Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Bài thuốc từ rau om

(LV) - Nghe tên lạ nhưng lại rất gần gũi với đời sống, đặc biệt là những công dụng đáng ngạc nhiên của rau om với sức khỏe

Rau om có nhiều tên gọi như rau ngổ thơm, rau ngổ trâu, ngò om, ngổ hương, cúc nước, thạch long vĩ… Tên khoa học của nó là Limmophila chinensis thuộc họ Scrophulariaceae. Nó là loại gia vị có tác dụng chữa bệnh phổ biến trong dân gian. Với mục đích làm thuốc, người ta rửa sạch rau om, cắt ngắn dùng tươi hoặc phơi khô dành. Quanh năm, rau có thể mọc nhiều dưới các triền cát ẩm thấp, các khe nước hoặc hồ nhỏ. Đặc biệt, rau om được trồng phổ biến tại các vùng cát nóng ở miền Trung nước ta. Để trị bệnh, mỗi ngày có thể uống từ 10-16g rau om dưới dạng thuốc sắc, viên hoàn.
Khả năng chữa bệnh kỳ diệu
Cây rau om có vị chua cay hơi se, tính mát, mùi thơm rất đặc trưng. Trong rau có khoảng 92% nước, 2,1% protid, 1,2% glucid, 2,1% cenluloza, 0,29% vitamin B, 2,11% vitamin C, 2,11% carotene cùng nhiều tinh dầu (0,1%) chủ yếu là Limonene, Aldehyde Perilla, Monoterpenoid Cetone và Cis-4-caranone, các nhóm hợp chất Coumarine và Flavonoid có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm rất tốt. 
Trong y học cổ truyền nước ta, rau om dùng chữa bệnh sạn thận, làm thuốc lợi tiểu, chữa cơn đau thắt bụng… Nó còn là vị thuốc chữa chứng chán ăn, tiểu són, khó tiêu… Theo quan niệm của Đông y, nhờ vào đặc tính mát, vị chua, cay, mùi thơm nên rau om hữu thường dùng để giải độc, giúp lợi niệu, chữa lở ngứa ngoài da do phát ban, làm giãn cơ ruột, băng huyết, trị rắn cắn, giãn mạch, tăng hoạt động của thận, tiểu ra máu...

Theo y học cổ Ấn Độ, rau om có thể làm thuốc sát trùng, thông mật, thông tiện, kích thích hoạt động của hệ tiêu hoá, chữa chứng chán ăn, giúp hạ nhiệt, chống nôn, nước cốt rau trị nóng sốt và cho sản phụ uống khi sữa bị chua. Lá rau giã nhỏ đắp vết thương còn toàn bộ cây giúp tăng tiết sữa cho sản phụ sau khi sinh. Người Mã Lai còn dùng lá rau om làm thuốc đắp trị đau nhức chân. Rễ và lá sắc chung chữa thông đờm khi ho và trị nóng sốt. Còn người Trung Quốc dùng rau om trị chấn thương khi té ngã và phù thũng, sưng kết mạc, mụn ngoài da, các chứng rối loạn và đau khi hành kinh, tiết sữa cho sản phụ, chữa rắn cắn, bệnh cam tích ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, các nhà khoa học Thái Lan phát hiện chiết xuất của rau có tác dụng chống viêm tấy nhờ chứa hoạt tính kháng oxy hoá, có khả năng hấp thu các gốc tự do, các gốc NO và chống lại phản ứng oxy hóa lipid nên có tác dụng mạnh hơn các loại tinh dầu khác.
Đừng quên những bài thuốc hay
Do rau om có tác dụng giải độc, tiêu sưng nên được dùng chữa rắn độc cắn, vết cắt sưng phồng bằng cách lấy khoảng 20-40g sao vàng sắc nước uống hoặc đắp lá tươi lên vết thương đã rửa sạch. Y học Trung Quốc cũng ghi nhận bài thuốc này để chữa bệnh herpes, mảng tròn và nấm ngứa trên da. Một số người còn giã nát rau om tươi và lá kiến cò trộn chung với rượu trắng để chắt lấy nước uống còn phần bã đắp lên vết thương. Hoặc sao vàng rau om khô sắc lấy nước uống.
Để chữa sổ mũi, ho, ho gà chỉ cần sắc nước rau om để uống bệnh sẽ thuyên giảm ngay. Nếu bị ho lâu ngày do viêm phế quản mãn tính hoặc hay ngủ mớ, giã nhuyễn rau om vắt lấy nước cho thêm muối hột để uống vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy chưa chải răng súc miệng, ngưng 3 ngày rồi uống tiếp. Nếu uống lâu dài, bài thuốc này còn giúp làm đẹp da, bồi dưỡng thần kinh và chữa hiếm muộn.
Rau om có tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu… nên làm tăng lượng nước tiểu giúp tống sỏi thận ra ngoài. Vì thế, bài thuốc từ rau om giã nhuyễn trộn chung với mật ong để uống vào buổi sáng khi bụng đói có thể chữa bệnh sỏi thận, sỏi mật. Tuy nhiên, thời gian này tránh dùng các bài thuốc từ bạc hà. Hoặc giã nhuyễn rau om, chắt lấy nước uống chung với muối, có thể uống kết hợp với mã đề, râu bắp…
Đàn ông mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt được khuyên dùng rau om giã nhuyễn lấy nước trộn chung với mật gấu dạng nguyên chất, lá non của cây hoàn ngọc để uống hoặc ăn vào lúc nửa đêm, nếu uống liên tục trong hai tháng bệnh có thể được thuyên giảm. Nó cũng là bài thuốc cho người bị bệnh ung thư bao tử.
Những người ăn uống khó tiêu, hay đầy bụng, ợ hơi lấy rau om tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1.000ml nước còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
Lưu ý khi ăn rau om
Trong ẩm thực, rau om được dùng để nấu canh chua cá biển và cá đồng, làm rau ăn kèm với phở, hủ tíu, lươn um, lẩu chua, giả cầy…giúp mang lại hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, do thường chọn những nơi ẩm ướt để phát triển, trên thân lại có nhiều lông nên rau om dễ bị nhiễm khuẩn. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc nếu rửa tay không kỹ khi chế biến thức ăn. Nếu loại bỏ được nguy cơ này có thể tận dụng rất nhiều tác dụng của rau om.
Thuỳ Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét