Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Tượng Phật Bà và câu chuyện về đạo hào quang


Cho đến thời điểm này, đây là pho tượng cao nhất Việt Nam. Xung quanh việc xây dựng pho tượng này có những câu chuyện rất ly kỳ…

Thượng tọa Thích Thiện Nguyện đứng dưới vầng hào quang (ảnh chụp lúc 11h 15 ngày 4 tháng 6 năm Kỷ Sửu - 2009)  Ảnh: ĐH
Thượng tọa Thích Thiện Nguyện đứng dưới vầng hào quang (ảnh chụp lúc 11h 15 ngày 4 tháng 6 năm Kỷ Sửu - 2009) Ảnh: ĐH
Đi dọc bờ biển Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, du khách sẽ bất ngờ khi thấy pho tượng Quan Thế Âm màu trắng sừng sững trên bán đảo Sơn Trà.
Pho tượng cao nhất Việt Nam
Chùa Linh Ứng-Bãi Bụt tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà (Đà Nẵng), mặt nhìn ra biển Đông, xa xa bên tả là đảo Cù lao Chàm án ngự, phía hữu là ngọn Hải Vân ngăn che với dòng Hàn giang hiền hòa thơ mộng. Sơn Trà còn là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng, với tiếng vỗ rì rầm của biển cả và lời kể về một câu chuyện thuở xưa: Vào thời vua Minh Mạng, dân chài ven biển nơi đây đã phát hiện một tượng Phật trên bãi cát nên lập am thờ tự. Và rồi, Đức Quan Thế Âm đã cứu khổ, cứu nạn, giúp sóng yên biển lặng để dân chài yên ổn làm ăn. Từ đó nơi đây có tên là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian.
Bức tượng Quan Thế Âm nằm trong khuôn viên ngôi chùa trên, được khánh thành vào năm 2010, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển, một tay tượng Phật Bà bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ. Tượng cao 67m, đường kính tòa sen 35m, tương đương tòa nhà 30 tầng, trong lòng tượng có 17 tầng (du khách có thể tham quan 12 tầng), mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”. Đặc biệt, trên mão tượng Quan Thế Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Công trình hoành tráng này là của hai điêu khắc gia Thụy Lam và Châu Viết Thạnh.
Thượng tọa Thích Thiện Nguyện (trụ trì chùa Linh Ứng – Bãi Bụt) kể, vào năm 2004, thành phố Đà Nẵng chủ trương cho ngành du lịch đầu tư xây dựng khu chùa Linh Ứng 3 trên núi Sơn Trà và một tượng Phật Quan Âm cao trên 60m để thu hút khách du lịch. Sau hơn 3 năm khởi công, tượng Phật hoàn thành nhưng khuôn mặt, vóc dáng rất xa lạ với hình ảnh Phật Bà trong tín ngưỡng dân gian nên buộc phải tháo dỡ toàn bộ phần tượng và mời điêu khắc gia Thụy Lam cùng “đệ tử” Châu Viết Thạnh từ TP.Hồ Chí Minh ra làm lại. Công trình xây mới ngay trên nền tượng cũ, với 12.000 cây giàn giáo, khoảng 3.500 lốp xe dùng để buộc đầu giàn giáo và 50 công nhân làm việc.
Để xây dựng một bức tượng bằng bê tông cốt thép nặng hàng chục ngàn tấn là điều không hề đơn giản. Theo đó, hàng ngàn tấn thép các cỡ loại, xi măng, đúc trộn được đưa lên độ cao 65m bằng hệ thống ròng rọc có máy trợ giúp. Mỗi ngày thợ bắt đầu làm việc từ rất sớm nhằm tránh gió to. Dưới sự chỉ huy của điêu khắc gia Thụy Lam, tượng Quan Thế Âm được hoàn thiện với sự tinh tế rất cao, từ bàn tay bắt ấn tam muội, bình nước cam lồ, chuỗi hạt trai trên cổ, vạt áo cà sa, nét mặt... đều mềm mại, sống động…
Tượng Phật Bà và câu chuyện về đạo hào quang 2
Trong lòng tượng Phật Bà có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, tư thế khác nhau,
gọi là “Phật trung hữu Phật”.
Mười ba lần phát hào quang
Từ khi xây dựng tượng Quan Thế Âm cho đến nay, các nhà sư trong chùa Linh Ứng – Bãi Bụt nói đã nhìn thấy những vầng hào quang 7 sắc xuất hiện, tỏa sáng trên đầu tượng Phật. Thấy hiện tượng lạ, các nhà sư và một số người hành nghề chụp ảnh trong chùa đã chụp lại.
Tượng Phật Quan Thế Âm cao 67m, nặng 35.000 tấn, đường kính tòa sen 35m, tương đương tòa nhà 30 tầng. Đặc biệt, trên mão tượng Quan Thế Âm có tượng Phật Tổ cao 2m, trong lòng tượng có 17 tầng (du khách có thể tham quan 12 tầng), mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau gọi là “Phật trung hữu Phật”. Công trình hoành tráng này do hai điêu khắc gia Thụy Lam và Châu Viết Thạnh thi công.
Thượng tọa Thích Thiện Nguyện kể, vào một buổi trưa tháng 8/2008, điêu khắc gia Thụy Lam chỉ đạo thợ tháo bỏ các giàn giáo trước mặt Phật Bà để chỉnh sửa lần cuối. Thật bất ngờ, một vầng hào quang xuất hiện. Vầng hào quang này kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, cả thành phố ai cũng nhìn thấy. Mọi người ai nấy đều ngạc nhiên, thích thú trước cảnh tượng chưa từng gặp này. Họ đi quanh chân tượng Phật Bà và giơ máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc này. Có người bảo, nếu nói về mặt tâm linh, thì hào quang là biểu hiện Phật Bà về chứng giám. Cảm xúc trước hiện tượng này, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện viết hai câu thơ: “Linh Ứng sở cầu như ý nguyện. Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh”.
Sau đó hiện tượng hào quang còn xuất hiện thêm nhiều lần trên bức tượng Quan Thế Âm và cả trên tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân lễ Phật đản các năm 2009, lễ hội Quán Thế Âm (tháng 3 âm lịch), Lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch)...Tổng cộng tất cả là 13 lần.
Lý giải về hiện tượng này, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện nói: “Nếu nói theo khoa học, đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng Mặt trời, tuy nhiên với 13 lần xuất hiện như thế quả là một hiện tượng hiếm”. Còn theo một số chuyên gia ở Viện Vật lý địa cầu Việt Nam thì vầng hào quang quanh Mặt trời là hiện tượng khúc xạ gần giống như cầu vồng.
Niềm tin cho ngư dân
Hiện tượng hào quang toả sáng trên tượng Phật Quan Thế Âm khiến nhiều người dân cho rằng, Phật đã về chứng lòng thành, với ngư dân, họ càng vững tâm hơn khi ra khơi vì nghĩ có Phật Bà luôn dõi theo, đem lại sự bình an cho họ mỗi lúc vượt sóng gió. Bây giờ, hễ nhà ai có chồng, con đi biển xa, những người phụ nữ lại lên chùa cầu an, khấn lạy tượng Phật Quan Âm. Những câu chuyện ngư dân được cứu giúp giữa biển khơi trong mùa bão tố cũng được lưu truyền không ít trên chùa và trên những khoang thuyền đầy cá của ngư dân ở cảng cá Thọ Quang hay vùng biển thuộc quận Thanh Khê, Sơn Trà. Nhiều người tin rằng, đó là do Phật Bà độ trì nên họ mới được như vậy.
Tượng Phật Bà và câu chuyện về đạo hào quang 3
Chùa Linh Ứng nhìn từ trên tượng phật Quan Thế Âm.
Lại có những câu chuyện khá vui, ấy là việc không ít người dân Đà Nẵng cho rằng, từ khi xây dựng chùa Linh Ứng – Bãi Bụt và tượng phật Quan Thế Âm, chưa năm nào có bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng. “Gần đây nhất, khi cơn bão Sơn Tinh đổ bộ vào Việt Nam ngày 27/10/2012, cường độ bão lớn, tốc độ di chuyển nhanh, theo dự báo thì tâm bão có khả năng đổ bộ vào Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Vậy nhưng cuối cùng bão lại chuyển hướng, không vào Đà Nẵng. Đó là nhờ có chùa Linh Ứng, nhờ tượng phật Quan Thế Âm che chở nên bão không vào”, một người dân xúc cảm tâm sự.
Tất nhiên đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Nếu các vị thần, Phật có phù hộ, độ trì thì phải phù hộ, độ trì chung, không thể có chuyện độ trì vùng này mà không độ trì vùng kia, bởi dưới nhân gian, ai cũng là con cháu của Đức Phật, cần được che chở như nhau.
Nhưng dù sao, niềm tin thành kính này cũng không ảnh hưởng gì tới ai, bởi có nhiều thứ trong tâm hồn, không phải lúc nào cũng nên lý giải bằng khoa học.

(theo giadinh.net.vn )


Chùa Linh Ứng - cõi Phật giữa chốn trần gian

Chùa Linh Ứng nằm trên đỉnh núi thuộc Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng hướng nhìn ra biển Đông...
 
Chùa Linh Ứng nằm trên đỉnh núi thuộc Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng hướng nhìn ra biển Đông, một bên là đảo Cù lao Chàm, phía bên kia là ngọn Hải Vân phía còn lại là dòng sông Hàn yên ả đang đổ về cửa biển. 

Từ chùa Linh Ứng nhìn về phía biển Đông.

Bán đảo Sơn Trà còn là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng, với tiếng vỗ rì rầm của biển cả và lời kể về một câu chuyện thuở xưa: Vào thời vua Minh Mạng, dân chài ven biển nơi đây tìm thấy một tượng Phật từ đâu trôi về, sóng đánh vào bãi cát, họ cho đấy là điềm lành, liền lập am thờ tự. Kể từ đó, sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn, cũng từ đó nơi đây có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian nơi Quan Thế Âm độ thế, cứu khổ, giúp con người vượt vòng trầm luân.

Sau khi leo lên hết những bậc đá trên con đường dẫn vào chùa, bước qua cổng chính, ngay trên lối vào chính điện, nằm giữa trung tâm của khoảng sân rộng với những hàng cây cảnh đẹp mắt là tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải là Quan Thế Âm Bồ tát, và bên trái là Tam Tạng Phật, bốn vị Thần Long Hộ Pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp hai hàng bảo vệ cho chính điện. Phía bên trái là tượng Phật Quan Thế Âm cao 67m, đường kính tòa sen 35m được xem là cao nhất Việt Nam.

Dưới chân đài sen của bức tượng luôn thu hút rất đông du khách và phật tử tới lễ Phật và thưởng ngoạn nét đẹp từ bi của bức tượng có một không hai này. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”. Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa. Cảnh quan gian chính điện kết hợp với bức tượng Phật Quan Thế Âm tạo nên một bức tranh toàn cảnh linh thiêng, thanh tịnh mà tao nhã như chốn bồng lai.

Đến thăm chùa Linh Ứng, du khách thập phương còn có dịp tham quan bức tranh toàn cảnh của một đô thị đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Từ chùa phóng tầm mắt về phía biển sẽ thấy bao quanh bởi một màu xanh bát ngát biển trời, bờ cát dài trắng mịn chạy vòng cung theo con đường dưới chân núi lấp lánh dưới cái nắng dịu của vùng bán đảo.

Nếu đổi hướng nhìn về thành phố, những tòa nhà cao tầng nổi phía bên kia bờ sông Hàn như những ngọn tháp in trên nền trời xanh mây trắng. Trên con đường từ trung tâm thành phố ra bán đảo Sơn Trà, du khách sẽ dừng chân trên cầu Thuận Phước, cầu nằm vắt ngang đúng nơi con sông Hàn  đổ về với biển. Đứng trên cầu, phóng tầm mắt về bốn phía mới thực sự cảm nhận được những nét đẹp của thiên nhiên, biển cả và sức sống mạnh mẽ của một thành phố tràn đầy sức sống.                    
 
Theo ANTĐ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét