Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Một ngày làm dân đảo Long Sơn


Đảo hàu, vương quốc hàu hay vựa hải sản của Bà Rịa-Vũng Tàu… đó là những biệt danh của xã đảo Long Sơn (TP.Vũng Tàu). Một ngày trải nghiệm cảm giác làm cư dân xã đảo sẽ là kỷ niệm khó quên trong chuyến du lịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thu hoạch hàu ở Long Sơn.
Trước đây, đảo Long Sơn cách biệt hoàn toàn với đất liền. Để đến với đảo, phải đi đò từ Tân Thành hoặc từ bến Nam Bình (TP.Vũng Tàu) sang. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng các cây cầu nối liền xã đảo với quốc lộ 51, giao thông tiện hơn. từ TP.Hồ Chí Minh du khách chỉ cần chạy khoảng 80km đến ngã ba Long Sơn quẹo phải khoảng 10 phút là vào đảo Long Sơn. Còn từ TP.Vũng Tàu, theo hướng Gò Găng chưa đầy 30 phút qua hai cây cầu Gò Găng và Chà Và là đã đặt chân đến Long Sơn.
Long Sơn có diện tích hơn 90km2 tựa lưng vào núi Nứa, được bao quanh bởi dòng sông Chà Và, sông Dinh và biển. Có 2 cách để khám phá Long Sơn: chạy xe máy vòng quanh đảo hoặc đi ghe. Phần lớn cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây gắn liền với sông nước nên muốn trải nghiệm cảm giác làm ngư dân xã đảo, thì di chuyển bằng ghe là thích hợp nhất. Giá thuê ghe khoảng 200.000-300.000 đồng, du khách có thể đi dọc sông Dinh và Chà Và chiêm ngưỡng hệ sinh thái rừng ngập mặn hai bên sông như sú, vẹt, đước…
Trên hai con sông này, nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển từ rất sớm, trong đó nhiều nhất là nuôi hàu. Thời điểm thu hoạch hàu là khi nước ròng. Thu hoạch hàu không khó nhưng rất kỳ công: phải dùng búa để đập và cạy hàu ra khỏi vật bám. Vì vậy, du khách muốn quan sát hoặc tự tay thu hoạch hàu phải chọn đúng con nước và thật cẩn thận vì nếu sơ sẩy sẽ dễ bị rách hoặc dập tay. Hàu sau khi thu hoạch có thể chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, cháo, chiên bột, ướp phô mai đút lò… Với thực khách sành ăn, món hàu wasabi (hàu mù tạt) sẽ cho cảm nhận đầy đủ vị ngọt, dai, tươi của hàu. Hàu được tách ra khỏi vỏ, ướp lạnh với đá. Thực khách tự mình pha chế nước chấm bằng cách cho wasabi vào hỗn hợp nước tương, nước cốt chanh, ớt... Hàu wasabi ăn kèm với rau thơm, cải xanh và cọng hành lá đã được ướp đá lạnh, vị cay nồng hăng lên tận óc tạo nên cảm giác khó quên.
Sau khi thăm quan nhà bè nuôi thủy hải sản, xuôi dòng sông Chà Và khi nước cạn để lộ ra các bãi sình, du khách sẽ thấy nhiều ngư dân bắt nghêu, ốc, chem chép, móng tay, cúm hoặc dùng chài, lưới, rập… để đánh bắt các loại thủy hải sản ẩn mình dưới lớp phù sa ven bờ. Nhiều ngư dân còn chỉ cho bạn cách nhận biết hang chem chép, cách bắt cúm thế nào để không bị chúng cắp tay… Ngoài hàu, nghề nuôi cá bè cũng rất phát triển tại đây. Chủng loại cá khá đa dạng và có giá trị kinh tế cao như: cá bóp, cá chim, cá mú, cá hồng… Hầu hết các nhà bè này đều bán hải sản và đóng gói cẩn thận cho khách phương xa đem về làm quà. Nếu muốn thưởng thức hải sản trên sông, các nhà hàng nổi trên sông là điểm dừng chân lý tưởng.
Long Sơn ngày nay đã đổi thay nhiều: phố xá tươi mới hơn, nhiều nhà lầu khang trang được xây dựng xen giữa những nếp nhà ba gian hai chái mái ngói xưa, nhưng nhịp sống nơi đây vẫn rất thanh bình, yên ả. Du khách có thể lưu lại một đêm ở các khách sạn, khu du lịch trên đảo hoặc vùng lân cận để nghỉ ngơi lấy sức sáng mai tiếp tục khám phá sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng đạo ông Trần, quần thể kiến trúc và kho cổ vật của Nhà Lớn Long Sơn… Dọc theo con đường chính ở đảo Long Sơn có khá nhiều hàng quán bán hải sản khô, trước khi rời đảo Long Sơn, du khách có thể mua về làm quà cho gia đình, bạn bè.
(Theo Minh Hiền/ baobariavungtau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét