Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Độc đáo lễ hội chùa Đông Sơn


Thôn Đông Sơn thuộc xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, là một làng cổ rất lớn nằm quanh chân núi “Xà Sơn” quanh năm cây cối tươi tốt, từng nổi tiếng bởi tên tuổi Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên là nhà khoa bảng, nhà giáo đức hạnh, nhà thơ, còn đặc sắc với những thuần phong mỹ tục và được phản ánh ở lễ hội truyền thống.
Ngôi chùa làng Đông Sơn có tên chữ là “Chân Khai tự” vốn được khởi dựng từ lâu đời, nhưng đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Theo nội dung văn bia của chùa có tên “Trùng Phúc tu huệ bi”, được dựng năm “Dương Đức nhị niên” (1673), đã cho biết chùa Chân Khai cổ có cảnh quan phong thuỷ tốt, quy mô chùa rất lớn gồm nhiều toà và từng là nơi quốc gia cầu đảo rất linh thiêng như sau: “Núi Đông Sơn này, càn khôn xây dựng tú khí, sông núi chung đúc anh linh. Cảnh vật thật là thanh bình. Bốn phương ôm ấp, tám hướng chầu vào, đúng là nơi danh lam thắng cảnh, chốn thần tiên. Một toà lâu đài sừng sững, hành lang bốn xung quanh đó là chùa Thiền Chân Khai vậy…
Trong chùa có Kim Thiên sắc tướng hộ trì mọi người, trên gác có chuông thiêng trống pháp… Quốc đảo dân cầu rất linh ứng. Nhưng do lâu ngày, trải nắng mưa bị hư hại cần phải sửa chữa, xây dựng lại. Khi đó, nhà sư Diệu Chân trụ trì chùa Chân Khai đã đi giáo hoá quyên góp khắp nơi, lại được Đệ nhị cung tần Lương Thị Ngọc Ninh (quê xã Yên Hoà, huyện Ý Yên, phủ Nghĩa Hưng) phát tâm công đức 40 nén bạc, 200 quan tiền. Đến tháng 12 năm Ất Dậu (1645) mua gỗ tốt xây dựng tiền đường, hai dãy tả hữu hành lang, sửa lại thượng điện…”.
Trải nhiều trăm năm, chùa xưa tháp cũ không còn nữa. Hiện chùa Chân Khai mới được trùng tu, có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm: 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, bộ khung gỗ, mái ngói, cảnh quan đẹp.
Chùa là nơi thờ Phật, nhưng khác với nhiều làng, chùa Chân Khai còn là nơi thờ Thành Hoàng làng và thờ Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên. Theo truyền khẩu của địa phương Thành Hoàng làng thôn Đông Sơn vốn xuất thân là một vị quan chức, do gặp hoạn nạn, đến sống ẩn dật ở chùa Chân Khai, sau trở thành sư trụ trì và hóa tại chùa, được dân làng tôn làm Thành Hoàng làng thờ ngay tại chùa Chân Khai.
Các triều đại vua đều có sắc phong ban tặng cho Thần là “Lê Văn Giác đại vương”. Vì vậy, xưa kia hàng năm vào ngày 10 tháng 2 (âm lịch) dân làng Đông Sơn mở hội làng, có tục rước bình hương Thành Hoàng làng từ chùa ra đình để tế lễ và hết hội lại rước về chùa để an vị.
Chùa Chân Khai còn thờ Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên, tượng ông thờ ở bên phải trong cùng của toà Tam Bảo. Sử sách cho biết, năm 21 tuổi ông đi thi và đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh, năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên I đời Hồ Quý Ly (1400), cùng khoá với danh nhân Nguyễn Trãi. Trong suốt thời gian giặc Minh chiếm đóng nước ta, ông ở ẩn dạy học ở quê nhà và đã đào tạo được nhiều thế hệ nhân tài, trong đó có Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư người Phú Lương, Quế Võ. Đầu đời Lê sơ, ông ra làm quan theo Chiếu “Cầu hiền tài” của vua, được bổ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, sau được thăng đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám là chức vụ học quan cao nhất. Đến năm 74 tuổi ông mới về hưu trí tại quê hương.
Hội tụ những nét thuần phong mỹ tục tiêu biểu của thôn Đông Sơn được phản ánh ở lễ hội làng. Tục truyền, hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 2 (âm lịch), dân làng Đông Sơn lại mở hội Đình làng (tục gọi là vào Đám). Xưa kia, để lo việc đình đám, dân làng đã có ruộng công giao cho các Giáp cấy lúa, nuôi lợn tế Thần, gọi là: ruộng lợn, ruộng xôi, ruộng rượu… Trước khi lễ hội, dân làng đã họp bàn để bầu lấy một ông Quan đám (gia đình yên ấm, không có tang và trước ngày lễ hội phải ăn chay nằm mộng), cùng ông thôn trưởng phải đứng ra tổ chức công việc cỗ bàn và chọn các ông Quan viên tế. Lễ vật tế Thần gồm những mâm xôi, lợn cả con, rượu, ngoài ra còn có lễ xôi gà của các hàng Giáp.
Vào hội, ngay từ mùng 9, đình và chùa làng đã được mở cửa để làm bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày mùng 9, dân làng tổ chức rước bình hương của Thành Hoàng làng từ chùa ra “đình xã” (vốn là ngôi đình chung của ba xóm cổ: Đoài, Giữa, Đồng Lĩnh) để tế lễ mở hội-Tục này vốn xuất phát từ truyền thuyết Thành Hoàng là một vị quan chức, do gặp nạn đã ở ẩn tại chùa, sau trở thành nhà sư và hoá tại chùa, được dân làng Đông Sơn thờ làm Thành Hoàng làng ở chùa. Cũng ngày mùng 9, dân làng còn tổ chức “rước nước” từ giếng cổ cạnh nghè chợ Sơn về đình để tế lễ-Đây là tục thờ “Thần nước” (chính vì vậy mà một số tài liệu cổ cho biết Đông Sơn còn thờ Thuỷ thần). Ngày mùng 10 chính hội, dân làng tổ chức tế lễ Thành Hoàng làng tại đình. Những năm được mùa, tế lễ kéo dài vài ngày, hết hội tế rã đám, dân làng lại tổ chức rước bình hương của Thành Hoàng làng về chùa để yên vị. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: tuồng, chèo, ả đào, đu vật… Theo truyền khẩu của địa phương, những ngày hội làng, dân làng cùng với tục rước tế Thành Hoàng làng, còn là việc thờ phụng Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên.
Sau khi đình Đông Sơn bị phá trong kháng chiến chống Pháp, hội được mở tập trung tại chùa “Chân Khai” và trở thành hội chùa làng. Từ đó đến nay, hội chùa Đông Sơn với những thuần phong mỹ tục vẫn được trân trọng gìn giữ và phát huy, đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng làng xã và tham gia vào những sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá, văn nghệ vui tươi lành mạnh, góp phần làm nên sắc thái văn hoá độc đáo của quê hương, đất nước.
Đỗ Thị Thuỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét