Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Lên Hòa Bình ăn tết Nhảy


Bài và ảnh: Hạnh Thư








Bộ tranh thờ được treo trên tường, nơi diễn ra các nghi thức cúng lễ trong tết Nhảy.
(TBKTSG Online) - Cùng một bạn đồng nghiệp, hai chị em chúng tôi cưỡi xe máy vượt chặng đường khá dài, vòng vèo, trơn trợt từ thủ đô Hà Nội lên bản Suối Rèo (xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Chúng tôi dùng xe máy, dù hôm đó trời có mưa bay là để có thể vào đến tận bản ở khá sâu, phần cũng vì cả hai đều rất ngán cái cảm giác quay cuồng, liêu xiêu khi bị say xe.
Một kiểu ăn tết rất lạ
Hôm ấy, bà con người Dao ở bản Suối Rèo tổ chức ăn tết Nhảy, một sự kiện mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh kéo dài trong ba ngày đêm nhưng chỉ diễn ra sau 12 đến 15 năm mới có một lần. Vì thế, không quá lời khi nói “phải may mắn lắm mới có dịp ăn một cái tết Nhảy với người Dao”. Tết Nhảy thường được tổ chức trong ba tuần cuối của tháng Chạp, trước tết Nguyên đán. Đó là dịp cả bản tập trung tại một nhà trong bản, cùng nhau ăn uống, nhảy múa.
Chủ nhà phải chuẩn bị trước, đầy đủ các vật dụng dùng trong lễ cúng như kiếm, dao… được làm bằng tre rất tỉ mỉ.
Để có thể "đăng cai" cuộc vui, gia đình được lựa chọn phải có ít nhất số tiền 15 đến 20 triệu đồng. Đôi khi người ta phải chuẩn bị trước khoảng 5 năm để có thể mua sắm các vật dụng cũng như thực phẩm cần thiết phục vụ cho ngày tết. Nhưng chuyện tiền bạc cũng không phải là điều kiện chính. Theo người trong bản, ngoài khả năng tổ chức, gia đình nào có cuộc sống hòa thuận, gương mẫu và được cho là hạnh phúc trong bản mới được lựa chọn để tổ chức cái tết này. Và khi đã được lựa chọn, dù tốn kém, người trong gia đình đó cũng vô cùng hãnh diện và vui vẻ, dù rất tốn kém và mỏi mệt sau những ngày vui chơi thỏa thích.
Đầu tiên, thứ không thể thiếu, và cũng là quan trọng nhất trong ngày tết Nhảy chính là bộ tranh thờ 2 cuộn bao gồm 15 bức tranh. Bộ tranh dùng để treo trong những ngày Tết vẽ các tướng quân, vệ sỹ, Diêm vương phán xét… được mua từ Hà Đông (Hà Nội). Để có được bộ tranh thờ, không chỉ lặn lội đường xa, gia chủ còn phải bỏ ra số tiền từ 5 đến 10 triệu để sở hữu bộ tranh này. Tuy vậy, sau khi mang về, bộ tranh cần phải được làm lễ Khai quang mới chính thức được công nhận, sử dụng trong lễ nghi, thờ cúng. Sau lễ Khai quang là lễ Lập tĩnh tiếp đến là lễ Tạ mả và lập bàn thờ, bắt đầu cho những ngày tết đặc biệt.
Món xôi trắng và bánh dày làm đồ cúng.
Bên cạnh việc mua về bộ tranh thờ, người Dao còn tự tay làm những dụng cụ gồm những thanh gỗ có họa tiết, hoa văn mang hình dáng con dao, thanh kiếm, cái mai, thuổng, lệnh bài... phục vụ các nghi lễ khác nhau. Đây đều là những vật dụng không thể thiếu được trong tết Nhảy. Nó tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên đã dùng để lao động, chống giặc…
Ngoài bộ tranh giữ vai trò tâm linh trong tết Nhảy, gia chủ cũng cần chuẩn bị 5 con lợn, gà thực phẩm làm cỗ để mời anh em họ hàng và cả làng gần xa đến ăn uống. Để có được 5 con lợn nặng đến mỗi con một tạ, gia đình ông Triệu Tiến Hoa - người tổ chức tết Nhảy cho biết, gia đình ông đã nuôi trong vòng 5 năm. Gạo nếp nấu xôi thì chuẩn bị từ hơn một năm trước.
Thịt lợn treo trong một góc bếp của gia đình già làng Triệu Tiến Hoa.
Sau khi các thầy mo làm lễ xong, người trong nhà bắt đầu mổ lợn ăn mừng. Do đường trơn, trời mưa ngày càng nặng hạt, chúng tôi đến được nhà già làng cũng đã gần trưa; khi các nghi lễ lập bàn thờ và việc mổ lợn đã hoàn thành, người dân trong làng đã bắt đầu nhảy múa.
Rượu, thịt và nhảy múa
Chỉ khoảng nửa tiếng sau khi chúng tôi tới nơi, bữa tiệc đầu tiên trong 3 ngày tết đã được bày ra để thết đãi mọi người. Tôi hơi ngạc nhiên khi mâm cỗ dọn ra chỉ có rượu và thịt. Trong mỗi mâm, thịt lợn được xếp vòng tròn vun cao, bên dưới lót lá chuối, hai bên vành mâm có hai nhúm muối trắng, và một bát nước nước mắm hành đặt giữa hai nhúm muối. Hỏi ra mới biết, tất cả những thứ đó đều bắt buộc phải có trong mâm cỗ của người Dao nơi đây. Ngoài ra, món nước sít được coi là món ngon nhất. Đó là nước luộc thịt lợn và được thêm gia vị vào. Tuy nhiên, người Dao có cách pha chế riêng nên nước sít của họ rất ngọt và có vị thơm.
Thích nhất trong tết Nhảy có lẽ là lũ trẻ con, vì chúng được ăn thịt thoải mái và các loại bánh kẹo được già làng phát cho để lấy may mắn. Dù còn rất nhỏ, nhưng trẻ cùng cao đã biết tự nhóm lửa để chống rét.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì gọi là cỗ mà chỉ toàn mỗi thịt lợn, một người ngồi cùng mâm giải thích, rượu thịt là thứ dùng chính trong ba ngày tết. Ngoài ra còn có thêm xôi trắng (chỉ nấu từ nếp, không có đậu hoặc thứ gì khác) và bánh dày (giã theo cách thủ công từ xôi trắng). Tuy nhiên, do hai món xôi và bánh dày chủ yếu dùng để cúng nên trong mâm cỗ chỉ thấy có rượu và thịt thôi.
Trong ba ngày tết Nhảy, tiệc tùng không ngớt được dọn ra không biết bao nhiêu lần và cũng không hạn chế bao nhiêu mâm. Cứ có người ngồi là dọn mâm và cứ hễ nhảy múa mệt thì bày rượu thịt ra ăn uống, ăn uống no say lại vào nhảy. Và cứ thế, trong ba ngày tết Nhảy, không hiểu có phải vì men rượu chuếnh choáng hay vì sự nhiệt thành của mỗi người tham gia mà những điệu nhảy ngày càng đông và nhiệt tình dù trời về khuya càng lạnh hơn.








Điệu múa rùa đặc trưng với nhạc cụ quan trọng là chũm choẹ (tượng trưng cho con rùa) làm bằng đồng.
(TBKTSG Online) - Sự ngạc nhiên của chúng tôi chưa dừng lại ở những thực phẩm phục vụ ngày tết và quãng thời gian chuẩn bị cho nghi thức này. Những nét văn hóa, các điệu nhảy của người Dao trong suốt ba ngày ba đêm còn khiến chúng tôi nể phục; nhất là sự dẻo dai, nhiệt tình của người dân nơi này.
Không biết bao nhiêu lần, trong quãng thời gian ba ngày đó, chúng tôi được nghe lại cùng một nhịp chiêng, trống, mõ; xem các điệu nhảy với mỗi điệu một ý nghĩa khác nhau. Người trong bản cho rằng, trong ba ngày ba đêm làm lễ tết, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng (dài khoảng 83 trang và gần 10.000 chữ). Thầy mo bắt nhịp và nhảy phía trước, thanh niên trai tráng và các ông cùng nhảy theo nhịp. Điều đặc biệt trong các điệu nhảy của người Dao là tuyệt nhiên không có nữ giới tham dự. Mặc dù vậy, các bà, các mẹ, các chị và các em gái vẫn rất hào hứng, ăn mặc chỉnh tề, mặc trang phục đẹp và… đứng ngoài xem.
Dịp vui chơi dành riêng cho đàn ông
Dù không được tham dự một điệu nhảy nào nhưng phụ nữ người Dao vẫn ăn vận rất đẹp, theo lối truyền thống để đón tết.
Tết Nhảy bắt đầu khi thầy bói gieo quẻ xin trời đất. Người mở đầu cho những bài nhảy trong ba ngày tết chính là thầy cúng; ông thay mặt gia chủ xin phép tổ tiên chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức tết Nhảy. Sau đó theo chân hai thầy bói, thanh niên người già trong bản bắt đầu trình diễn các điệu múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông. Các điệu múa mang tính hình tượng cao; tất cả những điệu múa, lời hát trong dịp tết Nhảy thường thể hiện ước mong những điều tốt lành, hạnh phúc.
Trong các điệu nhảy này, tôi thấy độc đáo nhất là điệu múa tế rùa. Tất cả nam giới, đứng thành vòng tròn (số người cùng nhảy phải là con số lẻ); hai người một quay mặt vào nhau. Mỗi người cầm một thứ nhạc cụ nào đó hoặc một đồ vật có thể tạo ra âm thanh theo mỗi điệu nhảy. Khi chân phải bước lên trước, chân trái khụy gối thấp hơn thì đồng thời hai tay cầm nhạc cụ gõ vào nhau và cùng đưa sang phía chân phải đang bước lên trước. Động tác khá đơn giản, nhưng điệu múa đòi hỏi sự khéo léo và uyển chuyển sao cho nhịp âm thanh trên tay, nhịp nhảy của chân và nhịp hát cùng một điệu và hòa cùng những người khác đang cùng nhảy. Đó chỉ là những động tác đặc trưng trong suốt vũ điệu tế rùa.
Rùa là một trong hai loài động vật được người Dao tôn thờ và kiêng không bao giờ ăn thịt. Chính vì thế, điệu múa rùa cũng mang nhiều ý nghĩa đối với người Dao dù điệu nhảy lời hát có khác nhau đôi chút. Có một truyền thuyết chung giữa những nhánh người Dao: Vào một ngày, ở khu rừng nọ có loài ác thú đến phá phách nhà cửa, nương rẫy của dòng họ người Dao. Tuy dân làng hợp sức chống trả nhưng không thắng nổi. Bỗng nhiên, từ dưới suối xuất hiện một đàn rùa tiến đến nơi đang diễn ra cuộc giao tranh giữa ác thú và người Dao mà lợi thế đang nghiêng về ác thú. Vốn có chiếc mai cứng, nên dù có tấn công thế nào, ác thú cũng không làm rùa bị thương. Thừa lúc kẻ địch sơ hở, rùa liền cắn vào chân ác thú và khiến chúng không chạy được và đã bị dân làm hạ gục. Nhờ đó, người Dao thoát khỏi hiểm họa và bình an trong cuộc sống.
Từ đó, người Dao luôn nhớ công ơn của loài rùa. Họ đã dùng đồng, nhờ thần núi đúc thành hình con rùa - đó chính là cái chũm chọe được dùng trong các lễ tiết quan trọng, đặc biệt là tết Nhảy. Ý nghĩa giao hòa âm dương của đôi chũm chọe, trong nghi thức nông nghiệp của người Dao còn có hàm ý cầu mong sấm chớp, mưa thuận gió hòa, cầu cho gia chủ, dân làng được mùa, bình an.
Thầy mo bắt đầu một điệu nhảy mới.
Tất cả động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục cùng sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Qua những động tác hình thể của điệu múa rùa người Dao muốn cẩn cáo với Bàn Vương rằng họ vẫn không ngừng bảo vệ loài rùa. Và rồi, trong suốt tết Nhảy, điệu múa cứ thế lặp đi lặp lại và đan xen với múa chuông, múa kiếm, chạy cờ... cứ hết tốp này đến tốp khác thay phiên nhau liên tục cho tới sáng. Các màn múa còn mô phỏng lại chiến công giết giặc ngoại xâm bảo vệ xóm làng của tiền nhân. Chiến thắng trở về, ca khúc khải hoàn các tướng mở tiệc khao quân.
Xin nói thêm một chút về tục thờ cúng Bàn Vương (Piền Hùng) của tất cả các nhóm người Dao ở Việt Nam. Đó là điểm chung về tín ngưỡng, tuy nhiên, mỗi nhóm Dao lại có quan niệm khác nhau về Bàn Vương. Ví dụ như Dao đỏ, Dao quần chẹt thì cho rằng, Bàn Vương là người đã có công cứu người Dao bằng việc đưa họ đi lánh nạn trên 7 chiếc thuyền vượt qua biển lớn đầy sóng dữ, thủy quái xuôi về phương Nam định cư yên ổn.
Trong khi đó, người Dao quần trắng thì quan niệm Bàn Vương giống như một người đứng đầu trong một dòng họ… Một số nhóm người Dao khác thì lại cho rằng, Bàn Vương vốn là một vị vua của một nước nhỏ nhưng tài giỏi, mưu lược nên đã có công bảo vệ tộc người Dao chống lại sự xâm lược, áp bức của những nước lớn.
Ăn, uống, hát, nhảy... suốt ba ngày
Mải mê với các điệu nhảy, chỉ một loáng sau khi vừa dự bữa tiệc, tôi lại thấy chủ nhà dọn mâm thết đãi tiếp. Không nhớ, đây là lần thứ bao nhiêu mâm cỗ được bày ra trong khoảng thời gian này; chỉ biết rằng, rượu vẫn rót được đầy cốc, mâm cỗ chỉ có mỗi món thịt lợn vẫn được vun đầy giữa mâm. Để rồi, chủ nhà lẫn khách, không lúc nào ngớt “ngà ngà” cho những điệu nhảy càng thêm "bốc lửa".
Hai thanh niên trong bản đang thể hiện điệu múa kiếm trong sự hào hứng, phấn khích.
Trong suốt ba ngày ba đêm, các nghi lễ cũng trong  ngày tết Nhảy được đan xen với tiệc ăn mừng rượu. Cứ múa hát, nhảy xong lại uống rượu. Tan bữa rượu lại tiếp tục lễ nhảy với những bài hát nói, điệu múa cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe, may mắn trong cuộc sống; tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc bảo vệ quê hương của các bậc tiền nhân. Người nào còn sức thì nhảy, mệt thì nghỉ và người khác thay thế. Cứ thế, trong nhà, không lúc nào vắng người nhảy múa.
Và rồi cuộc vui cũng đến lúc tàn, sau ba ngày tết, ba vị thầy mo, thầy bói mặc váy với áo thêu lên đồng; sau đó ra ngoài cửa chính thổi tù và với ý nghĩa rước Ông Trời (Giàng) để các thầy làm lễ “trả chiều”, ý là báo cáo đã hoàn tất lễ tết Nhảy. Hết tết, ai về nhà ấy, để rồi công việc nương rẫy lại tiếp tục trở lại bình thường; để sau khoảng 12 đến 15 năm nữa họ mới tổ chức lại tết Nhảy khác.
Men say chếnh choáng của những ly rượu với lời chúc từ đáy lòng của đồng bào người Dao vẫn làm cho người dự cái tết Nhảy đầu tiên như tôi còn cảm thấy nguyên vẹn và nóng hổi như mới hôm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét