Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Ngôi chùa cổ Phúc Sơn

Chùa Phúc Sơn (ảnh) còn gọi là chùa Mỹ Lộc thuộc xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo của nhân dân 5 thôn: Ngoài, Nhuần, Đụm, Sàn và thôn Trám. Đây cũng là địa điểm tổ chức lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm của địa phương.
Chùa Phúc Sơn có tổng diện tích 16.657,9 m2 tọa lạc trên một quả đồi thoáng đãng, phía bắc xã Mỹ Hà, nhìn về hướng đông nam, trước chùa là sân gạch rộng, xung quanh là vườn cây xanh tốt bốn mùa tạo cho ngôi chùa vẻ trang nghiêm, cổ kính nhưng cũng rất gần gũi, dung dị đời thường. Căn cứ vào hiện vật có trong di tích (33 pho tượng cổ, văn tự Hán-Nôm khắc trên chuông đồng và kết cấu khung chịu lực) cho thấy: Chùa Phúc Sơn là ngôi chùa cổ, có bình đồ kiến trúc liên hoàn kiểu nội công, ngoại quốc. Chùa được khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII).
Tuy được tu bổ, tôn tạo nhiều lần dưới thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) nhưng ngôi chùa vẫn giữ được những đường nét kiến trúc cơ bản, riêng có của thời Lê. Ngôi chùa được xây dựng làm nơi thờ Phật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân địa phương trong và ngoài xã từ xa xưa được lưu truyền tới ngày nay.
Toàn bộ công trình kiến trúc của chùa Phúc Sơn gồm hai hạng mục công trình cơ bản: Khu thờ chính (tam bảo, hậu đường và hai dãy hành lang) và khu phụ trợ (nhà tổ, nhà thờ Bác Hồ, khu vực sân và vườn chùa). Toà tiền đường có diện tích 105 m2 gồm: ba gian, hai chái, bốn mái đao cong vút chạy đua lên không trung, chính giữa đắp nổi bức đại tự có ghi chữ Hán "Phúc Sơn tự". Toà thượng điện cao hơn toà tiền đường 25 cm, có diện tích 39,04 m2, là một dãy nhà khép kín, xây theo lối tường hồi bít đốc, không có ô thoáng, được xây sát phía sau tiền đường, tạo nên bình đồ kiến trúc hình chữ đinh (J). 
Hệ thống 33 pho tượng thờ ở chùa Phúc Sơn được sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Tất cả đều chạm khắc tinh tế, khéo léo để diễn tả thế giới chư Phật bao la: 30 pho được tạo tác theo phong cách tượng thời Nguyễn (khoảng cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX); ba pho (ở ban thờ Mẫu, tượng Mục Kiền Liên và tượng Trần Hưng Đạo) là tượng mới, được nhân dân cung tiến vào chùa, tượng được bài trí hài hòa ở thượng điện, tiền đường và hậu đường. Tất cả đều tĩnh tọa, uy nghi, vàng son rực rỡ biểu hiện sự tài khéo và tâm thức phục thiện của người nghệ nhân cổ. Ngoài hệ thống tượng Phật cổ là các di sản có giá trị nghệ thuật cao, trong chùa còn một số di vật đồ thờ tự cổ khác góp phần làm chùa Phúc Sơn thêm trang nghiêm, cổ kính. 
Lễ hội chùa Phúc Sơn được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Trong ngày hội, ngoài nghi lễ dâng hương, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: cờ tướng, hát quan họ, đấu vật… đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân nơi đây nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung.
 Thân Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét