Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Cảm động lễ báo hiếu cha mẹ của người Jrai

(Kienthuc.net.vn) - Giàu làm lễ to, mổ heo, mổ bò, mời cả buôn làng đến chung vui, nghèo làm lễ nhỏ, mổ gà, mổ vịt, mời anh em họ hàng đến quây quần ăn uống suốt hai ngày. 
Không biết từ khi nào, đời nào, chỉ biết rằng với người Jrai ở Tây Nguyên con cái sinh ra, lớn lên, bất kể ai, đàn ông hay đàn bà, đã được sinh ra thì buộc một lần trong đời phải làm lễ báo hiếu để trả ơn, đáp nghĩa đấng sinh thành. Khởi thủy của tục lệ này trong cộng đồng của người Jrai đến nay không ai nhớ nữa, nhưng ai cũng khắc ghi trong đầu rằng lễ báo hiếu là bổn phận của con cái đối với cha mẹ, không thể không làm.

Chính vì vậy, sau lễ cưới, những đôi vợ chồng trẻ người Jrai lại gấp rút làm ăn, tích cóp của cải để khi có điều kiện thì lập tức mổ heo, mổ bò, mời hai bên cha mẹ nội ngoại, anh em họ hàng, buôn xóm gần xa về nhà mình dự lễ báo hiếu.

 Với người Jrai, ai trong đời cũng phải làm lễ báo hiếu.

Nếu như trước đây, lễ báo hiếu thường được làm đơn giản, có gì ăn đó, chủ yếu là sản phẩm tự cấp tự túc thì ngày nay, khi cuộc sống của người Jrai đã khấm khá hơn nhiều, lễ báo hiếu thường được tổ chức long trọng hơn. Nghèo mổ gà vịt, giàu có mổ trâu, mổ bò, lại còn làm rạp, thuê cả dàn âm thanh về vừa mừng ăn vừa ca hát quy mô như một đám cưới kéo dài đến hai ngày. 

Khác với lễ bỏ mả, cầu mưa… mọi người trong buôn thường góp ché rượu, con gà, gạo nếp… đến ăn uống chung thì lễ báo hiếu lại không như vậy. Gia đình tổ chức phải tự lo hoàn toàn nên rất tốn kém. Bởi vậy, có gia đình cả đời làm ăn, tích cóp, sau lễ báo hiếu là trắng tay, lại phải làm lụng chắt chiu từ đầu. Nhưng với người Jrai, cho dù đói nghèo thế nào, chịu khổ bao nhiêu thì trong đời nhất định phải làm lễ báo hiếu đối với cha mẹ.

Anh Ksor Bin, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết, là con cái nếu không làm lễ báo hiếu với cha mẹ thì trong lòng không bao giờ thấy thanh thản, giống như mình đang mắc nợ, có lỗi lớn với đấng sinh thành, bị bạn bè, hàng xóm chê cười. Trước đây, vì nhà nghèo, lấy vợ mãi tới gần 10 năm sau anh mới làm được lễ báo hiếu. Khi chưa làm lễ, hễ đi đâu gặp người quen là họ nhắc nhở nửa đùa nửa thật: “Này Ksor Bin, mày có vợ rồi, con cũng có rồi sao chưa thấy báo hiếu cha mẹ?”, những lúc như vậy Ksor Bin ngượng đến tím mặt, về nhà lại càng tu chí làm ăn để có tiền của làm lễ báo hiếu.

 Với người Jrai, nếu không làm lễ báo hiếu coi như có lỗi với cha mẹ.

Với người Jrai, trong tất cả những nghi lễ nhất định phải có một người đứng ra chủ trì, dẫn dắt các hình thức của lễ. Thông thường các lễ khác do thầy cúng chủ trì, riêng lễ báo hiếu lại được giao cho bà mối đảm nhận. Lễ này được thực hiện trong nhà, con cái mời hai bên cha mẹ cùng vào nhà. Họ ngồi giữa gian nhà chính, xung quanh rượu ghè, thịt gà và thịt heo hoặc trâu, bò đã chuẩn bị sẵn chỉ cần kết thúc các nghi thức là mọi người có thể ăn uống vui chơi đến ngày hôm sau. Nhưng trước khi mọi người ăn uống, một phần nghi thức không thể thiếu đó là bà mối của đôi vợ chồng tuyên bố lý do có cuộc gặp mặt, tiếp đó là ca ngợi công lao vất vả của những bậc cha mẹ. Đôi vợ chồng tặng quà cho cha mẹ, thường là bộ quần áo truyền thống hay những vật dụng có để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. 

Tiếp theo, bà mối rót rượu mời từ cha mẹ hai bên cho đến đôi vợ chồng uống. Xong lượt, họ bắt đầu rót rượu mời lại bà mối. Kết thúc nghi lễ mọi người cùng ăn, uống rượu ghè, trò chuyện vui vẻ... Để cho bữa tiệc thêm phần vui thì chủ nhà kiếm một phần thịt cho bà mối làm vốn và vài ghè rượu. Bà mối mời ai uống rượu của mình thì người đó phải để lại tiền, tùy theo tấm lòng của mỗi người cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, ngược lại các bà mối đưa thịt cho họ và cứ như thế cuộc vui kéo dài đến ngày hôm sau. Nếu thực phẩm vẫn còn thừa, chủ nhà chia cho mỗi người một ít đem về làm quà.

 Lễ báo hiếu còn là dịp bạn bè, hàng xóm gặp nhau.

Theo ông Ksor Hai, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai), trong buổi lễ báo hiếu phần nhộn nhịp nhất, lôi kéo mọi người nhất là không phải là quây quần bên đôi vợ chồng hai hay bên cha mẹ của đôi vợ chồng tổ chức lễ báo hiếu mà chính là phần rượu của bà mối. Ở đó lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng cười, tiếng hát khan. Ông Puih Blit, xã Ia Dêr cho biết: “Thiếu phần đó như thiếu một cái gì rất khó tả. Tục lệ này đã ăn sâu vào máu thịt của người Jrai qua bao thế hệ và lưu truyền mãi cho đến bây giờ”. 

Với người Jrai, lễ báo hiếu không chỉ thể hiện sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ mà còn là dịp để anh em, họ hàng, buôn xóm gặp nhau tâm sự, hát khan và uống rượu đến ngày hôm sau khi ai cũng đã say mới ra về. Nhiều người càng say thì chủ lễ càng vui và tự hào. Và nhất là, sau ngày lễ báo hiếu, người làm lễ như không còn mắc nợ với đấng sinh thành, không con bị mọi người chê cười và thật sự cảm thấy mình là người con có hiếu với cha mẹ.
 Khắc Lịch

Lễ tạ ơn cha mẹ của người Jrai
Lễ “Tạ ơn cha mẹ” của người Jrai được tổ chức khi người con đã lập gia đình, kinh tế ổn định, thể hiện tấm lòng của con cái đối với cha mẹ. Lễ 
thường diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu tiên dành cho phần lễ trong gia đình, ngày hôm sau mới mời bà con, họ hàng thân thuộc đến chung vui.
Già làng làm lễ tuyên bố lý do, nói về công lao của cha mẹ với con cái 

Lễ vật thường là rượu, thịt lợn, thịt gà, thịt trâu… tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình người con

Tùy vào điều kiện kinh tế, gia đình người con mang lễ vật sang nhà cha mẹ, gồm: 01 ghè rượu ngon đặt giữa nhà; gà, lợn (heo) để làm cỗ, cúng tế ông bà, tổ tiên và thần linh chứng giám.

Trước sự chứng kiến của mọi người, người con tặng quà cho cha mẹ, tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng 

Già làng làm lễ, nói về công lao của cha mẹ đã vất vả sinh thành, nuôi dưỡng con cái.

Sau khi lập gia đình, kinh tế ổn định, các chàng trai, cô gái Jrai thường tổ chức Lễ tạ ơn để báo hiếu cha mẹ 
 
Để tỏ lòng biết ơn, vợ chồng người con sẽ tặng quà cho cha mẹ, thường là vòng bạc, vải vóc, quần áo truyền thống…, sau đó mọi người cùng ăn uống vui vẻ và sinh hoạt văn hóa văn nghệ. 

Tuấn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét