Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Tưng bừng lễ hội Thác Côn 2013

Như thông lệ, cứ đến ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người có được cuộc sống an lành, hạnh phúc... lễ hội Thác Côn được tổ chức tại chùa Mahasal Thatmon, xã An Hiệp huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham dự.
Lễ hội Thác Côn được tổ chức cách nay gần trăm năm, gắn với truyền thuyết rằng: ngày xưa ở vùng đất này có nổi lên một cái gò hình dạng giống chiếc cồng. Chân người dẫm lên phát ra âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Bà con vùng An Trạch tin đây là điềm lành nên tổ chức lễ hội Thác Côn kể từ đó. Trong tiếng Khmer, Thác có nghĩa đạp, Côn có nghĩa là cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất. 

Quầy bán bình bông dừa

Lễ hội này còn có một tên khác là lễ hội Cúng Dừa vì lễ vật chủ yếu là những chiếc bình bông làm bằng trái dừa tươi, người Khmer gọi là Slathođôn (bình bông làm bằng trái dừa). Trái dừa được vạt bằng, có gắn thêm nhang, đèn cầy, lá trầu và một số hoa tươi. Những trái dừa có sẵn trong vùng dễ tìm, nước dừa tượng trưng cho sự thanh khiết. Riêng về hoa người ta chọn những loài hoa có tên gọi đẹp và màu sắc sặc sỡ như: hoa sen, hoa vạn thọ, hoa huệ, hoa cúc...

Cổng chùa Mahasal Thatmon

Vào dịp này, xã cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí diễn ra náo nhiệt suốt đêm. Công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo, góp phần giúp cho du khách và bà con có được những ngày lễ hội an toàn.

Đây thật sự là một trong những lễ hội tiêu biểu của bà con Khmer Sóc Trăng, cần được tiếp tục duy trì và phát triển thành một trong những lễ hội phục vụ khách du lịch khi đến Sóc Trăng, gắn với tour du lịch đến viếng chùa Bốn Mặt, Giếng Tiên và thăm làng nghề đan đát, đâm cốm dẹp, làng nghề bánh pía ở 02 xã Phú Tân và Phú Tâm.
Theo dulichsoctrang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét