Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Chùa Giáng ngôi chùa cổ xứ Thanh

Chùa Giáng là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ triều vua Trần Duệ Tông (1372-1377), tọa lạc ở chân núi Đốn Sơn (Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Truyền thuyết về ngôi chùa
Truyền thuyết kể rằng, dưới triều vua Lê Duệ Tông, giặc Chiêm Thành đem quân ra cướp phá quấy nhiễu dân cư, triều đình đã phái quan quân đi đánh nhưng không được. Nhà Vua bèn thân chinh dẫn quân đi dẹp giặc. Trên đường đi qua địa phận Đốn Sơn, thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình bốn bên có núi, sông bao bọc, quả là một khu thắng địa.


Cổng Tam Quan chùa Giáng
Đêm hôm đó, Vua nằm mộng thấy có một đám mây vàng tựa dải lụa cứ ẩn hiện trông rất kỳ lạ. Vua bừng tỉnh dậy mới biết mình nằm mộng, đem chuyện kể cho quân tướng nghe, mọi người đều cho là điềm lành giúp nhà Vua trừ giặc. Hôm sau, Vua sai quan làm đàn tế tạ trời đất rồi đem quân đi thảo phạt giặc.
Trong lúc thế trận không phân thắng bại, đột nhiên trời đất bỗng tối sầm, mây mù kéo đến, sấm chớp nổi lên làm lay động cả vùng đất. Trên không trung xuất hiện một đám mây vàng tựa như đám mây nhà Vua nằm mộng. Mây chao đảo trước quân giặc, quân Chiêm thấy thế hoảng loạn. Nhà vua thừa thắng thúc quân xông lên đánh cho quân Chiêm tan rã.
Khải hoàn trở về, Vua mở yến tiệc khao thắng ba trận, luận công thưởng phạt, sai quần thần về núi Đốn Sơn lễ tạ. Sắc lệnh cho bản dân lập một ngôi chùa nhỏ ở ngay khu vực tế lễ năm xưa, đồng thời đặt tên chùa theo ý nghĩa đám mây, đó là Tường Vân Tự (chùa ghi nhớ về điềm mây lành).
Lối kiến trúc độc đáo
Thuở sơ khai, chùa được làm 4 gian, sau khi vua Trần Duệ Tông mất, nhân dân địa phương xin tạc tượng lập long nhang, hương khói thờ tại chùa (nay tượng vẫn còn và được thờ tự ở nhà Mẫu).
Trải qua thời gian, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, kiến trúc ban đầu, hệ thống ao Vua ngăn cách bởi mặt đường vào Tam Quan.
Qua Tam Quan là đến thế giới linh thiêng nhà Phật, cổng gồm hai tầng mái với chiều cao 13,7m, hai cầu thang được xây dựng vững chắc. Tầng hai có năm cửa cuốn vòm, cửa giữa cao 3,7m với 8 vòm cuốn cong, tổng cộng có 14 đòn đao theo thứ tự từ thấp lên cao dần, làm tăng vẻ bề thế cho ngôi chùa. Hai cột nanh hình khối vuông xây ốp vào bên hông cổng. Những mảnh chạm khắc ở Tam Quan mang hình rồng mẫu tử, linh thú.
Qua Tam Quan là khung cảnh sân chùa rộng khoảng 30m, một vườn cây cảnh sinh động, nhà thờ tổ, nhà khách, tăng đường.
Toàn bộ công trình được xây dựng với thế đất thoai thoải dốc, xung quanh khuôn viên được che bởi hệ thống cây xanh. Bóng các cây cổ thụ thấp thoáng cùng với những tia nắng chiếu sáng thông qua các kẽ lá rọi xuống pha màu sắc của nắng, bóng mát của cây tạo thêm chất cổ kính cho ngôi chùa. Phía sau, lưng chừng núi Đốn Sơn là Phật điện, nhà Mẫu, đây là khu chính của chùa. Nhà Phật điện được trùng tu năm Bảo Đại thứ 14, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Định, bao gồm tiền điện 5 gian, thượng điện 2 gian.
Nhà tiền điện có 13 pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thếp vàng. Tượng được bố trí thành 6 lớp theo trật tự từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Hàng tượng dưới cùng chính giữa là tượng Thích Ca sơ sinh, bao quanh có 9 con rồng uốn khúc châu đầu vào nhau phun nước thơm tắm cho Đức Phật…
Khuôn viên chùa Tường Vân được giới hạn bởi cây đa xum xuê, cây mít lá xanh đế, gỗ vàng đều mang linh khí, cây đại hút sinh lực của trời truyền cho đất, cây sung kết trái từng chùm, những rặng tre vươn cao tầm không đức độ, hàng cây thẳng tắp tỏa tán… tất cả tạo nên một thế giới tâm linh với cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ thú…
Vị chủ trì có tâm
Ni Sư Thích Đàm Hòa – Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa các khóa XIII, XIV, XV là người chủ trì ngôi chùa. Sư thầy là người có công rất lớn để xây dựng tu bổ, tôn tạo ngôi chùa ngày một hoàn thiện và có sức hấp dẫn.
Ngoài ra, với tư cách là Phó Ban trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Thanh Hoá Ni sư Thích Đàm Hòa đã cùng với Ban chấp hành Tỉnh Hội đẩy mạnh công tác từ thiện có nhiều hiệu quả. Những năm qua nhà chùa đã hỗ trợ tiền cho các cháu mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, học sinh nghèo vượt khó, đồng bào bị thiên tai bão lụt và nhất là đối với các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đã xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình khó khăn ở xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hưng, Vĩnh Phúc và một số xã ở huyện Thạch Thành.
Ngoài ra, giành nhiều sự ủng hộ cho người bị chất độc da cam, những gia đình nghèo trong dịp Tết cổ truyền, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ… Đây là tấm lòng hảo tâm thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” đồng thời cũng là trách nhiệm của tăng ni, phật tử chùa Giáng với cộng đồng và xã hội.
Từ những việc làm cao cả trên Ni Sư Thích Đàm Hòa đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tỉnh hội Phật giáo; UBND, UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam, huy chương “vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc” của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
Trong quá trình chỉ đạo chung của Hội Phật giáo tỉnh, Ni sư Thích Đàm Hòa đã gương mẫu cùng các thành viên nhà chùa làm tốt công tác xây dựng chùa văn hoá, văn minh, tất cả vì hạnh phúc an lành phục vụ nhân dân. Đồng thời, cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân, cho tăng ni, Phật tử hiểu biết và chấp hành tốt đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước góp phần xây dựng ngày càng giàu mạnh, với phương châm tốt đạo, đẹp đời.
Chùa Giáng nay là điểm thu hút nhiều du khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương cầu phật. Năm 2009 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng chùa Giáng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Linh Nguyễn (Làng Việt)

Thăm chùa Giáng - ngôi chùa cổ xứ Thanh
 
Địa chỉ hiện nay
xã Vĩnh Thành - huyện Vĩnh Lộc - Tỉnh Thanh Hóa
Chùa Giáng hay còn gọi là chùa Tường Vân vốn là một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Đún (Đốn Sơn) thuộc địa phận thôn Cao Mật, Tổng Cao Mật xưa (nay chùa thuộc khu phố 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cách Di sản văn hóa thế giới - thành nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Nam. Nhân dân vẫn thường gọi tên chùa gắn với tên làng là chùa Giáng.
Tường Vân là tên chữ của chùa, Tường Vân theo nghĩa Hán tự là mây có ý nghĩa tốt lành. Có hai truyền thuyết về tên gọi này, theo truyền thuyết thứ nhất: năm 1288 Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn) đánh tan quân Nguyên xâm lược lần thứ ba, sau đó nhà Trần đi vào khôi phục kinh tế, xây dựng nước Đại Việt cường thịnh. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, xảy ra sự kiện Trần Quốc Tảng, tước Hưng Nhượng Vương, nói lại mối hiềm khích trong gia đình, họ tộc, trong đó có việc Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) nghe mưu của Trần Thủ Độ cướp vợ của anh là Trần Liễu, lập hoàng hậu, khi đó vợ Trần Liễu đã có mang ba tháng. Hưng Đạo Vương buộc phải nói toàn bộ sự thật trước triều đình văn võ, bá quan. Lúc này, Trần Quốc Tảng đang làm quan vừa chán công danh, vừa chán cảnh nhà, dòng họ nên bỏ về ở ẩn đất phân phong tại Tịnh Bang, Vĩnh Lại (Hải Dương). Bấy giờ, có một người cháu trai của Hưng Đạo Vương (không rõ tên) chứng kiến cảnh trên đã xin xuất gia tìm vào chân Đốn Sơn (núi Đún) thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) lập am cỏ để tu theo thiền phái Trúc Lâm. Người cháu họ Trần này muốn lưu giữ mãi vương triều nhà Trần của mình nên đã đặt tên am cỏ là Tường Vân, đọc lái là Trần Vương.
Còn theo truyền thuyết thứ hai, dưới triều vua Lê Duệ Tông, giặc Chiêm Thành đem quân ra cướp phá quấy nhiễu dân cư, triều đình đã phái quan quân đi đánh nhưng không được. Nhà vua bèn thân chinh dẫn quân đi dẹp giặc. Trên đường đi qua địa phận Đốn Sơn, vua thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình bốn bên có núi, sông bao bọc, quả là một khu thắng địa. Đêm hôm đó, vua nằm mộng thấy có một đám mây vàng tựa dải lụa cứ ẩn hiện trông rất kỳ lạ. Vua bừng tỉnh dậy mới biết mình nằm mộng, đem chuyện kể cho quân tướng nghe, mọi người đều cho là điềm lành giúp nhà vua trừ giặc. Hôm sau, vua sai quan làm đàn tế tạ trời đất rồi đem quân đi thảo phạt giặc. Trong lúc thế trận không phân thắng bại, đột nhiên trời đất bỗng tối sầm, mây mù kéo đến, sấm chớp nổi lên làm lay động cả vùng đất. Trên không trung xuất hiện một đám mây vàng tựa như đám mây nhà vua nằm mộng. Mây chao đảo trước quân giặc, quân Chiêm thấy thế hoảng loạn. Nhà vua thừa thắng thúc quân xông lên đánh cho quân Chiêm tan rã. Khải hoàn trở về, vua mở yến tiệc khao thắng ba trận, luận công thưởng phạt, sai quần thần về núi Đốn Sơn lễ tạ. Sắc lệnh cho bản dân lập một ngôi chùa nhỏ ở ngay khu vực tế lễ năm xưa, đồng thời đặt tên chùa theo ý nghĩa đám mây, đó là Tường Vân Tự (chùa ghi nhớ về điềm mây lành).
Chùa Giáng - Ảnh: ditichlichsuquocgia.vn
Hơn 600 năm tồn tại, gắn bó với vùng đất từng là kinh đô nước Đại Ngu, vương triều nhà Hồ (1400- 1407), chùa Tường Vân là một trong những công trình kiến trúc quan trọng có giá trị nổi bật về ý nghĩa văn hóa cũng như lịch sử. Khi xây thành Tây Đô, Hồ Quí Ly đã cho làm một con đường từ cửa Nam tới chùa Tường Vân, Đàn Nam giao (Đường Hoa Nhai hay đường Hoàng Gia) để các thân vương, quí tộc đến chùa lễ phật cầu phúc cho chúng sinh vì vậy chùa Tường Vân được coi là ngôi quốc tự của vương triều Hồ. Chùa nằm trên sườn núi Đún, có vị trí địa thế thuận về sông, núi, thoáng gió, tụ khí, dòng chảy, phương vị. Dãy Đốn Sơn chạy dài làm tả Thanh Long, núi Thùy Đầu (tức núi Bậc Đồn) là hữu Bạch Hổ, tạo nên địa thế rồng chầu hổ phục. Trước sân chùa (Minh đường gần) có dòng nước chảy qua, do các khe nước trên núi hội tụ mà thành. Chùa lấy núi Thiên Vực (làng Thọ Vực – xã Vĩnh Ninh) làm án, có dòng Mã Giang sóng nước cuồn cuộn uốn khúc và xoáy tròn tại vụng Vực như rồng phục (Minh đường xa). Ngày xưa, trước cổng chùa có đường lát đá hoa (đá phiến) đi xuống đàn tế Nam Giao của nhà Hồ, lại có đoạn sông đào dài sáu bảy trăm mét, từ chân Đốn Sơn thông với dòng sông Mã, là đường vận chuyển thủy của nhà Hồ. Dấu tích còn lại ngày nay là dãy Ao Quan với những ao sen nở vào mùa hạ hương thơm ngát một vùng.
Thuở sơ khai, chùa được làm 4 gian, sau khi vua Trần Duệ Tông mất, nhân dân địa phương xin tạc tượng lập long nhang, hương khói thờ tại chùa (nay tượng vẫn còn và được thờ tự ở nhà Mẫu). Trải qua thời gian, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, kiến trúc ban đầu, hệ thống Ao Quan ngăn cách bởi mặt đường vào tam quan. Cổng tam quan được tôn tạo trên nền móng cũ theo hướng Tây Nam, có qui mô: dài 22,9m, rộng 3,8m, cổng chính rộng 4,5m bên trên đắp rồng đăng đối chầu vào. Qua khỏi tam quan là đến thế giới linh thiêng nhà Phật với hai tầng mái cao 13,7m, hai cầu thang được xây dựng vững chắc. Tầng hai có năm cửa cuốn vòm, cửa giữa cao 3,7m với 8 vòm cuốn cong, tổng cộng có 14 đòn đao theo thứ tự từ thấp lên cao dần, làm tăng vẻ bề thế cho ngôi chùa. Hai cột nanh hình khối vuông xây ốp vào bên hông cổng. Những mảnh chạm khắc ở tam quan mang hình rồng mẫu tử, linh thú. Tiếp theo tam quan là sân chùa được lát gạch bát đỏ và đá lan giai. Hai bên có 2 đường Pháp vân, Pháp vũ tạo thành hai lối lên xuống. Trước sân là tượng của phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát. Toàn bộ công trình được xây dựng với thế đất thoai thoải dốc, xung quanh khuôn viên được che bởi hệ thống cây xanh. Nhà Tổ có chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, bao gồm 3 gian có chiều dài 12m, rộng 9,4m, được làm theo kiến trúc tường hồi bít đốc. Kết cấu vì kèo được làm theo kiểu chồng rường kẻ bẩy, hiên nhà rộng 2,25m, toàn bộ hàng cột hiên làm bằng đá, chạm khắc hình hoa sen, hoa cúc và các loài chim. Gian giữa nhà Tổ đặt tượng Tây Thiên và 2 vị Thị giả. Bên tả là ba tượng tổ kế đăng là sư Thích Đàm Uyên, Thích Đàm Uông, Thích Đàm Khoát. Rời nhà Tổ, du khách sẽ đến với khu vực chính của chùa gồm 3 dãy nhà là: Phật điện, nhà Mẫu và nhà Từ ân. Cả ba dãy nhà này liên kết với nhau cùng chiều, quay về hướng Nam chung một sân chùa.
Phật điện là ngôi tiền đường 5 gian thiết kế theo kiểu tường hồi bít đốc có hậu cung xây cuốn theo kiểu tò vò kiến trúc cuối thời Nguyễn. Tiền đường có chiều dài 9,6m, rộng 4,7m, hậu cung sâu 5,8m toàn bộ kết cấu bằng khung gỗ có 3 cửa ra vào. Gian giữa đắp 3 chữ hán “Tường Vân Tự” bên trái đắp 4 chữ Hán “Hiền thông diệu dụng” bên phải đắp hàng chữ “Trí tuệ viện minh” trên đỉnh nóc đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”. Nhà Phật điện được trùng tu năm Bảo Đại thứ 14, bao gồm tiền điện 5 gian, thượng điện 2 gian. Nhà tiền điện có 13 pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thếp vàng. Tượng được bố trí thành 6 lớp theo trật tự từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Bệ thứ nhất là bộ tượng tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai). Tượng phật hiện tại được tạc tay đang kết ấn tam muội, để lòng bàn tay ngửa lên. Phật quá khứ bên phải, tay trái đặt lên đùi, tay phải trong tư thế giơ lên đang thuyết pháp. Phật vị lai tay ngược với pho quá khứ tạo thế cân bằng. Bệ thứ hai là tượng Di Đà Tam Tôn gồm 3 pho: phật A Di Đà ngồi giữa, Đại Thế Chí bên phải, Quán Thế Âm bên trái. Bệ thứ ba là tượng quan Thiên thủ Thiên nhãn, với người giúp việc là Kim Đồng, Ngọc Nữ và 2 thị tỳ đứng 2 bên. Bệ thứ tư là tượng Ngọc Hoàng ngồi giữa, Đức ông và Thánh hiền ngồi 2 bên. Bệ thứ năm là tượng Thích Ca sơ sinh ở giữa, Thánh Tăng và Thổ Địa ở 2 bên. Bệ thứ sáu là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.
Nhà mẫu có niên đại thế kỷ XVI- XVII được trùng tu tôn tạo năm 1960, chất liệu hoàn toàn bằng gỗ gồm 4 gian và hậu cung. Nét đặc biệt của khu nhà Mẫu là bức cửa võng được chạm nổi hình rồng với thân hình uốn lượn miệng há to…. Nhà Mẫu gồm có: Cung đệ nhất là nơi đặt tượng Tam Tòa Thánh Mẫu: Đệ nhất Mẫu Thiên ở giữa, đệ nhị Thượng Ngàn ở bên phải, đệ tam Mẫu Thoải ở bên trái. Bệ thứ hai trong cung đặt tượng vua bà ngồi giữa hai bên có Châu Quỳnh, Châu Quế, hai nhân vật này được dân gian gọi là Quỳnh Hoa công chúa và Quế Hoa công chúa. Cung đệ nhị hàng thứ nhất đặt 5 vị tôn quan, hội đồng thánh cô, thánh cậu. Bên tả tiền đường nhà Mẫu có tượng Đức thánh Trần.
Tháp Bảo Phật của chùa cũng là là một trong những bảo tháp được xây dựng với qui mô lớn. Vào năm 2009, tháp được trùng tu, xây dựng trên nền móng cũ của thời Lê, cao 9 tầng hình lục giác bên trong thờ quá khứ thất phật. Nhà Từ ân nằm ở bên phải phật điện và được tôn tạo lại vào năm 2003, đây là nơi thờ Địa tạng vương Bồ tát và các chân linh qui tại chùa.
Khuôn viên chùa Tường Vân được giới hạn bởi cây đa xum xuê, cây mít lá xanh đế, gỗ vàng đều mang linh khí, cây đại hút sinh lực của trời truyền cho đất, cây sung kết trái từng chùm, những rặng tre vươn cao tầm không đức độ, hàng cây thẳng tắp tỏa tán… tất cả tạo nên một thế giới tâm linh với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Chùa Giáng nay là điểm thu hút nhiều du khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương cầu Phật. Năm 2009 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng chùa Giáng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

về đầu trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét