Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Khám phá "nóc nhà" thứ 3 - Chiêu Lầu Thi

Chiêu Lầu Thi là một trong những núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Nơi đây có độ cao 2.412 m so với mực nước biển, đỉnh Chiêu Lầu Thi có thể coi là “nóc nhà” của Việt Nam, chỉ đứng sau đỉnh Panxipang và Tây Côn Lĩnh.
Với tích hợp khí hậu thuộc khu vực ôn đới, được thiên nhiên ưu đãi nên không khí ở Chiêu Lầu Thi luôn trong lành và mát lạnh, nơi đây lâu nay được coi là “kho báu” để phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng các sản phẩm xứ lạnh.
Nơi có nhiều thảo dược quý hiếm
Chiêu Lầu Thi nằm ở thôn Tân Minh và thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, cũng là đỉnh có vị trí giáp ranh 2 xã: Ngán Chiên, Thu Tà, huyện Xín Mần, nơi được xem “Một tiếng hú hoang dã của loài khỉ núi làm động cả 3 vùng của huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì”.
Dọc theo tuyến đường đến với Chiêu Lầu Thi du khách có thể thấy những cánh rừng già nguyên sinh với một quần thể thực vật phong phú. Hiện nay ở đây còn có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng rất nhiều cây gỗ quý như Pơ mu, cây ngọc am, đặc biệt  Chiêu Lầu Thi còn là nơi duy nhất có loại cây Tống Quá Sủ đang sinh trưởng. Tống Quá Sủ là một loại gỗ quý mà nhiều địa phương đang khuyến khích và đầu tư để phát triển.
Bên cạnh nguồn tài nguyên rừng thì đất đai ở trên đỉnh núi Chiêu Lầu Thi rất màu mỡ, không khí trong lành và nguồn nước rất dồi dào. Đây là nơi lý tưởng cho việc canh tác nhiều loại cây công nghiệp, cây đặc sản và đặc biệt nơi đây còn có rất nhiều loại rau thuốc, cây thuốc…

Theo người dân tộc Dao vùng Hồ Thầu có rất nhiều cỏ cây rừng tự nhiên sử dụng rất hiệu quả trong việc phòng, chữa bệnh. Ví như những người phụ nữ sau khi sinh nở được tắm bằng các loại lá cây thuốc trong rừng 3 lần, sau 3 ngày là có thể đi làm nương, làm rẫy bình thường. Hoặc có những bài thuốc tắm lá cây chữa bệnh phong tê thấp, đau nhức xương khớp rất tốt. Báu vật ở Chiêu Lầu Thi còn có nhiều loại chim, thú quý hiếm đến nay vẫn tồn tại được người dân địa phương bảo vệ như báu vật trong “gia phả” để làm giàu vốn rừng. Trong đó, Hươu có, nai có, lợn rừng có, chim quý có và gấu, khỉ cũng có. Người trong vùng quy định nếu ai xâm phạm “vốn quý” nơi Chiêu Lầu Thi còn nắm giữ sẽ bị cả làng phạt vạ nghiêm theo luật. Ngoài rau ăn làm thuốc, chim quý, thú quý “giữ rừng” người ta còn biết đến cây “chè thuốc” mọc ngay dưới đỉnh 2.412 m. Chè thuốc là loại chè Shan tuyết rất đặc biệt. Chè mọc thành vùng tựa như những cây cổ thụ của rừng. Búp chè thuốc màu tia tía đỏ, được phủ kín một lớp lông tơ mịn, lá dày, bản lá to, búp to. Mùa này chè thuốc đang cho búp. Kể rằng, cây chè mọc ở độ cao trên 2.000 m, hứng chịu gió từ 4 phương, sương 4 mùa mà tạo nên những tinh chất rất quý có tác dụng như “thuốc” bồi bổ sức khỏe con người. Mỗi năm người trong vùng chỉ tìm hái chè thuốc 2 lần, đó là lần 1 vào cuối xuân, lần 2 vào cuối hè, chớm thu về. Muốn hái chè thuốc Chiêu Lầu Thi người ta phải lên núi từ ngày hôm trước. Người hái chè phải làm lễ tế trời đất, tế lễ tổ tiên đã để lại các cây chè cổ, xin phép thần rừng để hái chè về làm thuốc cho người già, người thường xuyên ốm yếu, bệnh tật... Sau lễ tế, người hái ngủ lại trên núi, chờ sớm dậy, sương còn đọng trên lá, mặt trời lên cao chưa quá cây sào phải hái xong. Hái quá thời điểm trên, chất thuốc trong chè sẽ giảm và còn rất ít tác dụng chữa bệnh.
Bí ẩn khu rừng cấm
Ở dãy Chiêu Lầu Thi  còn có một khu rừng cấm mà chỉ người dân bản địa biết đến, đó là nơi thờ những vị thần.
Từ nhiều đời nay, người Dao ở bản Suối Thầu (xã Bản Luốc) nói riêng và nhiều người dân ở huyện Hoàng Su Phì tin rằng ngôi đền cổ bí ẩn bên dãy Chiu Lầu Thi là cầu nối gần nhất giữa trời và đất, là nơi người dân được gặp gỡ các vị thần. Họ cho rằng, bước chân vào ngôi đền là được bước vào thế giới thần linh.
Ngôi đền chỉ mở vào ngày 1/7 âm lịch hàng năm khi dân bản làm lễ cúng rừng, cầu mùa màng tốt tươi, dâng lợn cho các vị thần ngự trong đền. Ngoài ra, chỉ khi nào có thiên tai lớn, mất mùa, hoặc gia đình nào trong bản gặp nạn thì mới được mở cửa đền. Trước khi mở cửa đền phải mổ trâu để dâng thần. Không phải ngày lễ thì không ai dám lại gần khu rừng cấm và đặc biệt là vào đền Thượng bởi sẽ làm kinh động đến các vị thần linh. Người ta còn đồn rằng, nếu những người ở nơi khác đến mà vào khu vực này sẽ bị ốm đau bệnh tật.
Một trong những ngôi đền ở khu rừng này có ngôi đền thờ một vị thần đặc biệt – vị Thần thuốc phiện. Ngôi đền rất đơn sơ, với tường trình đất dày nửa mét và khung dựng bằng gỗ, giống với hầu hết những ngôi đền của đồng bào ở vùng núi cao rừng thẳm này. Tuy nhiên, mái lợp gỗ pơ mu truyền thống đã được dân bản hiện đại hóa bằng những tấm xi măng.
Theo người dân địa phương kể lại thì vài chục năm  trước đây bản Suối Thầu, rồi xã Bản Luốc, cũng như nhiều vùng của huyện Hoàng Su Phì vẫn còn chìm ngập trong những rừng hoa thuốc phiện, nhà nào bàn đèn cũng lăn lóc quanh bếp lửa. Tuy nhiên, mấy chục năm nay, cây thuốc phiện đã vắng bóng trên vùng đất này. Chính vì những tổn thất do sương khói mờ ảo của thứ nhựa chết người này nên ngôi đền thờ đã được lập nên để nhắc nhở đồng bào phải tránh xa loài cây cỏ giết người này.

Khánh Chi (TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét