Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Hòn Bà - điểm du lịch tâm linh của thành phố Vũng Tàu

Đi trên đường Hạ Long hay Thùy Vân (Bãi Sau) của thành phố Vũng Tàu, du khách sẽ nhìn thấy một đảo đá nhỏ nằm chơi vơi giữa biển xanh bao la, quanh năm sóng vỗ hiền hòa – đó chính là Hòn Bà.
Hòn Bà, là một đảo nhỏ thuộc TP Vũng Tàu,  tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, còn có tên là hòn Ba Viên Đạn hay hòn Archinard. Theo đường Hạ Long vòng núi Nhỏ, từ Bãi Trước, qua Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong  nhìn ra biển, du khách thấy đảo Hòn Bà nằm lẻ loi giữa biển, dưới chân đảo sóng vỗ bọt trắng xoá rất thơ mộng. Vào những kỳ thủy triều rút xuống, nơi đây để lộ ra một con đường bằng đá lởm chởm, du khách nếu ưa thích mạo hiểm có thể ra tham quan khám phá. Từ chân đảo lên đến miếu có một con đường quanh co, uốn lượn, được xây bậc tam cấp chắc chắn. Cả hòn đảo được bao phủ bởi màu xanh của cây dừa, cây dương, cau và hoa sứ.
Trên đảo có ngôi miếu nhỏ gọi là Miếu Bà. Miếu bà, do một tín hữu miền Trung tên là Hồ Quang Minh xây dựng năm vào năm 1881. Năm 1939 ,một sĩ quan người Pháp tên Archinard định bắn bể miếu. Với 3 phá đạn nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu, không gây hư hại lớn. Không lâu sau đó, viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại đây, do một lần bất cẩn khi dùng súng. Vì vậy, thực dân pháp đặt tên cho hòn đảo là Archinard, nhưng dân chúng vẫn gọi là đảo Hòn Bà.
Năm 1971, một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp, đã vận động bà con đóng góp tu sửa miếu. Ngôi miếu hiện nay, có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m, trong là điện thờ các vị thần linh. Bên dưới, có một tầng hầm dài 6m rộng 3m; trước kia từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào yêu nước.
Mỗi năm, miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lệ, dựa theo con nước, gồm: Tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (Âm lịch).  Riêng trong tháng Giêng, đặc biệt là vào ngày rằm.
Muốn đến được Hòn Bà có hai cách thông thường: Một là đi thuyền, ghe khi nước lớn và cách 2 là đi bộ khi nước ròng. Du khách phải vượt qua một bãi đầy những con hàu dài, rộng, gập ghềnh để ra viếng miếu. Cần cẩn thận vì vỏ hàu sắc bén có thể cắt toạc chân người nếu vô ý sảy chân vấp ngã. Đa số vẫn chọn cách thứ hai, đó là đi bộ ra Hòn Bà khi nước cạn.
Khác với những cảnh quan thiên nhiên khác được con người trùng tu, xây dựng đổi mới hiện đại, Hòn Bà vẫn giữ cho mình nét đẹp hoang sơ, thiên nhiên thơ mộng hữu tình.
Nước biển nơi đây trong vắt, mát lạnh, phản chiếu xa xa là những phiến đá đủ kích cỡ với hình dáng lạ mắt, những viên sỏi nhỏ nằm rải rác trên khắp bờ biển. Sự kết hợp hoàn hảo giữa đá và biển tạo nên nét đặc trưng của Hòn Bà. Đặc biệt vào những lúc bình minh hay hoàng hôn, Hòn Bà lại càng mang cho mình vẻ đẹp rực rỡ do những ánh nắng nhẹ phản chiếu, lung linh mờ ảo.
Trải qua nhiều thế kỷ, Hòn Bà trở thành một danh thắng nổi tiếng, thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng…Trong tương lai, nơi đây sẽ có một cây cầu mỹ thuật, phù hợp với cảnh quan, điều kiện môi trường, vị trí địa lý, nối từ chân núi Nhỏ ra tới đảo và miếu Hòn Bà sẽ được trùng tu, tôn tạo chỉnh trang. Kế hoạch này nằm trong dự án “Khu du lịch tâm linh miếu Hòn Bà” do Hội  Du lịch tỉnh, Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đình Thắng Tam, UBND thành phố Vũng Tàu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thương mại Quang Vinh phối hợp thực hiện. Hy vọng thời gian không xa, khu di tích miếu Hòn Bà sẽ trở thành điểm tham quan, thưởng ngoạn kết hợp tâm linh hấp dẫn của thành phố biển Vũng Tàu.
Bảo Anh (TTVN)

Con đường dưới đáy biển độc nhất ở Việt Nam

Khách đến Vũng Tàu không còn lạ hình ảnh có một đảo đá nhỏ nằm cách bờ biển chừng vài trăm mét. Khi thủy triều rút xuống, nơi đây hiện ra một con đường độc đạo dẫn lên đảo.
Hòn Bà nằm trên đường Hạ Long (tên khác là Thùy Vân) thuộc Bãi Sau của thành phố Vũng Tàu. Nơi đây lúc nào cũng sôi động tấp nập khách lịch. Nếu nhìn từ xa hay từ núi có tượng Chúa dang tay, Hòn Bà giữa biển xen lẫn màu xanh của cây cối và màu đỏ của mái ngói. Khung cảnh thơ mộng khiến du khách đến đây luôn dừng chân để ngắm từ xa, bởi quanh năm sóng miên man vỗ bờ.
Hòn Bà nhìn từ trên cao là đảo đá nhỏ nằm lẻ loi giữa biển.
Hòn Bà nhìn từ trên cao là đảo đá nhỏ nằm lẻ loi giữa biển.
Người dân địa phương có dịch vụ đi thuyền chở khách sang Hòn Bà với mức giá dao động trên dưới 500.000 lượt khứ hồi. Trước khi đi những chủ thuyền đều khuyến cáo đường đi nhìn rất gần nhưng phải đi vòng ra xa mới có thể cập đảo, vì bên dưới có nhiều đá ngầm. Số lượng khách chọn đi bằng thuyền lên đảo thường không nhiều, đa phần là những người sinh sống, phục vụ trên đó hoặc khách có việc đột xuất.
Chúng tôi ghé thăm nơi đây, nhờ sự chỉ dẫn của người dân địa phương nên may mắn đi đúng ngày thủy triều xuống, nước ròng để lộ ra con đường bằng đá lởm chởm dẫn thẳng lên đảo. 17h, cơn mưa vừa dứt và nước biển rút xuống rất nhanh. Trước đó chừng 2 tiếng đồng hồ, nước còn ngập khá sâu, chảy mạnh nhưng sau đó, bãi đá khổng lồ dần lộ thiên.
Những tảng đá lớn, có khi cao hơn cả đầu người, đến chừng 2 m nằm sát bờ phủ màu đen tuyền, bóng lưỡng. Bãi cát trải dài, mịn, phẳng lỳ và nền cát rất rắn dẫn chúng tôi đến với con đường đá mà đa phần là những tảng đá nhỏ được xếp khá ngay ngắn. Đá rất nhọn, sắc. Trên thân những tảng đá này, hàu bám vào sinh sống rất nhiều. Vỏ hàu sắc, đá trơn trượt, đi lại không dễ dàng.
Khi thủy triều xuống, luôn có rất đông người dân địa phương lẫn du khách dù có vất vả nhưng luôn tìm mọi cách để đi trên con đường biển độc đáo này lên Hòn Bà. Thông thường, nước chỉ rút sâu vào ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng, vào chiều muộn.
Nước rút, con đường đá lộ ra nhiều người cùng lên Hòn Bà để thăm quan, cầu cúng.
Nước rút, con đường đá lộ ra nhiều người cùng lên Hòn Bà để tham quan, cầu cúng.
Nhiều người dân địa phương tìm kế sinh nhai trên con đường đá này. Họ nhanh tay móc những con hàu tươi ngon, được gọi là hàu sữa. Một người phụ nữ cho biết, nếu may mắn, cô có thể kiếm được từ 1-2 kg hàu sữa trong mỗi lần nước rút, nhưng số lượng ngày càng hạn chế. Ngoài ra, người ta cũng bắt cua, các loại ốc... trên những tảng đá hay nằm giữa những khe đá này.
Sau khi trải qua con đường đá đặc biệt này, khách sẽ lên Hòn Bà với diện tích chỉ ước chừng 5.000 m2. Nơi đây có Miếu Bà nổi tiếng mà theo một số người coi sóc, được xây dựng từ năm 1881, từng bị một sĩ quan người Pháp dùng đạn phá vào năm 1939 nhưng không gây hư hại nhiều. Năm 1971, miếu được trùng tu, nổi trên mặt đất 4 m. Bên trong miếu là các gian thờ nhỏ nhưng được xếp ngay ngắn, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Ở bên ngoài còn có các gian thờ nhỏ.
Bãi đá khổng lồ trở thành con đường độc đáo, có thể xem như độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Bãi đá khổng lồ trở thành con đường độc đáo, có thể xem như độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Theo những người coi sóc miếu, mỗi năm Miếu Bà cúng 4 lệ gồm: tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10. Đặc biệt vào tháng giêng, miếu tổ chức cúng lớn với nhiều hoạt động lễ và hội đặc sắc. Những ngày này, khách thập phương từ khắp nơi đổ về đây rất đông.
Đứng trên Hòn Bà, nhìn ra phía sau là mênh mông biển cả, sóng vỗ bờ ngày đêm. Dù là đảo đá khá nhỏ, các loại cây như dừa, cau, sứ... được trồng nhiều và quanh năm xanh tốt. Trong khi đó, phóng tầm mắt về đất liền, bạn sẽ thấy phong cảnh tấp nập trên bãi biển, nơi luôn có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn du khách nô đùa trên sóng. Hình ảnh những con tàu nằm ngay ngắn sau những chuyến ra khơi đầy ắp khoang cá đầy cũng tạo cảm giác bình yên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét