Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Làng rèn Lộc Trát

Theo Quốc lộ 22 chạy qua huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh sẽ đến làng rèn Lộc Trát (ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc). Mặc dù đi trên con đường làng rợp bóng cây xanh nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận thấy cái hơi nóng hầm hập phả ra từ các bễ rèn luôn đỏ lửa và vang lên tiếng đe búa đập vào nhau chan chát…

Theo các nghệ nhân cao tuổi ở Lộc Trát, nghề rèn ở đây dễ đã có hơn 100 năm. Trong đó có nhiều gia đình theo nghề rèn trên dưới bốn đời. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, dù nghề rèn hôm nay không còn như xưa, do các sản phẩm rèn thủ công không cạnh tranh được với những sản phẩm sản xuất bằng phương pháp công nghiệp, nhưng nhiều người thợ rèn ở Lộc Trát vẫn tiếp tục mưu sinh với nghề truyền thống. Ông Nguyễn Văn Sinh (54 tuổi), người đã có xấp xỉ 40 năm “tay đe, tay búa” cho biết: “Được cha ông truyền lại nên tôi vẫn cố gắng làm như là cái nghiệp cần phải giữ gìn và cũng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình”.
 

Nghề rèn có mặt ở Lộc Trát đã hơn trăm năm nay.

Có những gia đình cả 4 đời đều làm nghề rèn..

Sản phẩm của làng chủ yếu là đồ nông cụ và gia dụng như cày, cuốc, liềm, phạng, dao, kéo...


Nguyên liệu chủ yếu là các loại thép thường có trên thị trường.

Điều quan trọng tạo nên chất lượng của sản phẩm là kĩ thuật tôi thép của người thợ.

Và cách điều tiết ngọn lửa của lò nung.

Hơn 100 năm nay, người làng Lộc Trát vẫn trung thành với lối rèn thủ công như ngày nào.

Cùng với lò rèn của ông Sinh, làng rèn Lộc Trát hiện có khoảng 20 lò rèn đang hoạt động. Bình quân, các sản phẩm như dao, rựa, kéo… giá khoảng 30.000 đến 70.000 đồng/cái. Mỗi người một ngày làm được khoảng 70.000 đồng sau khi đã trừ tiền sắt, tiền công phụ đập… Lò rèn của một gia đình ở Lộc Trát thường đặt trước sân nhà với diện tích khoảng 6-10m2.

Chứng kiến quá trình rèn để cho ra một sản phẩm nông cụ mới thấy được sự dẻo dai và bền bỉ của người thợ rèn. Theo ông Sinh, thường mỗi lò chỉ cần một thợ chính và một phụ đập để rèn sản phẩm. Thường thì hai người rèn được chừng 3, 4 cái rựa hoặc 9, 10 cái dao mỗi ngày.

Làng nghề rèn Lộc Trát lâu nay vẫn chuyên sản xuất các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp hay sinh hoạt hàng ngày như: cày, cuốc, liềm, phạng… Trước đây, vào mùa vụ, công việc thường làm không xuể. Nhiều lò rèn phải huy động cả gia đình làm suốt đêm mới đủ hàng giao cho khách hàng. Nhưng thực tế khoảng chục năm trở lại đây, khi nông cụ cầm tay đã dần được cơ khí hóa và sản xuất bằng máy thì các đơn đặt hàng cứ thưa dần, nghề rèn theo đó cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể đến sự cạnh tranh của các mặt hàng của Thái Lan, Trung Quốc nhập khẩu ngày càng nhiều với chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp, dù chất lượng không tốt bằng sản phẩm của Lộc Trát. Hiện tại, nhiều hộ làm nghề rèn ở Lộc Trát đã tìm các đầu mối để đưa sản phẩm của mình sang Lào, Campuchia tiêu thụ hay tự chở hàng đi bán ở các chợ trong và ngoài tỉnh.

Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng làng rèn Lộc Trát nói riêng và nhiều làng nghề khác ở Tây Ninh nói chung, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và văn hóa của người dân nơi đây. Điều đó thể hiện rất rõ qua nhịp sống của làng nghề vẫn ngày ngày vang lên tiếng quai búa, tiếng kim loại va đập, tiếng cời than trong bễ… và cả cái tên đất, tên làng giờ cũng đã trở thành tên gọi của làng nghề./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét