Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Khu di tích Ngã Ba Giồng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa

.
Toàn cảnh khu di tích Ngã Ba Giồng.
Ngã ba Giồng tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, là một khu đất gò có diện tích hơn 10 ha ở làng Xuân Thới Tây xưa, nay là xã Xuân Thới Thượng. Ðây còn  là vùng đất xưa có nhiều cây bằng lăng cổ thụ mọc cho nên gọi là giồng Bằng Lăng.
Nơi đây, từng chứng kiến những sự kiện bà con Hóc Môn và Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Sài Gòn vùng dậy vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ lịch sử. Và cũng chính tại đây sau ngày 23-11-1940 đến ngày 31-12-1940, theo báo cáo chính thức của Thống đốc Nam Kỳ thì riêng tại vùng Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Sài Gòn, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, thực dân Pháp đã bắt và xử bắn 903 cán bộ, đảng viên, nhân dân đã tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.
Khu di tích Ngã Ba Giồng là nơi tố cáo tội ác thực dân Pháp đã sát hại hai đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng Bí thư của Ðảng ta và đồng chí Phan Ðăng Lưu, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, cùng nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào Sài Gòn - Gia Ðịnh sau ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ðể ghi nhớ tinh thần quật cường chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa này, năm 2010, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới toàn bộ khu di tích Ngã Ba Giồng và đã khánh thành vào ngày kỷ niệm 70 năm Nam Kỳ Khởi Nghĩa 23-11-2010. 
Tại khu di tích nơi mà thực dân Pháp làm trường bắn các lãnh tụ của Ðảng ta và đồng bào Sài Gòn - Gia Ðịnh tại Ngã Ba Giồng; nay là khu vực bao quanh bởi ba con đường: Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa và tỉnh lộ 19. Trên gò đất này, thực dân Pháp đã cho cắm một hàng  sáu cột cao 2,2 m, cách đều nhau. Cột bằng gỗ tròn 20 cm, chân cột đính chặt xuống đất bằng xi-măng trộn đá xanh. Phía sau hàng cột là những mô đất dài và cao hơn 2 m, cách hàng cột 1,5 m dùng để chắn đạn.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra ngày 23-11-1940  thể hiện ý chí sắt son của người dân  Nam Bộ luôn hướng về Ðảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp điên cuồng đưa quân lính ruồng bố liên tục, bắt bớ giết người vô tội vạ. Tại các nơi giam giữ của chúng, như Khám lớn Sài Gòn, bót Catinat không còn chỗ để giam người. Chúng sử dụng một số nơi để giải tỏa bớt như kho hàng Khánh Hội, trại Lazaret ở Nhà Bè, nhà thương Chợ Quán, nhà tù Phú Mỹ... Tại những nơi nói trên, trung bình có từ 20 đến 30 người chết mỗi ngày.
Nơi đây bây giờ là một khu tưởng niệm về những sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Ðảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Ðịnh. Trong khuôn viên khu di tích là những hiện vật, hình ảnh lịch sử về những con người, vùng đất của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Hằng ngày,  rất đông du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử của cuộc khởi nghĩa đầy anh dũng cách đây 71 năm. Di tích Ngã Ba Giồng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2002. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quy hoạch, xây dựng thành địa điểm du lịch truyền thống để nhớ về một thời kỳ ác liệt mà người dân Nam Bộ đã cùng với Ðảng ta làm nên những sự kiện Anh hùng.
HỒNG HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét