Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Hòn Dấu – Viên ngọc quý của thành phố cảng

Hải Phòng từ lâu được xem là một địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh Cát Bà, Đồ Sơn, Hòn Dấu hiện đang là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến với Hải Phòng.
Đảo Hòn Dấu là một địa danh đặc biệt của Đồ Sơn, cách Bến Nghiêng chừng 2km với khoảng 20 phút đi tàu. Ở đây có khu rừng nguyên sinh, danh thắng thiên nhiên rất hoang sơ, cổ kính với hàng nghìn cây đa, si và nhiều loại cổ thụ có cách đây hàng trăm năm.
Đó là tài sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Đồ Sơn. Giá trị cảnh quan này cho đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, chưa bị con người tác động hoặc làm biến dạng. Trên đảo có cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân xù xì, rễ tua tủa, cành cắm xuống đất. Sâu hơn là những thảm thực vật được coi như khu rừng nguyên sinh với những loài gỗ quý như kim giao. Người Đồ Sơn coi đảo Dấu là hòn đảo thiêng nên không ai nghĩ đến chuyện ra đảo khai thác, vụ lợi. Vì vậy, nơi đây không khí thật trong lành, thanh tĩnh.
Đã có không ít lời ca ngợi về địa danh Hòn Dấu. Có người ví đó là một viên ngọc quý giá mà tạo hóa ban tặng cho Hải Phòng. Có người thì cho rằng đây là thiên đường nơi hạ giới bởi vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh.
Đặt chân lên đảo, nơi mà du khách thường ghé đầu tiên đó là Đền thờ Nam Hải Thần Vương, ngôi đền ngự ngay cạnh bến tàu, với vẻ đẹp linh thiêng được tôn lên nhờ bãi sỏi uốn lượn như muôn ngàn nốt nhạc vô thanh thả xuống rì rào sóng biển. Theo người dân ở đây, ngôi đền cổ này rất linh thiêng và đặc biệt ý nghĩa với người đi biển. Tàu bè qua đây nếu không ghé vào lễ cũng vái vọng từ xa. Người ta truyền tai nhau rằng, ai lấy đi dù chỉ một hòn cuội, lá cây trên đảo cũng phải mang trả lại. Gỗ từ cây đổ trên đảo hay ở biển dạt vào bãi đá cũng để cho mục, không ai dám lấy về. Có lẽ nhờ vậy mà đảo Dấu còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, nguyên vẹn cho đến ngày nay.
daohondau.jpg
Truyền thuyết kể rằng: Sau trận thủy chiến chống giặc ngoại xâm ngư dân câu đêm gặp một tử thi không đầu dạt vào đảo Dấu. Nhìn y phục biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con vớt lên thành kính khói nhang chờ trời sáng mai táng. Nhưng khi mặt trời mọc, chỗ ông nằm mối đã đùn lên thành mộ. Dân chài bèn lập đền để đèn nhang thờ phụng. Tương truyền, ngôi đền rất linh thiêng, người xưa mỗi lần đi qua đều phải hạ buồm vào đảo thắp hương tế lễ. Trong một dịp kinh lý ra Bắc, thuyền Rồng của vua Tự Ðức gặp sóng to, gió lớn, vua lên đền khấn vái, bỗng chốc trời quang mây tạnh. Vua Tự Ðức phong ông làm Nam Hải thần vương. Hằng năm, từ mùng 8 đến 10 tháng 2 (âm lịch) là lễ hội đảo Dấu – lễ hội truyền thống của người đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Nhân dân khắp nơi về đây dâng hương, cầu xin Nam Hải Đại Thần Vương độ cho một năm yên bình, mạnh khỏe, làm ăn may mắn, phát tài.
Một trong những điểm đến nữa ở đảo Hòn Dấu đó  là thăm ngọn Hải Đăng, một trong số những ngọn đèn biển có lịch sử xây dựng lâu đời nhất nước ta. Đó là một toà nhà 2 tầng và chính giữa toà nhà là tháp đèn. Cây đèn biển hơn trăm tuổi mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc lại là một nét nhìn mới lạ khác với du khách. Cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo và trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 40km. Những con tàu đi biển xa khi bắt được ánh hải đăng Hòn Dấu là được trở về bến đậu. Đèn biển đảo Dấu được người Pháp xây dựng từ năm 1892 và hoàn thành năm 1896. Tháng 6 năm 1898 đèn chính thức hoạt động và được ra thông báo Hàng hải. Hải Đăng Hòn Dáu có vị trí quan trọng trong việc hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Vì vậy, thực dân Pháp đã bố trí nơi đây một lực lượng mạnh để bảo vệ đảo và cây đèn. Đầu năm 1950, bộ đội Kiến An đã tập kích đánh phá ngọn đèn này, khiến cho việc ra vào cảng Hải phòng của thực dân Pháp vô cùng khó khăn, ảnh hưởng lớn tới việc tiếp tế của chúng cho các mặt trận, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp.Đến Hòn Dấu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nét cổ kính trong các kiến trúc của đảo mà còn được tận mắt chiêm ngưỡng những gốc cây si cổ thụ tới vài người ôm chưa khép vòng . Dưới mái vòm lợp bằng lớp lớp tán cây cổ thụ, dây leo chằng chịt, những chùm rễ si buông xuống như tơ liễu, cảm giác vô cùng thơ mộng, thú vị. Rừng ở đây còn vẹn nguyên cả ba tầng thực vật, cơ man những gốc cây cổ thụ to lớn, điểm xuyết những cây thân thảo, thân bò, thân leo gieo vào lòng khách du lịch cảm giác hoang vu.
Những chiếc rễ to bằng bắp chân tua tủa đâm xuống đất tạo thế đứng vững chắc cho cây và làm nên vẻ u tịch, cổ kính. Người ta ví những cây si cổ thụ như “mái nhà” khổng lồ che chắn cho du khách thăm quan. Ngoài ra, dưới gốc cây là những thảm lá vàng, thảm cỏ xanh rì cùng những vạt cúc dại nở hoa trắng, vàng xen nhau đầy thơ mộng.
Mang trong mình những giá trị đặc sắc về văn hoá, lịch sử, tâm linh, Đảo Hòn Dấu đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia danh lam thắng cảnh tại Quyết định số 321/QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 01 năm 2009.
Bảo Anh (TTVN)

Những giai thoại tâm linh huyền bí trên đảo Dấu


Lâu nay, Đồ Sơn được biết là trung tâm du lịch biển nổi tiếng của Hải Phòng. Nhưng ít ai biết rằng, phía ngoài khơi cách đất liền gần 2km có một hòn đảo nhỏ nơi lưu giữ những giai thoại tâm linh huyền bí.

Được biết, trên đảo Dấu hiện có hơn 70 cây Đa Búp Đỏ, trong đó có 35 cây đã được ghi danh trong sách kỷ lục Việt Nam. Sở dĩ những cây đa và các cây cối khác trên đảo Dấu còn nguyên vẹn đến ngày nay có phải do yếu tố tâm linh? Để hiểu rõ hơn về vấn đề “nhạy cảm” này, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo quận Đồ Sơn và quyết định ra thăm đảo Dấu.

Những giai thoại tâm linh huyền bí trên đảo Dấu
Đảo Dấu cách đất liền gần 2km

Chiếc ca nô nhỏ lao nhanh trên mặt biển, chưa đầy 7 phút chúng tôi đã có mặt trên đảo Dấu. Chào đón khách ngay tại cầu tầu là hai người phụ nữ khoảng trên 50 tuổi, sau đó chúng tôi mới biết họ là chị em ruột bán nước, hương hoa, đồ lễ ngay cửa ngõ vào đảo. Biết chúng tôi là nhà báo ra đảo tìm hiểu thông tin để viết bài, hai chị đon đả mời nước và kể cho chúng tôi nghe những giai thoại tâm linh về Nam Hải  Thần Vương - vị thần ngự trị trên đảo.

Giai thoại về vị thần linh thiêng ngự trị trên đảo

Ngôi đền thờ Nam Hải Thần Vương nằm sát bờ phía Bắc của đảo Dấu, trước cửa đền là biển rộng mênh mông, sau đền là đồi cao và cây xanh bạt ngàn. Theo người dân ở đây thì thần rất linh thiêng, nhân dân cầu gì được nấy (tất nhiên là không cầu việc phi đạo đức, vi phạm pháp luật). Nhân dân thường cầu đi biển được thuận buồm xuôi gió, thuận chèo mát mái, học hành thi cử được đỗ đạt, nhân duyên được đơm hoa kết trái, gia đình làm ăn được thuận hòa…

Tương truyền thần là một vị tướng nhà Trần hy sinh trong trận chiến chống quân Nguyên Mông. Người Đồ Sơn còn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc ngôi đền thờ thần: Sau một trận chiến nơi cửa biển, những ngư dân câu đêm gặp một xác người không đầu dạt vào đảo Dấu. Nhìn y phục biết là một vị tướng nhà Trần tử trận, người dân liền vớt lên thành kính khói nhang chờ trời sáng mai táng. Nhưng khi mặt trời mọc, chỗ xác vị tướng nọ mối đã xông một mô đất che kín thành một ngôi mộ. Thấy sự lạ, dân làng bèn lập đền để đèn nhang thờ phụng, tôn vinh là Nam Hải Thần Vương.

Những giai thoại tâm linh huyền bí trên đảo Dấu
Theo truyền thuyết nhiều đời qua, người dân Đồ Sơn thường kể cho con cháu và khách phương xa nghe thì Thần Nam Hải Vương đã 3 lần hiển linh trước các bậc quân vương.  Chuyện kể rằng xưa có một vị vua đời nhà Lý đi tuần thú bằng đường biển. Khi thuyền rồng qua khu vực đảo Dấu, thấy phong cảnh đẹp, lại lắm tôm cá, ngài bèn lệnh cho dừng thuyền, lên đảo buông cần câu cá. Lưỡi câu của nhà vua không cong và có ngạnh như lưỡi câu thường, mà là lưỡi thẳng không ngạnh giống như lưỡi câu của ông Lã Vọng. Vì vua chỉ định câu chơi chứ không bắt cá. Sau khi cắm mồi, nhà vua thả lưỡi câu xuống nước. Lạ kỳ, cá nhiều nhưng chẳng con nào ăn mồi.

Lúc lâu, nhà vua thấy có một con cá rất lớn cứ nổi lên rồi lặn xuống chung quanh. Bực mình vì con cá quẩn quanh mồi trêu chọc, nhà vua liền khấn, nếu thần đảo có linh thiêng, cho câu được con cá này, ta sẽ tạ ơn. Dứt lời, không hiểu bằng cách nào mà lưỡi câu thẳng lại mắc được vào miệng con cá. Tùy tùng giúp nhà vua kéo con cá nặng hơn 10 kg lên bờ.

Lần thứ hai, vào thời hậu Lê, có vị vua đi kinh lý ở Đồ Sơn, đậu thuyền nghỉ đêm cạnh đảo Dấu. Nằm chiêm bao, nhà vua thấy một ông già tóc bạc phơ đến ra mắt và xưng là thần đảo. Tỉnh dậy, vua phán, nếu thực sự là thần linh thì hãy hiển linh cho ta xem. Vua vừa dứt lời, một con cá to nhảy lên thuyền rồng. Thấy linh nghiệm, nhà vua phong cho ngài là “Lão Đảo Đại Thần Vương”.

Sau đó, thần lại hiển linh trước một vị quân vương, đó là trong một dịp kinh lý ra Bắc, qua khu vực Đồ Sơn, thuyền rồng của vua Tự Đức gặp sóng to, gió lớn. Nghe các quan lại địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của ngôi đền trên đảo Dấu, vua liền lên đền khấn vái. Thật lạ kỳ, sau khi nhà vua khấn xong, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, gió yên biển lặng. Vua Tự Đức liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương.

Để tưởng nhớ công ơn của vị tướng hy sinh thân mình cho đất nước, người dân Đồ Sơn đã mở lễ hội đảo Dấu. Đây là lễ hội truyền thống của người đi biển vùng duyên hải Bắc bộ. Lễ hội diễn ra từ ngày 1 đến ngày 15-2  âm lịch, trong đó thời điểm chính hội vào đêm ngày 9, rạng ngày 10-2. Phần lễ đặc trưng là tục rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy. Theo tục lệ, rước đèn về đêm là rước thần hiển linh phù hộ cho nhân dân trong vùng.

Trưởng phòng Du lịch văn hóa và Thể thao quận Đồ Sơn Đỗ Văn Viết cho biết: Vào dịp lễ hội đảo Dấu, năm nào tôi cũng ra đảo dự tế lễ. Một điều rất đặc biệt lặp đi lặp lại nhiều năm là cứ vào khoảng 23 giờ đêm, khi buổi tế lễ chuẩn bị bắt đầu là sóng biển quanh đảo Dấu lại cồn lên dữ dội. Theo lý giải của người dân, đó là khi thần hiển linh, chứng kiến lòng thành của nhân dân...”.

Ông  Viết cho biết thêm: Sở dĩ cả khu rừng nguyên sinh trên đảo, trong đó có những cây Đa Búp Đỏ nêu trên còn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay, theo nhiều người là do yếu tố tâm linh. Nếu ở những nơi khác thì chắc chắn khu rừng này đã bị tàn phá từ lâu rồi. Chính quyền địa phương chẳng thể ngăn được “lâm tặc” hoặc những người dân muốn lấy cây về trồng, gỗ về làm vật dụng. Đảo Dấu bảo vệ được mình bằng một niềm tin tâm linh. Những câu chuyện tâm linh về những người “cả gan” lấy của thần, bị trừng phạt khiến chẳng ai dám ra đảo Dấu bẻ một cành cây, nhặt một hòn sỏi đem về…

Trong hành trình thăm đảo Dấu, chúng tôi đã được nhiều người ở đây kể cho nghe muôn vàn câu chuyện nhuốm màu thần bí về Nam Hải Thần Vương. Anh Nguyễn Quang Luận, ở phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn), làm nghề lái tàu chở khách du lịch ra đảo Dấu tâm sự: Theo lời kể của các bậc cao niên, từ khi xây đền thờ thần, cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo. Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ là trời yên biển lặng.

Nhưng khi thấy cá heo bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi, vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển, là sắp có biển động. Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần nào về cũng tôm cá đầy khoang. Cho rằng thần Đảo hiển linh qua đàn cá heo để giúp đỡ, bảo vệ mọi người, nên vào dịp lễ hội đầu năm, ngư dân Đồ Sơn đến đền thờ làm lễ xin ngài phù hộ thì đều cá tôm đầy khoang thuyền.

Là phúc thần bảo vệ ngư dân nhưng thần đảo Dấu cũng sẵn sàng trừng trị những người bất kính. Người dân Đồ Sơn đến nay vẫn còn kể cho nhau nghe một câu chuyện rùng mình: Thời Pháp thuộc, có một người đàn ông ở phường Ngọc Hải đi lính cho Pháp, ra đảo Dấu canh gác. Người này cả gan lấy lưỡi lê ở đầu súng chọc vào tượng Nam Hải Thần Vương. Sau đó về nhà, thấy trên người nổi lên những cục u, mổ ra toàn giun sán, rồi chết. Người nhà đếm ông ta chọc vào bức tượng bao nhiêu chỗ, thì trên người có bấy nhiêu cục u.

Bà Đinh Thị Hiền, 64 tuổi ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn - người có mấy chục năm bán hương, hoa ở đảo Dấu kể lại: Cách đây 3 năm, bà thấy có hai bố con từ Thái Nguyên sắm lễ đến khấn vái ở đền. Sau khi thành kính cúng vái, bố con họ tâm sự là cách đó không lâu, người con trai vốn là sinh viên một trường đại học, khi ra đảo chơi đã mang về một hòn đá cuội để kỳ lưng. Chẳng hiểu sao, người con về một thời gian thì phát bệnh tâm thần. Ông bố nằm mơ thấy một vị thần hiển linh đòi lại viên đá, chờ lúc người con tỉnh táo ông bố gặng hỏi thì con nói có đem hòn đá ở đảo Dấu về. Sau ngày bố con họ sắm lễ tạ tội, đem hòn đá đến trả thì người con khỏi...

Đảo Dấu - Một quần thể cây Đa Búp Đỏ lớn nhất Việt Nam

Những giai thoại tâm linh huyền bí trên đảo DấuNhững giai thoại tâm linh huyền bí trên đảo Dấu
Đảo Dấu hiện ra bé nhỏ, ngút ngát màu xanh nguyên sinh với những thân cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Theo địa giới hành chính thì hòn đảo này thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn và như vậy nó vẫn là đất…nội thành. Có lẽ đây là khu rừng nguyên sinh duy nhất ở Việt Nam nằm trong lòng một quận nội thành. Bước chân lên đảo là một không khí trong lành khoáng đạt với tầng tầng, lớp lớp tán cây cổ thụ, trên những lớp lá mục dày đặc các loại cây leo dương xỉ.

Trong số hàng trăm loài cây ở đảo Dấu, một loại cây mọc nhiều nhất, sinh trưởng phổ biến, bao phủ là cây Đa Búp Đỏ. Hơn 70 câu Đa Búp Đỏ hàng trăm năm tuổi trải rộng khắp đảo xòe tán rộng hàng ngàn mét vuông, cành lá xanh tươi tầng tầng, lớp lớp ngút ngàn vu vi trong gió. Màu xanh của cành lá chen lẫn màu đỏ của búp đa tạo nên những sắc màu xinh tươi, quyến rũ. Hỏi thăm những người cao niên ở Đồ Sơn về rừng Đa Búp Đỏ cổ thụ, mọi người đều khẳng định chẳng biết loài cây này mọc lên ở đây từ khi nào nhưng bất cứ ai ở Đồ Sơn cũng đều xem đây là những “Thần đa” nên chẳng ai dám động đến.

Những giai thoại tâm linh huyền bí trên đảo Dấu
Cùng với loài Đa Búp Đỏ, trên đảo Dấu còn có hàng trăm loài thực vật các loại với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm trải đều trên đảo tạo thành một khu rừng nguyên sinh với các thảm thực vật đa dạng. Đặc biệt, ở điểm cao nhất của đảo có cây Đại cổ thụ “ngự trị” 700 năm trên đảo vẫn xang tươi và ngạt ngào hoa lá.

Bên cạnh các loài cây cổ thụ, các thảm thực vật tầng tầng, lớp lớp đan chen tạo thành khu rừng nguyên sinh hấp dẫn, xung quang đảo là các dải bãi cát bằng phẳng có chiều rộng gần như các bãi tắm biển phía trong đất liền. Dạo bộ trên các dải bãi cát xung quang đảo chúng tôi có cảm giác sảng khoái khó tả với tiếng rì rào của sóng biển và tiếng vi vút của rừng cây. Trên đảo còn có ngọn hải đăng và một trạm khí tượng thủy văn lớn vào bậc nhất Việt Nam đã “ngự trị” suốt hàng thế kỷ. Đây là những công trình phục vụ việc  đi biển và theo dõi thời tiết. Những công trình này tạo thêm điểm nhấn về sự uy nghi và quyến rũ của hòn đảo.

Trưởng phòng Du lịch văn hóa và Thể thao quận Đồ Sơn cho biết: Đảo Dấu hoàn toàn có đầy đủ điều kiện để xây dựng thành khu du lịch tâm linh và di lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Hiện tại quận Đồ Sơn chưa có kế hoạch phát triển khu du lịch đảo Dấu nhưng trong tương lai không xa, chắc chắn Đồ Sơn sẽ nghiên cứu để phát triển du lịch trên hòn đảo này.

Chúng tôi rời đảo với những câu chuyện huyền bí về Nam Hải Thần Vương. Những câu chuyện đó thực hư thế nào chưa được biết nhưng những cảm giác tôn kính với vị thần ngự trị trên đảo khiến chúng tôi không ai dám “thử” lấy một nhành cây về nhà. Và chính những câu chuyện nửa thực, nửa hư về sự báo ứng của thần đã giúp đảo Dấu giữ được vẻ hoang sơ, quyến rũ. Bởi thế, một vị lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn đã nói: Nếu không coi trọng yếu tố tâm linh, chắc chắn rừng trên đảo Dấu đã bị tàn phá từ lâu rồi.

Báo Công lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét