Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Những phong tục kỳ lạ trên đảo Long Sơn

Mang hình dáng một con rồng xoãi mình trên sóng biển, đảo Long Sơn đang lôi cuốn nhiều người ưa thích nét mộc mạc, thuần khiết. Không những thế, trên hòn đảo này còn lưu giữ nhiều phong tục kỳ lạ, và cả những tư tưởng tiến bộ không thể ngờ tới.

Cách TP.HCM khoảng 100km về phía Đông, đảo Long Sơn (thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) như một con rồng nằm ưỡn mình trên sóng biển. Trên hòn đảo có lịch sử hàng trăm năm này còn nhiều điều kỳ thú chưa được khám phá. Chúng tôi đã có chuyến hành trình để tìm hiểu về cuộc sống và những phong tục kỳ lạ tại vùng đất được mệnh danh là “rồng ngự” này.
Xứ sở của áo bà ba đen
Ông Trần Công Khanh (74 tuổi, ngụ thôn 1, xã Long Sơn) một người còn lưu giữ nhiều điều về đảo từ ngày mới thành lập mà theo ông là do cha mẹ ông kể lại rằng: “Đảo Long Sơn đầu tiên có tên là Sa Trúc, sau đổi tên thành làng Nứa (gọi là làng Nứa vì trên đảo toàn là rừng rậm, đặc biệt có nhiều cây nứa, cây tre). Đến năm 1948, làng Nứa đổi tên thành Sơn Long (Núi - Rồng). Nhưng đến năm 1960, những bô lão trong làng cho rằng núi đè rồng thì dân làng làm ăn không phát triển nên đổi tên thành Long Sơn (Rồng - Núi). Từ đó đến nay, xã đảo này làm ăn phát đạt, những ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, những con đường đã được trải nhựa phẳng lì. Xã đảo không còn bị cô lập bởi bốn bề là biển nữa, hiện đã có một con đường nối vào bờ. Giao thông thuận tiện đi kèm với sự “đổ bộ” của cuộc sống hiện đại, nhưng người dân trên đảo đâu đó vẫn còn lưu lại được những nét hoang sơ huyền thoại, mà chỉ có ở trên hòn đảo này mới có”.
Đảo Long Sơn như con rồng xoãi mình trên sóng
Lịch sử hình thành vùng cư dân đảo Long Sơn có từ hơn 200 năm trước. Hơn 200 năm chưa phải là cũ nhưng một không gian văn hóa, cảnh quan và kiến trúc vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn từ buổi khởi nguyên ở đây đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho những ai mới đặt chân đến vùng đất này. Chúng tôi như lạc vào một vùng đất lạ. Có cái gì đó vừa rất xưa cũ lại vừa rất mới mẻ hiện ra. Khu trung tâm đảo như một quần thể kiến trúc thống nhất có tính xưa cũ, được sắp xếp đối xứng, tiền hậu thống nhất. Trên đường, một số lão ông, và cả người trẻ hơn mặc đồ bà ba đen đi lại, nhất là cái búi tóc củ hành sau gáy của cánh đàn ông tự dưng có sức thu hút.
Những người phụ nữ cũng vận đồ đen, ăn nói bặt thiệp, đặc biệt họ dùng rất nhiều những từ ngữ “ngày xưa”,  những từ ngữ mà bây giờ người ta ít dùng. Huyền thoại đất phương Nam nói chung đã phiêu tán đi nhiều, vậy mà chốn này, vẫn còn hiện diện như trong thờ kỳ nguyên sơ. Trên hòn đảo ấy, có người còn đi chân đất, hỏi sao không đi dép, họ bảo “quen đi chân đất rồi”. Số người không mang dép vì “quen rồi” chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hơn mười ngàn người chân không đạp đất nữa nhưng đầu thì vẫn “đội trời”. Đó là những người theo đạo Ông Trần, thì ra sinh thời Ông Trần không đội nón, để đầu trần nên người ta gọi là Ông Trần, chớ tên thật của ông là Lê Văn Mưu.
Bà Lê Thị Kiềm (cháu đời thứ tư của Ông Trần) cho biết: “Người dân trên đảo rất có tinh thần đoàn kết đáng quý trọng, khi tới hòn đảo này, Ông Trần đã cho xây dựng lên những dãy nhà phố để những người nghèo chưa có đất hay chưa có tiền cất nhà ở miễn phí. Rồi khi có nhà, họ sẽ trả nhà lại cho những người đến sau, cứ thế, đời này nối tiếp đời kia tạo nên tính khăng khít, cố kết cộng đồng. Không gian sinh hoạt tinh thần của người dân trên đảo chủ yếu ở Nhà Lớn, những ngày cuối năm nhộn nhịp không khí đón xuân này, Nhà Lớn Long Sơn lại trở thành nơi xin chữ đầu năm. Các bô lão mặc áo the đen, ngồi trên vuông chiếu viết đối liễn bằng nét chữ mực nho đen nhánh, ngoạn mục trên nền giấy hồng điều là một hình ảnh đẹp đẽ truyền từ đời này sang đời khác. Thời gian như ngưng lại cả trăm năm trước ở nơi này. Ðến tận bây giờ tập quán này vẫn được người trên đảo lưu giữ”.
Những người theo đạo Ông Trần sẽ “mặc” chung “áo” sau khi chết.
“Sống đồng tịch, chết đồng quan”
Đảo Long Sơn ngày nay nơi có cuộc sống khá sung túc, người dân chủ yếu sống bằng nghề biển. Nơi đây gắn liền với một tín ngưỡng độc đáo, đó là đạo Ông Trần. Số người theo đạo này ở Long Sơn chiếm khoảng 60% trong tổng số 13.000 nhân khẩu của xã. Đạo Ông Trần do Lê Văn Mưu lập nên ông gốc người Nam Bộ vùng Hà Tiên. Là người từng theo giáo chủ Ngô Lợi (Tứ ân hiếu nghĩa) vùng núi Tượng (An Giang) tham gia nghĩa quân chống Pháp. Sau giáo chủ Ngô Lợi mất, nghĩa quân tan rã, bị quân Pháp truy lùng ông phải cùng gia quyến xuống thuyền lánh nạn. Rồi ông đến vùng đất Long Sơn khai phá vùng đất này, làm ruộng muối, ruộng lúa, đánh bắt hải sản.
Trò chuyện với các bô lão tại ngôi Nhà Lớn, chúng tôi  được nghe các cụ kể về  tục lệ khá đặc biệt là “chết đồng quách” ở đây. Theo quan niệm của Ông Trần khi chết con người đều bình đẳng, nên cả cộng đồng chỉ có một áo quan để ở ngôi Nhà Lớn, khi có người mất thì thỉnh áo quan về và chỉ được quàn trong một ngày (24 tiếng), sau đó mang đi chôn, người chết được bó chiếu rồi đem chôn chứ không liệm trong hòm. Người theo đạo Ông Trần quan niệm: “Sống đồng tịch, đồng sàng. Chết đồng quan, đồng quách”. Khi sống chung nơi, ngủ chung giường, thì khi chết cũng phải liệm chung một quan tài. Bởi thế, khi có người mất, những người sống không đóng quan tài riêng để chôn. Cả đạo có một cái hòm chung mà họ gọi là “bao quan”. “Bao quan” được đặt tại nhà Sơn Long hội. Khi có người chết họ thỉnh và rước “bao quan” về nhà liệm người chết vào đó. Di quan ra nghĩa địa, trước lúc hạ huyệt người ta mở nắp bao quan chuyển thi hài sang liệm vào đôi chiếu cói và chôn. Còn “bao quan” vẫn giữ nguyên và đưa về chỗ cũ trong Sơn Long hội, chờ đám tang mới...
Được tận mắt chứng kiến cái “bao quan” được đặt tại nhà Sơn Long hội, chúng tôi có cảm giác rờn rợn khi tưởng tượng cảnh đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thi thể đã từng nằm trong đó trên đường lìa trần. “Bao quan” được đan bằng tre và sơn màu đỏ, trên nắp "bao quan" là những lớp tàn nến cháy chồng lên nhau. Khi tạ thế, nhà nghèo cũng như nhà giàu, người già cũng như người trẻ, đều không có kèn trống, không tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận phong bao điếu phúng. Nghĩa là phần nghi lễ rất gọn nhẹ, không nặng hình thức rườm rà. Đưa đám không dùng xe tang, thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa, có thể là nơi quy định của xã hoặc một khu rẫy nào đó của gia đình. Những người sống xả tang ngay tại huyệt, nam đứng bên trái, nữ đứng bên phải. Sau đám tang, gia đình có người chết phải kiêng cử ba năm sống nghèo khó. Có lẽ khi giã từ một người thân, đứng trước “bao quan” trong giờ vĩnh biệt, chắc những người đang sống sẽ gần gũi và chia sẻ với nhau hơn vì rồi một ngày nào đó trong tương lai họ cũng sẽ “mặc” chung “tấm áo” này.
Rời đảo Long Sơn mà chúng tôi còn tiếc nuối, bởi vẫn chưa khám phá được hết những điều kỳ thú có trên mảnh đất hình rồng nằm xoãi sóng này... Còn nhiều điều chúng tôi chưa khám phá hết trên hòn đảo nhỏ này. Ngay cả những gì trên đây cũng mới chỉ là ghi chép lời kể và những gì trông thấy...        
Long Sơn không còn là  ốc đảo
Ông Phạm Duy Liêm, phó chủ tịch xã Long Sơn cho biết: “Từ năm 1997 trở về trước, chung quanh Long Sơn là kênh rạch, sông biển. Ngày nay, Long Sơn đã được nối với đất liền bằng một cây cầu mới khang trang, thuận lợi cho giao thông qua. Người dân trên đảo sống hiền hòa và rất ít tệ nạn xã hội. Long Sơn đang trở mình mạnh mẽ, vươn ra thế giới hiện đại, tiếp thu những tinh hoa và cải biến nó thành những thứ phù hợp với thuần phong mỹ tục của xã đảo này”.
Công Thư

Nhà Lớn Long Sơn

Sau khi kết thúc chuyến du lịch tắm biển tại TP Vũng Tàu, theo Quốc lộ 51 hướng về TP Hồ Chí Minh, cách cổng chào TP Bà Rịa khoảng 8km, du khách sẽ gặp một ngã ba phía tay phải. Đây là con đường dẫn vào xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu)- nơi có quần thể di tích Nhà Lớn khá nổi tiếng.

Nhà Lớn Long Sơn hay đền Ông Trần là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng các loại gỗ quý với tổng diện tích khoảng 2ha, chia thành 3 khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần. Nhà Lớn nằm bên sườn Đông núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn của TP Vũng Tàu, cách TP Bà Rịa 9km. Nhà Lớn đã được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa năm 1991.

Những ngôi nhà lầu bằng gỗ bao quanh một sân lộ thiên.

Theo tài liệu, Nhà Lớn Long Sơn do ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp vào khoảng năm 1900) cho khởi công xây dựng từ năm 1910- 1929 thì hoàn thành. Tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông và của nhiều người tin theo ông.

Năm 1900, ông Trần cùng khoảng 20 người trong gia tộc đi bằng thuyền buồm dừng chân ở chợ bến Long Điền. Sau khi nhận thấy đảo núi Nứa (Long Sơn) chưa có người khai phá, ông bèn chọn nơi này mở đất lập nghiệp và truyền đạo.

Vào khoảng năm 1909, ông Trần đã đề đạt với nhà cầm quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng của người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Được chấp thuận, năm 1910, ông cho xây dựng nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện.

Sau đó, ông tiếp tục xây dựng lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật, và sửa lại nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn.

Năm 1927, ông lại cho cất thêm lầu Cấm (làm tiền điện), 2 ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, 2 cổng ra vào khu vực thờ cúng. Năm 1928, ông cho dựng tiếp lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng và lễ bái, tầng trên bày các bàn thờ.

Kể từ đó và những năm tiếp theo, ông cho xây cất 5 dãy phố để lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp, nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ), nhà chợ (được khánh thành ngày 16/8/1929), nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt...

Vì những công trình do ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi là nhà Lớn. Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là đền Ông Trần.

Kiến trúc Nhà Lớn pha trộn tín ngưỡng dân gian với Nho giáo và Lão giáo. Lầu Trời, lầu Tiên và lầu Phật, hợp với nhà Hậu thành hình chữ “khẩu”. Trong khoảng sân lộ thiên (13m x 14m, dùng để thông gió và lấy ánh sáng) có hồ nước ngầm, một bể nước nổi trong có hòn non bộ. Tại đây thờ nhiều đối tượng của Phật giáo,

Đạo giáo, Nho giáo và thờ ông Trần cùng những người trong gia tộc họ Lê. Trong các gian thờ, có vô số kỷ vật cổ (đa phần bằng gỗ quý) còn lưu lại như bộ bàn ghế bát tiên (khắc hình 8 vị tiên ông, được cẩn hoa cương và xà cừ); bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc, kèm theo đồ thờ bộ lư, chân đèn cổ, trong đó có một bộ lư bằng gỗ cẩn xà cừ; những bức hoành phi, liễn thờ...

Di vật quý nữa là ngay phía sau khu chính điện (nơi ông Trần thường ngồi giảng đạo lý) vẫn còn lưu giữ bộ ảnh chữ Nôm truyện Lục Vân Tiên, trước vẽ trên lụa, sau được phục chế trên kính.

Theo một người cháu của ông Trần kể lại: Sinh thời, ông thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân quen gọi là ông Trần. Lúc đầu mới đến đây khai hoang lập nghiệp, ông cùng con cháu đốn củi, bắt tôm làm tôm khô rồi dùng ghe buồm chở vào Sài Gòn bán.

Khi có tiền dư giả, mỗi chuyến hàng vào Sài Gòn bán xong ông lại sưu tầm mua đem về những món đồ cổ quý giá mà hiện còn đang lưu giữ trong nhà Lớn.

Khi ông mất, nơi đây hình thành tín ngưỡng đạo Ông Trần. Hàng năm, vào ngày vía Ông Trần (20/2 âm lịch) và ngày Trùng Cửu (9/9 âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút hàng chục ngàn người, trong đó chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ về tham dự.

Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử và thời gian nhưng đến nay toàn bộ khuôn viên nhà Lớn vẫn còn nguyên vẹn không hề mai một cùng với những phong tục, tập quán của đạo Ông Trần.

Đây là một tín ngưỡng khác lạ pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau nhưng không hề có kinh kệ, chuông mõ, cũng như tệ mê tín dị đoan mà chỉ có những lời dạy truyền khẩu trong dân gian.

Xưa nay, việc trông coi và giữ gìn Nhà Lớn Long Sơn đều do nhân dân cùng con cháu ông Trần tự nguyện. Việc cúng lễ, quét dọn, tu sửa hàng ngày do phiên ngũ (5 người) đảm nhiệm, cứ 3 ngày thay phiên một lần. Nhà Lớn hiện có 68 phiên với 340 người tự nguyện thực hiện, nửa năm đáo lại một lần.

Khi đến thăm nhà Lớn, du khách còn được thưởng thức các món khoai mì hấp nước dừa trộn đậu phộng; bánh ít trần… mang nét đặc trưng của Long Sơn. Và khách muốn lưu lại thì được cho nghỉ qua đêm tại dãy nhà phố cổ bằng gỗ và được thết đãi cơm chay miễn phí.

Ngày nay, người dân theo đạo Ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo bà ba đen, đi chân đất, đầu để tóc búi gọn sau gáy. Người dân Long Sơn vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt cũng như tính cách đậm chất Nam Bộ, thật thà, hiếu khách.
Theo HÙNG HẬU (Vĩnh Long Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét