Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Chợ Ðệm

.
Chợ Ðệm ngày nay.      
Ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh có một ngôi chợ mang  cái tên khá ngộ nghĩnh: Chợ Ðệm (trong ảnh). Gọi là Chợ Ðệm vì ngày trước, đây vốn dĩ là nơi bày bán các mặt hàng: chiếu cói, đệm bàn, đồ dùng chế biến từ các loại cây: bàng, cói, lát phục vụ nhân dân trong vùng. Chợ Ðệm trước đây gọi là chợ Bình An nằm giữa xã Tân Túc, thuộc huyện Bình Chánh, nơi có nhiều kênh rạch chảy qua, thuyền bè qua lại tấp nập cho nên thuận lợi cho việc vận chuyển, buôn bán.
Chợ Ðệm ngày nay nằm trên đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh thuận lợi về giao thông đi vào các xã: Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt... Với diện tích lòng chợ rộng 379 m2, ngày nay, bà con tiểu thương tại 164 sạp ở đây chuyển sang bán các mặt hàng: thực phẩm chế biến, lương thực, thực phẩm nông sản tự sản, tự tiêu và những mặt hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm khác nhằm đáp ứng nhu cầu người dân của một thị trấn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Nhờ có chợ, người dân trong vùng không những có điều kiện mua bán thuận lợi mà còn có thêm việc làm để tăng thu nhập, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ - nông nghiệp. Theo quy hoạch, đến năm 2015, huyện Bình Chánh sẽ cho xây dựng Chợ Ðệm thành một chợ hiện đại theo mô hình hệ thống chợ - siêu thị trung tâm thương mại ở thị trấn Tân Túc.
Chợ Ðệm là nơi có nhiều di tích văn hóa và là địa danh chứng kiến nhiều sự kiện cách mạng. Ở đây có chùa Long Triều, đình Tân Túc, đình Tân Nhựt được xây dựng trước thế kỷ 18. Sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh (15-8-1945), Xứ ủy Nam Kỳ đã ba lần họp hội nghị để thảo luận vấn đề đưa Việt Minh ra công khai, giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Bộ. Trưa 23-8-1945, nhân dân khu vực Chợ Ðệm hân hoan đón lực lượng Việt Minh về. Khuya ngày 24 rạng sáng 25-8-1945, hơn hai nghìn người với cờ đỏ sao vàng tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Sau ba ngày, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam được độc lập, ngày 5-9-1945, Chợ Ðệm là nơi đón tiếp những nhà hoạt động cách mạng từ nhà tù Côn Ðảo trở về, trong đó có Chủ tịch Tôn Ðức Thắng và các lãnh tụ sau này như, đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng...
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, chiều 23-9-1945, tại Chợ Ðệm, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập và sáng hôm sau ra lệnh nổ súng kháng chiến. Từ đó, ngày 23-9, được coi là ngày Nam Bộ kháng chiến.
NGUYỄN PHAN TOÀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét