Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Về miệt vườn đi chợ ’Thứ Ba’

Ai cũng biết miền Bắc là “quê hương” của các loại chợ phiên nhưng hiếm người biết ở ĐBSCL cũng có loại chợ độc đáo này.
Đó là chợ phiên Quới An ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long): Hơn mười năm qua, chợ này chỉ nhóm họp vào sáng thứ ba, nên bà con miệt vườn gọi là “chợ thứ ba”.
Xã Quới An là một xã vùng sâu, nằm bên trong Quốc lộ 53, cặp sông Cổ Chiên. Muốn đến chợ phiên này đi bằng hai cách: Đi đường bộ theo Tỉnh lộ 901 (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) trên Quốc lộ 53, đến cuối đường quẹo phải 100 m là thấy chợ phiên Quới An hoặc đi đường thuỷ trên sông Cổ Chiên vào. Ngã ba sông này là nơi hợp lưu sông Cổ Chiên và sông Mang Thít.

 
Bán đủ “đồ khô”, “đồ ướt”

Chợ nhóm lúc 5 giờ sáng trên khoảng đất vài trăm thước vuông thuộc nền đất trống trước UBND xã Quới An, đến khoảng 11 giờ chợ tan. Náo nhiệt nhất là từ 7-8 giờ sáng. Tờ mờ sáng, các chuyến xe chở đầy hàng tấp nập qua phà Mang Thít để nhóm chợ. Người bán từ nhiều địa phương thường đổ đường đến đây bằng xe gắn máy hay xe tải nhẹ.

Chợ phiên Quới An bán đủ các mặt hàng. Khu chợ “đồ khô” lúc nào cũng thu hút đông đảo chị em. Chị Võ Thị Thu, đến từ TP.Trà Vinh (Trà Vinh), cho biết hàng giày dép của chị đa số là hàng dạt, hàng kém chất lượng của những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhưng vẫn còn xài tốt. “Chợ quê mà! Hàng đẹp, giá cao thì làm sao người ta có tiền mua, nên tui chọn hàng bèo bán tới tới! Nếu ai mua nhiều nhiều, tui sẽ bớt một vài ngàn “tình nghĩa”. Một ngày tui cũng kiếm được 200.000 – 300.000 đồng tiền lời”, chị Thu vui vẻ nói.


Hàng quần áo ở chợ phiên Quới An khá xôm tụ với đủ loại, từ hàng xịn, có nhãn mác của các công ty trong nước cho tới hàng Trung Quốc nhập bằng đường tiểu ngạch. Quần áo bày bán dưới đất thường là hàng cấp thấp, giá rẻ, nhưng được may bằng nhiều loại vải cầm mát, mịn tay với màu sắc bắt mắt nên rất được bà con ưa chuộng. Người ta hay gọi đó là đồ “si”. Thật ra, đây là những mặt hàng được các nhà sản xuất nhỏ lẻ ở TP.HCM làm gia công nên có giá “mềm”, do lấy công làm lời.
 
Khu bán “đồ ướt” nằm trong và quanh nhà lồng. Nếu như ngoài Bắc, chợ phiên thường bán thổ cẩm thì chợ phiên Quới An chuyên bán… thổ sản. Các loại “đồ ướt” ở đây gồm: rau cải, trái cây, cá mắm... Chị Đoàn Thị Bảy, ở bên kia phà Mang Thít, cho biết rau nhà chị tự trồng, không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên rất được bà con tín nhiệm.

Tuy lời ít nhưng bán số lượng nhiều nên kiếm được cũng “bộn”. Trong nhà lồng chợ, còn có một dãy chuyên bán khô cá biển, khô cá đồng.... Đặc biệt, các loại mắm đặc sản miền Tây, như: mắm lóc, mắm trê, mắm sặt, mắm cá chốt, mắm trèn, mắm cá cơm... tỏa thơm cả một khu chợ.


Chợ văn hóa

Chợ phiên Quới An có một lịch sử ra đời khá “ngộ”. Vào năm 1997, có chiếc ghe chở mấy tấn khô từ Sông Đốc (Cà Mau) đi TP Hồ Chí Minh bán. Khi đi ngang qua đây đột ngột hư máy nên phải nhờ thợ máy sửa. Thợ máy tại đây cho biết phải mất mấy ngày may ra mới sửa được.

Theo giao kèo, ghe phải giao đúng hẹn, nếu trễ chủ ghe phải ôm hàng. Vì vậy, chủ ghe liền đem số khô lên khoảng đất trống bày bán. Khô Cà Mau nổi tiếng là ngon: vậy nên một người mua ăn khen ngon, nhiều người khác xúm lại mua, chẳng mấy chốc khô sạch trơn trong ngày, đó là ngày thứ ba. Với tính nhạy bén của thương nhân, cũng vào ngày thứ ba tuần sau chủ ghe lại chở khô, chở mắm lên bán và tiêu thụ hết trong ngày.

Từ đó, các thương lái khô, mắm Cà Mau biết được, ùa nhau chở hàng lại đây bán cũng vào ngày thứ ba.
Tiếng lành khô Cà Mau ngon lại rẻ, người địa phương gần đó đổ về mua khô, mua mắm ngày một đông, các mặt hàng khác cũng tìm đến bán ngày thứ ba. Thế là Quới An trở thành điểm giao thương lý tưởng, lâu ngày trở thành thông lệ, thành chợ phiên phát triển mặt hàng đa dạng như bây giờ.

Càng phát triển, càng thu hút thêm người bán, người mua nhưng chợ phiên Quới An có nét văn hóa đáng quý là không nói thách; dù khách đến hỏi nhưng không mua hàng thì người bán chỉ “trả lời” bằng nụ cười thân thiện. Điều đáng khen nữa là dù chật hẹp, đông người qua lại nhưng chợ Quới An vẫn giữ được an ninh trật tự, không có nạn móc túi, xe gắn máy của khách cứ để tự nhiên không cần bãi giữ...

Theo Chủ tịch UBND xã Quới An Bùi Tấn Lộc, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con mua bán. Trong tương lai, Quới An sẽ trở thành chợ đầu mối. Xã sẽ dời khu hành chánh, nhường 1,4 ha đất lập chợ, nhà phố để chợ phiên Quới An ngày càng buôn bán phát đạt; đặc biệt là phát huy nét văn hóa giao thương độc đáo của vùng sông nước miệt vườn, phát triển du lịch địa phương...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Thanh Niên, báo Cà Mau và nhiều nguồn ảnh khác.
Cà Mau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét