Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Làng miến Giới Phiên

Đến Giới Phiên vào bất kì thời điểm nào trong năm, dọc theo con đường quốc lộ chạy qua làng, đâu đâu cũng trắng xóa những thửa ruộng phơi miến của các hộ gia đình nơi đây. Nhắc đến lịch sử nghề làm miến của làng thì gần như không ai còn nhớ rõ nhưng có một điều chắc chắn rằng nghề làm miến là một nghề đã giúp người dân thoát nghèo và xây dựng kinh tế gia đình bền vững.

Chúng tôi theo lời chỉ dẫn của một người dân trên đường khi hỏi thăm về làng miến Giới Phiên: “Anh chị cứ đi dọc theo đoạn đường quốc lộ này, đến chỗ nào thấy người ta trồng cây đót thì bắt đầu đến làng Giới Phiên.”. Quả thật như vậy, khi chúng tôi vẫn đang chăm chú nhìn đường thì trước mặt hiện ra bạt ngàn là những ruộng đót. Đót được trồng khắp hai bên con đường quốc lộ dẫn vào làng. Người dân nơi đây vẫn nói vui với nhau: “Không cần xây cổng làng mà chỉ cần nhìn thấy những ruộng đót từ xa là người ta biết được trước mặt là làng Giới Phiên rồi”.

Cả xã Giới Phiên người dân đều làm miến nhưng tập trung nhiều nhất và miến ngon nhất thì chỉ ở Thôn 6. Cả thôn có đến 60 hộ gia đình làm miến, còn lại không có kinh phí và đất đai eo hẹp thì đi làm công thuê cho những gia đình có xưởng lớn. Ở Giới Phiên, miến được làm quanh năm nhưng tập trung nhất và được gọi là “ngày mùa” là vào dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên Đán.
 

Bột dong dùng để làm miến.

Đổ bột vào khuôn ép.

Anh Thu cho biết, bột phải cho vào khuôn khi đang còn nóng
thì mới ép được ra sợi miến.

Những ngày nghỉ hè, bé Quỳnh con anh Thu
cũng tham gia phơi miến giúp bố mẹ.

Những sợi miến mới ra lò.

Anh Độ đang đảo các phên miến cho khô đều.

Những phên miến trải rộng trên khắp khu vườn nhà.

Những ruộng miến là hình ảnh quen thuộc thường thấy trên đường vào làng Giới Phiên.

Ở Giới Phiên hầu như nhà nào cũng có xưởng làm miến.

Những chiếc máy ép miến công nghiệp đã giúp người dân rút ngắn được rất nhiều thời gian làm miến.

“Nghề làm miến không làm người dân nơi đây giàu lên nhanh chóng nhưng bù lại nó cho chúng tôi quanh năm có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Miến làm ra ngày nào là bán hết ngày đó, không có miến thừa cho hôm sau”, anh Tô Văn Thu chia sẻ với chúng tôi. Nói về lịch sử nghề làm miến thì bố anh là một trong những người tiên phong mang nghề miến về làng. Không biết bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết là nó xuất phát từ nghề làm miến Tam Thanh của Trung Quốc. Anh Thu kể lại, lúc đầu sợi miến làm ra rất to và còn không đều do không có máy móc như bây giờ mà tất cả phải dùng khoan tay, vì thế nhiều khi cả ngày chỉ làm được 1kg miến mà cũng mệt đến mướt mát mồ hôi rồi.

Đó là câu chuyện của 30 năm về trước khi máy móc còn thô sơ, phải làm thủ công. Còn ngày nay, người dân làm miến đã có sự hỗ trợ rất nhiều từ máy móc. Bởi vậy vừa rút ngắn được thời gian làm, năng suất cao hơn và quan trọng là miến làm ra sợi nào sợi nấy thẳng đều tăm tắp. Nhờ có máy, trung bình 1 ngày mỗi hộ làm được khoảng 80 đến 120kg miến. Tuy vậy, vẫn không ai dám nói nghề làm miến đã nhàn hạ hơn, nếu không muốn nói là vô cùng vất vả. Cả gia đình có bao nhiêu nhân khẩu đều phải tập trung vào làm miến, vì nó có rất nhiều công đoạn nên phải chia nhau ra làm mới kịp cho mỗi mẻ miến ra lò. Một ngày của làng miến Giới Phiên bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 2 – 3h chiều. Họ phải làm qua cả trưa và vào những ngày mùa giáp Tết thì 10 – 11h đêm vẫn còn phải ngồi bó miến để kịp hàng Tết. “Thậm chí con cái những ngày đó, anh đều phải gửi sang cho ông bà nội chăm sóc”, anh Độ một chủ hộ làm miến cho biết.

Chứng kiến tất cả quy trình làm miến từ lúc trộn bột, pha bột, quấy bột,…cho đến khi sợi miến ra lò, tôi mới thực sự cảm nhận được sự vất vả của nghề miến Giới Phiên. Nhưng cái đỉnh điểm của sự vất vả không nằm ở chỗ đó mà lại ở thời tiết. Nghề làm miến còn được gọi là nghề “đo ý trời”. Công sức cả một ngày của cả gia đình có thể trong chớp mắt mất trắng nếu có những cơn mưa rào bất chợt. Bởi vậy họ phải cập nhật thời tiết từng ngày, từng giờ. Trời càng nắng to bao nhiêu càng tốt. Có như vậy, miến phơi mới đạt chuẩn độ khô.


Những sợi miến khi khô thẳng đều và trắng muốt.

Miến được bó thành từng bó và đem phơi lần nữa cho thật khô.

Những bó miến thành phẩm của người làng Giới Phiên đang chờ đưa đi bán.

Cứ 1kg bột ướt thì làm ra được 6 lạng miến. Giá thành 1kg bột ướt là 15.000đ và 1kg miến giá bán dao động từ 30.000 – 33.000đ. Như vậy 1kg miến, trung bình người dân lãi được 4.000đ. Những dịp cuối năm hàng bán chạy, một ngày bán được 5 – 6 triệu tiền hàng. Anh Thu cho biết: “Vào những dịp cuối năm không đủ sức mà làm, gia đình nào cũng phải thuê thêm 2 – 3 người để kịp chạy hàng”. Riêng gia đình anh Thu có những mối hàng xuất đi Lào Cai nên ngày nào cũng không hết việc để làm.

5h chiều, chúng tôi rời làng Giới Phiên khi những công đoạn cuối cùng là bó miến đã hoàn tất. Cả một ngày ở làng, đến lúc này mới có dịp được ngồi nói chuyện thong dong với gia đình anh Độ, chị Nụ. Gia đình chị mùa này chỉ có 2 vợ chồng làm và thi thoảng có thêm bé Quỳnh, bé Tiến là hai đứa con của anh chị ra phơi miến giúp mẹ. Chị Nụ nhìn hai đứa con, rồi quay sang nói với tôi: “Nghề làm miến này vất vả lắm em ạ, nhưng được cái ngày nào cũng có việc đều đặn, miến làm ra đều tiêu thụ được hết, nên anh chị cũng có đồng ra đồng vào để nuôi các cháu ăn học. Vất vả một chút để cố gắng lo cho các cháu học hành nên người”. Nhờ có tiền dành dụm từ mấy năm theo nghề miến mà gia đình chị cũng vừa xây được căn nhà 2 tầng khang trang.

Chia tay làng miến Giới Phiên, trên đường đi, cứ cách một đoạn lại bắt gặp một ngôi nhà gác khang trang mọc lên. Tôi nghĩ bụng, âu cũng là ông trời không phụ công vất vả, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây nên đã cho người dân Giới Phiên sống được bằng chính nghề làm miến./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét