Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Nghề làm bánh cộ vươn xa


(Dân Việt) - Chùa Hồng Ân (thôn Thượng I, xã Thủy Xuân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có nghề làm bánh in (bánh cộ) nhiều tầng tạo hình tháp... Sư sãi nơi đây còn nhiệt tình dạy nghề làm bánh cho người dân.

Nghề cổ truyền…
Nghề bánh cộ ở Huế ra đời hàng trăm năm qua và đang ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng phần nào nhu cầu lễ nghi cúng tế của người dân xứ Huế và các vùng lân cận. Trong các ngày lễ, ngày rằm, nhất là ngày rằm tháng Giêng, trên bàn thờ tổ tiên, ngoài hoa quả còn có bánh cộ rực rỡ sắc màu được thờ cúng trang nghiêm và ấm cúng. Đó là thành quả lao động miệt mài và bàn tay khéo léo của quý cô, quý sư ở các chùa Huế.
Làm bánh cộ ở Thừa Thiên- Huế.
Bánh cộ có nhiều loại như bánh đậu xanh, bánh nếp, bánh bột bình tinh. Hình dạng cũng rất phong phú như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, lục giác, bát giác… Kích cỡ to nhỏ, dày mỏng cũng khác nhau để khách hàng tùy sở thích mà chọn lựa.
Bánh bột nếp thì các công đoạn làm đơn giản hơn so với làm bánh đậu xanh, nhưng khâu quan trọng vẫn là sấy bánh cho thật khô, đều và tỷ lệ pha trộn giữa đường và bột phù hợp. Bánh bột nếp có 2 loại: Bánh không nhân (nhụy) và bánh có nhân, nhân bánh làm bằng chuối sấy khô, mè, đậu phụng, gừng, đường. Bánh bột nếp có thể trưng ở bàn thờ một năm ở dạng bọc kính giấy nylon (đã xây tháp).
Riêng bánh bột bình tinh là loại bánh đặt. Cô Huệ Từ (chùa Liên Trì-Huế) chia sẻ: “Bánh bình tinh thì khi nào có khách đặt hàng mới làm, bởi bột bình tinh có giá cao hơn các loại bột khác và nhu cầu của thị trường cũng ít hơn”. Bánh cộ ở các chùa Huế được bán với giá rất “mềm”: Khoảng 42.000 đồng/cặp đối với tháp bánh cao 6 tầng, còn bánh “xây tháp” cao 20 tầng thì giá từ 450.000-480.000 đồng/cặp...
Vươn ra khỏi sân chùa
Điều đáng nói, nghề làm bánh cộ ban đầu vốn chỉ do các nhà sư làm để cúng bái trong chùa nhưng hiện thị trường của bánh cộ do các sư làm rất rộng lớn: Không những tiêu thụ mạnh trong tỉnh Thừa Thiên - Huế, mà còn vươn ra một số thị trường lân cận như: Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội. Bánh cộ được các sư cô ở các chùa Huế làm quanh năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa, để cúng trong các nghi lễ của Phật giáo vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 4, rằm tháng 7, các ngày vía Quan Âm (19.2, 19.6,19.9).
Điều dễ nhận thấy trong vài thập kỷ qua, bánh cộ do các chùa Huế sản xuất mặc dù không đăng ký thương hiệu, không dán nhãn mác, không quảng cáo... nhưng được du khách sử dụng rất nhiều khi tham quan các chùa ở Huế.
Sư cô Thích Nữ Huệ Phước (chùa Liên Trì) cho biết thêm: Bánh cộ do nhà chùa sản xuất còn có mặt ở một số nước bạn như Campuchia, Lào, Myanmar…
Khi có đại lễ cầu siêu, chẩn tế cô hồn, phật tử ở nước ngoài thường gọi điện về các chùa Huế đặt “xây tháp” với số lượng lớn, có tháp bánh cao từ 1-1,5m, đường kính đáy rộng từ 0,6-1m và đóng thùng vận chuyển sang rất công phu. Chính vì vậy, hiện các sư đã phải nhập các loại máy xay bột, ép bánh hiện đại và cũng dạy nghề cho các phật tử có nhu cầu làm nghề để bán cho người dân có nhu cầu ăn bánh hàng ngày.
Hiện nay, ở các chùa Huế làm bánh cộ nhiều nhất phải kể đến chùa Hồng Ân, Diệu Nghiêm, Liên Trì, Hoàng Liên, Tịnh Đức… Bà Nguyễn Hoàng Thu Hà - phật tử chùa Tịnh Đức cho biết, từ việc làm hộ nhà chùa bánh cộ, giờ bà đã có thể làm ở nhà, bán cho người dân quanh vùng và cũng “sống khỏe với nghề mới” như bà nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét