Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Dân tộc Cờ Lao

(LV) - Do sinh sống trên vùng cao nguyên đá nên nguồn sống chính của người Cờ Lao ở Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là làm nương rẫy và thổ canh trên các hốc đá tai mèo. Ngô là cây lương thực chính, ngoài ra đồng bào còn trồng lúa mạch, đậu răng ngựa, đậu Hà Lan, dong riềng, su hào, rau cải, hành, tỏi, ớt… chăn nuôi bò để lấy sức kéo, nuôi ngựa để thồ hàng.
Người Cờ Lao ở vùng núi đất Hoàng Su Phì chuyên sống bằng nghề làm ruộng nước – khai thác sườn núi thành ruộng bậc thang, làm nương đất, dẫn nước từ các dòng suối trên núi vào tưới cho ruộng. Ngoài cây lúa là cây lương thực chính, đồng bào còn trồng ngô và các loại hoa màu khác. Cây trồng mang tính đặc thù của đồng bào Cờ Lao là cây chè.
Nghề thủ công của người Cờ Lao phổ biến là đan lát (nong, bồ, gùi, cót, thúng, mủng...), làm đồ gỗ (hòm, yên ngựa, bàn ăn…) và một số làng đồng bào mở lò rèn sửa chữa nông cụ.
Người Cờ Lao sống định cư thành từng bản khoảng 15-20 nóc nhà, xây dựng trên các sườn núi đá tai mèo ở Đồng Văn hoặc trên các sườn núi đất ở Hoàng Su Phì. Bản của người Cờ Lao xen lẫn trong bản của người Mông, người Dao. Nhà ở được làm bằng đất, gỗ, tre, lá, thường có ba gian hai chái. Mái lợp bằng cỏ gianh hoặc bằng phên nứa, vách nhà bưng ván hay tấm liếp. Riêng đối với nhóm người Cờ Lao Đỏ làm nhà trình tường.
Trang phục của phụ nữ Cờ Lao mặc áo giống với áo của phụ nữ người Giáy là áo 5 thân, xẻ ngực chéo sang nách phải nhưng vạt áo dài đến dưới đầu gối, áo được trang trí bằng những miếng vải đáp trên ngực áo, tay áo từ giữa ngực sang nách phải theo mép xẻ. Trước đây người Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Xanh còn mặc thêm chiếc áo ngắn tay ra ngoài áo dài để phô những miếng vải mầu đắp trên tay áo trong, chân cuốn xà cạp. Hiện nay chỉ còn lại một số bà già nhóm Cờ Lao Đỏ là mặc váy, còn nhìn chung các nhóm Cờ Lao phụ nữ đều là mặc quần.
Tín ngưỡng của người Cờ Lao là thờ đa thần. Đồng bào tin rằng mỗi người có 3 hồn. Lúa, bắp và gia súc cũng có hồn. Hồn lúa lại có hồn lúa bố, hồn lúa mẹ, hồn lúa vợ, hồn lúa chồng. Vì thế mỗi mùa gặt xong, người Cờ Lao phải cúng hồn lúa vào lễ tiết mùng 5 tháng 5.
Người Cờ Lao thờ cúng tổ tiên ba, bốn đời. Thần đất là vị thần quan trọng được gia đình và toàn bản thờ cúng. Ngoài ra, đồng bào còn thờ cúng vị thần ở trên nương (eo mèo) trên hốc đá ở chỗ cao nhất nương đặt một hòn đá có hình dáng giản dị, để làm tăng thêm vẻ linh thiêng huyền bí của chủ nương và của mỗi gia đình.
Về hôn nhân gia đình, dân tộc Cờ Lao thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng và ngoại hôn dòng họ. Theo phong tục con trai cô được lấy con gái cậu, ngược lại con trai của cậu có thể lấy con gái của cô. Đồng thời cũng cho phép thực hiện hôn nhân anh em chồng (anh chết, em lấy chị dâu làm vợ). Xưa kia tục lệ này có tính chất bắt buộc vì nó có liên quan đến việc phân chia, kế thừa quyền sở hữu tài sản.
Gia đình của người Cờ Lao là gia đình nhỏ phụ quyền. Các con đều theo họ cha. Khi sinh con, người Cờ Lao có tục đốt nhau thai, tro than được bỏ vào hốc đá trên rừng. Con trai được đặt tên sau 3 ngày 3 đêm, con gái 2 ngày 3 đêm, riêng người Cờ Lao Đỏ chỉ đặt tên con khi đã đầy tháng. Theo phong tục, đứa con đầu lòng được bà ngoại đặt tên và tặng quà cho cháu. Trong lễ đặt tên tiến hành lễ cúng tổ tiên và thần Ghi Trếnh, vị thần bảo vệ trẻ em.
Kèn Pí Lè, một nhạc cụ của người Cờ Lao
Kèn Pí Lè, một nhạc cụ của người Cờ Lao
Trong tang ma, người Cờ Lao có phong tục làm ma hai lần: lễ chôn người chết và lễ làm chay. Ở người Cờ Lao Xanh, lễ làm chay có thể tiến hành ngay trong ngày chôn hoặc một vài năm sau mới làm. Người Cờ Lao Đỏ có phong tục xếp đá quanh mộ, trên 10 tuổi thì xếp một vòng và sau đó cứ thêm 10 tuổi (trên 20, 30…) lại xếp thêm một vòng đá nữa. Người ta phủ kín đất lên các vòng đá tuổi; trên mộ lại xếp thêm một vòng đá cuối cùng.
Hiện nay, trong khi cả nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế thì ở một số thôn, bản vùng cao biên giới phía Bắc do nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn còn một nhóm dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế-xã hội thấp hơn nhiều so với các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Cờ Lao thuộc nhóm bốn dân tộc (Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao) là những điển hình trong nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn, chậm phát triển. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào còn nghèo nàn, văn hoá truyền thống đang bị mai một, sự giao thoa, đồng hóa về văn hóa diễn ra hàng ngày, cả về nhà ở, ngôn ngữ, trang phục và lễ hội.
Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giúp cho dân tộc Cờ Lao thoát khỏi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá truyền thống, hoà nhập và bắt nhịp với sự phát triển chung của khu vực thì việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các dân tộc đặc biệt khó khăn là hết sức cấp thiết.
Dân tộc Cờ Lao còn có tên gọi khác là Tứ Đư, Ho Ki, Voa Đề.
Nhóm địa phương: Cờ Lao Xanh, Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Đỏ.
Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai thuộc ngữ hệ Thái - Ka Đai.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê qua kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc Cờ Lao ở Việt Nam có 2636 người, cư trú chủ yếu ở huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang.
Phương Linh

Văn hóa hôn nhân Cờ Lao
(LV) - Dân tộc Cờ Lao thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng và ngoại hôn dòng họ. Trong truyền thống, đồng bào chấp nhận lấy vợ, lấy chồng đổi nhau giữa các gia đình (con trai nhà này lấy con gái nhà kia và ngược lại con trai nhà kia lại lấy con gái nhà này).

Đồng thời cũng cho phép thực hiện hôn nhân anh em chồng (anh chết, em lấy chị dâu làm vợ, hoặc em chết, anh lấy em dâu làm vợ). Phong tục này trước kia là nguyên tắc hôn nhân bắt buộc vì liên quan tới thừa kế tài sản, bảo toàn của cải gia đình dòng họ. Nhưng hiện nay đã có thay đổi, không còn bắt buộc nữa.
Phong tục ở rể của người Cờ Lao không phổ biến, nếu gia đình nào không có con trai thì họ được quyền lấy chàng rể về thờ cúng tổ tiên bên vợ và chàng rể được quyền thừa kế tài sản nhà vợ nơi mình ở rể. Tục lệ cưới xin của người Cờ Lao có nhiều bước: dạm hỏi, sêu tết và cưới.
Ngôi làng Cờ Lao truyền thống tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Ngôi nhà Cờ Lao truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam . Ảnh: Hồng Anh
Bên cạnh cách cưới xin thông thường trong vùng đồng bào Cờ Lao vẫn tồn tại cách hôn nhân theo hình thức cướp vợ nhưng đây chỉ là nghi thức truyền thống còn rớt lại và cơ bản vẫn theo sự thuận tình của đôi lứa và đôi bên gia đình, họ mạc.
Ở đồng bào Cờ Lao Xanh lúc đón dâu, chàng rể mặc áo xanh quấn khăn đỏ quanh người. Cô dâu búi tóc ngược thành chỏm trên đỉnh đầu, khi bước qua cổng nhà, cô dâu dẫm vỡ một cái bát sứ, một cái muôi gỗ.
Ở người Cờ Lao Đỏ, cô dâu chỉ về nhà chồng một đêm rồi trở lại nhà mình ngay và ở đó suốt một năm. Thỉnh thoảng chồng mới được sang thăm vợ, sau một năm mới được đón vợ về hẳn nhà mình. Đây là hình thức hôn nhân cư trú bên nhà vợ hình thành từ xa xưa vẫn còn sót lại ở người Cờ Lao nhưng hiện nay tục lệ này đã giảm dần.
Lúc mang thai, phụ nữ Cờ Lao trải qua nhiều kiêng cữ để mong đẻ dễ và dễ nuôi con trẻ. Nhau thai đem đốt thành tro than mang vào rừng sâu chôn nơi hốc đá ngăn không cho lợn dẫm vào, nếu không trời sẽ sinh ra sấm sét bất lợi cho con người. Sinh con trai sau ba ngày ba đêm, sinh con gái sau hai ngày đêm bố mẹ làm lễ đặt tên con. Đứa trẻ được tắm rửa, mặc quần áo mới. Bố mẹ thịt gà cúng thần, cúng tổ tiên, làm lễ trừ tà ma cho đứa trẻ. Nếu là con đầu lòng thì bà ngoại sẽ là người đặt tên và ông cậu tặng quà cầu phúc.
Gia đình dân tộc Cờ Lao là gia đình nhỏ phụ quyền. Trong gia đình thông thường có vợ chồng và những đứa con. Trong nhiều trường hợp cả ông và con trai lớn đã có vợ con. Người cha có quyền quyết định những việc quan trọng của gia đình. Con trai được thừa kế tài sản.
Ngày nay, người Cờ Lao tiếp thu được nhiều giá trị mới văn minh, tiến bộ trong tình yêu và hôn nhân. Đặc biệt, Luật hôn nhân và gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào đảm bảo cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy ở gia đình và cộng đồng.
Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam có ngôi làng Cờ Lao truyền thống với những mái ấm cổ truyền thân thiết mang dáng dấp nguyên sơ, nguồn cội. Nơi đây hứa hẹn là nơi sẽ phục dựng để quảng bá những nét đẹp trong văn hóa gia đình, hôn nhân và sinh hoạt lễ hội của cộng đồng người Cờ Lao khi bà con luân phiên việc vận hành khai thác và quảng bá.
Ngô Quang Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét