Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Thăm nơi tết đến muộn nhất Sài Gòn


Khi chúng tôi hỏi, sống ở trên đảo thiếu thứ gì nhất, vị trưởng thôn cười lớn, rồi nói: “Thiếu tất cả, trừ muối”. Ông cười, giải thích rằng, toàn ấp có 200 hộ thì có đến 160 hộ sống bằng nghề làm muối, còn lại là sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng nước sông Thị Vải đổ ra đây, biển ô nhiễm, giờ cá tôm cũng hiếm hoi. Đó là xã đảo Thiềng Liềng ở huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.

Gian nan đường tới xã đảo Thiềng Liềng
Sài thành khói bụi, chật chội như nêm với xe cộ như mắc cửi nhà cao chọc trời thì xã đảo Thiềng Liềng chỉ một màu xanh mát mắt của rừng cây ngập mặn, không nhà cửa, không xe, không người. Chúng tôi đi qua khoảng hơn chục cây cầu lớn, nhỏ mới tới được thị trấn Cần Thạnh, trung tâm hành chính của huyện Cần Giờ. Thị trấn biển vào những ngày cuối năm lạnh lẽo, vắng hoe, lác đác có vài hàng quán mở, còn tất cả đóng cửa im ỉm. Cả thị trấn như ngủ đông.  Tôi bị chậm chuyến đò sang xã Thạch An, phải 14h chiều mới có chuyến đò tiếp theo. Vào quán cà phê nghỉ ngơi và thưởng thức cà phê vùng ven, cô chủ quán nhìn khá hiền lành nhắc nhở, phải gửi xe máy ở bên này, mang xe sang đó, làm gì có đường mà đi.
Ấp đảo Thiềng Liềng
Chúng tôi lên con đò khá chắc chắn, khoang lái mát mẻ, nằm phía trên tầng cao, khoang giữa chất đầy hàng hóa: Mì gói, nước ngọt, gạo, dầu, có 1 vài két bia, miến rong (có sự hiện diện khiêm tốn của không khí tết), vật liệu xây dựng… Tầng dưới cùng, sát với mặt nước là khoang hành khách. Không có ghế, tất cả là 1 tấm sàn, trời khá nóng nên hành khách ai cũng mệt mỏi, người ngồi, người nằm la liệt. Ngại bức bối, tôi kiếm một chỗ ở khoang để hàng, ngồi lẫn trong đống hàng hóa để cảm nhận sự khó khăn trong giao thông của người dân xã đảo. Sau 45 phút, ồn ào sắp xếp, con đò mới nổ máy di chuyển ra khỏi bến. Gió biển cộng với không khí mát lạnh của rừng đước xanh ngút hai bên làm người trên đò cảm nhận được và thấy dễ chịu với sự mát mẻ đó.
Theo người lái đò, phải nắm bắt địa thế, hiểu rõ con nước và các bãi đất bồi thì mới dám đi, vì xung quanh là một "ma trận" cù lao nhỏ có thể làm lật úp con đò bất cứ lúc nào.  Phần đất bồi nhô ra khá xa ra ngoài biển, có những cồn đất kích thước cỡ vài m2, nằm chỏng chơ giữa biển. Ra xa bờ 1 chút, những con sóng trồi sụt liên tiếp làm chiếc thuyền chao đảo dập dềnh, những người chưa quen với biển cả không tránh khỏi sự sợ hãi đến tím tái mặt mày.
Sau gần 1 giờ rẽ sóng, đò cập bến ở xã Thạnh An lúc 15h, đây cũng là một xã đảo nhỏ của huyện Cần Giờ. Tuy đã thấm mệt nhưng hành trình vẫn phải tiếp tục vì mục tiêu của chúng tôi là tới ấp đảo Thiềng Liềng. Chúng tôi lên xe ôm, người lái xe chở đến bến đò đi Thiềng Liềng. Lại một chiếc đò y hệt như chiếc đò chúng tôi vừa đi, nhưng nhỏ hơn. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình lênh đênh trên biển 1 giờ đồng hồ tiếp theo với những lắc lư, chao đảo để ra ấp đảo Thiềng Liềng. Vượt qua những dập dình của sóng nước, chúng tôi đã có mặt trên đảo. Cảm giác đầu tiên là sung sướng với cảm nhận thú vị vì được đặt chân lên khám phá một vùng đất mới. Một người phụ nữ tầm 30-40 tuổi đi cùng đò, hỏi: "Các em tìm nhà ai vậy?". Chúng tôi lúng túng trình bày lý do mình có mặt ở nơi này. Chị cười rổn rảng nói, chị là cô giáo ở đây, chị có một mình, vào nhà chị ở. Sự thân thiện của cô giáo đất đảo làm chúng tôi thấy thân thiện và theo chị về nhà.
Những ruộng muối của ấp đảo duy nhất Sài thành
Thiếu đủ thứ, trừ muối
Khi chúng tôi trình bày, muốn gặp bác trưởng ấp, trước khi trời tối, vì sáng mai chúng tôi phải về đất liền. Cô giáo đưa cho chúng tôi mượn chiếc xe đạp cũ, chỉ đường rồi bảo,  đi mau kẻo tối, chị ở nhà nấu cơm, lát về ăn. Chúng tôi ngồi lên chiếc xe đạp hoen rỉ, kêu lọc cọc vì lâu ngày không được tra dầu mỡ bảo dưỡng mà cùng nhau cười phá lên. Cười xong rồi thì cả hai cùng chảy nước mắt vì thấy cái câu “thiếu đủ thứ”, sao đúng thế. Quả đúng là dân miền biển tính cách hồn hậu, thật thà. Thiếu thốn là thế mà họ vẫn hồ hởi, vui vẻ, hiếu khách.
Quả như vậy, nơi đây là đảo, bốn bề nước mặn. Trên đảo không hề có bóng dáng của cây lương thực: Gạo, ngô, khoai sắn, đậu, đỗ… Tất cả những thứ đó đều được vận chuyển từ đất liền ra. Thậm chí, rau xanh cũng phải trồng trong chậu, có mái che nhưng cũng chỉ trồng được vào mùa mưa. Mùa khô, nước ngọt hiếm hoi, gió biển thổi táp hết lá, cây trồng không lớn được. Cách đất liền 10km, thuộc thành phố phát triển nhất cả nước nhưng Thiềng Liêng mới có điện được 1 năm nay. Điện không phải điện lưới mà điện từ năng lượng mặt trời nên chỉ có thể để thắp sáng, xem tivi. Còn máy bơm nước, ủi đồ, máy giặt, tủ lạnh chắc còn lâu mới đủ điện để "xài".
Hàng ngày tất cả thực phẩm của ấp đảo trông vào 1 chiếc ghe chở rau củ, thịt, cá từ đất liền ra. Mọi thứ ở đây, trừ muối, đều đắt gấp rưỡi, gấp 2 lần đất liền nhưng thực phẩm vẫn rất khan hiếm. Người dân trên đảo, quanh năm chỉ có đậu hũ và rau muống. Thịt heo, thịt gà còn có, nhưng thịt bò là thứ thực phẩm xa xỉ với người dân đảo. Những khi biển động dài ngày, người dân chỉ có cơm với cá khô. Có nhà hết gạo, không thể mua được, vay nhà khác, nếu tất cả cùng hết thì cùng nhau ăn cá khô trừ... cơm. Chúng tôi thắc mắc, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết nhưng dường như ở đây vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của mùa xuân. Ông Huynh, Trưởng ấp, thở dài, cho biết: “Năm nay muối mất mùa, mùa mưa kéo dài, sau đó lại không khí lạnh tràn xuống, muối không kết tinh được, mọi năm, giờ mỗi nhà cũng được vài tấn. Năm nay hầu như chưa nhà ai được thu hoạch, nên Tết cũng không có tiền để sắm sửa”. Ông Huynh nói tiếp: “Ở đây chỉ có muối, nhưng không khéo năm nay ăn Tết, muối cũng chẳng có chứ chẳng chơi”. Nói rồi, ông Huynh cười buồn, nhìn ra biển, cái nhìn xa xăm.
Trời nhá nhem tôi đạp xe trở lại nhà cô giáo, bữa cơm chiều chỉ gồm 2 món, đậu phụ chiên và đậu que xào nấm nhưng rất ấm cúng. Chuột và muỗi là 2 thứ "đặc sản" của đảo thì phải. Trời se lạnh, cả ấp chỉ có vài ánh điện leo lét, chẳng ai đi đâu. Mới 20h mà ấp đảo đã im lìm trong ánh trăng mờ ảo, gió lành lạnh thổi từng cơn vào bờ, tiếng sóng ầm ì vỗ vào bờ đá. Một vài ánh đèn của những con tàu cá ở ngoài khơi xa chiếu rọi. Xa xa phía Vũng Tàu, những ánh đèn sáng rực trong đêm.
Thấy chúng tôi đi cả ngày, vất vả nên cô giáo nhắc đi ngủ sớm. Hơi lạnh của biển đêm, lùa qua vách lá, chúng tôi nằm cạnh nhau, co ro. 5h sáng tất cả còn say ngủ, ngoài trời đen như mực, gió lạnh hun hút nhưng tiếng thuyền máy đã rền vang ngoài bờ kè. Bước ra, chia tay cô giáo khi còn ngái ngủ là một cảnh tượng làm tôi bất ngờ, cả con đường bờ kè loang loáng ánh đèn pin khắp nơi. Cô giáo thì thầm, bọn trẻ qua đò đi học đó. Bến cạn nhìn thấu đáy, muốn xuống đò phải qua một cầu ván gỗ vốn chìm nước, cạn mới lộ ra, trên đó phủ đầy rêu trơn như bôi mỡ. Đoàn học sinh xuống thuyền theo hàng, phải rất khó khăn tôi mới xuống được thuyền an toàn, mò mẫm vào khoang thuyền trời vẫn tối đen. Hơi lạnh tràn vào khoang, ai nấy thu mình run bần bật.
Cả con thuyền mấy chục người chỉ có chưa đến chục người lớn còn lại toàn học sinh, trong cái giá lạnh của buổi sáng sớm trên biển, từng tốp từng tốp ngồi chụm vào lấy hơi ấm. Bóng đèn điện quả nhót trong khoang bị cháy, trong bóng tối bọn trẻ thủ thỉ nói chuyện, một vài đứa siêng năng bấm đèn pin soi vở, học bài. Trong đêm tối chiếc đò rẽ sóng, lặng lẽ hướng về Thạnh An.
Khi chúng tôi tạm biệt Thiềng Liềng, mấy đứa trẻ vẫn hồn nhiên đùa giỡn với nhau, chỉ người lớn là thở dài, bởi đã gần đến Tết rồi mà ấp đảo chẳng hơi hướng gì của mùa xuân. Câu nói của ông ấp trưởng cứ vọng vang trong chúng tôi khi đã về tới nội đô. Quả thật, nếu "mục sở thị", mới hiểu rõ được cái Tết của người dân ấp đảo ảm đạm như thế nào? Chúng tôi vẫn hy vọng, còn khoảng hơn 10 ngày, ấp đảo duy nhất của Sài thành sẽ đổi thay trong ngày Tết.            
 Đảo của dân tứ x
Đạp chiếc xe cọc cạch trên đường đê đầy sỏi, hai bên đường, cỏ cao đến thắt lưng một bên là biển, bên kia là những ruộng muối vuông vắn. Mất chừng 40 phút, chúng tôi tìm đến nhà trưởng ấp ở cuối ấp. Chú Nguyễn Hồng Huỳnh tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Ông nói, đảo này được thành lập từ năm 1976, khi những người đánh cá khắp nơi như Long An, Tiền Giang, Bến Tre đi thuyền qua đây. Họ phát hiện ra hòn đảo rất đẹp nằm giữa vùng biển Vũng Tàu, Đồng Nai và Sài Gòn. Họ đã neo thuyền lại và  lên đảo định cư.     
Công Đại-Hương Sen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét