Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Bình yên Chuyên Mỹ

KTĐT - Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên từ lâu được biết đến là vùng đất trù phú có nghề khảm trai độc đáo với lịch sử hàng ngàn năm. Không chỉ giàu có, cuộc sống nơi đây lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, yên bình và thắm tình đoàn kết nhờ mô hình dòng họ, họ giáo tự quản về an ninh trật tự (ANTT).
Giàu lên nhờ nghề

Ngay từ lối rẽ trên triền đê sông Nhuệ vào thôn Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, tiếng máy cắt, máy mài trai xoèn xoẹt hòa lẫn vào nhau tạo nên những thanh âm vui tươi, hối hả. Dọc hai bên con đường bê tông sạch sẽ là những bộ bàn ghế, tủ, sập, tranh khảm... tinh xảo và đẹp mắt được bày ra để giới thiệu hàng với du khách. Trong mỗi cơ sở sản xuất, những người thợ đủ lứa tuổi miệt mài làm việc. Người vẽ mẫu, người cắt, người khảm, người mài, người đánh vecni...

 
Khung cảnh bình yên tại xã Chuyên Mỹ.Ảnh: Quang Thiện
 
Ông Trần Hồng Quảng, chủ một cơ sở khảm trai thôn Chuôn Ngọ cho biết, hai năm nay, sản xuất của làng bị ảnh hưởng đáng kể do suy thoái kinh tế. Mặc dù vậy, đây vẫn là nghề mang lại thu nhập khá cho người dân. Hiện nay, hầu hết các hộ dân tập trung vào hàng khảm tranh, bàn ghế. Ngoài ra làm thêm tủ, sập khi có nhu cầu đặt hàng của khách. Trong khó khăn, mỗi năm ông Quảng vẫn thu nhập gần 100 triệu đồng và duy trì được công thợ 190.000 - 200.000 đồng/ngày. Đó là mức thu nhập mà không phải làng nghề nào cũng đạt được.

Giữa những âm thanh sôi động của máy cắt, máy mài, ông Nguyễn Đức Lư, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về với tổ nghề khảm nơi đây. Ông Lư kể, nghề khảm trai do một vị tướng triều Lý tên là Trương Công Thành là người đất Chuôn Ngọ tìm tòi, phát hiện cách đây cả ngàn năm. Khi về thăm quê hương, ông đã truyền dạy cho dân làng Chuôn Ngọ nghề khảm để làm kế sinh nhai.

 
Từ bao đời nay, nghề khảm làng Chuôn Ngọ được những người thợ cần mẫn duy trì và phát triển. Qua những bàn tay khéo léo, điêu luyện, đến nay kỹ thuật và mẫu mã sản phẩm khảm trai ngày càng phong phú, đa dạng, được ví như một viên ngọc trai càng mài càng sáng, càng trau chuốt càng đẹp. Trong đó, đỉnh cao của nghề khảm phải kể đến kỹ thuật khảm truyền thần ảnh trên nền gỗ quý hoặc đồng. Rất nhiều sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ được dùng làm quà tặng ngoại giao và được bạn bè quốc tế hết sức khen ngợi. "Nếu ai đã từng đi khắp đất nước, trong Nam ngoài Bắc, hễ  thấy thợ khảm khéo tay, hỏi ra cũng đều gốc gác quê làng Chuôn Ngọ" - ông Chủ tịch xã Chuyên Mỹ tự tin khẳng định.

Toàn xã Chuyên Mỹ có 7 thôn với hơn 2.500 hộ dân, trong đó trên 90% số hộ tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng khảm trai. Nhờ giá trị kinh tế cao, thu nhập từ nghề truyền thống này luôn chiếm tới 65 - 75% tổng thu nhập của xã. Năm 2012, doanh thu từ tiểu thủ công nghiệp toàn xã đạt hơn 70 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. Nhờ có nghề khảm, đời sống của nhân dân được nâng lên từng ngày. 

Bình yên xóm làng

Giữa nhịp sống tấp nập của làng nghề, điều đáng mừng là mỗi nếp nhà ở Chuyên Mỹ vẫn giữ được sự bình yên, hiền hòa. Đó là nhờ vào mô hình dòng họ, họ giáo tự quản về ANTT được xã Chuyên Mỹ xây dựng và duy trì từ năm 2002. Trong đó phát huy vai trò của các Trưởng họ và những người có uy tín trong họ để tự đứng ra vận động, giải quyết các mâu thuẫn, không để khiếu kiện vượt cấp hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử, dòng họ Đinh ở thôn Bối Khê có hai gia đình liền kề nhau mâu thuẫn kéo dài. Được sự vận động của Trưởng họ, hai gia đình đã bắt tay làm hòa. Hay như họ Nguyễn ở thôn Hạ có 3 vụ uống rượu xích mích gây thương tích, chi phí điều trị 4 - 15 triệu đồng/vụ, nhưng ông Trưởng họ đã đứng ra hòa giải ổn thỏa, không cần đến sự can thiệp của chính quyền xã...

Đặc biệt, hai thôn Trung và Thượng có đa số hộ dân là đồng bào công giáo nhưng cũng đã duy trì được mô hình họ giáo tự quản về ANTT nhiều năm nay. Ông Vũ Văn Mạnh, Trưởng ban hành giáo thôn Trung cho biết, có một số cặp vợ chồng công giáo lục đục, có nguy cơ đổ vỡ hôn nhân. Tuy nhiên, được sự vận động của họ giáo và chính quyền thôn, đến nay đều đã êm ấm, hòa thuận. "Nếu chỉ một mình phía công giáo làm rất khó nhưng kết hợp với chính quyền thôn đứng ra vận động rất hiệu quả" - ông Mạnh chia sẻ. Sự tâm đắc của ông Mạnh cũng là cảm nhận chung của hầu hết gia đình công giáo ở đây. Bởi thế, bất cứ việc chung của xã, thôn, toàn thể người dân đều tham gia rất nhiệt tình.Theo ông Nguyễn Đức Bang, Trưởng Ban Công an xã Chuyên Mỹ, đến nay toàn xã có 83 dòng họ, họ giáo tham gia mô hình tự quản về ANTT. Trong đó ký kết giao ước thi đua, phát huy lối sống "ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", "kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo", giáo dục, vận động các thành viên trong họ chấp hành tốt pháp luật. Nhờ đó, những năm trước, các vụ trộm cắp tài sản, gây gổ đánh nhau, đơn thư vượt cấp, mâu thuẫn gia đình... thường xuyên xảy ra nhưng nay đã giảm đi rất nhiều, góp phần đảm bảo trật tự xã hội ở nông thôn.

 
Qua 10 năm hoạt động, các dòng họ, họ giáo trên địa bàn xã Chuyên Mỹ đã hòa giải trên 260 vụ việc xích mích trong gia đình, dòng họ. Xã có 6/7 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa, trong đó có 3 thôn được công nhận làng văn hóa cấp TP.

 
Thiên Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét