Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Tìm về xóm núi Thậm Thình...

Chả ai còn lạ gì xóm núi Thậm Thình trong bài thơ của Nguyễn Bùi Vợi: “Đi qua xóm núi Thậm Thình – Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm...”. Nhưng ít người biết xóm Thậm Thình ở đâu, bây giờ có còn...

Chúng tôi cũng vậy, và quyết làm hành trình đi tìm cái xóm núi ấy.
Đầu mối tin cậy nhất để tìm Thậm Thình chắc chắn là nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhưng ông đã mang mấy vấn thơ của mình về bên kia trời. Nguyễn Bùi Vợi quê Thanh Chương, Nghệ An, từng nhiều năm công tác tại Phú Thọ. Năm 2008 ông tạ thế với 75 tuổi đời, để lại bài thơ “Qua xóm Thậm Thình” bất hủ trong lòng thế hệ học sinh sau năm 1975.
Thậm Thình hôm nay.
Thậm Thình hôm nay.
Tìm về Thậm Thình
Đầu mối quan trọng thứ hai để tìm Thậm Thình là... trang tìm kiếm Google. Tuy nhiên, trên trang tìm kiếm này chỉ xuất hiện một xóm Thậm Thình nhưng lại ở Đại Từ, Thái Nguyên! Có lẽ Vua Hùng chả đi xa thế để mà săn bắn và nhà thơ họ Bùi cũng chẳng đi xa thế để... làm thơ, nên tôi đoán chắc xóm Thậm Thình của Thái Nguyên không thể là Thậm Thình trong thơ kia được.
Cuối cùng thì chỉ có thể tìm hiểu qua các văn sĩ, thi sĩ cùng thời với ông Nguyễn Bùi Vợi. Trong số này có nhà thơ Trần Thanh Giao thậm chí đã đi cùng với Nguyễn Bùi Vợi trong lần đến Thậm Thình khi ấy (cùng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và Đỗ Thị Từ), sau đó bài thơ ra đời “Đi ngang qua xóm Thậm Thình...” (sau này đưa vào sách cho trẻ con học mới sửa thành: “Đi qua xóm núi Thậm Thình”). Tuy nhiên, ký ức về xóm núi nổi danh ấy của Thanh Giao chỉ là “Đi ngang một xóm nằm khuất sau rặng tre xanh, ngọn cong cong đu đưa theo gió” (trích bài viết “Từ đâu có xóm Thậm Thình?”). Vừa buồn cười vừa “kính phục” trí nhớ của mấy ông văn sĩ!
Chuyện tìm xóm Thậm Thình tưởng đơn giản hóa ra bế tắc... Vậy mà không ngờ, có phải cha ông phù hộ người đang “nhớ nước non mình ngàn năm” hay không mà dịp vừa rồi, về Việt Trì để viết bài về giỗ Tổ, chúng tôi tìm được xóm Thậm Thình dễ đến không ngờ. Cụ Ma Ngọc Bảo - hậu duệ của dòng họ được xem là lâu đời nhất Việt Nam, có cụ tổ làm tướng của Vua Hùng từ thuở dựng nước cho biết: “Giờ hiếm người biết đến tên Thậm Thình lắm, chỉ có tôi và một số ít người già tại Thậm Thình biết đến vùng đất này thôi”.
Đúng như lời cụ Bảo, đến địa chỉ cần đến, hỏi cánh thanh niên đều nhận được câu trả lời “không biết”, may sao có bà cụ răng đen nhánh ngồi têm trầu dưới chân núi Nghĩa Lĩnh như đã ngồi ở đây từ 4.000 năm trước cười hiền từ: “Chú cũng biết Thậm Thình cơ à? Đây là Thậm Thình chứ đâu”. Tìm đến nhà ông trưởng thôn xác nhận thêm lần nữa thì đã chính xác. Thậm Thình là tên cổ của xóm 2, phường Vân Phú, giờ thuộc về TP.Việt Trì.
Không có tài liệu chính xác (thực ra về thời đại Hùng Vương thì cũng chưa có tài liệu nào được coi là chính xác), nhưng giới nghiên cứu luôn khẳng định: Cùng với Minh Nông thì Thậm Thình là một trong hai trung tâm lớn tại kinh đô (tạm gọi như vậy) thời Hùng Vương. Minh Nông thì rõ ràng hơn là nơi Vua Hùng dạy dân trồng lúa nước căn cứ vào nghi lễ cúng tế (hàng năm có lễ hội Kẻ Nú để tạ ơn Vua Hùng ban cho nghề trồng lúa) và vị trí địa lý: Tổng Minh Nông trước đây kéo dài từ ngã ba sông Bạch Hạc đến gần chân núi Nghĩa Lĩnh, địa hình bằng phẳng và vẫn còn dấu vết của các con mương thủy lợi thời cổ (dẫn nước từ các khe nước nhỏ từ núi Nghĩa Lĩnh đổ ra sông Lô, khoảng 30km – kiểu thủy lợi phù hợp với kỹ thuật trị thủy sơ khai thời cổ). Nhưng hiện nay, xã Minh Nông nằm sát xã Vân Phú (cũng thuộc TP.Việt Trì) đã co lại thành một vùng đất nhỏ hơn xưa rất nhiều.
Ngậm ngùi nhớ nước non mình...
Ông Phùng Thanh Thủy - Trưởng xóm 2, phường Vân Phú cho biết: Theo các cụ kể lại (sau chính sử thì các câu chuyện truyền đời là căn cứ lịch sử tin cậy hơn cả), nơi đây vốn cao lại bằng phẳng, gần sông, sát vựa lúa Minh Nông nên thời Hùng Vương, Thậm Thình là trung tâm buôn bán thương mại lớn, là nơi ăn nghỉ của các quân tướng, tộc trưởng khắp miền khi về chầu Vua Hùng...
Chưa thể khẳng định Thậm Thình là trung tâm kinh tế thời Hùng Vương nhưng điều này là hợp lý hơn cả sau 4.000 năm (hoặc hơn, hoặc kém) phủ bóng bảng lảng của sương khói lịch sử. Quanh kinh đô Nghĩa Lĩnh thì đây là nơi hợp lý nhất (về mặt địa lý) và thích hợp hơn cả (nằm sát trung tâm sản xuất nông nghiệp) để đặt trung tâm thương mại. Nhưng bằng ấy thời gian giờ chả còn gì để gợi nhớ đến một “đô thị” sầm uất khi xưa.
Xóm 2, xã Vân Phú với diện tích 170ha, có 271 hộ với 856 nhân khẩu. Nền kinh tế chính ở đây vẫn là nông nghiệp. Trước năm 1945, nơi đây vẫn còn giữ được phần nào truyền thống thương mại khi nó là nơi tập trung mua - bán lâm, thổ sản miền núi, sau đó đưa ra ngã ba sông Bạch Hạc xuôi thuyền theo sông Hồng chở về Kẻ Chợ (Kinh thành Thăng Long).
Theo các tài liệu cổ, các cống phẩm của các châu, huyện... phía Bắc đều tập trung tại bến Bạch Hạc trước khi chuyển về kinh. Thế mới có câu “Ngậm ngùi Bạch Hạc – Xót lòng Nam Quan”: Nam Quan là cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) ngày nay, các vật cống phẩm cả miền Bắc đưa về Bạch Hạc rồi xuôi về kinh đô Thăng Long, từ đó phần lớn những cống phẩm ấy lại ngược lên Nam Quan làm cống vật cho phương Bắc...
Theo các cụ kể lại (sau chính sử thì các câu chuyện truyền đời là căn cứ lịch sử tin cậy hơn cả), nơi đây vốn cao lại bằng phẳng, gần sông, sát vựa lúa Minh Nông nên thời Hùng Vương, Thậm Thình là trung tâm buôn bán thương mại lớn, là nơi ăn nghỉ của các quân tướng, tộc trưởng khắp miền khi về chầu Vua Hùng...
Thuở Vua Hùng xây dựng vùng đất này thành khu thương mại, nhưng sau mấy nghìn năm và đặc biệt là sau cải cách ruộng đất năm 1954, một chủ trương lớn đã đưa rất nhiều hộ dân ở Minh Nông lên đây khai khẩn rồi “nông nghiệp hóa” triệt để toàn bộ khu vực này. Mức thu nhập bình quân của người dân xóm này hiện nay chưa đến 500 USD/năm (chưa được 10 triệu đồng/người/năm). Hướng làm ăn tương đối mới tại đây chỉ là cho con em đi “du học” Nhật Bản (thực ra sang đó để lao động, làm thêm), hiện đã có 7 gia đình cho con đi kiểu này. Và đến tận thời gian gần đây xóm 2 mới lác đác có học sinh thi đỗ đại học (năm qua có Phùng Đức Cường và Nguyễn Thị Duyên đỗ).
Tuy tình hình trước nay có không mấy sáng sủa nhưng người dân Thậm Thình bây giờ đã lại bắt nhịp được với nhịp cầu thương mại tương đối nhộn nhịp quanh khu di tích đền Hùng. Khổng hổ danh là nơi dịch quán cho các tộc trưởng, quân tướng về đây chầu vua nghỉ ngơi, Thậm Thình - xóm 2 bây giờ có tới 13 điểm kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ và dù có vào mùa lễ hội hay không vẫn cứ nườm nượp khách. Cũng không cần phải bóng gió, ý tứ gì nữa mà người Việt Trì và khách qua đây thường xuyên đã biết đến nơi này là nơi “ong bướm dập dìu” có tiếng. Hay nói như mấy anh đanh đá, ngoa miệng thì “ở Thậm Thình giờ vẫn cứ “thậm - thình” đấy thôi”.
Về thăm Thậm Thình, vừa bâng khuâng rồi lại thấy thoáng chút ngậm ngùi!...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét