AL) thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa. Nhân dân quanh vùng nói rằng đó là các Nàng tiên trên thượng giới hoá phép về hầu Tiên chúa Thánh Mâu Liễu Hạnh…
Từ hồ cá Thần có hai con suối nhỏ chảy lượn quanh khiến cho ngôi đền như ngự trên một hòn đảo nhỏ bồng bềnh giữa mây trời non nước,
Phía trước đền có chiếc cầu bằng đá do Bà Hoàng Thái hậu nhà Lê phát tâm công quả xây dựng từ năm thứ 33 triều Cảnh Hưng ( 1772 ). Cầu được bắc qua con suối trong veo chảy quanh đền làm tăng thêm vẻ ngoạn mục của ngôi đền. Hai suối nước lượn quanh co uốn khúc về phía Đông hợp lưu cùng chín dòng nước phun lên từ lòng đất tạo thành chín giếng nước tự nhiên không bao giờ vơi cạn. Nhân dân dựng nên ngôi đền cạnh chín cái giếng tự nhiên đó và quen gọi là đền Chín Giếng để thờ Cô Chín - cũng là một tiên nữ được vua cha Ngọc Hoàng cho theo hầu Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền Chín Giếng là một công trình nằm trong quần thể của di tích Đền Sòng Sơn; cách đền Sòng 1Km về phía Đông du khách sau khi vãn cảnh dâng hương Đền Sòng bao giờ cũng cũng đến dâng hương vãn cảnh Đền Chín Giếng.
Quang cảnh Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội
Bước qua cổng Tam Quan , sau khi thắp hương trước tượng Phật bà Quam âm Bồ tát; du khách vào dâng hương cung Đệ Tam, là cung thờ Hội đồng Thánh Quan, trong đó thờ các ông Hoàng và các Cô đệ tử , nổi bật là ông Hoàng Bơ (Ba), Ông Hoàng Bảy. Tại cung này phối thờ cả Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương.
Qua cung đệ tam du khách vào dâng hương cung Đệ Nhị; Nơi đây thờ Ngọc Hoàng ( Vua Cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh ) và các Quan..
Qua cung Đệ Nhị là cung Đệ Nhất , đây là cung thâm nghiêm, ít khi được mở cửa trừ những ngày lễ rước Thánh Mẫu hàng năm vào tháng Hai âm lịch. Gian chính có tượng thờ Thánh Mẫu, trong trang phục màu đỏ lộng lẫy, dáng ngồi uy nghi mà khoan dung độ lượng. Hai bên là hai đệ tử thân tín: Quế Nương, Nhị Nương, vốn là hai tiên nữ được Ngọc Hoàng Vua cha cho theo hầu tiên chúa Liễu Hạnh giáng trần lần thứ 3; Quế Nương trong trang phục màu hồng, Nhị Nương trong trang phục màu xan; Hai gian bên có tượng thờ Mẫu Thoải ( Thần nước) và Mẫu Thượng Ngàn ( Thần Núi rừng ).
Trên các cột và xà ngang trong Đền được trang trí 26 cuốn thư, hoành phi, câu đối suy tôn , ca ngợi công đức và sự linh thiêng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Không gian của lễ hội còn được trải dài qua phần rước kiệu Thánh Mẫu và kiệu Vua Quang Trung theo đường Thiên lý lên đèo Ba Dội - một di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia - nơi mà các bậc quân vương, và biết bao thi nhân, mặc khách như Vua Thiệu Trị, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, nữ sĩ Hồ Xuân Hương .v.v. đã cảm tác để lại cho hậu thế nhiều thi phẩm tuyệt bút, ca ngợi vẻ đẹp kỳ thú nơi đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét