Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Lăng Ông ở Hòn Đá Bạc

Lăng Ông - Hòn Đá Bạc hình thành từ năm 1995, khi ngư dân phát hiện cá voi (ngư dân gọi là “Ông Nam Hải”) dạt vào bờ và “lụy”.
Biết có điềm lành, dân xóm hòn tổ chức an táng “Ông” và sau đó mang hài cốt về lập miếu thờ trên đỉnh Hòn Đá Bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Theo quan niệm của ngư dân, cá voi là loài vật linh thiêng, chuyên cứu người khi gặp nạn trên biển. Vì vậy mà họ luôn tôn thờ và phong tặng cho loài cá voi là “Đại tướng quân Nam Hải”.


Có rất nhiều du khách ghe thăm di tích lịch sử này, trong đó, có không ít là học sinh THPT vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp tại Cà Mau cũng tới đây để tham quan, ngắm nhìn bên bộ xương cá Ông cực lớn nơi cực Nam đất nước ta.


Hằng năm, đến ngày 23-5 âm lịch, Hòn Đá Bạc lại rộn ràng đón tiếp hàng ngàn lượt người đến cúng Ông Nam Hải. Lễ cúng Ông là nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang nghĩa ý nghĩa tâm linh, cầu mong đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển cả; là nhu cầu giải trí, giao lưu và cố kết cộng đồng ngư dân, vừa tôn vinh các giá trị văn hóa dân gian của người dân ven biển. 
Tham quan lăng Ông - Hòn Đá Bạc, du khách sẽ được nghe những giai thoại và hiện thực về loài cá này. Trên bức tường lăng Ông có bút tích của ông Nguyễn Văn Hùng, một chủ tàu ngụ tại số nhà 370, khu phố 4, An Hòa, Rạch Giá - Kiên Giang, là chủ chiếc ghe số 919 đã được Ông cứu nạn vào năm 1996.


Đến Hòn Đá Bạc cúng Ông, du khách còn được chiêm ngưỡng 3 hòn đảo xinh đẹp: Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi và Hòn Đá Bạc. Trên hòn có những tàng cây xanh cổ thụ và nhiều huyền thoại: Sân tiên, giếng tiên, bàn chân tiên, bàn tay tiên…, đặc biệt là di tích bia chiến công của lực lượng An ninh Việt Nam trong Chuyên án CM12 oai hùng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Hòn Đá Bạc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 22-6-2009.
Hòn Đá Bạc - chốn tiên cảnh dải cực Nam Tổ quốc
Thứ tư, 24/04/2013, 16:53 (GMT+7)
Đến Cà Mau, ngắm dải cực Nam của Tổ quốc, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những cảnh đẹp miền sông nước và tấm lòng chân chất của những con người hồn hậu nơi đây. Nơi miền đất Mũi thiêng liêng ấy, bên cạnh việc thả hồn theo điệu “dạ cổ Hoài Lang” trên dòng sông Gành Hào, thưởng thức những món ăn đồng quê trong rừng tràm U Minh, thì du khách chẳng ai bỏ qua những địa danh đẹp nao lòng làm thăng hoa cảm xúc. Và địa danh hòn Đá Bạc, sẽ là một trong những gợi ý hết sức thú vị.

Hòn Đá Bạc là một hòn đảo nhỏ nằm sát biển, nhìn sang vịnh Thái Lan, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Không to lớn như nhiều đảo khác, nhưng hòn Đá Bạc lại là hòn đảo có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, khai thác biển và du lịch.

Đường vào hòn Đá Bạc khá dài và rộng.

Từ thành phố Cà Mau đến hòn Đá Bạc khoảng 50km, sẽ thật thú vị khi chạy xe máy dọc theo một con đường nhỏ thẳng tắp. Ai không biết đường đi, hỏi người dân xung quanh, họ đùa: “Cứ đi thẳng sẽ tới chốn bồng lai”. Với chúng tôi, mỗi lần đến đây thấy mình như đang đi vào miền đất thần tiên, bởi lẽ tình người đẹp và cảnh vật cũng đẹp như trong chuyện cổ tích. Dọc hai bên con đường là cây cối, những ngôi nhà nhỏ nhỏ la đà trên sông, thảng bắt gặp những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, đẹp như một bài thơ. Nếu đi bằng đường thủy, du khách có thể mướn cano hoặc ghe chạy bằng tàu máy của người dân địa phương từ bến tàu B chỉ mất chừng 45 phút là tới hòn Đá Bạc.
Đường vào hòn Đá Bạc khá dài và rộng.
Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,34ha, nơi cao nhất chỉ 50m so với mặt nước biển, cách cửa biển Kinh Hòn chừng 700m, nơi gần nhất chưa đầy 200m, gồm các hòn nằm liền nhau là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Đá. Điều kỳ thú là bao bọc quanh hòn là hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau, với nhiều hình thù kỳ lạ, có những hình như những bàn tay, bàn chân Tiên, giếng Tiên, sân Tiên. Trên đỉnh phía đông của hòn Đá Bạc có các mảng đá to và bề ngang khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một dấu giống như hình bàn chân. Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân tiên, còn mảng đá này là sân tiên. Vì vậy, nơi đây được người dân ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đỉnh cao nhất của hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải, nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Cá Ông cứu người, dạt vào Kinh Chùa (Sông Đốc) ngày 20-5-1995. Được khoảng 3 ngày sau, Ông lụy (chết), mọi người đem chôn và đến năm 1996 đưa về hòn Đá Bạc bộ xương để thờ. Ngư dân vùng này đi biển gặp bão, được cá Ông cứu giúp. Vì thế, họ thầm cảm ơn Ông và đem thờ Ông như một vị thần cứu nhân độ thế. Tương truyền, đền thờ Ông Nam Hải rất thiêng. Ngày nay, không chỉ ngư dân gần đó tới viếng Ông, mà du khách thập phương nghe tiếng Ông linh thiêng đều kéo về thăm viếng và cầu mong Ông phù hộ độ trì cho gia đạo bình an, không gặp sóng gió, trắc trở.

Chúng tôi mỗi khi có dịp đến vùng Đất Mũi thường lang thang ngắm cảnh đẹp và thưởng thức văn hóa ẩm thực nơi hòn Đá Bạc. Bởi vì không chỉ là cảnh đẹp, không chỉ là một địa danh với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mà vì mỗi lần đến đây dù sáng hoặc chiều tối, người ta đều luôn gặp cảnh ngư dân cạy hàu, câu cá nâu - một đặc sản hấp dẫn của Cà Mau, hoặc dùng ghe câu cá ngát, bắt tôm tích… để rồi ai nấy đều thích thú đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng hòa lẫn yếu tố tâm linh. Chắc chắn đây là những phút giây thư giãn trọn vẹn nhất, giúp mọi người thư thái, thoải mái hơn khi trở lại TPHCM tiếp tục những công việc hàng ngày trong một cuộc sống phong phú và đầy sự cạnh tranh. 
Bài và ảnh: THANH THỦY
Đất Mũi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét