Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Về Hội An ngắm đêm rằm phố cổ

Sắp tới rằm Trung thu, nếu bạn đang có ý định đi du lịch, đừng quên ghé Hội An vào ngày 14 âm lịch để hòa mình vào những ánh đèn lung linh trong đêm hội.

Địa điểm tham quan
Địa danh nổi tiếng và được nhiều người biết đến của Quảng Nam là phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới với vẻ cổ kính, thơ mộng và êm đềm. Đến Hội An, bạn sẽ có dịp thả bộ trên những con phố mang đậm kiến trúc cổ, chiêm bái những đền chùa xưa (chùa Phước Lâm, Hội quán Phúc Kiến…) thưởng thức các món đặc trưng (cao lầu) hay tham gia vào lễ hoa đăng vào dịp lễ rằm hàng tháng.
Nơi đây còn có bí ẩn về những pho tượng không đầu tại thánh địa Mỹ Sơn, thánh địa Ấn Độ giáo của vương quốc Chămpa mang đến trải nghiệm khác hẳn, huyền hoặc và kỳ ảo. Bên cạnh các thánh tích này, vùng đất kinh đô Chăm ngày xưa còn sở hữu hàng loạt tháo và cụm tháp Chăm tuyệt đẹp như tháp Chiên Đàn, tháp Bằng An, tháp Khương Mỹ… để bạn khám phá và tìm hiểu.
Nét đẹp Hội An. (Ảnh: chudu24)
Bãi biển Cửa Đại hoang sơ, tuyệt đẹp, điểm nhấn du lịch biển của Quảng Namcũng thú vị không kém. Ngoài ra, khi đến Cửa Đại, bạn còn có dịp dong thuyền ra Cù Lao Chàm hoang sơ và tuyệt đẹp.
Lời khuyên cho bạn nếu muốn đi thuyền từ biển Cửa Đại ra Cù Lao Chàm giá rẻ là đi tàu chợ (tàu lớn chở hàng hóa ra đảo). Giá vé tàu là 25.000 đồng, rẻ bằng 1/10 so với khi bạn mua vé của các công ty du lịch. Điểm lợi thứ hai là tàu chạy khá chậm nên bạn sẽ ít bị say sóng hơn. Hải sản ngoài đảo, song giá các nhu yếu phẩm khác khá cao. Nhà nghỉ trên đảo có giá khoảng 100.000 đồng/người.
Bên cạnh các địa danh này, Quảng Nam cũng sở hữu hàng loạt các thắng cảnh tuyệt đẹp khác như Suối Tiên với không khí miền trung du thích hợp cho cắm trại, nghỉ dưỡng; Khe Lim độc đáo với dòng chảy hiền hòa chảy qua những vùng đất có nhiều cây (gỗ) lim; Bàng Than kỳ bí và lạ lẫm với những khối đá đen; Hòn Kẽm Đá Dừng, miền sông nước hùng vĩ với những bãi dâu, bãi ngô (bắp) xanh ngát.
Cù Lao Chàm yên bình. (Ảnh: Culaocham)
Hoang sơ Khe Lim. (Ảnh: Entity)
Biển Cửa Đại trong thời khắc chuyển giao ngày và đêm. (Ảnh Cyword)
Đó cũng có thể là Hố Giang Thơm thơ mộng nhờ những dải đá nổi, chìm tạo ra những thác nước rì rào suốt ngày đêm; hồ Phú Ninh, công trình thủy lợi quy mô lớn, với diện tích mặt nước rộng, rừng phòng hộ hong sơ cùng hơn 30 đảo và bán đảo xinh đẹp; sông Thu Bồn, dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất này; hay bãi tắm Hà My, bãi biển Tam Thanh không những sự hoang sơ, sạch đẹp với cát trắng, rừng dương và không khí trong lành mà còn bởi nhiều loại đặc sản tươi nguyên từ lòng biển.
Ngoài ra, đến Quảng Nam, bạn có thể tìm hiểu, tham quan hàng loạt làng nghề nổi tiếng của tỉnh, chiêm bái hàng loạt ngôi chùa cổ xưa hay khám khá phiên chợ chiếu duy nhất ở Quảng Na, tham quan nhà cổ Tân Ký, ghé cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oóc “săn” những mặt hàng độc giá rẻ, dạo chơi ở các KDL sinh thái như Thuận Tình, Cẩm Nam...
 
 Tháp Mỹ Sơn. (Ảnh vovword)
 
 Tháp Bằng An. (Ảnh dtdtquangnam)
Tháp Khương Mỹ. (Ảnh: phuot)
Phương tiện di chuyển
Bằng phương tiện công cộng
Từ Đà Nẵng, bạn có thể mua vé xe khách, vé tàu lửa tại bến xe hay ga tàu để đếnQuảng Nam. Ngoài ra, bạn có thể di chuyển bằng xe bus, giá sẽ mềm hơn và dễ dàng dừng lại các điểm tham quan hơn.
Bằng phương tiện cá nhân
Đà Nẵng cách Quảng Nam không xa, vì thế bạn có thể chọn cách đến du lịch Đà Nẵng, sau đó thuê xe máy, phượt tham quan danh lam, thắng cảnh.
Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân (hay xe thuê) nên mang đầy đủ giấy tờ, chấp hành nghiêm chỉnh luật giao tthông đường bộ. Mang bao tay, khẩu trang, kính để an toàn khi vận hành. Trang bị điện thoại có chức năng Google map để tiện di chuyển.
Đến vào mùa nào?
Bạn có thể đến bất kỳ thời điểm nào trong năm. Song nếu muốn tham gia các lễ hội của tỉnh như lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Chiêm Sơn, Carnival Hội An, lễ hội Rước cộ Bà Chợ Được, lễ hội Nguyên Tiêu hay lễ hội Đêm rằm phố cổ… bạn cần xem kỹ thời gian diễn ra lễ hội trước khi lên lịch trình tham quan và thời gian xuất phát.
 
 
Kỳ bí Bàng Than. (Ảnh: tranhaibang)
Lưu trú
Trừ giá thuê phòng ở các khách sạn tại trung tâm phố cổ Hội An có giá khá cao, các khách sạn, nhà nghỉ quy ở bên ngoài một chút có giá tương đối ổn. Một số cái tên bạn có thể tham khảo như khách sạn công đoàn, nhà nghỉ tỉnh ủy, Bình Minh, Tam Kỳ, Hải Sơn…
Ngoài ra, bạn có thể mang theo lều để cắm trại ở các bãi biển, các khu du lịch sinh thái.
Đặc sản ẩm thực
Các món ăn mà bạn nên thưởng thức ở Quảng Nam gồm mì Quảng Phú Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn), Cao lầu (Hội An), Trà Lài Tam Kỳ, cơm gà Tam Kỳ, xí Mà (Hội An), bánh đậu xanh mặn (Hội An), bê thui Cầu Mống (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn), chuối chát ngâm chua, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng Gia Cốc (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc), khoai lang Trà Đóa (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình), bánh đập, bánh in, rượu ba kích.
Mang gì khi tới Quảng Nam?
Bất kỳ quần áo, giày dép bạn thích.
Mang theo bikini, khăn tắm lớn, váy maxi để đi biển.
Mang theo dụng cụ đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
Mang kem chống nắng, kem chống côn trùng, thuốc trị côn trùng.
Mang theo passport nếu muốn đi thăm cửa khẩu
Mang theo lều, áo khoác, chăn mỏng, nồi đa dụng nếu có ý định cắm trại.
 
 Hố Giáng Thơm. (Ảnh: dulichgo)
 Hồ Phú Ninh. (Ảnh: dulichgo)
Các cung đường thường gặp:
Đà Nẵng - Quảng Nam (Tam Kỳ - Hội An - Cửa Đại)
Đà Nẵng - Quảng Nam (Tam Kỳ - Hội An - Cửa Đại) - Quảng Ngãi (Sa Huỳnh - Lý Sơn)
Đà Nẵng - Quảng Nam ((Tam Kỳ - Hội An - Cửa Đại - Mỹ Sơn) - Huế
Đà Nẵng - Quảng Nam - Kon Tum
HUỲNH HẰNG
Theo Infonet


Bình minh dịu dàng trên phố Hội

 

(iHay) Khi tia nắng đầu tiên chiếu xuống, Hội An cứ nhẹ nhàng chuyển mình thức dậy đón những niềm vui mới. 


Một buổi sáng đi phượt ở Hội An, bạn sẽ được thỏa thích hưởng thụ không khí trong trẻo, cực kỳ yên bình, rồi thả bước lang thang khắp phố cổ, dọc ra bến Bạch Đằng, qua chùa Cầu, tới những con phố còn vắng lặng… để ngắm nhìn cư dân phố cổ bước vào một ngày mới.
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 1
Bình minh vừa lên bên sông Hoài
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 2
Ngõ phố nhỏ vẫn còn im lìm chưa thức giấc
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 3
Phố Bạch Đằng thấp thoáng bóng người
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 4
Buổi sáng, bạn sẽ chiêm ngưỡng rõ ràng hơn kiến trúc ngôi chùa
Cầu nổi tiếng của Hội An
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 5
Dàn hoa giấy tô điểm cho ngôi nhà cổ thêm xinh xắn
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 6
Mái ngói âm dương xuôi dọc thời gian như chứng tích của lịch sử thăng trầm
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 6
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 7
6 giờ sáng, đường phố vẫn còn rất vắng
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 8
Các ngôi nhà cổ ở Hội An đa số là nhà ống có mặt tiền hẹp, chiều cao
không quá hai tầng
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 9
Bữa sáng tĩnh lặng trong quán cóc bên đường
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 9
Nắng đã bắt đầu trải vàng mượt trên những con đường quanh co
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 10
Nắng lấp lánh trên những mái ngói rêu phong
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 11
Một gallery mở cửa đón khách sớm
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 12
Ngắm nhìn những ban công nhà cổ, thấy lòng bình yên mà hoài niệm
Bình minh dịu dàng trong phố Hội 13
Bình minh dịu dàng ở Hội An sẽ khiến nhịp bước chân chậm lại. Trên mảnh đất nhỏ nhắn nhưng vô vàn những điều thú vị này, có lẽ bạn cần thời gian và cái tâm thật tĩnh mới có thể cảm nhận hết được
 Linh San
Ảnh: Seiya

"Tà tà" ở Hội An

Bạn bè tôi ai ai cũng đã đi Hội An (Quảng Nam) vài chục lần mà rồi vẫn thèm thuồng muốn đi nữa. Có người tổng kết: 3 năm đi Hội An 5 lần, mỗi lần đến lại cùng một bạn đồng hành khác và bảo, chỉ có người tình là bỏ ta đi, còn Hội An thì vẫn luôn đứng đó.

Cả mùi vị món ăn và không khí phố xá cũng vẫn vậy, chẳng đổi thay.
"Tà tà" ở Hội An 1
Hội An bình dị hút khách khắp năm châu - Ảnh: Nam Vinh
Một Hội An dung dị, văn minh tựa người phụ nữ đẹp mặn mòi, hiểu chuyện thấy dễ mến, càng tiếp xúc càng mê mẩn. Câu chuyện với vùng đất có duyên ấy cứ miên man từ năm này qua năm khác, không dứt ra được.

Sống chậm với Hội An

Nhịp sống ở Hội An gợi cho ta những ngày tháng ở Luang Prabang, kinh đô cũ của Lào. Chậm rãi, khoan thai, mọi đền đài nhà cửa đều xinh nhỏ, giống nhau vô cùng. Có khác chăng là ở Hội An không có núi đồi và ở Luang Prabang thì không có biển khơi.
Quán cơm gà bà Buội chẳng vội vàng gì, cứ bán tà tà tầm trưa là đã hết cơm, hết gà. Khách đường xa quen thói ở thành phố lớn lúc nào cũng sẵn đồ ăn mời chào mà tầm 1g chiều mới qua thì đừng mong còn cơ hội gọi món. Cơm dẻo nóng thơm rưới nước gà mỡ màng, trộn đều với thịt gà thơm phức, hành răm, chu choa, tự dưng người Bắc sao thốt lên tiếng của người Trung, người Nam là sao ta? Vì ngon quá đấy mà.
Quán xá ở các mặt phố tập trung đông khách nước ngoài vẫn màu sắc ấy, từ bao năm rồi nhỉ? Đã hơn chục năm trôi qua kể từ lần đầu tôi gặp gỡ Hội An, nhiều quán mới mở ra nhưng phong cách vẫn trầm, vẫn chậm, vẫn kỹ lưỡng như thế. Quán mới không bị chọi với quán cũ, lại hòa vào với tổng thể chung. Và tôi vẫn ngồi ở một góc nào đấy, có thể là Cà phê Hải, có thể là cạnh chiếc xe đạp mô hình làm bằng tre của quán... , có thể là tì tay lên mặt bàn tết song mây ở quán Tam Tam nhìn ngắm người qua lại, ngắm kẻ lữ khách suy tư góc quán mặt đường đối diện. Cũng có khi cười khúc khích khi một tốp khách Âu trẻ tuổi hưng phấn hát vang trên phố.
Đến lúc mình quay trở về nơi trú ngụ thì lại không đủ can đảm làm ồn như những người ngoại quốc nọ, tự đi nhẹ nói khẽ cười duyên và còn đưa tay lên miệng ra dấu với bạn khi bạn hưng phấn tăng âm lượng. Tự thấy mình thật ngại nếu làm xao động không gian tĩnh lặng thoảng mùi hương sử quân tử, hương hoa nhài và quấn quít mùi hương ai đốt bên thềm trước khi cài then đi ngủ.
"Tà tà" ở Hội An 2
Sống chậm ở Hội An - Ảnh: Nam Vinh
 "Tà tà" ở Hội An 3
Trong nhà cổ Đức An - Ảnh: Nam Vinh

Có "xí" thôi hà

Thời gian càng trôi, càng thấy Hội An thật bé nhỏ. Lần đầu đến còn mỏi gối đi tìm từ dãy phố nọ sang dãy phố kia, nay vừa thong dong lượn hết mấy con đường chính Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học... rồi tiến qua cầu sang bên thôn Cẩm Nam đã nhìn thấy bạn mình đang bấm cò... máy ảnh choách choách. Cũng như cảm giác về thăm lại căn nhà nhỏ thời ấu thơ, sao mà bé tẹo, sao mà trong trí nhớ khoảng sân rộng thế, chập chững bước mãi mới băng hết sân ra vườn ngắt một nụ hồng.
Vậy là mình đã trưởng thành, đã lớn rồi còn Hội An vẫn mãi dung dị thế, vẫn hồn hậu đón ta mỗi lần có dịp ghé. Cho dù là ngày bão lũ, nước dâng thì mình chèo thuyền trên phố; cho dù là ngày nắng đẹp, thảnh thơi chụp ảnh chân dung; cho dù là ngày sụt sùi gió bấc, ta lại nâng bát chè trôi nóng hổi thơm phức vị gừng rồi uống từng ngụm nhỏ tự sưởi ấm trong lòng.
Những phố cổ xinh nhỏ san sát nhà ống quét ve vàng hườm, mái ngói không chỉ có rêu mà còn đầy cỏ bám. Gió từ sông Hoài thổi qua, những đám cỏ dài lại dập dờn rung rinh. Nhà cửa ở Hội An vừa lạ lại vừa quen, vẫn kiểu nhà phố mặt tiền tận dụng buôn bán, vào giữa có sân, bậc thang gỗ lên gác, tường mỏng tiết kiệm diện tích như muôn vàn kiểu nhà xưa trên đất Việt; nhưng ở Hội An là cả một tập hợp nhà phố mang cho ta một hình ảnh khác.
Đâm ra người Việt vẫn thích ngắm nhà Việt ở Hội An. Tất nhiên có bạn sẽ cự nự mà rằng, nhà phố Hội An mang âm hưởng, hơi hướm, dấu ấn của khách buôn người Nhật, người Tàu; nhưng chắc chẳng ai phản đối điều này, nhà cửa dù kiểu nào chăng nữa, khi đã xây trên đất nước nào thì mang hồn của người dân nước đó rồi. Thời tiết, khí hậu, địa hình, phương hướng, thói quen sinh hoạt dân cư đã định hình phong cách của những ngôi nhà, cho dù người xây là ai, từ đâu đến.

 "Tà tà" ở Hội An 4
Dây tơ hồng vấn vít vấn vương hồn người lữ khách ở Hội An - Ảnh: Nam Vinh
 "Tà tà" ở Hội An 5
Những đêm đèn lồng lung linh soi dọc hai bờ sông Hoài - Ảnh: Nam Vinh

Đi thăm Hội An từ chỗ nọ qua chỗ kia đều có "xí" (chút xíu) thôi, người Quảng Nam cười hồn hậu bảo thế. Phố cổ, chùa Cầu, các hội quán rồi qua Cẩm Nam nhìn nắng rọi qua đám lá xanh ngọc; làm một chuyến đi thuyền trên sông Hoài Phố thăm làng gốm Thanh Hà, làng chài hay đạp xe ra biển Cửa Đại chơi đùa trên bãi cát mịn mênh mông, thảy đều gói gọn trong ngày được.
Nhưng người ta đâu đến Hội An để "điểm danh" các địa điểm nhỉ. Đến chỗ nào cũng đều có "xí" thôi, vậy thì mình phải hưởng cái thú thong dong để kéo dài "cái xí" đó thật lâu.
Không nhất thiết phải tìm đến Hội An vào những đêm rằm các nhà đều treo đèn lồng đỏ, đêm nào ở Hội An cũng làm người ta say men tình, đêm nào cũng thấy phố và mình cùng tỏa sáng lung linh, như ngọn đèn chao lụa trước cửa nhà ai.
Theo Minh Lý/Tuổi Trẻ
.

Đẹp lắm Hội An ơi!

(iHay) Tôi đến phố cổ Hội An khi trời đã tắt nắng. Mặc dù biết mình rất bất lịch sự, nhưng tôi không thể ngừng hét lên sung sướng vì quá ưng vẻ đẹp của mảnh đất này.



Tôi từng được nghe kể rất nhiều về vẻ cổ kính, trầm mặc của Hội An. Được biết rất nhiều thông tin rằng Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhưng cho tới khi “mục sở thị”, quả thực tôi vẫn thực sự sửng sốt vì Hội An đẹp hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

Cầu An Hội rực rỡ đèn lồng
Hành trình khám phá Hội An của tôi bắt đầu từ 7 giờ tối. Người bạn là dân Hội An chính gốc đã “khuyến cáo” tôi chỉ có khoảng 3 giờ đồng hồ để lang thang ngắm phố cổ, mua sắm và thưởng thức những món ngon nổi tiếng nơi đây. Bởi quán xá ở Hội An thường đóng cửa khá sớm.
Ấn tượng đẹp đẽ đầu tiên của tôi về Hội An là vẻ lung linh của cầu An Hội dưới ánh đèn lồng. Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc làm không chỉ làm cho cây cầu thêm duyên dáng, khiến con sông Hoài thêm chất thơ, mà còn khơi gợi được cảm xúc rất sâu lắng trong lòng du khách.

Phố bên sông Hoài
Nếu như đèn lồng được ví như “đặc sản” Hội An thì những chiếc đèn hoa đăng chính là “món gia vị” không thể thiếu trong “bữa tiệc” ánh sáng lung linh của đêm phố Hội. Đèn hoa đăng được bán rong rải rác khắp hai bờ sông Hoài với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/3chiếc.
Người Hội An nói rằng, một chiếc đèn hoa đăng thả xuống dòng sông sẽ xóa đi một muộn phiền và biến một điều ước của bạn thành hiện thực. Dẫu không phải là người mê tín, nhưng tôi cũng không thể từ chối được thú vui “rất Hội An” này.
Nằm ngay bên bờ sông Hoài, đường Bạch Đằng chứa đựng rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hội An. Dãy quán cóc san sát nhau trên con đường này chính là nơi cực kỳ lý tưởng để bạn thưởng thức hàng loạt món ẩm thực Hội An nổi tiếng như cao lầu, mì quảng, cơm gà, bánh bao, bánh vạc và đủ loại chè…
Sau khi no bụng, bạn lại có thể đi tìm những phút giây thư giãn tinh thần tại sân khấu hát bài chòi. Có thể thấy rằng hát bài chòi đã đem lại không khí sôi nổi giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp yên bình vốn có.
Cách cầu An Hội chỉ vài bước chân là chùa Cầu. Ngôi chùa nổi tiếng này có thiết kế khá đặc biệt bởi nó chính là cây cầu nối hai bờ một khe nước chảy xuyên qua lòng phố cổ. Bên cạnh đó, mái ngói âm dương huyền bí của chùa Cầu vẫn được biết đến như một biểu tượng của Hội An trong nhiều thế kỷ qua.
Ngoài đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An còn ba con đường chính: Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học. Thả bộ chầm chậm trên những con phố nhỏ uốn lượn mềm mại, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ trầm mặc, bạn sẽ cảm thấy như mình đang lạc vào một không gian rất lạ: vừa hiện đại, vừa xa xưa.
Trên đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học, bạn sẽ tìm mua được rất nhiều món đồ lưu niệm đúng chất Hội An như quạt lụa, đèn lồng, đặt may cấp tốc những bộ đầm, bộ vest hay ghé thăm galaxy trưng bày ảnh, tranh đặc sắc về Hội An.

Những quán cà phê được trang trí bằng đèn lồng lung linh, huyền ảo
Bởi Hội An là một mảnh đất “sống” nhờ du lịch nên người dân nơi đây tỏ ra rất có kinh nghiệm trong cách cư xử với du khách thập phương. Đa phần các cửa hàng ở Hội An đều đón khách lịch sự và gần gũi.
Bạn có thể ướm thử, hỏi giá, mặc cả thoải mái và cuối cùng quyết định không mua, nhưng người bán hàng vẫn luôn tiễn bạn bằng nụ cười rất thân thiện.
Những ngôi nhà cổ cũng là điểm tham quan không nên bỏ qua. Bạn sẽ được chủ nhà mời vào dùng trà và kể cho bạn nghe những câu chuyện về tuổi thọ cả trăm năm của ngôi nhà.
Có một điều khá thú vị là thay vì việc bán vé tham quan, chủ nhà sẽ đề nghị bạn tùy tâm đóng góp tiền vào một chiếc thùng để hỗ trợ họ bảo tồn và tu sửa những chứng nhân lịch sử này. 
Quả đúng như lời người bạn tôi đã nói, quán xá Hội An đóng cửa rất sớm. Khi đồng hồ điểm 10 giờ đêm, rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách Tây vẫn còn lang thang trên đường thì quán xã đã đóng cửa gần hết.
Dẫu đang trên đà phát triển du lịch nhưng dường như Hội An vẫn giữ được sự chừng mực của một nền văn hóa truyền thống phương Đông, để không bị những loại hình dịch vụ hút khách làm nhộn nhạo, xô bồ.
Ai đó đã nói rằng Hội An giống như một thiếu nữ tuổi đôi mươi dịu dàng, êm ái rất dễ làm say lòng người. Nhưng “cô gái đẹp” này luôn giữ trong mình những quy tắc nề nếp, gia giáo nên sẽ "về nhà trước giờ giới nghiêm".


 
Những cậu bé…
 
… cô bé bán đèn hoa đăng bên sông Hoài
 
Âm nhạc truyền thống bài chòi rất có sức hút với khách du lịch
 
Chùa Cầu – “viên ngọc” giữa lòng Hội An
 
Những con đường đẹp mộc mạc, bình yên
 
vẻ trầm mặc trong một ngõ phố
 
Một cửa hàng bán đèn lồng
Phượt thủ Linh San
Ảnh: Seiya

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét