Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Đến biển Dinh Cô cuối tuần

Cuối tuần, biển Dinh Cô (Vũng Tàu) tấp nập du khách. Không chỉ vì bờ biển dài và đẹp, nơi đây còn kéo chân du khách bởi giá cả hợp lý, không có tình trạng "chặt chém".

Biển Dinh Cô không có nhiều điểm kinh doanh dịch vụ du lịch mà do người dân bản địa tự làm dịch vụ nên vẫn còn nét chân chất của một làng biển lâu đời…


Dinh Cô cách trung tâm thành phố biển Vũng Tàu hơn 20 cây số, nằm trên địa phận huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước đây, chỉ có người dân địa phương đến vào dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết…
Khi các dịch vụ ở Vũng Tàu đắt đỏ, chặt chém, du khách bắt đầu tìm đến với Dinh Cô, khiến làng biển vốn lặng lẽ trở nên sôi động. Quán xá mọc lên, các chợ chồm hổm của làng biển thêm tấp nập.

Có nhiều đường đến biển Dinh Cô tùy theo hành trình tham quan của du khách. Nếu đến Hồ Cốc – Bình Châu, du khách theo hướng ngược lại của đường ven biển từ quốc lộ 55 về lại quốc lộ 51. Nếu xuất phát từ Bà Rịa hoặc Vũng Tàu thì di chuyển ngược lại.
Đường ven biển được tráng nhựa đi qua các làng biển. Theo tuyến đường này, du khách có thể sang biển La Gi, biển Tiến Thành trước khi đến Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Tại khu vực chính của bãi biển, cư dân địa phương dựng trại, lều phục vụ du khách. Bờ biển Dinh Cô rộng và dài nên hàng quán không quá lấn chiếm không gian. Ngư dân mang hải sản từ ghe lên bán tại chợ chồm hổm và các gánh hàng rong với giá mềm. Đến biển Dinh Cô, không chỉ hòa mình với thiên nhiên, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống dân dã của cư dân biển bao đời gắn với vùng đất này.

Cát biển Dinh Cô có màu vàng nhạt và rất mịn. Bãi biển rộng rất thích hợp cho các hoạt động thể thao, hoạt động nhóm và thư giãn.


Suốt chiều dài hàng cây số, bãi biển bằng phẳng, không có đá. Khi nước ròng, bãi biển lùi xa hơn, khách thỏa chí khám phá cuộc sống của các loài nhuyễn thể và cá dưới lớp cát mịn màng ngay chân mình. Nước lớn, sóng biển lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ chứ không ồn ào, dữ dội.

Bờ biển thoai thoải nên khách có thể ra xa bờ thỏa sức vẫy vùng. Trên bờ lúc nào cũng có lực lượng cứu hộ túc trực quan sát, bảo vệ du khách tắm biển.

Cuối tuần, biển Dinh Cô vui như hội. Phần lớn khách đến đây là gia đình, bạn bè muốn tìm một không gian thoáng đãng và thân thiện để thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc. Rất nhiều du khách trẻ đi theo từng nhóm. Với 500.000 đồng/người, du khách có thể tổ chức một chuyến khám phá vùng đất này trong 2 ngày 1 đêm bằng xe gắn máy.


Ngoài tắm biển và khám phá thiên nhiên, du khách đến Dinh Cô còn có dịp tìm hiểu về văn hóa làng biển. Những câu chuyện về thần biển, Long Hải nữ thần…được bà con ngư dân kể lại đầy thi vị và hấp dẫn. Người dân rất tin vào những điều kỳ bí được truyền miệng.

Chỉ cần trò chuyện với người bán hàng rong hay anh ngư phủ, du khách cũng có thể tìm hiểu được nhiều điều và nghe những câu chuyện huyền bí. Vô tình những cư dân bản địa trở thành những hướng dẫn viên du lịch thú vị, tạo thiện cảm đối với du khách.

Biển Dinh Cô còn là nơi ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp. Nhìn về hướng thành phố Vũng Tàu, du khách có thể chiêm ngưỡng ánh mặt trời rực rỡ cuối ngày chìm dần sau rặng núi Nhỏ, núi Lớn và những ngôi nhà cao tầng của thành phố biển.

Vũng Tàu lên đèn, ánh sáng của phố thị xa hoa trở lên lung linh khi nhìn từ biển Dinh Cô. Những vệt sáng dọc theo bãi Thùy Vân, chiếu sáng những ngôi nhà cao hay ánh sáng từ hải đăng trên núi Nhỏ và khu du lịch của núi Lớn như hớp hồn du khách.

Đêm ở biển Dinh Cô khá yên ắng. Hàng quán chỉ còn lại lác đác. Đó chính là thời điểm để du khách khám phá không gian có phần tĩnh mịch của làng biển. Ngày trước, khi chưa có nhiều du khách đến đây, làng biển yên bình và lặng lẽ. Rồi khi phát triển du lịch, ban ngày, Dinh Cô như phố thị nhưng ban đêm vẫn lại trở về vẻ nguyên thủy của một vùng quê ven biển. Đến biển Dinh Cô nên ở lại ban đêm để khám phá và thưởng thức trọn vẹn…


Ăn vặt ở biển Dinh Cô

Quà vặt Dinh Cô là những món hải sản bán rong. Hải sản do ngư dân đánh bắt trên biển mang lên bờ cho người thân bán. Họ ngồi ở chợ chồm hổm hoặc gánh dạo dọc theo bãi biển.

Có nhiều quán xá, nhà hàng phục vụ ăn uống, hải sản tươi sống nhưng khá nhiều thực khách lại chọn ăn hàng rong. Người bán rong chế biến thức ăn tại chỗ đơn giản, giá cả phải chăng. Điều thú vị là nhiều thực phẩm ở đây bán theo "mớ". Một mớ mực để vào thau nhôm bán với giá 20.000-30.000 đồng. Một ký ghẹ ở đây dao động 90.000-120.000 đồng tùy loại. Một ký tôm sú tự nhiên (khoảng 10 con), giá chỉ 150.000-180.000 đồng.

Khách chọn mua hải sản xong, người bán bật bếp gas chế biến món ăn. Trong vòng 10-15 phút đã có thể thưởng thức. Hải sản ở đây còn tươi nguyên vì vừa mang từ ghe lên. Những món ăn phổ biến là nướng muối ớt, luộc, hấp gừng… Người bán không tính công chế biến. Ngoài những người bán hải sản tươi, còn có nhiều hàng gánh bán hải sản đã qua chế biến, như: bạch tuộc nướng, mực nướng, sò điệp nướng các loại. Một phần ăn chỉ 10.000-20.000 đồng.

Sự thân thiện, chân chất của người bán mang đến cho thực khách cảm giác như đang ăn uống tại nhà. Ăn không hết thì gói lại mang về. Nhiều người bảo, sự thật thà của cư dân vùng biển Dinh Cô chính là "gia vị" cho món ăn thêm ngon. Vừa bán hàng, vừa chế biến, người bán vừa hướng dẫn khách ăn sao cho ngon, cách nhận biết hải sản tươi, ghẹ ngon… Chỉ bấy nhiêu thôi, khách đã không nỡ trả giá, đôi khi còn tặng thêm người bán một ít tiền!
 Xuân Ngọc (báo điện tử Cần Thơ),ảnh internet

Dinh Cô - Ngôi đền thiêng bên bờ biển Long Hải

Cũng như "Chúa Hòn" ở Kiên Giang, "Núi Sam" ở An Giang, tên gọi "Dinh Cô" ở Long Hải đã trở nên quen thuộc với khách thập phương.
Dinh Cô là một  khu đền tráng lệ, trang nghiêm, có kiến trúc truyền thống in đậm màu sắc dân gian, tọa lạc bên sườn một ngọn đồi nhỏ có tên Kỳ Vân bên bờ biển Long Hải, thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Là ngôi miếu nhỏ thờ một trinh nữ chết nước, nằm trên mỏm đồi lộng gió ở bãi tắm Long Hải. Dinh Cô được dựng lên bằng lòng tin, sự tín ngưỡng vốn có lâu đời trong nhân dân.
Tương truyền, 186 năm trước, xác một người con gái khoảng 16 tuổi dạt vào bãi, tên cô là Lê Thị Hồng Thuỷ, quê ở Phan Rang, theo cha Lê Văn Khương dong ghe bầu xuôi ngược Trung - Nam để đánh bắt cá và trao đổi hàng đan lát bằng tre. Mỗi lần ghe bầu qua vùng biển Long Hải, Cô nhìn cảnh sơn thuỷ hữu tình, thường ao ước được ở lại đây chung sống. Một đêm bão tố, trời chiều lòng Cô, đưa Cô theo sóng biển dạt vào, nằm lại trên bãi cát trắng xoá, nơi mà Cô từng mong ước. Cát đùn lên che chở, sóng vỗ muôn nghìn lời ru cho Cô yên giấc. Dân làng xem Cô là nữ thần thiêng liêng nên lập mộ trên đồi, dựng miếu thờ bên cạnh. Đầu tiên chỉ là một nấm mộ đất, miếu tre lá. Miếu và mộ thay đổi dần theo sự linh ứng ngày càng lan rộng.
Theo người dân địa phương, thỉnh thoảng người ta thường thấy bóng dáng một cô gái trẻ xuất hiện thấp thoáng trên biển trong những đêm cô tịch. Trong thời gian đó, làng có dịch bệnh và người dân lập đàn cầu khẩn. Cô mộng báo điềm lành và giúp dân diệt trừ dịch bệnh.
Vào khoảng năm 1966, miếu phát hoả, sau đó được trùng tu thành ngôi đền khang trang hơn. Đầu năm 1990, Dinh Cô lại được trùng tu bằng kinh phí quyên góp của khách thập phương, trở thành một dinh thự kiên cố như hiện nay.
Ngày nay, Dinh Cô là nơi dân địa phương tìm đến tỏ lòng kính trọng cô và đi biển bình an, cầu lộc, sức khỏe và giầu có. Từ Dinh Cô, du khách có thể nhìn ra biển Long Hải.
Biển Dinh Cô


Dinh Cô đã được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa vào tháng 5/1995. Từ khu di tích nhìn ra biển về phía trái, có một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh bãi biển chính là đồi Cô Sơn, nơi có phần mộ của Long Hải thần nữ. Hằng năm, vào ngày lễ hội Dinh Cô được tổ chức vào các ngày 10, 11 và 12/02 âm lịch, với sự tham gia của hàng ngàn du khách và dân địa phương về đây hành hương và tham quan thắng cảnh.
Bảo Anh (TTVN)
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét