Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chuyện liêu trai ở ngôi chùa tổ cổ nhất miền Trung

"Đất An Nhơn gió quyện mây lành/ Ngôi Thập Tháp ngàn năm in bóng...". Những vần thơ trên gợi nhắc về vùng đất An Nhơn (Bình Định) với ngôi Thập Tháp cổ tự nổi tiếng gần xa. Theo một số nhà nghiên cứu, đây là ngôi chùa tổ cổ nhất miền Trung thuộc dòng thiền Lâm Tế. Nơi đây cũng lưu truyền không ít câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về "hòn đá chém" được các quan tư pháp nhà Nguyễn dùng làm chỗ hành hình những nghĩa sĩ theo phong trào Tây Sơn; hay sự tích hạt lúa khổng lồ có thể tự nảy mầm trổ hạt mà không cần gieo cấy...

Cổ tự ngàn năm in bóng dấu tích vua Chiêm Thành xưa
Một người bạn chí cốt vốn là "thổ công" miền đất võ quả quyết, về An Nhơn mà không chiêm bái chùa Thập Tháp thì coi như uổng cả chuyến đi. Chẳng hiểu thực hư thế nào nhưng nghe qua cũng đã thấy tò mò. Vậy là, nhân chuyến công tác tại Bình Định mới đây, tôi nằng nặc thuyết phục gã dẫn đi thăm chùa. Có lẽ, tính đến nay, lịch sử chùa đã được gần bốn thế kỷ. Mười ngôi tháp yểm hậu của người Chàm trên khu gò phía Bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng vẫn còn in đậm dấu vết. Tương truyền đây chính là vùng lãnh uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa.
Cây phi lao đại thụ nghìn tuổi
Từ thành phố Quy Nhơn, xe chúng tôi xuôi theo quốc lộ 1A khoảng 30km về hướng sân bay Phù Cát tìm đến ngôi cổ tự Thập Tháp. Đoạn đường vào chùa rợp bóng tre xanh, nằm cạnh cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Giữa ngày hè nhưng làn gió từ hồ sen rộng ngút tầm mắt trước chùa phả vào mát rượi. Bước qua cổng tam quan phủ rêu phong, đặt chân vào ngôi cổ tự rợp bóng cổ thụ, tôi bỗng thấy lòng mình thanh thản như chìm vào một cảm giác an lạc đến lạ kỳ. Âu cũng là cái duyên, bởi nếu không quyết tâm, chắc tôi sẽ chẳng có cơ hội được một lần đến với Thập Tháp cổ tự.
Thập Tháp cổ tự đã tồn tại được gần bốn thế kỷ.
Ngồi xuống một bậc đá, chúng tôi tận hưởng những làn gió mát lành. Xung quanh yên tĩnh và mát mẻ lạ thường. Tôi rũ bỏ hết mọi bận bịu nặng nề của cuộc sống xô bồ ngoài kia, rũ bỏ cái nóng gay gắt của tiết trời miền Trung để tận hưởng cảm giác thư thái theo đúng nghĩa. Trước mắt tôi là một ngôi cổ tự bề thế, thâm nghiêm nằm ẩn mình dưới những hàng cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Tôi đặc biệt ấn tượng với cây phi lao đại thụ nằm giữa khuôn viên chùa. Ai đi qua cũng cố gắng nán lại để chiêm ngưỡng một kiệt tác của tự nhiên thách thức sự phong hóa của thời gian. Gốc cây to và chắc như đá, năm bảy người ôm không hết, thân nổi lên những khối xù xì to như chiếc bát. Phần gốc đã xuất hiện những hốc sâu bằng bàn tay rỗng vào trong chứng tỏ cây phi lao đại thụ đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử. Phật tử phải dùng xi măng đắp thành lớp dày phía thân bị mục để bảo vệ phần gốc và giúp cây đứng vững. Có một điều đặc biệt, dù thuộc hàng đại thụ trong vườn nhưng cây phi lao vẫn xanh tốt, cành lá tỏa bóng che phủ cả góc vườn. Chốc chốc những cơn gió vi vu chợt đến làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi những chiếc lá khô xào xạc...
Đang mải mê ngắm nghía, tôi gặp cụ Hà (86 tuổi) một người công quả tại chùa. Chắc hẳn do tuổi cao khiến cụ không thể nhớ rõ tên họ của mình. Phải hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần tôi mới luận được trong giọng nói xứ Bình Định ấy tên của cụ là Hà. Khi được hỏi về tuổi thọ cũng như gốc tích của cây phi lao cổ này, cụ Hà cho biết: "Nhà tôi ba đời trông nom tại chùa nhưng cũng chẳng ai biết gốc cổ thụ đó có từ bao giờ. Lớn lên tôi đã thấy nó đứng sừng sững ở đó, chẳng khác bây giờ là mấy. Có lẽ nó có từ ngày chùa Thập Tháp được xây dựng".
Để tìm hiểu thêm thông tin về ngôi chùa, PV liên lạc với ông Nguyễn Thanh Quang, trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định. Ông Quang cho biết, chùa Thập Tháp thuộc vào hàng chùa chiền ra đời sớm ở Đàng Trong, từ năm 1677. Tính đến nay, lịch sử chùa đã được gần bốn thế kỷ. Mười ngôi tháp yểm hậu của người Chàm trên khu gò phía Bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng vẫn còn in đậm dấu vết trên địa danh này. Phía sau chùa vẫn còn những nền móng nhuốm màu rêu phong. Chùa nằm trên đồi Long Bích, mặt hướng về núi Mò O (dân gian còn gọi là núi Thiên Bút), là vùng lãnh uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa.
"Bản tự cung soạn" viết ngày 28/12 năm Kỷ Mùi (1979) hiện lưu giữ tại chùa cũng giải thích: "Chùa Thập Tháp được mang tên "Thập Tháp Di Đà tự". Nguyên trước đây trên khu đồi này có mười ngọn tháp Chăm, sau một thời gian bị điêu tàn, sụp đổ. Vì chùa có mười ngôi tháp nên gọi là Thập Tháp. Còn Di Đà cũng có nghĩa lý tánh bản giác chúng sanh. Tổng hợp hai ý nghĩa trên tổ đình được mệnh danh là "Thập Tháp Di Đà tự". Chùa Thập Tháp toạ lạc trên khu đồi mang tên Long Bích. Về phía Bắc, nằm yểm hậu sát cạnh thành Đồ Bàn, thuộc thôn Vạn Thuần, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định".
 ẩn dấu tích tháp c
Theo chân cụ Hà, tôi bắt đầu khám phá về khuôn viên khu chùa. Cụ giải thích, chùa được bao bọc bởi sông Côn phía sau lưng và sông Bàn Khê phía Bắc nên lúc nào cũng lồng lộng gió. Ngay phía cổng là một bức bình phong đã nhuốm rêu phong. Mặt bình phong có đắp nổi hình long mã phù đồ đặt trên một bệ chân quỳ. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ khẩu, gồm chánh điện, tây đường, đông đường và nhà phương trượng. Giữa cửa chính của ngôi chánh điện có một tấm biển lớn ghi rõ "Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự" bằng chữ Hán. Theo các nhà sử học, đây chính là tấm biển được Minh vương Nguyễn Phúc Chu ban tặng khi mới lên ngôi. Tuy nhiên, do chiến tranh loạn lạc, thời gian bào mòn, tấm biển đã bị hư hại nặng nề. Sau này ngài Mật Hoàng, một thiền sư danh tiếng viết khắc lại.
Một điều bí ẩn luôn thôi thúc trí tò mò của phật tử bốn phương cũng như các nhà khoa học có lẽ nằm ở những ngọn tháp nằm rải rác xung quanh chùa. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, hiện nay vẫn chưa có cơ sở khoa học chứng minh gốc tính những ngôi tháp này. Tuy nhiên, phía sau chùa vẫn còn ngổn ngang dấu tích những ngôi tháp từ ngày xưa để lại, có lẽ là từ thời vua Chiêm Thành. Hơn hai chục ngôi tháp nằm sừng sững hiện nay thực chất là những ngôi mộ an trí nhục thân của các vị trụ trì và các bậc tôn túc trong chùa.
Sau lưng chùa, nằm trên đồi Long Bích còn có tháp Bạch Hổ. Đến nay người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc ngôi tháp này. Tương truyền, dưới thời thiền sư Liễu Triệt trụ trì, có một con cọp trắng hàng đêm rời núi rừng đến gần chùa nghe tụng kinh. Dù vô cùng to lớn nhưng cọp không ăn thịt và không làm hại ai. Một hôm, trong lúc thiền định, hòa thượng Liễu Triệt cảm nhận có một lão trượng râu tóc bạc trắng đến báo vừa mãn phần, hiện yên nghỉ sau chùa, xin được hòa thượng cùng tăng chúng tụng kinh để được siêu độ. Sáng hôm sau, hòa thượng cho người tìm khắp vùng thì chỉ thấy xác con cọp trắng nằm chết, ngài liền cho thu lượm rồi lập tháp để an trí xác cọp. Tên tháp Bạch Hổ xuất phát từ truyền thuyết này.
Được biết, ngoài hệ thống bảo tháp, chùa Thập Tháp hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa vô giá. Trong chùa có đủ ba tạng kinh, giấy khổ rộng và chữ lớn bằng ngón tay út. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, ba tạng kinh này, ngoài chùa Thập Tháp ra, không chùa nào có. Bộ kinh có tuổi thọ nhiều thế kỷ từng trải qua không ít biến cố của lịch sử. Ngoài ra, cổ tự còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú, bộ Đại Tạng kinh Cao Ly... vô cùng giá trị.       
Các nhà nghiên cứu cho biết, văn bia còn để tại chùa ghi nhận rằng chùa Thập Tháp là hậu thân của am Di Đà được ngài Nguyên Thiều Hoán Bích xây dựng ở làng Thuận Chánh huyện Tuy Viễn vào năm 1665 trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền vương). Sách Đại Nam nhất thống chí nói chùa này được lập năm 1683, nhưng theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lan thì niên đại này có lẽ để ghi nhận lúc chùa đã khánh thành sau một thời gian xây dựng nhiều năm. Đến năm 1691, chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch và câu đối.
.

Không phải ngẫu nhiên mà người đời ngợi ca đất võ Bình Định là mảnh đất kiến tạo văn hoá, nơi khởi nguồn của những câu chuyện cổ tích. Biết bao thế hệ cư dân quần tụ trên mảnh đất thiêng đầy linh khí ấy đã để lại lớp trầm tích văn hoá, kiến tạo nên một vùng địa linh nhân kiệt độc nhất đất Việt.

"Hạt lúa thần" tự sinh tự dưỡng
Chúng tôi đến An Nhơn vãn cảnh Thập Tháp khi cái nắng cuối chiều chỉ còn le lói sau những lùm cây. Ngọn núi Thiên Bút (dân địa phương quen gọi là núi Mò O - PV), nơi tọa lạc của thành Đồ Bàn huyền thoại vẫn đứng uy nghi, cô độc giữa trời như thách đố cùng phong ba tuế nguyệt. Từ phía Thập Tháp nhìn lại, núi Mò O giống như một lá buồm đang căng mình đón gió biển Đông. Mây lững thững dạo chơi trên sườn núi. Từ bao đời nay, cả dãy núi vẫn được bao phủ bởi một lớp mây bồng bềnh, mờ mờ ảo ảo như vậy. Giữa ngày hè nhưng làn gió từ hồ sen rộng ngút tầm mắt trước chùa phả vào mát rượi. Tôi bỗng thấy lòng mình thanh thản như chìm vào cảm giác an lạc đến lạ kỳ.
Thập Tháp Di Đà tự được coi là ngôi tổ đình đầu tiên của dòng thiền Lâm Tế, một trong những dòng thiền cổ nhất xứ Đàng Trong. Theo những sử liệu ít ỏi còn ghi chép lại, chùa Thập Tháp được sáng lập vào thời chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần bởi tổ sư Nguyên Thiều. Chính vị thiền sư thông kinh, bác hậu này đã huy động đệ tử gom nhặt những viên gạch vỡ trên nền mười ngôi tháp đổ của người Chăm để dựng lên Thập Tháp Di Đà tự nhằm mục đích khai mở sự nghiệp truyền bá Phật pháp. Cũng chính trong thời gian này, giai thoại về "hạt lúa thần" khổng lồ được hình thành. Hiện chưa có một cứ liệu lịch sử nào chứng minh thực hư huyền tích này. Tuy nhiên, từ hàng ngàn đời nay, người dân nơi đây vẫn không ngừng truyền tai những câu chuyện đầy ly kỳ về "hạt lúa thần".
Theo lời kể của cụ Hà (một công quả trong chùa), sau khi khai sáng và xây dựng chùa, thiền sư Nguyên Thiều liền bắt tay ngay vào công cuộc truyền bá Chánh đạo, hoằng hóa Phật pháp. Tiếng tăm của ngài nổi khắp gần xa khiến phật tử nhiều nơi tụ về quy y cửa Phật. Tăng ni trong chùa cũng không ngừng tăng lên, nhu cầu "có thực mới vực được đạo" cần được đặt lên hàng đầu. Vị cao tăng này liền đem từ đất Phật về một hạt lúa giống rất lạ, có kích thước bằng cả chiếc trống cái khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Chẳng ai biết đó là giống lúa gì nhưng người đời vẫn gọi đó là hạt lúa khổng lồ. Cũng từ đây, những câu chuyện kỳ lạ liên tiếp xuất hiện mà không thể lý giải được. Mùa xuân năm ấy, các sư đổ ra cánh đồng trước khuôn viên chùa để cày bừa chuẩn bị bước vào vụ mới. Bỗng nhiên, hạt lúa giống khổng lồ mà trụ trì Nguyên Thiều mang về ngày nào tự động từ nhà chùa lăn ra ngoài đồng trước con mắt kinh ngạc của toàn bộ tăng ni phật tử. Không ai có thể đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cho hiện tượng lạ này, họ cho rằng có lẽ "hạt lúa thần" đã hiểu được nỗi khổ của phật tử và đem đến nguồn sống mới cho họ. 
Câu chuyện về hạt lúa khổng lồ vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ tại ngôi chùa Thập Tháp. (Ảnh internet) .
Theo lời kể của cụ Hà, hạt lúa to đến mức mỗi người chỉ cần một hạt là đủ lương thực ăn cho cả tháng trời, giống như nồi cơm của chàng Thạch Sanh trong chuyện cổ tích, ăn mãi không hết. Chất lượng gạo rất tốt, bóc vỏ ra là thấy hạt gạo trắng tinh, nấu lên có mùi thơm dịu như nếp tháng mười. "Chuyện lạ đến mức, khi lúa chín, các nhà sư cũng không phải còng lưng ra gặt rồi kĩu kịt gánh lúa về chùa. Họ chỉ cần quét dọn sân chùa thật sạch sẽ, tinh tươm để đón những hạt lúa từ ngoài đồng tự động lăn về", cụ Hà nói.
Nghe câu chuyện về hạt lúa khổng lồ, tôi bất giác nhớ đến truyền thuyết về "hạt lúa thần" có từ thời Hùng Vương mới dựng nước mà tôi từng được nghe kể từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Tục truyền, khi vua Hùng mới dựng nước, ven các con sông Thao, sông Đà, sông Lô đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Các cụ già thường thấy, trên những bãi bồi hàng năm xuất hiện những vạt cây xanh tốt, nở từng bụi sum suê, bông trĩu, quả to, có quả như cái thuyền con. Khi quả chín rụng xuống đất, chim sóc cứ mổ mà ăn không xuể. Các già làng liền rủ nhau lấy rìu bổ ăn thử. Ăn vào đến đâu thấy dễ chịu đến đấy, nếu đem cho vào ống nứa đốt như nấu khoai mài, ăn càng thơm ngon. Sau này, ông cha ta đã gọi đó là những hạt lúa. Phải chăng, cũng giống như trong truyền thuyết, câu chuyện về hạt lúa khổng lồ tại chùa Thập Tháp là minh chứng cho khát khao có được cuộc sống no đủ của con người. Tự nhiên đã ban tặng cho chúng ta hạt lúa và con người bằng sức lao động của mình biến nó thành thức ăn để duy trì cuộc sống.
Biết phân biệt người tốt, kẻ xấu?
Cũng theo lời kể của các phật tử, hạt lúa khổng lồ thậm chí còn biết phân biệt thiện - ác, người tốt - kẻ xấu. Rất nhiều kẻ nổi lòng tham, muốn chiếm hạt lúa nhưng đều phải lãnh kết cục không may mắn. Tục truyền, thấy hạt lúa thiền sư Nguyên Thiều đem về quá huyền nhiệm, một số kẻ bèn tìm cách ăn cắp. Đến mùa gặt, khi những bông lúa nặng trĩu trong ruộng chùa, một số kẻ tham lam trong vùng đã nảy ý đồ xấu, lén ra ruộng chùa trộm vài hạt, vác về nhà. Chúng nghĩ rằng, sẽ giàu to vì mai đây hạt lúa khổng lồ sẽ tự động nảy mầm, trổ hoa, kết hạt. Tuy nhiên, chúng đã không đạt được mục đích. Khi đưa về nhà, hạt giống lúa bỗng dưng mất đi toàn bộ đặc tính vốn có. Lúa không tự lăn ra đồng, cũng chẳng sinh trưởng, trổ bông đơm gié. Hạt lúa trồng ngoài đồng gần như không có chút biến đổi mà thối dần trong mưa nắng. Chúng đành ngậm ngùi vì bị quả báo.
Một số kẻ giàu có trong vùng cũng nổi máu tham, giả làm kẻ bần hàn đến xin nhà chùa bố thí. Thương chúng sinh nghèo đói, các sư trong chùa đã đem hạt lúa dự trữ ra chia cho họ. Lũ lừa đảo hả hê vác hạt lúa về nhà nhưng khi vừa đặt xuống sân, chưa kịp mừng rỡ thì hạt lúa tự nhiên biến thành tro bụi tan biến vào trong gió trước con mắt kinh hoàng của lũ bất lương. Cũng từ đó, chẳng ai dám động đến hạt lúa thiêng của chùa. Chỉ có các nhà sư trong chùa trồng để tự cung ứng chứ không truyền ra bên ngoài được.
Tương truyền, cứ đến mùa gặt, các sư sãi trong chùa phải quét sạch nhà cửa, cổng ngõ sân bãi để chào đón "lúa thần", nếu trái ý lúa sẽ tự bay đi. Nhưng trong vụ lúa chín năm ấy, nhà sư được giao trách nhiệm quét dọn sạch sẽ sân chùa Thập Tháp để nghênh đón những hạt lúa lăn về bỗng lơ là, tắc trách. Khi những hạt lúa lăn từ ngoài đồng về, thấy sân chưa được quét dọn sạch sẽ liền nổi cơn hờn dỗi lăn ra khỏi chùa. Quá tức giận, nhà sư trẻ liền đuổi theo dùng cán chổi quất túi bụi vào những hạt lúa, vừa đập vừa quát tháo cho hả giận. Những hạt lúa khổng lồ bỗng tự động nát vụn cuốn đi theo gió. Vẳng trong không gian có tiếng nói: "Từ nay cứ lấy ngoèo tre, lưỡi sắt cắt từng bông chứ đừng hòng ta lăn về cho mà ăn nữa".
Cũng từ đấy, giống lúa khổng lồ biến mất trên nhân gian. Nhà chùa giữ lại một số vỏ lúa để làm kỷ niệm. Lâu dần, các vỏ lúa ấy mục hết, chỉ còn một vỏ to như chiếc trống chầu, vàng ánh được lưu giữ lại và thờ trong chùa. Tuy nhiên, hiện nay đã không còn tồn tại.                     
Phổ độ chúng sinh
Chưa hết kỳ lạ, không cần bón phân cũng chẳng cần chăm sóc, thời gian trôi qua, hạt lúa giống tự nảy mầm rồi lớn lên vùn vụt. Những vạt cây tốt xanh, lá to như lá mía, thân như thân lau vươn lên khỏi ruộng. Đến mùa, hạt lúa lại tự trổ bông, đơm gié. Đến mùa hạ, lúa vừa chín tới. Mỗi vụ, năng suất của hạt giống lúa khổng lồ không cho nhiều, chỉ vừa đủ cung ứng lương thực cho các sư trong chùa và thừa ra một ít để nhà chùa phát cho những người dân nghèo khổ sinh sống quanh vùng. Qua nhiều thế hệ, những hạt lúa được sinh ra vẫn khổng lồ như hạt lúa giống ban đầu khiến phật tử tại đây không ngớt ngợi ca công đức của trụ trì Nguyên Thiều.
Anh Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét