Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Khám phá thác Mơ – Thanh Hóa



Cách thành phố Thanh Hoá chừng 100 km, theo Quốc lộ 217 ngược lên miền non cao là du khách đã đến thác Mơ (hay còn gọi là thác Muốn) kỳ thú và thơ mộng. Thác Mơ nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển là dòng thác gắn liền với câu chuyện tình cảm động mà tiếng thác tựa như một khúc ca buồn, tiếng thở dài tiếc nuối hạnh phúc của đôi trai tài gái sắc.

Người Mường Khô kể rằng: Trên đỉnh đồi Muốn có đôi vợ chồng nhân hậu đã luống tuổi mà chưa có con sinh sống bên cạnh một mó nước. Trời thương đã sai một tiên nữ đầu thai sinh ra một bé gái đáng yêu; càng lớn thiếu nữ càng trở nên xinh đẹp, rạng rỡ như đoá hoa Bông Trăng mùa xuân toả hương, khoe sắc và có tài xe bông kéo sợi. Một hôm, nàng ra mó nước bắt gặp một chàng trai tuấn tú trên đường đi săn. Họ ước nguyện cùng nhau đến tháng tốt ngày lành nên duyên chồng vợ. Thế nhưng đã mấy bận trăng khuyết, mấy mùa hoa Bông Trăng nở lại tàn mà chẳng thấy chàng trai quay trở lại, nghe hung tin chàng đã gặp hoạ ở Hang Lòn bởi một đàn gấu dữ. Thiếu nữ vẫn đinh ninh lời hẹn ước ngồi bên mó nước đợi chờ chàng, nước mắt chảy ròng hết tháng này qua năm nọ, nhiều đến nỗi hoá thành dòng thác. Từ đó, đồi Muốn và tên thác Mơ mãi là niềm thương cảm về tình yêu của người thiếu nữ xứ Mường Khô nhân hậu, thuỷ chung, đẹp người đẹp nết mà dân gian bao đời truyền lại.

Thác Mơ đẹp nhất là vào mùa xuân, mùa hè và cuối thu, khi ấy dòng thác thật hiền hoà, thơ mộng, mềm mại, mộc mạc và nồng nàn như thiếu nữ Mường Khô. Thác Mơ có 43 thác nước lớn nhỏ điều đó tạo ra những điều mới lạ, hấp dẫn, càng khám phá du khách càng hứng thú như bị hút hồn bởi vẻ đẹp tự nhiên, sự mát lành tinh khiết, xua tan sự mệt nhọc, mỗi bước chân chinh phục ngọn thác như được chắp thêm đôi cánh.
Đến với Mường Khô, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Mơ mà còn được gặp gỡ, chuyện trò với người Mường nơi đây nhân hậu, mến khách, ở lại và sinh hoạt với người dân bản địa trong nếp nhà sàn truyền thống, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, thưởng thức rượu cần và văn hoá ẩm thực xứ Mường. Điều đặc biệt đến với người và đất nơi đây khi chia xa lòng du khách mãi còn lưu luyến với hội xuống đồng, hội Pồn Pông, hội Xéc bùa... với tiếng cồng, tiếng chiêng ngân nga lan đến làng gần và tận cả mường xa./. 
 Nguồn: website thanhhoatourism

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét