Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

5 ngôi chùa nên viếng vào mùa lễ Phật đản

Với các đặc điểm như ngôi chùa “lớn tuổi” nhất, chùa có tháp đá cao nhất, chùa có tháp chuông cao nhất...  đây là 5 ngôi chùa bạn nên đến ở Sài Gòn trong mùa lễ Phật đản năm nay.

Giác Lâm – chùa “lớn tuổi” nhất
Chùa Giác Lâm còn có các tên Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TP. HCM. Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744).
Kiến trúc chùa Giác Lâm được coi là tiêu biểu cho lối kiến trúc của các chùa Nam Bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ Tam, gồm 98 cột chống đỡ. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu. Giữa các hàng cột là các cửa võng, cũng được thiếp vàng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu...
Trong chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, chỉ có 7 tượng đồng. Có nhiều tượng có giá trị như: Tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc Bồ Tát; tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Sư Đạt Ma…
Hiện chùa là ngôi Tổ đình danh tiếng bậc nhất, chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tôn giáo như hoành phi, câu đối, bàn thờ, đồ thờ cổ… Riêng bộ tượng Thập Bát La Hán là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình phát triển của Phật giáo ở Nam bộ.
Địa chỉ: 118 đường Lạc Long Quân, P. 10, Q. Tân Bình, TP. HCM.
Chùa Vĩnh Nghiêm – Nơi có tháp đá cao và công phu nhất Việt Nam
Cổng chùa.
Bái điện.
Tháp đá Vĩnh Nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm được hai Hòa thượng là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm sau khi vào miền Nam truyền bá đạo Phật đã cho xây dựng lấy nguyên mẫu thiết kế của chùa Vĩnh Nghiêm vốn là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.ở Bắc Giang,
Chùa được khởi công năm 1964 tại khu đất thấp nằm bên rạch Thị Nghè. Trong quá trình xây dựng, người ta phải chuyển khoảng 40.000 m³ đất từ xa lộ Hà Nội về san lấp mặt bằng. Kinh phí xây dựng chùa khoảng 98 triệu đồng tiền lúc bấy giờ.
Kiến trúc chùa theo lối cổ miền Bắc Việt Nam. Tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục chính là Tam quan, tòa nhà trung tâm và các Bảo tháp.
Tháp đá Vĩnh Nghiêm (vừa qua cổng, tháp ở bên phải) khánh thành năm 2003 được xem là ngôi tháp đá đầu tiên ở miền Nam, và cũng là ngôi tháp đá lớn nhất, cao nhất Việt Nam từ trước đến nay. Tháp được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc phủ kín… tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý – Trần.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. 7, Q. 3, TP. HCM.
Chùa Hoằng Pháp – Nổi tiếng với khóa tu mùa hè dành cho teen
Chùa Hoằng Pháp.
Tháp Nhị Nghiêm.
Các bạn trẻ tham gia khóa tu mùa hè.
Chùa Hoằng Pháp thuộc hệ phái Bắc tông, do cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957. Sau nhiều lần trùng tu, hiện chùa mang dáng vẻ cổ kính của chùa miền Bắc với góc đao cong vút, 2 tầng mái ngói màu đỏ. Toàn bộ nền móng, đà, cột, trần, mái đều đúc bê tông kiên cố, tường xây gạch, mặt ngoài dán gạch men, mặt trong sơn nước. Nền lót gạch granite nhập từ Tây Ban Nha. Toàn bộ cánh cửa, bao lam, án thờ đề làm bằng gỗ quý, chạm trổ tinh vi.
Chùa Hoằng Pháp nổi tiếng là nơi thu hút các tín đồ Phật giáo đến tham quan và tham gia các khóa tu Phật nhất. Trong đó có khóa tu hè trong vòng 7 ngày giúp giới trẻ cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, hóa giải buồn phiền, xây dựng hành trang cần thiết cho tương lai, tìm về về những giá trị sống đích thực rất được hưởng ứng. Song song với điều này, những quy tắc sinh hoạt nghiêm khắc như đi ngủ, thức dậy sớm… giúp teen “cai nghiện” máy tính. Khóa tu này hoàn toàn miễn phí.
Địa chỉ: Xã Tân Hiệp, Hóc Môn, TP. HCM.
Xá Lợi – Chùa có tháp chuông cao nhất Việt Nam
Tháp Xá Lợi.
Tượng Phật thếp vàng trong chùa.
Chùa Xá Lợi được hoàn thành vào ngày 2/5/1958. Chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật tổ nên được đặt tên chùa là Xá Lợi.
Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của thành phố được xây dựng theo lối kiến trúc mới, trên là bái đường, phía dưới là giảng đường. Chùa là trụ sở chính của Hội Phật học Nam Việt từ năm 1951 cho đến năm 1981. Trong hai năm 1964-1966 chùa còn là cơ sở giảng dạy của Viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1981 đến tháng 5/1993 chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Văn phòng II).
Tháp chuông chùa Xá Lợi được khánh thành trong năm 1961. Tháp cao 32 mét, gồm 7 tầng, là tháp chuông cao nhất Việt Nam. Tầng cao nhất có treo một đại hồng chung nặng 2 tấn, được đúc đồng theo mẫu của chuông chùa Thiên Mụ (Huế).
Không chỉ được biết đến với kiến trúc và cảnh quan tuyệt đẹp mà còn khá nổi tiếng với những dấu chứng lịch sử về cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo.
Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, P. 7, Q. 3, TP. HCM.
Nam thiên đệ nhất trụ – Chùa Một Cột ở miền Nam
Cổng Nam Thiên Nhất Trụ.
Và Nam Thiên Nhất Trụ mô phỏng theo chùa một cột ở Hà Nội.
“Nam Thiên nhất trụ” gọi nôm na là chùa Một Cột ở miền Nam, do hòa thượng Thích Trí Dũng dựng vào năm 1958 và hoàn tất vào năm 1977 với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh để nhân dân miền Nam chiêm ngưỡng.
Nam Thiên Nhất Trụ tuân thủ khuôn mẫu Thăng Long nhất trụ ở Hà Nội nhưng thấp và nhỏ hơn. Nhìn từ cổng tam quan, Nam Thiên Nhất Trụ được dựng giữa lòng hồ Long Nhãn, với hoa sen dập dìu trên sóng nước, vừa tinh khiết, vừa thanh tịnh.
Ngoài ra, đến đây bạn còn được chiêm bái tượng Đức Địa Tạng nặng 61 kg được đúc bằng kim loại quý.
Địa chỉ: 511 Đặng Văn Bi, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP. HCM.
AN HUỲNH
Ảnh: Sưu tầm
Theo Infonet

Viếng Chùa Một Cột ở... Sài Gòn

(iHay) Khi nói đến chùa Một Cột, người ta thường nghĩ ngay đến ngôi chùa cổ kính nằm ở thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, ít ai biết ở Sài Gòn cũng có một ngôi chùa tên Nam Thiên Nhất Trụ, và thường được gọi là chùa Một Cột của miền Nam.



 
Nam Thiên Nhất Trụ, chùa Một Cột của miền Nam - Ảnh: Bình An
Vào năm 1958 (có tài liệu ghi 1959), khi đất nước hai miền còn chia cắt, nhiều đồng bào từ ngoài Bắc dù đã vào Nam vẫn nhớ về ngôi chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội. Nhiều người sống trong Sài Gòn nghe danh ngôi chùa Một Cột ở Thủ đô cũng rất muốn thăm mà không thể ra Hà Nội được. Do đó, hòa thượng Thích Trí Dũng và các tăng ni của mình đã dựng nên một “phiên bản” chùa Một Cột ở miền Nam, hoàn tất vào năm 1977. Đó chính là chùa Nam Thiên Nhất Trụ như hiện nay.

Nam Thiên Nhất Trụ tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, thuộc phường Bình Thọ, quận Thủ Đức. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Trước ngôi chánh điện là đài Liên Hoa, dạng kiến trúc như đài Liên Hoa chùa Diên Hựu (Hà Nội), được dựng lên giữa hồ Long Nhãn, bên trong thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Hồ trồng nhiều hoa sen và nuôi nhiều cá cùng rùa.
 
Cổng chính của chùa nhìn từ sân trong
 
Một góc mái ngói chánh điện
 
Chánh điện
 
Chánh điện dưới bóng cây xanh mát
So với chùa Một Cột ở Hà Nội, kiến trúc chùa Một Cột miền Nam chỉ khác chất liệu xây dựng. Trong khi chùa Một Cột Hà Nội được xây bằng gỗ lim thì chùa Một Cột miền Nam được xây bằng bê tông cốt thép. Nhưng dù có là chất liệu gì, việc xây chùa cũng thể hiện sự đoàn kết, tấm lòng hướng về thủ đô của người dân Việt.
Từ khi xây xong cho đến nay, Nam Thiên Nhất Trụ đã qua nhiều lần trùng tu và kiến tạo thêm. Khuôn viên chùa rộng khoảng 1 hecta. Sau ngôi chánh điện là nhà lưu niệm và bảo tháp Nam Thiên. Chùa cũng có nhiều tượng Phật độc đáo.

Mái ngói cong cong
 
Nhiều chậu cây tạo cảnh quan trước chánh điện
 
Đài Liên Hoa…
 
… yêu kiều dưới bóng liễu rũ
 
Đường lên đài Liên Hoa
 
Những chú cá bơi lội tung tăng dưới hồ Long Nhãn
 
Lối đi thông thoáng
 
Bảo tháp Nam Thiên
 
Tượng Quan Thế Âm
 
Tượng Phật Tổ Như Lai
 
Tượng Phật Di Lặc
Hiện tại, chùa vẫn còn đang xây dựng thêm và vẫn mở cửa cho khách chiêm bái, tham quan, vãn chùa. Đến chùa, ngắm mái ngói cong cong, nhìn đàn cá bơi lội tung tăng trong hồ, dưới bóng cây xanh mát, trong không gian thoang thoảng mùi nhang khói, du khách sẽ tự nhiên thấy lòng bình yên.
Bình An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét