Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Ngoằn ngoèo như ngõ


Hà Nội có hơn một trăm cái ngõ có tên, và gấp nhiều lần thế là những cái ngõ đánh số. Câu “nhà mặt phố, bố làm to” không chỉ ví von sự lợi hại mà còn tiết lộ hiện thực là nhà mặt phố bao giờ cũng hiếm hơn nhà trong ngõ. Ở trong ngõ thua thiệt nhiều bề, và ở thời sôi sùng sục vì bất động sản này, từ phố vào ngõ là khác nhau một trời về giá. Mật độ dân số đông, số người ở ngõ đương nhiên phải nhiều hơn ngoài tủ kính.
Chắc khi sinh ra ngõ, người ta chẳng bận tậm gì đến đẹp xấu vì không ai ngắm. Lối đi ngoằn ngoèo hoặc gấp khúc cũng chẳng mấy ý nghĩa vì cốt đi được là được. Những làng xóm thời trước đô thị hóa mà không được quy hoạch lại, những đường làng ngõ xóm thời trước vừa cho trâu đi hay gánh hàng rong đủ lọt, những đường bờ ruộng san thành lối đi, tất cả tạo nên một mạng lưới thăm thẳm như hang rắn.
 
Thoạt nhìn vào ngõ người ta dễ nghĩ dân Hà Nội lam lũ. Nhưng cẩn thận sờ vào đứt tay, mỗi căn nhà trong ngõ bây giờ là đống vàng, chỉ cần rao là có người tới hỏi mua liền. Ngõ nhì nhằng vùng ven dễ bán vì vừa túi tiền đã đành, ngõ hẹp hai người đi tránh nhau trong khu phố cổ giá trên trời cũng đắt khách mới ghê. Nhà trong ngõ giống như thứ vừa vặn gia cảnh quảng đại dân chúng, khác với loại mặt phố tiền tấn phải có máu mặt mới mua nổi và mua rồi thì phải nghĩ cách sinh lời để thu hồi về số tiền khổng lồ đã bỏ ra.
 
Trong ngõ gần như không tồn tại luật giao thông nhưng lại có cách ứng xử sao cho đi lại thuận tiện. Phương tiện giao thông gây rắc rối nhất trong ngõ là cái xe máy và thỉnh thoảng là cái xe cải tiến chở vật liệu xây dựng. Độ rộng hẹp của cái ngõ là thứ quyết định kích thước đồ đạc trong nhà chứ không do diện tích nhà. Kết quả là căn nhà nào trong ngõ cũng chỉ toàn những đồ đạc nho nhỏ, kích thước bề ngang không mấy khi rộng quá 2m. Những người bán đồ nội thất hay đồ gia dụng kích thước lớn ở Hà Nội luôn phải thuộc nằm lòng việc hỏi khách hàng về kích thước ngõ và lối vào nhà trước khi bán cho họ.
 
Những không gian sống nhỏ như hộp diêm nằm san sát nhau bên những cái lối ngõ sâu thăm thẳm tạo nên một khối xếp hình của trẻ con đầy những miếng ghép cổ quái khít khìn khịt.
 
Không chỉ ảnh hưởng đến không gian sống mà cái ngõ còn quy định lối sinh hoạt của họ. Ra ngõ gặp anh hùng, ra ngõ mà trông… ngõ là nơi mọi sự được bình dân hóa, được coi là thứ không thể xa hoa, thứ dễ thấy dễ gần (tất nhiên trừ ngõ Xóm Hạ Hồi lắm nhà giàu!). Mỗi cái ngõ là một cái chợ cóc nhỏ, từ hàng quà sáng đến mẹt rau, từ quán nước chè đến cửa hiệu làm đầu, từ hàng tạp hóa đến đồ điện lặt vặt. Có khi cả ngày không bước ra quá cái ngõ cũng vẫn sống bình thường. Tách mình khỏi những đường phố ầm ào, những cái ngõ như vương quốc riêng của một bộ phận cư dân tưởng như biệt lập.
 
Lối sinh hoạt nửa làng nửa phố ấy đậm nét ở cái cách dòm dỏ nhau. Trong ngõ bây giờ tuy không còn cái kiểu ngồi lê đôi mách “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” như ở quê, nhưng cũng chưa đến đoạn như dân phố mới không mấy ai biết ai. Hễ có sự vụ gì xảy ra là một phen các nhà ló mặt ra đứng túm tụm ở đầu ngõ bình luận ỏm tỏi, từ các đám hiếu hỉ cho đến bàn cãi chính sách của Phường. Ngõ là nơi ngoằn ngoèo số nhà khó tìm, nhưng cứ hỏi những ông bà già ngồi ở bậc cửa hay bọn trẻ con chơi đuổi bắt cuối ngõ, thể nào cũng tìm ra.
 
Tên của những cái ngõ Hà Nội là câu chuyện phản ánh những thời kỳ đô thị hóa của vùng đất ven nội xa xưa, thuở Hà Nội hãy còn nhỏ hẹp, và đất của 3 trong 4 quận nội thành đầu tiên là Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa (trừ Hoàn Kiếm) phần nhiều là làng xóm, đồng ruộng và ao chuôm. Bạn thử hình dung xem trong bán kính chưa đầy 1 cây số quanh Ô Chợ Dừa mà có cả ngõ Thổ Quan lẫn ngõ Quan Thổ, mà có những 3 ngõ Quan Thổ đánh số 1 đến 3. Quan Thổ là Quan Trạm gộp với… Thổ Quan! Một loạt những ngõ quanh một khu đất phía Nam Văn Miếu đều được mang chữ Văn như nhắc nhở về một quá khứ ảnh hưởng sâu đậm của Nho học trên vùng ven kinh thành này: Văn Chương, Văn Hương, Huy Văn… thêm vào đó còn có Lương Sử (gộp từ Lương Sừ và Ngự Sử, cũng là Nho).
 
Những con phố quanh Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và Chợ Mơ là những nơi nhiều ngõ có tên nhất. Chúng ta hãy hình dung về hình thái những ngõ này. Độ hai trăm năm trước, đây là những con đường thập lý hoặc thiên lý chạy giữa những đồng ruộng và sông hồ phía Nam Hà Nội. Các làng xóm quần tụ nhau trên những gò đất nổi, nối với đường cái bằng những con chạch cao. Lâu dần ao hồ san lấp bớt, nhà cửa mọc lên dọc các con đường theo sự phát triển của dân số và nền kinh tế, các con chạch biến thành những đường ngõ, nơi thoạt tiên chỉ có dân ngụ cư ra ở ngoài làng. Vì thế ta sẽ hiểu tại sao những ngôi chùa Liên Phái, Huy Văn, Linh Quang lại ở tít trong ngõ hẹp, nơi khởi thủy là nằm trên một khu đất phong quang giữa làng. Vật đổi sao dời, trung tâm tín ngưỡng và tinh thần của làng xóm chỉ còn là một vài nếp nhà bị chen lấn giữa bít bùng nhà dân.
 
Những cái ngõ này bên ngoài phạm vi thành phố Hà Nội thời Pháp nên không có sự can thiệp về quy hoạch, năm này qua tháng khác trở thành nơi cư ngụ của dân lao động, người nghèo thành thị. Sau những thay đổi của cách mạng, chiến tranh và đổi mới kinh tế, chúng là nơi pha trộn đủ hạng người. Những cái ngõ hun hút tối tăm mang những cái tên cũng tăm tối như Cống Trắng, Trại Găng, Lò Lợn, Trại Cá… nhà cửa xấu, chẳng có cây xanh gì, trước toàn nhà cấp 4 lụp xụp, sau toàn nhà ống chen chúc nhau, lắm dân nghiện ngập hút chích tụ bạ. Những cái ngõ dài hơn như ngõ Chợ Khâm Thiên, ngõ Quỳnh, hay mang tên đẹp đẽ như Thịnh Hào, Cẩm Văn, Chùa Hương Tuyết, An Sơn… cũng lắm dân anh chị giang hồ nương náu. Sau này dẫu có thay đổi bằng cách đặt những cái tên “xô viết” hơn như Tiến Bộ (những hai ngõ tên này ở Khâm Thiên lẫn Đại La), Tân Lập, Tự Do, thì cũng vẫn cảnh ấy, ấn tượng ấy.
 
Những cái ngõ lắm dân giang hồ thì lại ít mất trộm. Dân những ngõ ấy đã nhẵn mặt ai là người lành, ai là người gây chuyện, ai đáng để tỉ thí. Có điều ở những ngõ thế này, muốn động thổ, sửa sang hay làm gì to chuyện cũng phức tạp hơn. Hàng xóm ngứa mắt không để yên, chính quyền ngại giải quyết tranh chấp. Rồi đứng ngồi không yên khi con cái mới lớn tiếp xúc với con nhà bố đi tù, mẹ đao búa sát vách. Mở mắt ra là thấy ống tiêm ma túy vứt lăn lóc ở cống rãnh. Chẳng may xô xát thì đầu rơi máu chảy, cái ngõ đang yên lành bỗng đâu thấy đủ loại dao kiếm như từ dưới đất đội lên. Lắm khi sầu đời phê ma túy, mấy tay anh chị cũng lăm lăm những cái dao “phóng” chọc tiết lợn ra thử đỡ ngứa ngay chân tay như một tay ở ngõ Trung Tả đâm vô cớ 3 người mới đây. Khai với công an, hắn bảo “người âm xui khiến”. Thì những cái ngõ hun hút ấy cũng có khác gì cõi âm, cảnh ngõ mà vào những hôm mưa phùn gió bấc lép nhép bẩn thỉu thì buồn chẳng khác như thơ Trần Huyền Trân viết thời ông ở ngõ Cống Trắng:
 
Tôi ở lều gianh Cống Trắng này
Chạnh lòng cá nhảy với chim bay
Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
Giăng phải hồn tôi một lưới đầy
(Mưa đêm lều vó – 1938)
 
Không đến mức đầu rơi máu chảy, khi lâm sự thì các bà đáo để trong ngõ chửi nhau thì thôi rồi, những gì cục súc và mạt sát nhau được đưa ra như từ một thư viện online, chỉ cần nhấn nút tìm kiếm là tuôn ra cả loạt. Lắm khi cám cảnh bần cùng của mình, các bà chửi con: Nhà người ta đẻ con khôn mát l… rười rượi, mày học hành thế nào chỉ lo tối ngày mắt xanh mỏ đỏ, rồi lại cũng điếm cùng phò thôi con ơi… Cuộc sống nơi ngõ ngách dẫu vậy vẫn là nơi le lói những khát vọng vươn lên, thế hệ này qua thế hệ khác. Ngày xưa người mẹ nuôi con lánh nạn nuôi chí ở chùa Huy Văn, rồi sau người con ra làm vua, tức Lê Thánh Tông. Ngõ trở thành bước đệm cho con đường tiến thân và nằm chờ thời cơ của bao người, từ ông Nguyễn Trãi “góc thành Nam, lều một gian” đến “một cô gái như em, từ một xóm nghèo Hà Nội, đã vươn lên thành người giáo viên trong thời đại mới” (lời bài hát Em đứng giữa giảng đường hôm nay - Tân Huyền).
 
Đi vào những con ngõ rồi lại gặp ngõ trong ngõ, gần đây “thể chế hóa” lên thành mức ngách, hẻm chứ không dùng “xuyệc” nhiều như Sài Gòn, tưởng như vào một mê cung. Đi từ phố Khâm Thiên vào ngõ Chợ Khâm Thiên rồi từ ngõ này lại có mấy mươi cái ngõ nữa, trước khi đi tới một con đường cũng chỉ như một cái ngõ là đê La Thành, tức vòng thành xưa kia bao bọc lấy kinh kỳ.  Mỗi cái ngõ là chồng lớp lịch sử của bao thời, trông trôi nổi tạm bợ vậy mà lại là thứ cố kết chặt chẽ, thách thức bất kỳ những nhà quy hoạch nào lăm le muốn nắn chỉnh.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét