Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Cần Giờ - xưa & nay


(iHay) Dù đã đạp xe đi công tác khắp các phường xã Sài Gòn nhưng đến năm 1984, tôi mới đi tàu xuống Cần Giờ... Từ đó đến nay, nhiều thứ đã thay đổi, Cần Giờ là nơi tôi luôn muốn đến mỗi khi mỏi mệt.

.

Cần Giờ là huyện ven biển, phía đông nam TP.Hồ Chí Minh. Trước năm 1970 thuộc tỉnh Gia Định, từ năm 1976 thuộc về Đồng Nai với tên gọi Duyên Hải, đến năm 1978 về TP.HCM. Mãi cuối 1991 mới lấy lại tên cũ: Cần Giờ. Xưa và nay chỉ là cách nói để phân biệt trước và sau khi Cần Giờ có đường giao thông bộ năm 1986, dù chỉ là đường cấp phối nối Bình Khánh với thị trấn Cần Thạnh.
Năm 1984, tôi đi tàu xuống Cần Giờ. Tàu xuất bến sớm ở Bạch Đằng, gần tối mới tới Cần Thạnh. Cảnh đẹp nhưng tôi chẳng để ý vì thời đó hầu như chưa có du lịch. Cái ăn, cái mặc còn tất tả ngược xuôi chưa đủ, nói chi việc vui chơi. Từ Cần Thạnh, tôi theo tàu nhỏ về các xã. Nhớ lần đến xã đảo Thạnh An, nước ròng, tàu neo ngoài xa. Phải cởi quần dài, xách dép, lội vào bờ, bùn ngập quá gối. Lên bờ, cũng không đi dép được vì đất nhão nhoẹt cứ níu chân người. Bạn tổng phụ trách Đội của xã đón tôi, vừa cười vừa trách khéo: “Đến anh còn không đi dép được. Vậy mà ở thành phố các anh phát động phong trào học sinh đi học phải mang dép. Ở đây trò nghèo, toàn đi chân đất, mà có dép cũng không mang được...”.
Tôi chỉ biết cười trừ. Từ Thạnh An, tôi lại theo tàu đến ấp Thiềng Liềng. Căn nhà lá, nền đất chông chênh đầu sóng, khá tươm tất, vừa là trường học, vừa là nhà ở của giáo viên. Trường có 4 lớp, học chung 1 phòng, chẳng theo giờ giấc nào. Cứ mặt trời lên chừng 2 sào là trò đến lớp. Hôm nào mặt trời “bệnh” là trò ở nhà. Học khi nào thấy đói bụng thì về. Trường có 3 giáo viên nam, tên rất hay: Phúc, Lộc, Thọ. Cả 3 đều dân thành phố, học chung Cao đẳng Sư phạm, kết thân chơi chung và cùng tình nguyện về Cần Giờ dạy học. Có khách thành phố ghé thăm, các bạn mừng như tết. Rối rít mời nước, mời cơm, chuyện trò tâm sự. Phúc nhất định bắt con gà mái lớn nhất mà nhóm đang nuôi dành ăn tết để đãi khách. Tôi quyết liệt phản đối, dọa bỏ về, con gà mới... thoát chết. “Hãy để tôi được ăn ở bình thường như cuộc sống mỗi ngày của các bạn, tôi mới cảm và hiểu các bạn được”.
 Cần Giờ - xưa & nay
Nhớ lần về Tam Thôn Hiệp. Đang mơ màng ngủ thì kẻng báo động dồn dập, chẳng hiểu mô tê gì. Lát sau mới biết “vỡ đê bao”. Cả phòng nháo nhào chạy ra sông, ùa xuống nước, hốt bùn be lại bờ. Trong ánh đuốc chập chờn, những khuôn mặt trẻ đẹp lạ lùng. Tiếng hò hét, í ới, người người chuyền nhau từng khối bùn đất. Thương nhất là các bạn nữ, bùn ngập quá thắt lưng, vẫn hăng hái chung sức. Xong việc, tắm sơ nước lợ, vào ngủ tiếp. Ước gì lúc đó mỗi bạn có một tô mì gói để lót dạ. Cần Giờ thời đó, nước ngọt quý hơn gạo, chỉ để dành uống và nấu cơm. Tắm, giặt dùng nước lợ. Giáo viên tình nguyện về Cần Giờ, cả tháng mới về Sài Gòn. Ai về cũng vác cả đống đồ tổ chảng, về Sài Gòn giặt cho cả nhóm, cứ xoay vòng quanh năm. Có trường hợp bị mời vào đồn công an vì nghi là đồ... chôm chỉa hoặc buôn lậu. Nhớ lần dự lễ Nghinh Ông ở Cần Thạnh. Người đông như kiến, chen chúc lên tàu, chẳng cần quen lạ, cứ có chỗ là lên. Hàng trăm chiếc tàu, giăng cờ rợp biển, trống chiêng dồn dập, thịt bánh rộn ràng... Có cả tiếng súng AK chỉ thiên từng loạt, bừng bừng khí thế. Giữa trời biển mêng mông, rộn vang âm thanh, màu sắc, tôi cứ ngỡ mình đang tham gia trận chiến Bạch Đằng năm xưa. Các tàu lớn đi qua đều giảm tốc độ, vừa để thưởng ngoạn lễ hội hào hùng, vừa đảm bảo an toàn cho các tàu cá đang ngang dọc tung hoành Nghinh Ông.
Khi đường bộ hoàn thành, tàu thủy đường sông lùi vào quá khứ. Con đường đất đỏ, có đoạn mù mịt bụi, có khúc nhão nhoẹt bùn chạy giữa bạt ngàn xanh rừng đước, đẹp như tranh. Tôi thích chạy xe máy vào lúc sáng sớm đón bình minh hoặc lúc chạng vạng ngắm hoàng hôn. Cần Giờ ngày càng gần hơn thành phố dù còn cách trở mấy phà. Ngán nhất phà Dần Xây, đi trễ một chút là xe phải đợi nước lên cả buổi. Vào những năm 1996 -1999, du lịch Cần Giờ bắt đầu định hình với vài nhà nghỉ, mấy bãi tắm công cộng. Mùa mưa có mấy giếng tạm xài đỡ, mùa nắng nước ngọt phải mua từ Sài Gòn chở về. Nhớ lần đưa Trường dân lập Nguyễn Khuyến đi Cần Giờ, mười mấy xe 25 chỗ vì trọng tải cầu yếu, xe lớn không qua được. Tắm biển xong, gần 300 học sinh cứ đứng sát vào nhau, dùng máy bơm xịt nước tắm tập thể, cứ như chữa cháy, vui đáo để. Biển Cần Giờ phẳng, lắm phù sa, nên nước biển quanh năm một màu sẫm mặn mà. Nghe đồn, biển ở đây vừa có muối, vừa có bùn sạch nên tốt cho da. Bây giờ cầu Dần Xây, dù xây... dần dần qua 2 thế kỷ cũng đã hoàn tất. Các cầu yếu được nâng tải trọng, phà tăng chuyến, đường mở rộng hơn quốc lộ; xe buýt, xe hơi, gắn máy cứ tha hồ. Đi về trong ngày hay qua đêm cũng tiện. Cần Giờ thành điểm hẹn cuối tuần, tấp nập nam nữ và du khách gia đình, nhóm bạn, công ty...
Chủ nhật tuần rồi, tôi chạy xe máy xuống Cần Giờ đổi gió và rửa phổi. Qua phà Bình Khánh chỉ một giờ là đến biển Long Hòa. Đường rộng thênh thang, 2 chiều cách biệt, mỗi chiều 3 làn xe. Thi thoảng mới gặp xe ngược đường hoặc qua mặt. Qua cầu An Nghĩa là vào khu dự trữ sinh quyển thế giới, một kỳ tích của con người sau chiến tranh. Đây là khu dự trữ sinh quyển duy nhất của thế giới phục hồi từ rừng chết vì bom hóa học. Không khí mát dịu hẳn. Bực mình vì cảnh quan quá đẹp mà chất lượng đường quá xấu, vừa hoàn thành đã lỗ chỗ bong tróc. Mặt đường mỏng tang như bánh đa. Phần đường xe 2 bánh, đá vụn dày mấy phân, nhiều đoạn cỏ dại choán hết lối đi, che khuất cả cột mốc cây số. Đến Cần Giờ hiện nay, ngoài xe máy, có thể đi xe gia đình, thuê xe nhóm bạn. Rẻ nhất là đi xe buýt 20 từ Bến Thành về mũi Nhà Bè, vé 4.000 đồng, thêm 1.000 đồng tiền phà và 5.000 đồng xe buýt từ Bình Khánh đi Cần Thạnh. Cần đi đâu thì thuê xe đạp hoặc gắn máy vi vu. Cũng có thể thuê tàu Dương Đông. Tha hồ ngoạn cảnh sông nước, rất ấn tượng.
Rộn ràng trại hè kỹ năng
"Hành quân" xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ trong khóa học kỳ quân đội "Teen năng động@.com"
do NVH Thanh niên TP.HCM tổ chức - Ảnh: T.B.
Cần Giờ có nhiều điểm tham quan thú vị. Khu nuôi khỉ tự nhiên, Bảo tàng Rừng Sác, khu bảo tồn động vật hoang dã, có cả xiếc khỉ, xiếc cá sấu... Xa hơn thì có Đầm Dơi với hàng ngàn dơi quạ, lủng lẳng như trái cây sắp rụng và Tràm Chim, nơi cư ngụ của hàng ngàn chim cò các loại. Có “Biển Chết” mặn chát, không biết bơi người cũng tự nổi, bởi nước biển quá mặn, không thể chìm. Có tháp Tang Bồng cao 25 m để thưởng ngoạn toàn cảnh Vàm Sát. Cả kho huyền thoại về đặc công Rừng Sác, về Đoàn 10 anh hùng, về những chiến tích lẫy lừng thế giới. Rồi vô số giai thoại về khỉ, cá sấu, dơi, chim... Vàm Sát. Cần Thạnh có Lăng Ông Thủy Tướng, có chùa cổ và cả di tích mộ chum. Xuống Cần Giờ, nên tận hưởng cái thú đi thuyền thong dong rửa phổi, rửa mắt bằng màu xanh điệp trùng và mênh mông sông nước. No nê ngắm nhìn và hít thở, để xả hết bụi bặm, ngột ngạt phố phường. Nhưng mê nhất là ẩm thực. Món cá dứa một nắng nướng than với cơm vắt, ăn là ghiền. Món gỏi khô cá hố với lá dây lìm kìm không đâu có. Món ba khía rang me, chả ba khía ăn không biết no. Món cá thòi lòi, con nào con đó tổ chảng, nướng than hay nấu lẩu chua đều tuyệt. Món tiết canh sò huyết không lẫn vào đâu được. Rồi ốc mỡ, hay những trái cây như mãng cầu (na), xoài... đều có vị riêng. Tôi đã đi và thử món ăn khắp cả nước, nhưng vẫn bị ẩm thực Cần Giờ mê hoặc.
Cần Giờ hiện có cả resort chất lượng với hồ bơi và đủ dịch vụ. Các nhà nghỉ tiện nghi, các bãi tắm thênh thang ghế bố. Nằm võng càng tuyệt. Bạn Trần Hữu Quốc ở Cần Giờ resort cho biết ở đây đang nghiên cứu làm hồ bơi nước mặn để du khách tắm biển... trên bờ. Xuống Cần Giờ, tôi học được cách phân biệt cá dứa với cá ngát (để mua khô khỏi nhầm), cách chọn cua gạch, cách nướng hàu... từ chị Mười Dô. Nhà chị nuôi và bán tại chỗ các loại hải sản, giá rẻ bất ngờ. Vừa bán, chị vừa nhiệt tình chỉ vẽ. Tôi cứ tròn xoe mắt, như chàng “bình dân học vụ” những kiến thức về hải sản.
Ra về, xe trĩu nặng quà Cần Giờ, từ đặc sản đến tấm lòng của người dân vùng biển. Lòng hẹn rằng “Lúc nào mỏi mệt, cứ xuống Cần Giờ...”.
Nguyễn Văn Mỹ

Cần Giờ, nhớ một con sóng nhỏ…

(iHay) Khi đã quá mỏi trong những con phố ngập người và âm thanh vò vò như ong đập cánh của phố thị Sài Gòn, tôi thở phào khi sáng sớm phóng xe máy đi xa một chút, hết 50km để gặp Cần Giờ.


 Cào hàu ở gần resort
Đi một hồi, nhớ miền Tây
Cần Giờ giống một nét màu xanh mĩ mãn trong một chân dung của đô thị khổng lồ và ứ đầy những ngột ngạt. Bạn đi qua quận 7, men theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, rẽ vào đường Huỳnh Tấn Phát rồi cứ thế băng thẳng. Hết nhà cửa, thưa dần xe cộ, cao ốc chót vót bé lại sau lưng, đó là khi những vạt cây xanh lấp ló nở ra như một chân trời ngụp lặn trong màu xanh.
Ở phà Bình Khánh, nơi có “mùi” miền Tây, người ta nghe văng vẳng câu cải lương mà chị bán vé bật từ cái radio đeo bên hông. Người ta nghe thấy những chị bán nước mía, nước dừa chạy lung xung quanh khách đi phà, rao câu ngọt lịm “ai mía lau hôn, nước mía 5 ngàn, 5 ngàn đây”. Coi như miền Tây thu nhỏ, ghé mắt dòm qua cho thỏa cái địa phương mà người xa lạ chưa tới miệt vườn chẳng bao giờ có thể nếm thử.
Sông Sài Gòn có màu đỏ quạch của nước phù sa, có tiếng “bạch bạch” của máy nổ từ mấy con ghe bé xíu đánh bắt gần bờ. Chiếc phà ù ù qua sông. Gió phả vào mặt, nghe mùi của đất, mùi của xứ lúa miền Tây, nghe hoi hoi mà thấy dễ thở lạ lùng.
Từ dạo đó trở đi, hết con phà xình xịch với đám xe hơi rồ máy qua bờ, bạn được thả lại “chốn không người” một mình một ngựa, đi chừng 40km trên con đường thẳng băng không nhà cửa, không bóng người, ấy mới gọi là tới Cần Giờ.
 
Con đường vắng tênh ấy bắc ngang qua rừng, tuyệt nhiên không có một bóng nhà cửa nào ở hai bên vệ đường (trừ một số ngã ba rẽ vào khu vực dân cư hoặc trạm nghỉ du lịch).
Những thân cây đước, mắm, bần vươn thẳng lên trên mặt nước lợ, tạo thành những hình dáng kì dị đến gai người. Gốc cây vồng lớn bám trên mặt bùn mềm ẩm, như dáng của hai chân người khổng lồ.  Nếu bạn lái xe máy vào buổi chiều tối có nắng muộn xuyên qua những tàng lá ở rừng cây hai bên đường, bạn có thể rùng mình khi bất ngờ nhìn thấy một thân cây nào đó phía sâu trong rừng đứng hệt như một dáng người đang đứng choãi chân nhìn phản lại ánh mắt bạn.
Và tôi, buổi sáng ấy, tự dưng quyết phải gặp Cần Giờ (dù đã mò ra đó mấy lần), thong dong trên con đường không bóng người, đi mãi, đi về phía biển, để nhìn thấy những con sóng đang bương mình vào bờ mỏng manh.
Trên lưng con sóng nhỏ
Biển Cần giờ không có vị mặn bám vào những cơn gió. Không khí ở Cần Giờ mát trong như gần một dòng sông, nhưng khi đi hết con đường Rừng Sác, nơi ngã ba nếu rẽ trái (thêm 8km) sẽ là thị trấn Cần Thạnh, thì đi thẳng sẽ ra đến biển Cần Giờ.
Trên lưng những con sóng nhỏ ngoài mớ bờ biển tí xíu ấy ấy, người đi chơi có thể tìm thấy những sạp bán cá khô trong thị trấn Cần Thạnh hoặc những rổ cá tươi rói của người đi biển sớm về đổ vào chợ.
Tôi mê cá dứa như thể huyền thoại (của tôi) về Cần Giờ, kiểu huyền thoại cơm nguội xứ nghèo. Cứ ra đến Cần giờ tôi lại tấp ngay một quán nhậu lợp bạt nhìn chẳng ra sao, hỏi có bán cá dứa không, nói cô hàng nhậu làm cho mình một đĩa cơm nắm, chiên giòn con cá dứa, rồi cứ thế ngây ngây với vắt cơm nắm chặt vừa bàn tay, miếng thịt cá dứa phơi khô dày cui, thơm lừng cắn một cái giòn rụm.
Đại khái cứ ra sát biển, vào Cần Thạnh, kiếm một cái nhà bán cá khô, mua cá dứa khô là được cá vừa phơi xong, tươi rói, thịt dày từng thớ đến là ngon lành.

Cơm trắng với cá dứa ăn ngon lành 

Từ Cần Thạnh, hàng ngày, từ 6 giờ sáng, cách vài giờ lại có ghe cho khách lạ đi ra đảo Thạnh An, Thiềng Liềng chơi. Đó là hai xã đảo nhỏ, Thạnh An đông đúc, có hai ngôi trường tiểu học, trung học.
Thiềng Liềng xa hơn, nhỏ hơn chỉ có 5-6 gia đình sinh sống và mãi gần đây mới có điện mặt trời. Dân trên đảo hiền tới nỗi thấy người lạ đi vòng vòng trên đảo, chào hỏi mấy tiếng đã hỏi có ăn cơm chưa, trên đảo không có hàng cơm đâu, thôi… mời vô nhà ăn luôn cho tiện.
Rừng ngập mặn Cần Giờ 
Có một lần tôi theo ghe ra xã đảo Thạnh An, tự dưng được một cô bán hàng ven đường nói: “Đói hông, vô nhà chị ăn đi. Ngủ đây luôn cũng được”. Như... một người lịch sự, tôi leo vô nhà chị luôn. Ở nhà chị, được chị nấu cho ăn món canh bần, món canh sườn/cá nấu với quả bần chua, thanh thanh mà dịu miệng, ăn mát cả buổi trưa nắng gắt giữa hòn đảo bé xíu hứng nắng.
Đêm ở đảo Thạnh An,  tôi đi bộ lên bờ kè biển, ngồi với những thanh niên trên đảo, nghe họ kể chuyện đi câu mực, đánh cá, nghe chuyện mùa sóng lớn không thể ra khơi, nghe về cuộc sống của những đứa trẻ ở Thạnh An vượt qua những con sóng, mỗi sáng lại xuống ghe vào đất liền đi học cấp 3 bằng giỏ cơm những bà mẹ trên đảo gửi vào trong buổi trưa nắng gay gắt.
Trên đảo Thạch An 
Trên lưng con sóng nhỏ sau thành phố, Cần Giờ sôi động mùi ngư dân pha với cái hào sảng, vô tư như cây dừa nước, như dòng sông phù sa trù phú của cư dân Nam Bộ. Ai bận rộn quá chẳng kịp ghé miền Tây thì đi một vòng Cần Giờ, hết 50km là thấy cả biển, cả lúa, cả mùi phù sa trong tiếng cải lương đong đưa quán cà phê buổi trưa hè, đong đưa lẫn cả tiếng rao hàng trên phà Bình Khánh….
Ai mía lau… mía lau… 5 ngàn một bịch hôn…
Khải Đơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét