Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Lễ 'Xên lẩu nó' ở Tây Bắc

Xuân sang, hoa mơ, hoa mận nở trắng những cánh rừng Tây Bắc, khắp các bản làng rộn vang tiếng kèn, tiếng hát. Ngày xuân, người Thái đen ở bản Nà Sang (xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã, Sơn La) lại nô nức đến nhà thầy mo (gọi nôm là "mo một"). Họ dành những ngày đặc biệt đầu năm để tham dự lễ hội "Xên lẩu nó", dành riêng cho "mo một" với thái độ thành kính, vì đó là lễ của những người được các mo chữa khỏi bệnh...

Mang con vía gửi... "mo một"
Mùa xuân, những gốc măng rừng nhú, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa ban trắng tinh khôi tỏa hương thơm mát, hoa mạ vàng tươi cùng muôn hoa đua nở, vạn vật rạo rực sinh sôi sau mùa đông giá. Đó cũng là lúc người Thái đen dành những ngày đặc biệt của một năm mới để đến tạ ơn tái sinh của các thầy mo với những người dân bị bệnh. Đó là  lễ hội "Xên lẩu nó" với rượu, thịt, măng đắng được... bắt đầu.
Đến nhà của "mo một" Lường Văn Kích (68 tuổi, ở bản Nà Sang), chúng tôi nhận thấy đây là một căn nhà khá đặc biệt. Nhà của các "mo một" có điểm đặc trưng dễ nhận thấy là những chiếc áo đủ kích cỡ, màu sắc được treo trên bàn thờ. Theo quan niệm của người Thái đen, mang gửi áo nhà "mo một" tức là mang con vía của mình treo ở bàn thờ của thầy mo. Kể từ thời điểm đó, người bệnh đã đặt niềm tin vào tài năng và đức độ của thầy mo. Họ mong được thầy mo thường xuyên cầu cúng cho khỏe mạnh, bệnh tật tiêu tán. Đến khi người bệnh hoặc chính thầy mo qua đời, người bệnh hoặc người nhà phải đem lễ vật đến xin người của nhà mình về.
 Con nuôi mang lễ đến nhà “mo một”
Theo "mo một" Lường Văn Kích, thông thường lễ hội sẽ được tổ chức vào một ngày đẹp trời, đầu xuân. Các con nuôi của "mo một" mang lễ vật đến nhà chuẩn bị lễ hội. Việc chuẩn bị lễ hội được tất cả mọi người là con nuôi "mo một" cùng với người nhà thầy mo Kích thực hiện. Trong suốt các ngày lễ "Xên lẩu nó", rượu được rót tràn trề, có khoảng 100 - 200 lít rượu được dùng trong những ngày lễ hội của một nhà "mo một". Ngoài ra, mỗi nhà "mo một" sẽ mổ một con trâu, ba con lợn, gà để cúng tổ tiên, mời các thần linh và thổ công thổ địa. Đặc biệt, lễ cúng không thể thiếu được măng đắng, thứ hương vị đánh dấu ngày xuân đang ở cùng với bà con dân bản.
Tùy theo người đã từng bị bệnh nặng hay nhẹ, được "mo một" chữa khỏi mà họ lễ vật là lợn hay gà mang đến lễ hội. Ngoài ra còn có khăn piêu, rượu - "lảu", hương, nến, rau rừng, xôi  tổng hợp - "phắc nửng chụp", hoa ban - "bók ban", hoa mạ - "bók mạ", các cô gái còn dùng hoa ban gài lên tóc, củ gừng - "mắn khá", đặc biệt không thể thiếu măng rừng - "nó" (măng vầu - "nó pao", măng sặt - "nó pặt", măng giềng - "nó khá") tượng trưng cho sự hồi sinh, mạnh khỏe sau khi được chữa khỏi bệnh.
Những người từng bị bệnh nặng còn đem theo một cây báng để cả ngọn cho vào sọt dựng ở bên cạnh bàn thờ, tượng trưng cho lễ vật là con trâu đen (còn gọi là "co quái xiên"); cây chuối non cả gốc tượng trưng cho trâu trắng (còn gọi là "co quái lón", những cây này còn gọi là "co quái tao"), trên "co quái tao" treo quả còn tượng trưng cho rồng còn trong truyền thuyết (gọi là "luông còn")... đến nhà "mo một". Với người Thái Tây Bắc, rồng là con vật đẹp nhất, là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất, tua còn như tám tia nắng, chín tia mưa, mang theo những hạt giống như lúa, ngô, bông... chờ gieo xuống sinh sôi nảy nở, tốt tươi.
Một thứ không thể thiếu trong lễ hội là cây xăng bók (cây nêu). Lễ hội "Xên lẩu nó" của người Thái ở bản Na Sang, nhà "mo một" không thể thiếu hai cây xăng bók do, dựng ở hai cột nhà song song. Mỗi cây gồm có cây chuối, cành hoa ban, cành hoa píp, cây móc, măng đắng, buồng chuối, chum rượu cần, dây soài xồm, hộp hình vuông bằng sợi vải các mầu (gọi là "hó máy") tượng trưng cho nơi nghỉ của quân một, "ngân nga" tượng trưng cho tiền bạc...
“Mo một” tiến hành cúng cầu bình an cho các con nuôi
Nhìn lễ biết... tiền sử bệnh tật
Khi cây xăng bók được "mo một" dựng lên, một nhóm đàn ông được phân công đi chặt tre làm "bẳng nặm póng" (ống nước) và "tăng bẳng", tất cả có khoảng 10 - 15 ống để nhảy múa quanh cây xăng bók. Trong gian nhà của "mo một", trên "hảng" (chiếc sàn bằng tre trên trần nhà), các con nuôi lần lượt đặt các mâm lễ để “mo một” làm lễ cúng. Nhiều nhà "mo một" có đến cả trăm người con nuôi, chiếc "hảng" không để hết các mâm lễ thì họ sẽ đặt xuống dưới. Mỗi mâm được viết tên riêng của từng người con nuôi, "mo một" lần lượt cúng cầu xin sự bình an cho họ. Cây xăng bók dựng xong, những người đàn ông bắt đầu đi mổ trâu để làm lễ. Đầu, đuôi, bốn chân và đùi trước là để cúng, còn lại để chế biến thức ăn trong những ngày lễ hội.
"Mo một" cúng xong, mỗi gia đình con nuôi sắm cỗ cảm tạ "mo một" đã chữa khỏi bệnh và cầu bình an cho gia đình. Chuẩn bị xong, các con nuôi tự mang cỗ bày lên trên lá chuối. Mỗi mâm cỗ gồm có một con gà để ngửa hoặc một con lợn con để úp, một nải chuối, gói xôi, cặp bánh chưng, hai sợi dây, hai đoạn mía, ba cái măng đắng, một bát gạo, hai chén rượu, ba con cá; 3m vải, một chai rượu. Mỗi mâm sẽ được phủ một tấm vải.
Chỉ cần nhìn mâm lễ mà người ngoài có thể đoán được "bệnh" trạng của người dâng lễ. Mâm lễ có lợn là đã nhận con nuôi, mâm có một con gà là cúng bình thường, bệnh nhẹ. "Mo một" xem lễ cúng, bẻ đôi con gà, lấy một ít thịt ăn thử rồi nếm mỗi thứ một ít. Sau đó, ông sẽ cho một số lời khuyên với con nuôi về bệnh tật, khu ăn ở và xử lý các hoạt động trong cuộc sống. Khi kết thúc, ông nhận một nửa lễ đưa lên cho thần linh, phần lễ còn lại được trả con nuôi. Phần làm lễ cúng của mỗi người hết khoảng 15 - 20 phút. Thậm chí, nhiều nhà "mo một" cúng cả ngày cũng không hết số lượng con nuôi từng được ông chữa bệnh.
Chị Mè Thị Diệp (xã Chiềng Phung) cho biết: "Trong những ngày lễ hội "Xên lẩu nó", các con nuôi có cơ hội gặp gỡ nhau. Chúng tôi không phân biệt tuổi tác, công việc... Buổi lễ không chỉ thể hiện tấm lòng của người bệnh với thầy mo mà còn là nơi có không gian, cơ hội để diễn ra nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền". Các con nuôi cùng bà con dân bản không phân biệt tuổi tác, cúng xong, họ cùng nhau múa xoè, có thể xoè 1 vòng, 2 vòng, có thể chỗ xoè, chỗ múa, tung khăn múa hết mình, hò hét, cười nói trao đổi theo nhịp trống chiêng kéo dài đến 1 - 2h sáng.
Sau khi cúng cầu xin sự bình an, mạnh khỏe cho các con nuôi, "mo một" sẽ mặc một trang phục giả làm con khỉ trèo lên cây xăng bók diễn trò hái chuối ném xuống cho mọi người ăn. Ông phá phách, giật tung mọi thứ trên cây xăng bók, rồi ông nhảy xuống sàn nhà múa say sưa theo điệu ngửa hai bàn tay tung lên biểu hiện tiễn đưa các thần linh về trời. Cứ như thế được khoảng 20 - 30 phút, các "mo một" giật lấy khăn quấn mấy vòng vào cây xăng bók buộc lại, báo hiệu kết thúc lễ hội. Lúc này, mọi người đều bỏ khăn và đạo cụ khác vào gốc cây xăng bók rồi vỗ tay nhảy múa quanh cây.
Sau ba ngày lễ hội tưng bừng, mọi người lại trở về với cuộc sống hàng ngày, chăm chỉ lao động với niềm tin một năm mới, mùa vụ mới may mắn, thuận lợi. Lễ hội "Xên lẩu nó" đã tồn tại trong đời sống dân tộc Thái từ ngày xưa, có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần. Với nhiều hoạt động và các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống..., "Xên lẩu nó" là dịp tăng cường sự gắn kết của cộng đồng dân tộc người Thái sống quanh vùng. Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh đã đến với từng thôn bản, nhà các "mo một" trong những ngày lễ hội "Xên lẩu nó" không còn đông đúc nữa, nhưng những giá trị gắn bó, kết nối cộng đồng, tôn vinh tấm lòng nhân nghĩa, cứu người của các thầy mo chân chính vẫn được người Thái trân trọng.        
Cần phục dựng ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội "Xên lẩu nó"
Theo ông Mè Hoàng Thanh (Trưởng phòng Nghiệp vụ văn nghệ quần chúng, trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La) thì "Xên lẩu nó" có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái. Nó thể hiện lòng tri ân, niềm tin và sự tôn vinh công đức của các "mo một". Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều điểm của lễ hội bị mai một. Vì vậy, cần nghiên cứu phục dựng, hoàn chỉnh, phát huy những mặt tích cực, lược bỏ những phần không còn phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện nay, để duy trì, phát triển; góp phần lưu giữ, giới thiệu những giá trị văn hóa của người Thái trong kho tàng văn hóa Việt Nam.   
Hoàng Mai - Sơn Nữ
"Xên lẩu nó" - lễ hội lớn của người Thái ở Sơn La

Cây Xăng bók được dựng trên sàn ngôi nhà.
Lễ hội được tổ chức với ý nghĩa cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng (ông Một) đã chữa bệnh cho mọi người. Đây cũng là dịp để bà con dân tộc Thái thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.


Lễ Xên Lẩu nó kéo dài gần 3 ngày 3 đêm và được tổ chức trong ngôi nhà sàn của ông Một. Từ sáng sớm những người được ông Một chữa khỏi bệnh được coi là con nuôi của ông Một khắp bản trên, mường dưới trên vai mang gùi gạo, con gà …đổ về nhà ông Một để chuẩn bị làm lễ. Mọi người không kể già trẻ, gái trai, chung tay thu dọn nhà cửa, đưa chăn đệm lên cao, cùng nhau dựng cây Xăng bók (giàn hoa).

Thanh niên trai tráng cùng nhau mổ lợn để chuẩn bị cho lễ “pông phí một” (cúng mời các thần linh). Sau khi mổ xong, lợn được cắt lấy các phần đầu, đuôi, lòng, tim gan mỗi thứ một ít rồi xếp lại thành hình con lợn để lên mâm cúng. Ngoài ra trên mâm lễ còn bày 3 bát gạo, 4 quả trứng gà, 7 chén rượu, trầu cau…

Cô gái Thái đang chuẩn bị mâm lễ với các món từ gà, cá, thịt, măng, hoa Ban.

Bên cạnh đó, nhiều phần cúng khác cũng được thực hiện trong lễ hội như: “Tam phí hươn” (lễ cúng tổ tiên); Lễ cúng “đông tu xửa” (mời các thần linh về ăn cỗ, phù hộ cho dân bản, con cháu); Lễ “xống một” (tiễn đưa các thần linh về)… Phần quan trọng nhất của lễ hội là lễ cúng các con nuôi (tam khuốn lụk liệng). Các con nuôi sau khi mang lễ vật đến nhà ông Một, chia nhau ra mỗi gia đình một chỗ, tự mổ gà, vo gạo đồ xôi để chuẩn bị cho mâm lễ dâng lên cảm tạ ông Một đã chữa khỏi bệnh....
 
Ông Một thực hiện lễ cúng.

Phần lễ và phần hội của “Xên lẩu nó” có sự đan xen với nhau, sau khi hoàn thành một phần lễ mọi người lại cùng nhau nhảy múa xung quanh cây Xăng bók. Ông Một trong trang phục lễ hội giả làm con khỉ chèo lên cây Xăng bók diễn trò bứt chuối ném xuống cho mọi người ăn, ông phá phách, giật tung mọi thứ trên cây Xăng bók, rồi ông nhảy xuống sàn nhà múa theo điệu ngửa 2 bàn tay tung lên biểu hiện tiến đưa các thần linh về trời cứ như thế được khoảng 20 - 30 phút rồi ông giật lấy khăn quận mấy vòng vào cây Xăng bók rồi buộc lại báo hiệu kết thúc lễ hội lúc này mọi người đều bỏ khăn và đạo cụ khác vào gốc cây Xăng bók rồi vỗ tay nhảy múa quanh cây.

Lễ hội Xên Lẩu nó là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả của dân tộc Thái.
Theo Langvietonline.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét