Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Phủ Chính - Phủ Tiên Hương




            Phủ Tiên Hương là công trình được xây dựng lâu đời - đựơc xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Theo truyền thuyết, tư liệu và bi kí thì phủ Tiên Hương xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị ( 1663 – 1671 ) đến năm 1841 được chuyển thành công trình gạch ngói và năm Duy Tân thứ chín ( 1915 ) do tổng đốc Đoàn Triển cho xây dựng lớn như ngày nay.
      
          Năm Dương Hoà thứ 8 ( 1642 ), triều đình cho phép xây lập đền thờ. Đến khoảng năm Chính Hoà ( 1680 – 1705 ) hễ có việc gì thì cầu cúng càng thấy linh ứng. Hàng năm đén ngày 7, 8, 9 tháng 3 thì mở hội…lịch triều phong sắc Mã Vàng Công Chúa thượng đẳng thần, ông Trần Bình Hành cử nhân khoa Tân Mão tức là dòng dõi vậy. ( Trần Lê Hữu dịch – phòng tư liệu khoa sử trường đại học Tổng Hợp Hà Nội ).
          Phủ được xây dựng trên khu đất một mẫu bốn sào bốn bề tiếp giáp nhà dân, đường cái xa xa là núi Tiên Hương che chắn mặt tây như bức bình phong khổng lồ.
          Tổng thể công trình theo kiểu trùng thiềm, ngoại chữ quốc, lớn nhỏ có 10 toà với năm, bẩy gian. Nhưng công trình chính là các toà phủ thờ và ba toà phương đình mặt tiền.
          Các toà thuộc đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, làm theo kiểu giámg cổ truyền dân tộc. Riêng cung đệ tứ có người gọi là bái đường gồm 7 gian dài 22m, rộng 8 m hệ thống cột xà vuông lác cạnh, làm rất cầu kì, chạm khắc nhiều đề tài trên bẩy, trên xà, trên mê cốn khá tinh tế, công phu như gợi cho con người nhận biết cảnh “ đào tiên trường thọ ”, cảnh “ kim tiền phú lộc ”  mà thế gian dang có sự ước muốn  “ phúc, lộc, thọ “. Những đề tài tứ quí, tứ linh cũng rất hấp dẫn nên các toà nhà tuy lớn , dùng loại gỗ tứ thiết mà vẫn như thanh thoát nhẹ nhàng.
          Trước sân là “ nguyệt hồ ” làm cân đối theo trục đối xứng, quanh hồ có tương hoa bằng đá  làm cầu kì đẹp mắt cử xuống có đôi rồng chầu và giữa tường hoa gắn tấm bia làm kiểu quấn thư khá độc đáo, nội dung nói về việc xây dựng phủ.

          Phía ngoài có ba toà phương đình, tuy qui cách to nhỏ, số gian khác nhau nhưng phong cách làm kiểu chồng diêm tám mái như nhau. Hai tào tả hữu cân đối hài hoà đẹp mắt, bên trong đặt những hàng bia đá theo trình tự cân đối, khiến tả hữu phương đình không chỉ là nghi thức tô điểm cho mặt tiền, mà còn có chức năng bảo vệ văn bia, những di sản vừa có giá trị nhân văn, vùa có giá trị sâu sắc mà tiền nhân để lại…
          Toà phương dình ở giữa có ba gian trông bề thế hơn, cũng làm theo kiểu mê cốn, băy kẻ, những người thợ đã trau chuốt hơn, đục đẽo công phu hơn. Những cặp nghê đỡ trụ non đấu rế, những mảng đề tài cùng, cúc, trúc, mai trên từng lá cốn ở các vì.

          Xung quanh phương đình được diễu tường hoa song tiện, cửa phía Tây có rồng chầu, hai cử phía Đông tạo đôi cặp hổ rất sinh động từ trên nhao xuống lại ngước đầu ngoái cổ nhìn nhau, tựa đón mừng người vào cửa, khiến tào phương đình tạo cho mặt tiền Phủ Tiên Hương thêm ý nghĩa, hấp dẫn gợi cảm cho ai mỗi khi vào hành hương.
          Phủ Tiên Hương có khá nhiều đồ thờ tự, tượng pháp câu đối, đại tự được gia công cầu kì, ví như bộ đèn bằng đồng có 36 nơi cắm nến, bộ đỉnh đồng hạc đồng cũng được đúc với kĩ thuật cao, lại có trình độ hội hoạ nên hoạ tiết trang trí thật trang nhã, lắng đọng lòng người.
          Ba bộ long ngai cỡ lớn, được trạm trổ cầu kì các cặp rồng chầu, phượng, ly, qui và hoa lá cách điệu. Lại sơn thiếp theo kĩ thuật truyền thống nên hàng trăm năm mà ánh vàng trong nền sơn sơn đỏ vẫn còn bóng sáng và ấm áp lạ thường.
          Sập đá có kích thước 2.2m x 2.0m làm kiểu chân quỳ dạ cá, hoạ tiết bốn góc là chim thần cách điệu, một phong cảnh nghệ thuật từ lâu đời được bảo lưu kế thừa.rồi đường nét hổ phù cũng là đề tài quen thuộc, Những hiện vật này mặc dù thể hiện theo phong cách thời Nguyễn nhưng là những di vật cực kì có giá trị…
          Phủ Tiên Hương còn 14 văn bia, song hầu hết là văn bia tiến cúng của thời Nguyễn, thế kỉ 19 và thế kỉ 20 (theo bảo tàng lưu trữ tỉnh Nam Định).Qua những hàng loạt văn bia này chứng tỏ ảnh hưởng của phủ rộng khắp. Từ quan tới dân, từ trong tỉnh tới ngoài tỉnh đều thành tâm với cửa Mẫu, Tấm bia đá :” Quan lại cúng ngân bi ký ” làm ngày 18 tháng 6 năm Duy Tân thứ tám ( 1914 ) có ghi các quan lại đóng góp tiền để sửa chữa Phủ Tiên Hương, thấy ảnh hưởng của phủ rất lớn, các Tổng Đốc, Tuần Phủ Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, các quan đốc học, tiến sĩ đương chức hay về hưu, một số quan lại khác cúng tiến…
          Tại Phủ Tiên Hương có thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu ( là người sinh ra Mẫu ) thờ Tam Toà Thánh Mẫu, Mgọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ Vị Quan Lớn, Quan Hoàng, Câc Bà, Các Cô, Các Cậu, Thủ Đền, Thổ Thần và có đền thờ riêng Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương cùng Nhị Vị Vương Cô. Do vậy số ban thờ ở đây rất phong phú và đều uy nghi lộng lẫy.
          Tại cung đệ Nhị thờ Song Thân  sinh ra Thánh Mẫu, có bài vị đặt trên ngai trạm rồng rất trang trọng.
-         Bài vị để trên ngai tại  giữa gian ghi về Thân Mẫu của Tiên Chúa:
“ Sắc tặng khải sinh Thánh Mẫu Trần môn chính thất, huý Phúc hiệu Diệu Phúc, dực bảo trung hưng trung đẳng thần 
( Sắc tặng cho người sinh ra vị Thánh :
Bà là vợ Trần Công, tên huý là Phúc, tên hiệu là Diệu Phúc, vị thần bậc trung phò giúp cho cơ đồ nhà nước )
-         Bài vị để trên ngai tại gian trái
“ Sắc tặng khải sinh Thánh Phụ Trần quý công , huý Chính tự Đức Chính, dực bảo trung hưng trung đẳng thần 
( Sắc tặng cho người sinh ra vị Thánh, Thánh Phụ là Trần Quý Công, tên huý là Chính, tên tự là Đức Chính, vị thần bậc trung phò giúp cho cơ đồ nhà nước )
     Phủ Tiên Hương được bài trí nhiều đại tự câu đối tán dương công đức, câu đối treo ở toà đệ Tứ ghi:
     “ Tam thế luân hồi, vu Vỉ Nhuế, vu Vân Cát, vu Nga Sơn ngũ Bách dư niên quang thực lục.
Lịch triều ba cổn, vi đề nữ, vi đại vương, vi chúng mẫu, ức thiên vạn cổ điện danh bang.
Long phi Quý Sửa thu
Thanh Hoá tỉnh Đốc học Lê Hy Vĩnh phụng soạn ”.
          Tạm dịch :
( Ba đời thay đổi, ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn đến nay đã hơn năm trăn năm, sự tích sáng ngời trong thực lực
Các triều phong tặng là con vua, là Đại Vương, là các mẹ, dù cho tới muôn vạn năm sau, tiếng tăm vang động khắp nhân gian.
Rồng bay mùa thu năm Quý Sửa
Đốc học tỉnh Thanh Hoá tên là Lê Hy Vĩnh kính cẩn viết ).
-         Câu đối ở gian bên, sơn son thiếp vàng trên gỗ:
“ Giáng sinh tích tại Vân hương quýnh
Bất tử danh tiêu thái lĩnh cao
Long phi kỉ tỵ niên
Phú Lương huyện tri huyện Vũ Đình Hoán bái tiến ”.
          Tạm dịch:
                   (Giáng sinh dấu vết làng Vân, đã xa rồi vậy
                   Bất tử tên nêu núi Thái, cao vút còn đây
                   Rồng bay năm Kỷ Tỵ
Quan tri huyện huyện Phú Lương tên là Vũ Đình Hoán lạy dâng)    .        
          Câu đối treo ở tiền đường (cung Đệ Tứ)
“ Chân thân tòng đế khuyết, tam giáng sinh duy trinh duy hiếu, thiên cổ mẫu nghi. Thúc nhiên xa cái vân du, do yết tâm kinh phù thế đạo.
Linh thanh liệt Nam thiên, tứ bất tử thị Phật thị Tiên, vạn gia từ mộ. Đương thử giang hà nhật hạ, khởi duyên phong hội biến Thần quyền.
Duy Tân Quý Sửu trọng thu
Nam Định Tổng Đóc Thanh Oai Đoàn Triển bái đề “ .
          Tạm dịch:
( Chân thân từ trên trời ba độ giáng sinh vẫn trinh vẫn hiếu, muôn thủa khuân mẫu người mẹ. Bỗng nhiên xe lọng xa vời, còn để tâm kinh dậy đạo lý cho mọi người.
Tiếng thiêng ở Nam Giao, thứ tư bất tử là Phật, là Tiên, mọi nhà kính mến lòng từ, đang buổi non sông ngày xuống, đâu vì phong vội thay đổi thần quyền.
Giữa mùa thu năm Quý Sửu (1913) niên hiệu Duy Tân
Tổng Đốc Nam Định quê ở Thanh Oai tên là Đoàn Triển lạy viết ).
Phủ Tiên Hương là công trình thờ tự lớn nhất tại Phủ Dầy hiện nay, là nơi thờ Mẫu được du khách vể thăm quan chiêm bái lớn nhất tại Phủ Dầy, hàng năm có tới hàng triệu người về thăm quan lễ Mẫu và thăm quan ngắm cảnh.Vẻ đẹp nơi đây quả đúng như lời thơ ghi trên bia năm Minh Mệnh thứ 19 :
                   Đẹp nhất xưa nay chính chốn này
                   Muôn dân nhờ cậy phúc ơn dầy
                   Mây vùng An Thái luôn bao phủ
                   Nức tiếng anh linh mọi điều hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét