Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Làng dệt chiếu An Xá

Vẫn được biết đến qua câu “chiếu cói An Xá, nón lá Quy Hậu”, trải bao thăng trầm lịch sử, người dân làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đến nay vẫn giữ được nghề dệt chiếu cói thủ công truyền thống và đang hướng tới xây dựng sản phẩm này trở thành thương hiệu của làng.

Theo lịch sử làng kể lại, nghề dệt chiếu cói thủ công truyền thống của người dân An Xá xuất hiện vào thế kỷ XVI, khi mà cụ Ngô Khai, người lấp sông khai đất An Xá ngày nay khuyến khích người dân nơi đây làm thêm nghề dệt chiếu cói vào những lúc nông nhàn. Từ đó, nghề dệt chiếu cói dần dần trở thành nghề thủ công truyền thống nơi đây.  Cùng với thời gian, đến nay người dân An Xá đã mở rộng diện tích trồng cói ra thành 10ha với 70 hộ gia đình, mỗi hộ dệt được 200 đôi chiếu/năm với thu nhập bình quân đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ năm. Những lúc vào mùa, để đảm bảo trả hàng cho khách hàng, mỗi nhà phải thuê 3 đến 5 lao động.

Dưới sự hướng dẫn của ông trưởng thôn Bùi Hữu Sơn, chúng tôi được “mục sở thị” quanh làng An Xá. Tiếng lạch cạch của khung dệt chiếu cói phát ra từ các nhà khiến chúng tôi không khỏi tò mò về không khí làm việc ở đây. Là một trong những người làm chiếu có nghề ở An Xá, cô Lê Thị Bền tay thoăn thoắt đan sợi cho biết chiếu cói An Xá dệt với 3 mẫu mã là chiếu trắng, chiếu hoa và chiếu kẻ.
 

Đến nay người dân An Xá đã mở rộng diện tích trồng cói ra thành 10ha. (Ảnh: Thanh Giang)

Người dân An Xá vẫn lưu truyền được nghề dệt chiếu cói thủ công bằng những khung dệt truyền thống. (Ảnh: Tất Sơn)

Dệt chiếu cói dần dần trở thành nghề truyền thống của người dân An Xá. (Ảnh: Tất Sơn)

Ông Trần Hữu Trung (Chủ nhiệm HTX Chiếu cói An Xá) kiểm tra một sản phẩm chiếu được hoàn thành từ máy dệt. (Ảnh: Tất Sơn)

Những chiếc máy dệt được đầu tư giúp cho năng suất cũng được nâng lên. (Ảnh: Tất Sơn)

Công đoạn cắt, tỉa bằng tay sau khi chiếu được dệt xong. (Ảnh: Tất Sơn)

Khâu in hoa văn trang trí giúp cho sản phẩm chiếu cói thêm bắt mắt. (Ảnh: Tất Sơn)

Sau khi được nhuộm màu chiếu sẽ được mang đi giặt. (Ảnh: Thanh Giang)

Nghề làm chiếu cói được chính quyền quan tâm và lập thành hợp tác xã
giúp bà con phát triển thêm nghề làm chiếu truyền thống của mình. (Ảnh: Thanh Giang)

Giờ đây chiếu cói An Xá đã có mặt không chỉ trong phạm vi tỉnh Quảng Bình mà đã được chuyển bán sang các vùng lân cận.
(Ảnh: Tất Sơn)

Để dệt được một chiếc chiếu cần có hai người, một người dệt chiếu và người còn lại đưa cói vào khung dệt. Tùy từng họa tiết mà người dệt chiếu điều khiển cách đan để hoa văn và hình dáng khớp với nhau. Công đoạn chọn sợi cói và nhuộm màu yêu cầu phải thật cẩn thận và tỉ mỉ, bởi màu sắc đậm nhạt và hoa văn sản phẩm quyết định ít nhiều đến độ  phai màu theo thời gian của chiếu.

Với định hướng xây dựng thương hiệu chiếu cói An Xá ngày càng có tiếng trên cả nước, từ năm 2010 xã Lộc Thủy đã thành lập Hợp tác xã chiếu cói An Xá và đầu tư mua 3 máy dệt chiếu bán tự động để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện nay Hợp tác xã đã có 29 xã viên, bình quân thu nhập 3 triệu đồng/người/ tháng.

Chiếu cói An Xá giờ đây có mặt không chỉ trong phạm vi tỉnh Quảng Bình mà đã được chuyển bán sang các vùng lân cận. Đặc biệt là các sản phẩm chiếu từ 1m đến 1,6m có sự phát triển vượt bậc so với chiếu cói truyền thống từ quá trình nhuộm cói, in hoa văn và may viền chiếu, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.

Rời khỏi làng dệt chiếu cói An Xá, tiếng cười nói, âm thanh đập giặt chiếu bên dòng sông Kiến Giang khiến chúng tôi như cảm nhận được sự gắn bó với nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây sẽ đưa sản phẩm chiếu cói An Xá phát triển trong một tương lai không xa./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn, Thanh Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét