Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Câu chuyện cảm động về địa danh rạch Bỏ Lược

Trong các địa danh dân gian ở Cà Mau có rất nhiều địa danh mang đậm dấu ấn của thời kỳ khai phá vùng đất mới. Những giai thoại về địa danh được lưu truyền trong dân gian đã phản ánh một thời kỳ oanh liệt trong cuộc đấu tranh sinh tồn của những lưu dân đi hoang, mở cõi.
Câu chuyện cảm động về địa danh rạch Bỏ Lược, thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhiều cụ già sinh sống lâu năm ở vùng đất này được kể lại trong những buổi “trà dư, tửu hậu”:
Thuở trước, vùng đất Cà Mau nói chung, khu vực rừng Viên An nói riêng vẫn còn hoang vu lắm, chỉ có rừng rậm và đầm bãi. Xung quanh đầy rẫy muỗi mòng, rắn rết và các loài thú dữ. Đúng như ca dao đã phản ánh:
Cà Mau thủy hóa sơn trường
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um
Muỗi to bằng cái cột nhà
Rắn bò nhung nhúc trong nhà ngoài sân
Rừng Viên An lại còn hoang vu hơn, người dân ở đây phải cất nhà sàn cao bằng cây đước để ở, đường đi lại cũng làm bằng gỗ như cầu treo để tránh thú dữ, đặc biệt là cá sấu.
Tại một nơi hẻo lánh ở rừng Viên An vào xế một ngày nắng ráo, có hai mẹ con nọ bơi xuồng chở nước ngọt trên sông. Khi đi ngang một vàm rạch nhỏ, người mẹ cho xuồng cặp sát mé rạch để đứa con chặt một tàu lá dừa nước làm buồm. Không ngờ khi đứa nhỏ vừa chặt xong tàu lá thì bị một con cá sấu nằm phục sẵn trong đám dừa nước, trườn tới quật nhào xuống sông.
Đứa nhỏ chỉ kịp kêu lên hai tiếng “má ơi” thì đã bị con cá sấu táp vào lặn xuống nước. Khi bị cá sấu gắp mang đi, đứa nhỏ chưa kịp buông tàu lá, người mẹ vẫn còn nhìn thấy tàu lá chạy vụt ra giữa sông, rút xuống dần, sau cùng chỉ còn cái chót lá rồi mất hút. Quá bàng hoàng, người mẹ ngã xuống xuồng rồi ngất xỉu.
Sau khi tỉnh dậy, bà mẹ quyết tâm đi tìm xác con và giết chết con cá sấu để rửa mối thù. Bà bơi xuồng vào bờ, lấy một cây mác vót và lặng lẽ ngồi mài lưỡi mác ngay tại đầu vàm với ý định chờ con cá sấu xuất hiện giết nó để trả thù cho con.
Suốt ba ngày đêm, bà bắc bếp nấu cơm ăn tại chỗ đó, không ngừng chong mắt theo dõi khắp bờ rạch, chờ con cá sấu quay trở về chỗ ẩn núp. Người qua kẻ lại, khi biết chuyện đều khuyên bà nên bỏ ý định trả thù: “Nó ở dưới nước, sông rạch lại mênh mông, biết nó ở đâu mà chờ”.
Nhưng bà mẹ vẫn ngồi chờ.
Mấy ngày sau đó, người ta không thấy bà đâu nữa. Chỗ bà ngồi nấu cơm mấy bữa trước, bên cạnh lưng nồi cơm còn bắc lên bếp đã tắt, còn cái lược thưa vương lại mấy sợi tóc dài.
Một hôm có người đi chài gặp xác bà và xác con cá sấu nổi lềnh bềnh trên mặt sông xuôi dòng nước trôi ra biển. Cán của cây mác vót vẫn còn cầm chặt trong tay bà, lưỡi lút sâu vào hầu con cá sấu, hai chân con vật bám chặt vào lưng bà…
Chẳng ai biết tên tuổi người mẹ dũng cảm ấy. Người ta chỉ biết đó là một người mẹ gan dạ, quyết chí trả thù cho con bằng được, dù phải đánh đổi bằng cái chết của mình. Dân làng cảm thương và vớt xác bà lên, an táng tử tế như chôn cất người thân.
Sau đó, dân làng cất một ngôi miễu nhỏ bằng tre lá để thờ bà ngay tại vàm rạch với di vật còn lại duy nhất là cái lược, được đặt trang trọng trên án thờ.
Từ ấy, con rạch vô danh này được gọi là rạch Bỏ Lược, để ghi nhớ câu chuyện thương tâm về một bà mẹ dũng cảm đã liều mình trả thù cho con và trừ hại cho dân làng./.
Bài và ảnh: Huỳnh Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét